Ở Việt Nam vì sao rất khó minh bạch quyền lực?

Thới Bình

(VNTB) – Để giám sát quyền lực, phải có một cơ quan chuyên trách. Nhưng, nó sẽ lại bế tắc, vô hiệu, khi cơ quan này, nếu có, phụ thuộc vào Đảng và tính Đảng… Trừ khi Đảng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát từ một tổ chức chính trị… phi Đảng.

Thế nên, việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui.

Một “hội luận bỏ túi” tại quán cà phê lề đường khu bờ kè Nhiêu Lộc, Sài Gòn sáng cuối tuần 19-11, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề, luật sư Tr.Th. kể rằng ở một lần được mời thỉnh giảng, có nhóm sinh viên đưa ra ý kiến thảo luận vầy: luật Hiến pháp có nêu về quyền độc quyền trong quản trị quốc gia của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng đến lượt mình, Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự điều chỉnh cụ thể ra sao của hệ thống pháp luật, và cả Hiến pháp, thì đến nay vẫn không rõ.

Thậm chí có sinh viên trước sự cởi mở của giảng viên, đã đặt câu hỏi rất dễ khiến sinh viên này gặp phiền toái với cơ quan an ninh, đó là vì sao Bộ Chính trị lại có các quyền cao hơn cả Quốc hội; và ở đâu quy định về quyền/ phân quyền của Tổng bí thư Đảng, bởi nhìn vào việc quản trị quốc gia, người dân sẽ thấy quyền hành lẫn quyền lực của Tổng Bí thư cao hơn cả 3 ông sau đây cùng gộp lại: Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch nước – Thủ tướng Chính phủ.

“Ông Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu người đời nói rằng Bao Công bên Tàu cùng lúc sắm 4 vai là điều tra – luận tội – tuyên án – thi hành án, Bao Công chỉ chịu thua mỗi ông vua đương triều ở “kim bài miễn tử”.

Ở Việt Nam, Tổng Bí thư còn hơn Bao Công ở chỗ chỉ cần ngồi ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì ông ấy có thể yêu cầu cơ quan công an phải điều tra trong các cụ thể giới hạn gì; ông có thể lệnh viện kiểm sát phải ra cáo trạng buộc những tội danh cụ thể thế nào, và tòa án phải tuyên xử ra sao theo đúng ý của ông – kể cả “kim bài miễn tử”.

Với quyền lực tối cao và độc quyền  Tổng Bí thư như vậy, làm sao để minh bạch? Nhóm sinh viên đặt thêm yêu cầu như vậy khi thầy trò tiếp tục bàn luận ngoài tiết học trên lớp” – luật sư Tr.Th. kể.

Luật sư Ng.V.Th. tiếp vấn đề với nhìn nhận nhiều vụ đại án tham nhũng gần đây đều dính đến các quan chức lớn, và hơn cả lớn. Không chỉ thế, nhìn kỹ các đại án đó, nó là nguyên một đường dây hệ thống – hay nên gọi là tổ chức? –  mang tính chất tinh vi, bí hiểm nhập nhằng…  mà khái niệm lợi ích nhóm chưa đủ phản ánh hết bản chất, sự nguy hiểm, nguy hại.

“Đại án tham nhũng không chỉ làm xói mòn lòng tin của người dân mà cả quốc tế vào chính thể cầm quyền, tác hại này không hề nhỏ, khôn lường. Sẽ chẳng có chính phủ nước ngoài nào, doanh nghiệp nước ngoài nào thích làm ăn, hợp tác, hay viện trợ cho một nhà nước đầy… lợi ích nhóm xâu xé, trục lợi. Không một công dân nào an tâm và hứng khởi làm ăn và nộp thuế để nuôi một bộ máy điều hành chỉ lo… bòn mót dân, ăn cướp của dân.

Và tương lai của người dân, của đất nước sẽ ra sao khi đám quan chức đầy lòng tham nhưng bất tài, “trị vì” họ, và đất nước? Cái gì tạo ra các vụ phạm pháp đó? Câu trả lời không khó tìm. Nhưng giải pháp giải quyết thì không dễ thực thi. Bởi, cái gốc của tham nhũng ở Việt Nam rất phức tạp, có hệ thống… Mà cách diệt, đánh tham nhũng ở xứ này chỉ giải quyết phần ngọn của nó. Khó nhổ tận gốc tham nhũng thì khó bài trừ được tham nhũng.

Bởi đơn giản quyền lực khó lòng minh bạch vì để giám sát quyền lực, phải có một cơ quan chuyên trách. Nhưng, nó sẽ lại bế tắc, vô hiệu, khi cơ quan này, nếu có, phụ thuộc vào Đảng và tính Đảng… Trừ khi Đảng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát từ một tổ chức chính trị… phi Đảng. Thế nên, việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui” – luật sư Ng.V.Th., kết thúc câu chuyện trong bế tắc.

T.B.

Nguồn: VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn