Peter Lâm Bùi - nhìn từ góc độ con người và cáo buộc

Luật sư Lê Quốc Quân

Ngày 25/5 này anh Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi), hay còn được biết đến là Thánh rắc hành, sẽ bị đem ra xét xử sơ thẩm tại toà án thành phố Đà Nẵng.

Anh bị cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức án từ 05 năm đến 12 năm:

Cáo trạng số 45/CT-VKS-P1 ngày 11/4/2023, Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cho rằng anh Bùi Tuấn Lâm đã có hành vi: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân”.

Gây hoang mang cho ai?

Theo cáo trạng thì bị can Bùi Tuấn Lâm đã mở trang Facebook “Tôi tớ hèn mọn", (hiện không còn nữa) đăng 19 bài có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Trên trang YouTube anh đăng tải 159 video trong đó có 25 video có nội dung mà Viện kiểm sát cho là vi phạm vào điều 117 BLHS.

Bùi Tuấn Lâm công nhận mình đăng những bài đó trên Facebook và có phát trực tiếp một số đoạn video trên YouTube, nhưng anh cho rằng tất cả đó là sự thật, là thực hành quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo vệ.

Quả thật, nếu ai đã từng xem các video và các bài anh đã đăng hoặc chia sẻ lại thì sẽ thấy rằng những điều anh đưa ra là sự thật, là sẻ chia nỗi đau của từng thân phận con người, là khắc khoải với tiền đồ đất nước.

Trong số 19 bài trên FB có những bài như về “Nhìn tấm hình này đau lòng quá…”, “Trong khi dân đói ăn, thiếu thốn trăm bề thì những kẻ cầm quyền lại tụ nhau nói dóc….”, “Thư của Phạm Đoan Trang”, “Lời nói cuối cùng của Phạm Đoan Trang”.

Trên YouTube, anh hay quay clip hát. Những bài hát mà anh gọi là “nghêu ngao” đó, chứa đựng tình người, tình yêu quê hương tha thiết, sâu thẳm. Ví dụ: “Việt Nam tôi đâu?” của Việt Khang, “Trả lại cho dân phiên bản đường phố...” hay như bình luận về “Vụ án cháu bé 8 tuổi bị đánh chết và vấn đề nhân quyền”.

Những bài hát này không thuộc danh sách nào bị cấm hát trên mạng theo bất cứ một đạo luật nào của Việt Nam.

Lê Quốc Quân

Một clip gây xôn xao nhất là việc anh bắt chước Thánh rắc muối “Salt Bae” - phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Tô Lâm trong một nhà hàng sang trọng tại Anh. Mạng xã hội và nhiều tờ báo quốc tế, gồm cả CNN đưa tin trong khi không một tờ báo nào trong nước đưa tin.

Tuy không được đề cập trong cáo trạng, nhưng nhiều người tin rằng clip giễu nhại nhân vật quyền lực nhất của Bộ Công an khiến Peter Bùi Tuấn Lâm bị đưa ra xử.

Nhưng điều ta cần xem là Bùi Tuấn Lâm có vi phạm pháp luật Việt Nam hay là không?

Theo tôi, tất cả những điều anh làm là thực hành một quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 19, Công ước Quốc tế về quyền Chính trị và Dân sự của Liên Hiệp Quốc và phù hợp với Điều 25 Hiến pháp Việt Nam.

Khoản 2, Điều 19 Công ước kể trên khẳng định rằng: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.

Việc Bùi Tuấn Lâm nói, hát, kể về những suy nghĩ, tâm tư của mình đối với con người, với đất nước là tốt đẹp, phù hợp với Công ước và không phương hại đến một cá nhân nào.

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Hình sự Việt Nam không có chế định xúc phạm “chế độ và lãnh tụ” trong khi Luật dân sự cho rằng ai bị xúc phạm về nhân phẩm, uy tín thì có thể tiến hành khởi kiện ra toà và đòi bồi thường.

Bộ luật hình sự của Việt Nam không có chế định “xúc phạm lãnh tụ” và không được đề cập trong bất cứ một điều luật nào. Tại Điểm C, Khoản 1, Điều 16 Luật An Ninh Mạng có đề cập đến việc hành vi xúc phạm “vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc…” nhưng chỉ là để có biện pháp phòng ngừa và xử lý ngăn chặn.

Vì vậy nếu như anh Bùi Tuấn Lâm đã xúc phạm ông Tô Lâm hoặc “lãnh tụ” thì chính các cá nhân đó phải đứng ra tố cáo hoặc khởi kiện trước toà. Nếu phạm tội anh Tuấn Lâm sẽ bị truy cứu theo Khoản 1, Điều 155 về tội “Làm nhục người khác” với mức án tối đa là 3 năm tù treo chứ không phải Điều 117 thuộc Chương “xâm phạm an ninh quốc gia”.

Ngược lại, nếu như toà án thấy rằng không có việc xúc phạm thì các cá nhân đứng đơn khởi kiện có thể vi phạm hình sự về hành vi “Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 156 Bộ Luật Hình sự.

Bùi Tuấn Lâm là ai?

Bùi Tuấn Lâm là một người Công giáo sinh ngày 6/5/1984 tại Đà Nẵng. Anh là một thanh niên luôn năng nổ với công việc chung và đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, các hoạt động bác ái từ thiện trong Giáo hội Công giáo cũng như ngoài xã hội.

Anh là người khởi xướng, tự thiết kế và in áo để cổ vũ cho các tù nhân lương tâm. Khi tham dự phiên toà của Nguyễn Phương Uyên, anh đã mặc một chiếc áo ngoài và đã cởi ra để lộ một chiếc áo phông với hình tự do cho Phương Uyên và Nguyên Kha ngay tại toà, gây một sự xúc động hiếm có cho tất cả những người dự khán.

Anh tham gia phong trào Con đường Việt Nam và trực tiếp làm ra các sản phẩm như áo sơ mi, mũ, móc khoá, vòng đeo tay, đồng hồ có biểu tượng về quyền con người để ủng hộ và nâng cao nhận thức về quyền con người.

Lâm còn tham gia kêu gọi cầu nguyện và góp công góp sức giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm. Không chỉ hoạt động trong nước, Lâm đã từng sang tận Philippines để tham gia làm từ thiện sau khi thành phố Tacloban bị cơn bão Haiyan tàn phá năm 2013.

Anh nói “Philippines đã từng giúp đỡ rất nhiều thuyền nhân Việt Nam, lúc họ khó khăn cần được giúp đỡ thì mình cố gắng hết sức”.

Lâm có ba người con và một quán bún bò “Ba Cô Gái”, dù không dư dật nhưng anh sẵn sàng bán miễn phí cho nhiều người khó khăn, bao gồm cả các thương phế binh VNCH. Anh gặp vợ mình là chị Lê Thanh Lâm trong những lần tham gia hoạt động bác ái và từ thiện.

Động cơ là gì?

Ở Việt Nam, suốt hơn 70 năm nay, các cơ quan thực thi pháp luật thường quan tâm rất lớn đến một vấn đề. Đó là “động cơ”. Họ cố gắng luồn sâu vào tâm tư, như nhà thơ Lê Đạt đã viết “Bục công an đặt giữa trái tim người” để dò xét về tư tưởng, xem thực sự người dân làm gì, nghĩ gì.

Chính khái niệm đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cơ quan công an và ngành tư pháp, cho nên họ thường “đối nhân” chứ không “đối sự”; không xem xét các biểu hiện khách quan của hành vi mà đi sâu vào tìm hiểu và áp đặt những động cơ chủ quan để cáo buộc và đưa ra các cấu thành tội phạm.

Ví dụ, cũng là hành vi đi làm từ thiện nhưng chính quyền sẽ không cho một số người làm; cũng một sự “góp ý” như nhau nhưng chính quyền sẽ luôn luôn dò xét “động cơ đằng sau” là gì của từng người.

Bởi vậy, tất cả các hành vi của Bùi Tuấn Lâm, cũng như của các nhà hoạt động dân chủ khác, đều áp đặt một giả định dứt khoát từ đầu là “Chống nhà nước” và dù có nói thật, có thiết tha với nhân dân đất nước đến đâu cũng đều bị coi là phản động, là tội phạm.

Điều này xuất phát từ một nguyên lý rất cơ bản của Pháp luật XHCN là ưu tiên bảo vệ chế độ và “nền chuyên chế” thay vì bảo vệ công lý và công dân.

Tôi không có tham vọng để thay đổi cả toàn bộ nhận thức của hệ thống pháp luật XHCN, nhưng tôi có thể đặt ra một câu hỏi hoàn toàn ngược lại cho các thẩm phán “Có bao giờ các ông thấy rằng con người bị cáo trước mặt là điều quan trọng nhất không?”.

Cũng tương tự như vậy, Bùi Tuấn Lâm công nhận các hành vi mình làm nhưng không coi là có tội hình sự. Anh đã rất trung thực mở ra một khoảng không gian rộng lớn cho các luật sư tranh biện, chống lại những cáo buộc của thân chủ mình và gợi mở một chiều kích tư duy khác cho các thẩm phán. “Liệu có thẩm phán nào dám coi con người trước mặt mình đã trung thực và đó là một tình tiết giảm nhẹ không?”.

Hai câu hỏi nhức buốt này là câu hỏi dành cho con người, dựa trên nhân vị lớn lao của mỗi một hối nhân mà người thẩm phán phải tự trả lời.

Khi viết những dòng này, tôi luôn nghĩ về sự bình đẳng trước pháp luật và mong ước một cuộc chạy đua tìm kiếm công lý giữa các luật sư với sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông tự do.

Bài đã được đăng trên BBC tại link sau:

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw8nzvq7513o

L.Q.Q.

Nguồn: FB Lê Quốc Quân

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn