Việt Nam cần yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa yêu sách “cấm biển” và chuẩn bị “ra tòa quốc tế”

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

clip_image002

Một người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013 (minh hoạ).Reuters

Để ngăn chặn các hành vi “xâm phạm chủ quyền” trên Biển Đông đối với Việt Nam, Chính phủ Hà Nội cần yêu sách Trung Quốc minh bạch hóa những căn cứ về “quyền tài phán” của họ và cơ sở của việc nước này hàng năm ra lệnh “cấm biển”, ngăn cấm ngư dân Việt khai thác ngay trên ngư trường truyền thống của mình tại Biển Đông. Song song đó, Chính phủ cũng cần chuẩn bị cho biện pháp “đấu tranh pháp lý” đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế, một nhà nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam và quan sát an ninh Biển Đông, từ châu Âu nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do hôm 01/6/2023.

Trước hết ở vùng biển Hoàng Sa, mỗi năm Trung Quốc cấm biển khoảng sáu tháng, ngư dân Việt Nam không làm ăn gì được hết, tức là ngư trường Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ xưa đến nay, từ thời lập quốc đến bây giờ, tự nhiên bị người khác cấm. Trước hết xin hỏi tại sao từ 20 năm nay rồi, nói chính xác là 10 năm theo luật quốc gia của Trung Quốc, nhưng là 20 năm theo luật nội bộ của đảo Hải Nam, mỗi năm Trung Quốc đều ra lệnh cấm biển ở khu vực này như thế?  Theo lẽ, Chính phủ Việt Nam phải đặt vấn đề về việc này.” -  Ông Trương Nhân Tuấn, nhà nghiên cứu Biển Đông từ Marseille, Pháp đưa ra bình luận với RFA Tiếng Việt về điều mà ông cho là diễn biến đáng lưu ý hiện nay và tới nay, do Trung Quốc gây ra ở vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm, bổn phận bảo vệ lợi ích và an ninh của người dân Việt Nam, và thứ hai phải đặt vấn đề với nhà cầm quyền Trung Quốc rằng Trung Quốc đã dựa vào căn cứ nào để nói rằng họ có quyền cấm biển ở vùng biển Hoàng Sa. Ngoài ra, từ đầu tháng 5/2023 đến giờ, Trung Quốc cho tàu bè đi rà trên thềm lục địa của Việt Nam, trên hải phận kinh tế độc quyền hay vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, đặc biệt ở vùng mà Việt Nam đặt tên là bãi Tư Chính, Vũng Mây (Vanguard Bank) và Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc (Wan'an Tan). Khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu bè và các phương tiện khảo sát vùng biển ở đó đi, thì Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc đang thực thi quyền tài phán của họ ở vùng biển đó.

Tranh chấp ở vùng biển Tư Chính, Vũng Mây này, nếu nói theo lịch sử, bắt nguồn từ năm 1993, đến nay đã là 30 năm, và nên biết rằng cuộc khủng hoảng năm 1993 rất sâu sắc, sâu sắc nhiều lần hơn bây giờ, tức là Trung Quốc cho đấu thầu khai thác vùng biển đó, mà họ gọi là Vạn An Bắc, tức là vùng Tư Chính, Vũng Mây, vốn chỉ cách bờ biển của Việt Nam từ 150 đến 200 km thôi, tức là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa, cả về mặt pháp lý lẫn địa lý của Việt Nam. Khi Trung Quốc cho đấu thầu để khai thác, Việt Nam lúc đó phải đưa tàu hải quân ra, lúc đó phải nói là tình trạng rất căng thẳng.

Năm 1995, Việt Nam thiết lập bang giao với Mỹ, từ khi Mỹ thiết lập bang giao với Việt Nam, thấy rằng tình hình Biển Đông êm dịu hẳn đi, mặc dù tới năm 2014, Trung Quốc có biện pháp gọi là ‘tằm ăn dâu’, tức là họ xây dựng các đảo, các đá chiếm của Việt Nam hồi năm 1988 trở thành các đảo nhân tạo. Và sau đó, bắt đầu từ năm 2015-2017, khi chuyện xây dựng trên xong, thì họ liền quân sự hóa các đảo đó.

Như vậy, cuộc tranh chấp đó đã kéo dài 30 năm nay (1993-2023), mà Việt Nam không có bất cứ một biện pháp nào để giải quyết vấn đề hết, chính vì vậy, trọng tâm ngày hôm nay, chuyện mà nên được nói ngày hôm nay mà vào thời điểm này tôi chưa thấy ai nói là Việt Nam phải có một phương pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, chứ không thể nào nói khơi khơi rằng ‘Việt Nam có cách tự bảo vệ hay lắm’, hay rằng ông Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đi lên thắp nhang các liệt sĩ ở nghĩa trang Vị Xuyên tức là hành vi đủ để đáp trả những hành vi trên Biển của Trung Quốc v.v…, theo tôi đó không phải là giải pháp.”

Lẽ ra cần yêu cầu Trung Quốc bạch hóa “quyền” và thăm Văn phòng đại diện tòa PCA

Theo quan điểm riêng của nhà nghiên cứu độc lập này, ba mươi năm đã trôi qua, nhưng việc xử lý vẫn không căn bản ở trên Biển Đông. Trung Quốc, một bên tranh chấp chủ quyền ở khu vực, tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà không thấy Chính phủ Hà Nội Nam “giải quyết được chuyện gì hết”. Trái lại, vẫn theo nhà nghiên cứu này, “tình trạng mỗi ngày một trầm trọng thêm” với việc Trung Quốc được cho là ngày một chèn ép và lấn lướt chủ quyền của Việt Nam, do đó đã tới lúc Việt Nam có hành động theo một hướng đi khác. Từ Marseille, Pháp quốc, ông Trương Nhân Tuấn nói tiếp:

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam trước hết phải yêu sách Trung Quốc, yêu cầu họ phải bạch hóa ‘quyền’ mà họ nói là có ở vùng Tư Chính, Vũng Mây của Việt Nam, xem ‘quyền’ đó dựa trên căn bản, cơ sở nào? Còn theo tôi thấy rằng thay vì chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đi lên tỉnh Hà Giang để thăm nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, ông nên đến Văn phòng của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) mà mới được mở đại diện, chi nhánh ở ngay Hà Nội (1), theo một thỏa thuận hợp tác mà văn phòng này được mở tại Việt Nam.

Tôi đặt câu hỏi là tại sao ông Phạm Minh Chính không đi tới đó thăm? Tức là nếu ông đi tới đó, thì cái đó cho người dân Việt Nam thấy rằng Chính phủ Việt Nam có một khuynh hướng giải quyết vấn đề trên Biển Đông, còn bây giờ chỉ đi lên viếng nghĩa trang Vị Xuyên, tức là ông ra một dấu hiệu cho thấy rằng Việt Nam sẵn sàng dùng vũ lực, đổ máu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ? Theo tôi nếu như thế thì là sai, đưa ra một dấu hiệu như thế là hoàn toàn sai.

Trước hết, phải thấy rằng, ở trên bộ thì không nói, nhưng nếu một cuộc chiến xảy ra ở trên biển, Việt Nam là một nước nhỏ, trong khi lực lượng hải quân của Việt Nam bây giờ tôi thấy đăng toàn tin là có tham nhũng thôi, tướng này tướng kia ăn chặn những nguồn này, ăn chặn những nguồn kia, thì thấy lực lượng hải quân của Việt Nam đang thế nào. Trong khi xét lực lượng hải quân của Trung Quốc, về mặt ngân sách quốc phòng nếu tính chung ra là khoảng 2% trên tổng sản lượng quốc nội GDP của họ thôi, nhưng số lượng lớn gấp 30 lần của Việt Nam. Còn Việt Nam có tỷ lệ là 5,5% tổng sản lượng quốc nội dành cho ngân sách quốc phòng, nhưng tôi thấy ngay cả khi hải quân của Trung Quốc phân chia ra làm ba lực lượng: một lực lượng là Bắc dương, một lực lượng là Đông dương và một lực lượng là Nam dương, trong đó Bắc dương để đối phó với Nhật Bản và Nam Hàn, Đông dương để đối phó với Đài Loan và Nam dương là để đặc biệt đối phó với vùng biển Đông Nam Á, thì lực lượng hải quân của Việt Nam cũng không thể nào so sánh được với lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Vậy mà ông Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam đi lên nghĩa trang Vị Xuyên đưa ra một tín hiệu như là Việt Nam sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ lãnh thổ, tôi hoàn toàn đồng ý với việc là Việt Nam có sự chính đáng hoàn toàn để bảo vệ lãnh thổ của mình, nhưng Trung Quốc họ nói rằng họ thực thi ‘quyền tài phán’ của họ, thì ít nhất Chính phủ Việt Nam phải yêu cầu làm rõ ‘quyền tài phán’ đó của Trung Quốc xuất phát từ đâu? Chúng ta đâu có biết rằng tại sao vấn đề tranh chấp ở Tư Chính, Vũng Mây bắt đầu từ năm 1992-1993, sau khi Hội nghị Thành Đô kết thúc, mặc dù có những ‘đồn đại’ mà tôi phải mở ngoặc, nhưng biết đâu tại Hội nghị đó lãnh đạo Việt Nam đã nhìn nhận ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở Biển Đông? Chúng ta không biết được liệu có chuyện đó không, nhưng vậy Trung Quốc phải có một ‘căn cứ’ gì để họ nói rằng họ có ‘quyền tài phán’ ở vùng biển của Việt Nam.

Thành thử theo tôi, điều chính yếu nhất, khẩn cấp nhất của Việt Nam là nhà nước Việt Nam phải yêu cầu mấy điểm sau: thứ nhất, Trung Quốc đã dựa trên căn cứ, cơ sở nào, thực thi quyền nào, để ra lệnh cấm biển đối với ngư dân Việt Nam trên những vùng biển truyền thống của Việt Nam; thứ hai là Việt Nam phải yêu sách Trung Quốc làm rạch ròi ‘quyền tài phán’ của Trung Quốc ở vùng biển Tư Chính và Vũng Mây đó, xem nó đặt trên căn bản, cơ sở nào.

Để rồi từ đó, Việt Nam mới có một biện pháp để đối phó với những yêu sách của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc dựa trên, chẳng hạn, thí dụ cam kết giữa hai đảng cộng sản từ Hội nghị Thành Đô (9/1990), thì Việt Nam nay phải biết cách hóa giải điều đó như thế nào để không bị thiệt hại.

Và ngay cả vùng biển Hoàng Sa cũng vậy, ngay cả khi quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đi, chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn luôn thuộc về Việt Nam và vùng biển Hoàng Sa là ngư trường lịch sử của ngư dân Việt Nam, với bao nhiêu đời nay ngư dân Việt Nam đánh cá ở đó rồi. Do vậy, tôi xin nói rằng Việt Nam có quyền chính đáng, để dựa trên quyền chính đáng đó để nhờ một cơ quan trọng tài Quốc tế phân giải.”

clip_image004Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Hình: tác giả cung cấp

Thời điểm đưa ra tòa trọng tài quốc tế và “vùng xám" nào cần được hiểu?

Theo ông Trương Nhân Tuấn, hành động đưa một vụ kiện liên quan vấn đề chủ quyền nói trên ra một tòa án trọng tài quốc tế để phân giải là một lựa chọn sau khi đã có những lựa chọn khác được bên khiếu kiện tiến hành, mà không đạt kết quả, và nhà nghiên cứu từ Pháp đưa ra lời giải thích, tiếp tục trên quan điểm riêng của ông:

Trường hợp đưa ra trọng tài phân giải là sau khi yêu sách của Việt Nam đặt ra cho Trung Quốc mà Trung Quốc từ khước giải thích, từ khước đàm phán, khi đó bắt buộc Việt Nam phải đi tới giải pháp pháp lý.

Và đến khi giải pháp pháp lý kiệt cùng rồi, lúc đó mới nhắm tới những giải pháp khác, và khi Việt Nam đã trải qua những thủ tục bắt buộc, giả sử như đàm phán, ngoại giao, hay là thương lượng, rồi qua đến pháp lý, mà tất cả đều bị Trung Quốc bác bỏ hết, thì Việt Nam lúc đó sẽ có một tư cách chính đáng để nói về quyền tự vệ chính đáng.

Khi Việt Nam có quyền tự vệ chính đáng đó, giả sử như là với Ukraine hiện nay, thì quốc tế mới có thể giúp đỡ chúng ta. Còn khi Việt Nam chưa đòi minh bạch hết căn cứ về các ‘quyền’ của Trung Quốc, mà đề cập vấn đề rằng ‘tôi sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ’, thì liệu quốc tế có biết rằng hành vi sẵn sàng sử dụng vũ lực của Việt Nam, khi nói rằng là để ‘bảo vệ’, có thuyết phục hay không?

Do đó, trước hết, điểm nóng nhất là Việt Nam phải cho quốc tế biết là những yêu sách, những hành vi của Trung Quốc mà họ đã và đang hiện thời làm, riêng từ hai thập niên nay ở Biển Đông, là không có một căn cứ nào hết, và điều đó phải được quốc tế nhìn nhận, hoặc được tất cả các quốc gia nhìn nhận như đã được thấy xảy ra trong ‘Cuộc chiến Công hàm’ ở Ủy ban Biên giới, thềm lục địa của Liên Hợp Quốc gần đây, khi đó có thể thấy một số lớn các quốc gia, những quốc gia lớn như là Mỹ hay ở châu Âu, hay Nhật Bản, nhìn nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của tòa PCA đối với vụ kiện của Philippines (2) là dù như thế nào, thì ở vùng biển phía Nam, tức là vùng biển Hoàng Sa, nó không còn là vùng xám nữa, mà ở vùng đó, pháp lý đã được minh bạch.

Vùng xám ở đây, tôi thấy nhiều người có quan điểm khác nhau về định nghĩa của ‘vùng xám’, có người hiểu theo tinh thần của địa lý chiến lược, có người hiểu theo giải thích của quân sự – tức là Trung Quốc sử dụng biện pháp mà ‘dưới chiến tranh một chút’, nhưng theo tôi, nếu đứng trên quan điểm pháp lý mà nói, vùng xám là những vùng, nói về mặt địa lý tiếng Anh gọi là ‘zone’, mà ở đó pháp lý chưa nói một cách rõ rệt. Chẳng hạn như vùng Trường Sa trước khi mà Tòa trọng tài thường trực Quốc tế ra phán quyết ngày 12/7/2016, theo phụ lục 7 của Bộ luật quốc tế về Biển (Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển – Unclos, 1982) (3), là một ‘vùng xám’.

Tức là Trung Quốc đưa ra những yêu sách này, kia, rằng đều có hiệu lực với tất cả các đảo nọ hết, và Trung Quốc có quyền vẽ vùng nước nội hải của một quần đảo ấy, thí dụ như vậy. Đó là tình huống nằm giữa hai sự phân tích, giải thích khác nhau, chẳng hạn Việt Nam giải thích khác, hay là Malaysia có sự giải thích khác về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chỉ đến khi tòa PCA ra phán quyết 12/7/2016 thì tất cả đều minh bạch, và ở vùng Trường Sa không còn là ‘vùng xám nữa’.

Nói tới ‘vùng xám’ là phải nói tới một phạm trù khác, mà theo tôi thấy Trung Quốc không sử dụng chiến thuật ‘vùng xám’ như nhiều người đã nói. Nhưng ở vùng biển Hoàng Sa thì hoàn toàn khác, ở đó sự tranh chấp chủ yếu là hoàn toàn giữa Việt Nam và Trung Quốc thôi, và yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam có thể đối kháng nhau. Cho nên tới điểm thứ ba tôi muốn nói ở đây, là khi Việt Nam đòi làm minh bạch tất cả những yêu sách của Trung Quốc rồi, và khi những yêu sách của Việt Nam như thế này, của Trung Quốc như thế kia, mà không giải quyết được, thì phải đưa ra một Tòa trọng tài quốc tế phân xử.

Khi ấy ‘vùng xám’ ấy không còn nữa, lúc đó đã có sự minh bạch hóa với một vùng chưa có ‘luật lệ’. Còn khi luật lệ đã rõ rệt rồi, tất cả những hành vi quá lố của Trung Quốc sẽ đều là phạm luật hết, khi đó không còn có vấn đề ‘vùng xám’ hay ‘không vùng xám’ nữa.

Cho nên, trọng tâm của ngày hôm nay đối với Việt Nam, tôi xin nhắc lại, là phải làm rõ yêu sách của Trung Quốc như thế nào ở Hoàng Sa, Trung Quốc dựa trên những căn cứ gì, những yêu sách nào dựa trên những bằng chứng pháp lý, lịch sử nào, để mà họ ra lệnh cấm biển, cấm ngư dân Việt Nam khai thác trong vùng biển, mà là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam.

Và điều thứ hai là phải làm rõ ‘quyền tài phán’ của Trung Quốc ở vùng Tư Chính, Vũng Mây là đặt trên nền tảng nào, hay giả sử dựa trên hiệp ước nào (nếu có) giữa Việt Nam và Trung Quốc, và điểm thứ ba, kết luận từ điểm một và điểm hai ở trên, Việt Nam sẽ có một lối thoát, tức là minh bạch hóa tất cả những vùng xám về địa lý, những vùng mà pháp lý chưa được giải thích rõ rệt.

Khi mọi sự được bạch hóa rồi, nếu Trung Quốc đi ngược lại những gì mà luật pháp quy định, Việt Nam khi đó có một tính chính đáng để nói lên lời nói của mình, hay để thể hiện ý chí của Việt Nam qua hay bằng một hành động nào đó. Đó là ý kiến của tôi về vấn đề trọng tâm của Biển Đông hiện nay của Việt Nam, ấy là phải đi tìm giải pháp cụ thể, chứ không nên đi tìm những giải thích suy diễn chuyện này, chuyện kia được. Ba mươi năm nay ở vùng Tư Chính, Vũng Mây và 50 năm nay ở vùng biển Hoàng Sa là quá dài, theo tôi việc kéo dài đó cần phải chấm dứt.”

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của ông Trương Nhân Tuấn, nhà khảo cứu, quan sát và nghiên cứu độc lập từ Pháp về lịch sử chủ quyền Việt Nam và an ninh trên Biển Đông, tác giả của cuốn sách biên khảo Biên giới Việt Trung 1885-2000: Lịch sử thành hình và những tranh chấp. Ở phần tiếp theo của cuộc trao đổi này, nhà nghiên cứu độc lập từ Pháp phân tích một số tiếp cận và phương pháp mà các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sử dụng, cũng như đề cập một số trường hợp và kinh nghiệm xử lý tranh chấp chủ quyền biển đảo tại ngay khu vực châu Á, mà theo ông là Việt Nam có thể tham khảo, xin mời quý vị đón theo dõi.

________

Tham khảo:

(1)https://baochinhphu.vn/khai-truong-van-phong-dai-dien-toa-trong-tai-thuong-truc-pca-tai-ha-noi-102221124182354013.htm

(2)https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toan-van-thong-cao-phan-quyet-cua-pca-vu-kien-philippines-trung-quoc-20160713085112372.htm

(3)http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208475

Q.P.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn