Cầm giấy đọc

Nguyễn Văn Tuấn

clip_image002

Ông Thủ tướng PMChính có lần phê bình cấp dưới khi họ cầm giấy đọc. Thầy cũ tôi hay nói “nếu ngươi cầm giấy đọc ta sẽ g.i.ét ngươi.” Dĩ nhiên, đó chỉ là lời nói đùa nhưng cũng để nói lên cái điểm rằng: đã xuất hiện trong hội nghị khoa học thì không được đọc, mà phải nói.

Tôi dự hội nghị khoa học quốc tế lần đầu vào đầu thập niên 1990s và học bài học … nói. Đó là một hội nghị khoa học thường niên của Hội loãng xương Hoa Kì, nhưng thường thu hút 5000 người trên khắp thế giới đến dự và chia sẻ kiến thức. Trong một hội nghị như thế, số báo cáo lên đến hơn 1000 bài, và người ta chọn khoảng 5-10% cho báo cáo miệng (oral presentation). Năm đó, bài của tôi được chọn báo cáo miệng trong phiên khoáng đại — một vinh dự cho thầy lẫn trò và Viện nghiên cứu.

Thầy tôi rất cẩn thận, chỉ cách soạn slides và cách nói. Slide được soạn theo công thức “n by n” (mỗi slide có tối đa 6 dòng và mỗi dòng có chừng 6 chữ. Cách viết là telegraphic, tức viết ngắn như điện tín và không tuân thủ theo văn phạm tiếng Anh. Người báo cáo chỉ cần nhìn vào slide mà biết mình nói gì. Do đó, cái slide có thể chỉ có 6 dòng hay 1 hình, nhưng có thể nói cả 3-4 phút.

Lúc đó, tiếng Anh tiếng u của tôi không tốt, nên tôi viết ra trên giấy và định là khi báo cáo thì chỉ cần đọc là ok. Nhưng thầy tôi bảo qui tắc của labo là không được đọc slide và không được cầm giấy. Ổng còn nói thêm: ngươi mà cầm giấy đọc thì ta sẽ g.iết ngươi. Nói chơi thôi, nhưng ổng rất nghiêm nghị về qui tắc này. Không một ai trong lab mà xuất hiện trong hội nghị cầm giấy đọc; ai cũng ‘ứng khẩu’ một cách lưu loát.

Tại sao không cầm giấy đọc? Tại vì, theo nghiên cứu tâm lí học, hành động đó (đọc tờ giấy soạn sẵn) gây cảm tưởng ở khán giả rằng người đọc không nắm vững vấn đề và không biết mình nói gì, hay nói cho người khác. Một cảm nhận khác là thiếu tự tin. Và, vì không nắm vững vấn đề nên phải dựa vào cái phao.

Cái lí do thứ hai là khi người cầm giấy đọc, khán giả chỉ chú ý đến người đó hơn là cái slide. Thế nhưng mình lại muốn người ta quan tâm đến nội dung cái slide. Mà, cá nhân thì dễ chán, nhìn một lúc thì cũng … bỏ qua. Khi khán giả chú ý đến cá nhân thì cái thông điệp muốn chuyển tải sẽ không tới khán giả.

Lí do thứ ba là thiếu sự tương tác. Một bài báo cáo tốt không chỉ ở nội dung hay mà còn ở phong cách mà người báo cáo tương tác với người theo dõi. Tương tác qua ánh mắt, động thái tay chân, và thay đổi giọng nói. Thế nhưng khi người báo cáo cầm giấy đọc thì khán giả chỉ thấy họ nói chuyện với tờ giấy, chớ không nói với khán giả.

Ấy vậy mà trong thực tế nhiều người thường cầm giấy đọc. Trong các hội nghị khoa học cấp quốc gia và quốc tế, thậm chí trong nghị trường VN nhiều người phát biểu đều cầm giấy đọc. Có thể là do thói quen, nhưng cũng có thể người phát biểu cảm thấy hồi hộp đứng trước đám đông. Tôi có quen với một giáo sư y khoa Mĩ, chị ấy cho biết khi nói trước hội nghị đông người chị ấy phải uống thuốc! Ở VN theo tìm hiểu của tôi, người ta cầm giấy đọc là vì đó là một chứng từ để về sau người khác có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, dù lí do là gì thì cái ấn tượng mà khán giả dành cho người đọc (thay vì nói) là … yếu ớt.

Vậy thì làm sao khắc phục vấn đề? Tôi hay khuyên các em nghiên cứu sinh trong lab là nếu tiếng Anh chưa tốt thì hãy học thuộc lòng bài thuyết trình 10-15 phút. Viết xuống những gì mình muốn nói, rồi học thuộc lòng, sau đó tự diễn trước gương. Diễn cho đến khi nào bài nói chuyện trơn tru thì thôi. Sau đó là nghĩ ra những câu hỏi (và câu trả lời). Ngay cả khi bị cúp điện, các em ấy vẫn nói được như thường! Cách thực hành này rất ư hiệu quả. Khi xuất hiện trước hội nghị, các em ấy nói lưu loát, có khi hùng biện, gây ấn tượng tốt cho khán giả.

Các bạn thử thực hành như trên xem. Sẽ rất có hiệu quả!

Xin nói thêm rằng một buổi nói chuyện hay báo cáo KHÔNG cần phải hoàn hảo tuyệt đối. Khi chúng ta nói quá hay, quá trơn tru, quá chuyên nghiệp thì cái ấn tượng ở khán giả đó là một … máy nói. Máy chứ không phải người. Người có thể sai sót, trầy vuột, hay nói chung là không hoàn hảo. Các bạn (và tôi nữa) ‘có quyền’ không hoàn hảo: chúng ta có thể ngập ngừng, có thể phát âm sai, có thể quên, có thể không trả lời được một câu hỏi nào đó. Do đó, khi báo cáo, chúng ta nên tỏ ra là ‘nhân vô thập toàn’ (không nên như là cái máy), mà phải (nếu được) giả vờ sai sót một điều gì đó không quan trọng.

Ở Úc, ngay từ thời tiểu học, học sinh đã được tập nói chuyện trước đám đông. Họ học cách tranh luận trong lớp học và đóng vai dân biểu. Có khi họ chia lớp học thành hai phe, chánh phủ và đối lập, rồi tranh luận về một chủ đề nào đó (như môi trường chẳng hạn). Khi lên đại học, họ có những câu lạc bộ tranh luận. Thành ra, khi ra đời, dù là trong thương trường hay chánh trường, họ rất tự tin và biết tranh luận. Họ không bao giờ cầm giấy đọc. Trong Quốc hội, thỉnh thoảng cũng có bộ trưởng nói ‘xạo’, nhưng họ không bao giờ đọc văn bản soạn sẵn, mà ứng khẩu và tương tác ‘nhiệt tình’ với khán giả.

Tôi nghĩ chúng ta nên tập cho các em học sinh, ngay từ thời tiểu học và trung học, cách tranh luận. Hiện nay, giáo dục VN dạy cho các em tánh khiêm tốn (chẳng có gì sai) nhưng kém tự tin. Nên chỉ cho các em ấy biết thế nào là một tranh luận có chất lượng cao và nó khác với cãi lộn ra sao. Dĩ nhiên, một kĩ năng quan trọng là không nên cầm giấy đọc khi tham dự hội nghị hay bất cứ diễn đàn mang tính tương tác cao.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn