Hai vấn đề lớn về đất đai tôn giáo trong Dự thảo Luật Đất đai: Vừa siết chặt vừa mơ hồ?

Văn Tâm

Gông cùm nhà nước ngày càng đè nặng.

clip_image002

Sự mơ hồ của việc loại bỏ “cơ sở khác của tôn giáo” thể hiện rất rõ thông qua trường hợp Đan viện Thiên An tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguồn: Theo RFA - ảnh Facebook Đan viện Thiên An.

Vào tháng 7/2022, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được công bố để lấy ý kiến người dân [1]. Dự thảo này đưa ra một số thay đổi liên quan đến đất đai của các tổ chức tôn giáo.

Theo dự thảo, các quy định bất cập hàng thập kỷ qua đối với đất đai tôn giáo không những được giữ nguyên mà còn sửa đổi theo hướng siết chặt hơn nữa.

Các quy định về đất đai đang trói buộc các tôn giáo ra sao?

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo thêm hai vấn đề lớn như thế nào đối với các tổ chức tôn giáo?

Bị cùm chân với các quy định đất đai

Thử tưởng tượng bạn là một doanh nghiệp nhưng không được quyền mua đất để mở rộng nhà xưởng hay dự án. Thế là bạn đi hỏi xin nhà nước giao đất cho bạn. Có thể bạn không cần trả tiền thuê đất nhưng bạn phải đợi rất lâu để được phê duyệt. Nếu may mắn được giao thì mảnh đất có thể không như bạn mong đợi. Tệ hơn nữa, bạn sẽ không bao giờ được cấp đất nếu chính quyền cho rằng bạn có thái độ “lồi lõm”, không làm theo lời của họ, mặc dù điều đó không hề được quy định trong luật. Bạn nghĩ sao về những sự vô lý này?

Đây cũng chính là cơ chế mà nhà nước dành cho các tổ chức tôn giáo trong Luật Đất đai năm 2013.

Dù có khả năng tài chính hay nhu cầu mở rộng cơ sở tôn giáo nhưng các tổ chức tôn giáo không được tự ý mua thêm đất như các tổ chức kinh tế thông thường.

Bạn ắt hẳn biết rõ một cơ chế như vậy sẽ dẫn đến đâu.

Thứ nhất, các tổ chức tôn giáo không thể phát triển tự nhiên. Muốn có thêm tín đồ, muốn mở rộng các hoạt động tôn giáo thì phải mở rộng cơ sở tôn giáo, muốn mở rộng cơ sở thì phải có đất đai, muốn có đất đai thì phải lệ thuộc vào nhà nước. Nhà nước trở thành người có thể khống chế sự phát triển của các tôn giáo.

Thứ nhì, để nhà nước giao đất miễn phí thì tổ chức tôn giáo rất có thể phải đánh đổi một thứ gì đó cho nhà nước. Việc giao đất trở thành một giao ước có điều kiện. Chẳng hạn, tổ chức tôn giáo chấp nhận sự can thiệp của nhà nước vào công tác tổ chức nội bộ, chịu im lặng trước các vấn đề chính trị - xã hội, hoặc thực hiện một kế hoạch nào đó do nhà nước chỉ đạo.

Trên thực tế, ngoài tổ chức sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ, các tôn giáo còn tổ chức nhiều hoạt động an sinh - xã hội hỗ trợ người dân. Đây là bản chất của tôn giáo không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Có thể bạn không mấy ấn tượng về những hoạt động an sinh - xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân là từ sau năm 1975, các tài sản dùng để tiến hành các hoạt động an sinh - xã hội của các tôn giáo ở miền Nam đã bị tịch biên, trưng dụng.

Cho đến nay, chính quyền vẫn cấm hoặc hạn chế mức độ mà các tôn giáo được làm trong công tác an sinh - xã hội như vận hành các bệnh viện, trường học, cô nhi viện, viện dưỡng lão, tổ chức từ thiện, tổ chức cứu trợ, v.v.

Vấn đề đất đai là vấn đề trực tiếp tác động đến những hoạt động an sinh - xã hội của tôn giáo. Hiện nay, các tôn giáo Việt Nam vẫn thực hiện công tác an sinh - xã hội ở quy mô rất nhỏ, nhưng dù nhỏ cỡ nào đi nữa thì cũng cần có đất đai. Tuy nhiên, đất đai dành cho các hoạt động an sinh - xã hội phải lệ thuộc vào chính quyền.

Hiện nay, các tôn giáo được nhà nước cho phép mở trường mầm non tư thục và trường dạy nghề. Năm 2014, cả nước có 269 trường mầm non của các tổ chức, cá nhân tôn giáo [2]. Tuy nhiên, sau sáu năm, con số này chỉ tăng lên thêm 31 trường, đạt tổng số 300 trường vào năm 2020 [3]. Trong khi đó, nhu cầu về trường học mầm non ở các thành phố vẫn còn rất lớn [4].

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhìn chung vẫn giữ nguyên quan điểm kìm kẹp như bao năm qua về đất đai tôn giáo. Tuy nhiên, có hai thay đổi sẽ khiến gông cùm nhà nước đè nặng lên các tôn giáo hơn nữa [5].

clip_image004

Khu vực đất đai thuộc Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (TP.HCM). Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng - ảnh Cao Thăng

Nhà nước ràng buộc chặt chẽ hơn?

Điều 6 (Khoản 1, Điểm c) trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rằng chỉ có “tổ chức tôn giáo” hoặc “tổ chức tôn giáo trực thuộc” mới có thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất [6].

Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định chỉ cần là “cơ sở tôn giáo” - một khái niệm bao gồm cả những loại hình tổ chức nhỏ lẻ và ít phức tạp hơn “tổ chức tôn giáo” - thì sẽ được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (Điều 5, Khoản 4).

Theo điều khoản của luật hiện hành, “người sử dụng đất” là các cơ sở tôn giáo được quy định bao gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.

Nếu dự thảo được thông qua thì chỉ những đối tượng do nhà nước công nhận là “tổ chức tôn giáo” hoặc “tổ chức tôn giáo trực thuộc” theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Việc đăng ký để được công nhận là “tổ chức tôn giáo” hoặc “tổ chức tôn giáo trực thuộc” cũng lại là một quy trình xin cho của nhà nước. Nhà nước có thể cấp hoặc không cấp chứng nhận này.

Khi dùng thuật ngữ “tổ chức tôn giáo” và “tổ chức tôn giáo trực thuộc”, nhà nước dường như muốn thu hẹp nội hàm của thuật ngữ “cơ sở tôn giáo” trong luật hiện hành. Thay vì liệt kê từng đối tượng và dành ra một không gian thoáng đãng ở chỗ “cơ sở khác của tôn giáo”, thì nhà nước đang muốn từ chối trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể hoặc nằm ngoài khuôn khổ liệt kê.

Sự siết chặt này có lợi đối với nhà nước hơn là thúc đẩy quyền tự do tôn giáo. Nếu trước đây việc quản lý đất đai của hàng loạt các cơ sở tôn giáo nhỏ lẻ khác nhau, chưa phân định rõ đối tượng khiến cho công tác quản lý trở nên “khó khăn” thì nay nhà nước chỉ cần “nắm tóc” tổ chức tôn giáo đã đăng ký với chính quyền, buộc tổ chức tôn giáo đó xử lý các vấn đề về đất đai.

Những hoài nghi nêu trên hoàn toàn có cơ sở thực tế. Cụ thể, vào năm 2021, Giáo hội Công giáo cho biết chính quyền không còn công nhận các giáo họ như trước đây. Giáo hội Công giáo phải chuyển các giáo họ thành giáo xứ, tức là đăng ký tổ chức tôn giáo trực thuộc với chính quyền [7].

Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo cũng ghi rõ: “Người đại diện tổ chức tôn giáo đối với việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo” sẽ chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất trước nhà nước. Hiện nay, trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu cơ sở tôn giáo [8]. Quy định mới hàm ý: nhà nước muốn ràng buộc trách nhiệm sâu sắc hơn, đòi hỏi sự giải trình chi tiết hơn đối với các cá nhân lẫn tập thể liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo.

Nguy cơ thu hẹp mục đích sử dụng đất tôn giáo?

Như đã nói ở trên, các tổ chức tôn giáo ngoài hoạt động tôn giáo còn thực hiện nhiều hoạt động khác, đặc biệt là an sinh - xã hội. Do vậy, nhu cầu xây dựng công trình phục vụ công tác xã hội liên quan mật thiết đến mở rộng đất đai tôn giáo.

Tuy nhiên, Điều 178 (Khoản 1) trong dự thảo này quy định rằng: “Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”. Không đề cập đến các cơ sở khác của tôn giáo [9].

Điều này có thể khiến các tổ chức tôn giáo gặp khó khăn trong việc yêu cầu nhà nước giao đất hay chuyển mục đích sử dụng đất sang loại hình “đất tôn giáo” theo Điều 178 của dự thảo nhằm phục vụ những công trình nằm ngoài danh mục liệt kê trong dự thảo.

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định rằng: “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động” (Điều 159, Khoản 1).

Như vậy, dự thảo không còn xem đất của các cơ sở niệm phật đường và tu viện là đất tôn giáo. Điều đáng chú ý hơn là dự thảo đã bỏ một cụm từ nhỏ nhưng quan trọng là “các cơ sở khác của tôn giáo”. Các cơ sở khác này có thể là nhà dưỡng lão, trường mầm non, các nơi khám chữa bệnh, v.v. để thực hiện các hoạt động an sinh - xã hội.

Quy định trên của dự thảo tạo ra rất nhiều sự mơ hồ. “Trường đào tạo riêng của tôn giáo” (theo Điều 159, Khoản 1 Luật Đất đai 2013) khác “cơ sở đào tạo tôn giáo” (theo Điều 178, Khoản 1 dự thảo) như thế nào? Quy định này chỉ áp dụng đối với cơ sở đào tạo nội bộ của tôn giáo đó (dành cho tăng ni, tu sĩ) hay tính luôn cả các cơ sở như trường mầm non? Nếu không phải thì liệt kê các cơ sở như trường mầm non vào đâu?

Sự mơ hồ của việc loại bỏ “cơ sở khác của tôn giáo” thể hiện rất rõ thông qua trường hợp Đan viện Thiên An tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài đất đai xây dựng công trình tôn giáo như nhà thờ thì còn có trang trại theo truyền thống của dòng tu này. Nếu dự thảo được thông qua, đất trang trại thuộc đan viện có được xem là đất tôn giáo? Nếu là đất tôn giáo thì chiếu theo dự thảo, trường hợp này có xem như đất thuộc nhà thờ? Tất cả đều phải trông chờ vào cách mà nhà nước diễn giải.

Vấn đề đất đai tôn giáo không chỉ ảnh hưởng riêng đối với cộng đồng tôn giáo mà còn ảnh hưởng đến người dân không có tôn giáo, bởi sự cản trở gián tiếp hoạt động an sinh - xã hội thông qua chính sách quản lý đất đai. Mặc dù vậy, từ sau năm 1975 đến nay, chính quyền vẫn kiên quyết duy trì chính sách kiểm soát nặng nề đối với đất đai tôn giáo.

Chú thích

1. Online T. T. (2022, July 27). Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). TUOI TRE ONLINE. Retrieved October 10, 2022, from https://tuoitre.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-20220727152253208.htm

2. Báo Thanh Niên. (2014, November 8). Các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã thành lập 269 trường mầm non. Báo Thanh Niên. Retrieved September 29, 2022, from https://web.archive.org/web/20220929031350/https://thanhnien.vn/cac-to-chuc-ca-nhan-ton-giao-da-thanh-lap-269-truong-mam-non-post429508.html

3. Để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc xây dựng và phát triển đất nước. (2021, October 6). Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Retrieved September 29, 2022, from https://web.archive.org/web/20220929031529/http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/de-cac-ton-giao-dong-hanh-cung-dan-toc-xay-dung-va-phat-trien-dat-nuoc-40449.html

4. Chuyên gia lý giải bài toán thiếu trường, thiếu lớp cho trẻ mầm non. (2022, August 10). Báo Lao Động. https://web.archive.org/web/20220929031634/https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-gia-ly-giai-bai-toan-thieu-truong-thieu-lop-cho-tre-mam-non-1078796.ldo

5. TOÀN VĂN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI). (2022, September 8). xaydungchinhsach.chinhphu.vn. Retrieved September 29, 2022, from https://web.archive.org/web/20220929023053/https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-119220729070748081.htm

6. Xem [5].

7. Thanh, T. (2022, July 16). Tôn giáo tháng 6/2022: Bộ Ngoại giao Mỹ: Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập bị công an tra tấn. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved September 29, 2022, from https://luatkhoa.org/2022/07/ton-giao-thang-6-2022-bo-ngoai-giao-my-nhieu-tin-do-ton-giao-doc-lap-bi-cong-an-tra-tan/

8. Xem [5].

9. Xem [5].

V.T.

Nguồn: Luật Khoa Tạp chí

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn