Công luận phản đối dự án phá 600 hecta rừng tự nhiên ở Bình Thuận!

RFA

2023.09.06

Mô hình thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Courtesy Ban quản lý dự án Công trình NN&PTNT Bình Thuận

Mới đây nhiều tờ báo trong nước cùng dư luận mạng xã hội đều lên tiếng về việc tỉnh Bình Thuận chuẩn bị khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh, thuộc huyện Hàm Thuận Nam để làm hồ chứa nước thủy lợi, được cho là giúp phát triển kinh tế, xã hội…

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước. Công trình được cho là nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp, khu công nghiệp Hàm Kiệm 2, nước sinh hoạt, điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Khu rừng rộng hơn 619 hecta ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, nơi sắp triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét, theo báo Vnexpress, tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. Hiện, khu rừng do Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.

Vào năm 2021, Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận từng có bài viết đăng trên trang chủ về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét cho rằng đây không chỉ là cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng - Ca Pét, hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn… Trang web của Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận còn đánh giá  ”mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Một nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 6/9/2023:

“Tôi là một người rất quan tâm đến thiên nhiên nói chung, hiểu sự ảnh hưởng của thiên nhiên lên cuộc sống con người. Tôi cũng tham gia một vài dự án phục hồi rừng tự nhiên và trồng vườn rừng. Tôi biết môi trường rừng, đt và nước liên quan đến nhau như thế nào. Tôi có rất những bạn bè trong ngành môi trường, khí hậu và nông nghiệp, chúng tôi thường trao đổi với nhau về việc làm thế nào để khôi phục rừng tự nhiên ở VN, vì giờ đây khắp nơi trên đất nước này bị bao phủ bởi rừng keo, tràm,… độc canh, những cánh ‘rừng’ đó chỉ làm cho đất ngày một khô kiệt.

Những cánh rừng nguyên sinh hay rừng đặc dụng như ở Bình Thuận hiện nay gần như đã hoàn toàn biến mất, đó là những gì quý giá nhất còn sót lại, giữ cho nguồn nước ở đây không bị cạn kiệt. Nếu mất đi khu rừng này (khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh - PV), thì nguồn nước cũng mất và cái hồ mà người ta làm để chứa nước sẽ chng lấy đâu ra nước mà chứa nữa. Đó là những kiến thức sơ đẳng mà những người làm về Rừng, về môi trường nước không thể không biết”.

Nếu mất đi khu rừng này, thì nguồn nước cũng mất và cái hồ mà người ta làm để chứa nước sẽ chng lấy đâu ra nước mà chứa nữa. Đó là những kiến thức sơ đẳng mà những người làm về Rừng, về môi trường nước không thể không biết. - Nhà hoạt động môi trường 

Chưa kể theo nhà hoạt động này, toàn bộ môi trường sinh thái, động thực vật thay đổi hết, thậm chí vùng đất đó có thể biến thành sa mạc như người ta đã sa mạc hóa Tây Nguyên. Và rồi hạn hán, lở đất, lũ quét... đều có thể nhìn thấy trước. Thực trạng đó đang xảy ra mỗi năm ở Tây Nguyên và vùng núi Trung phần… Nhà hoạt động này nói tiếp:

“Đó là chưa kể dự án xâm phạm vùng rừng linh thiêng, tín ngưỡng của đồng bào Chăm và Raglai, vùng đã được đồng bào bảo vệ nghiêm ngặt trong nhiều năm, và do đó bảo tồn rừng nguyên vẹn. Bằng vào những tài liệu rất ít ỏi công khai trên mạng, dự án có vẻ đã được xây dựng rất cẩu thả và không minh bạch. Trong báo cáo về hiện trạng không hề nói đến vùng rừng nguyên sinh và khu bảo tồn, mà nói đó là rừng nghèo là hoàn toàn sai sự thật. Luật về Rừng của VN đã cấm không được triệt phá rừng nguyên sinh nên có lẽ họ phải dùng thủ đoạn đó để thông qua”.

RFA hôm 6/9/2023 nhiều lần liên lạc UBND tỉnh Bình Thuận để hỏi về việc này, nhưng không thể kết nối.

Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét. Courtesy binhthuan.dcs.vn

Dự án khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 ngày 26/11/2019. Đến ngày 30/5/2023, Quốc hội tán thành áp dụng cơ chế đặc thù triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pét, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Mỏ Địa chất Miền Nam vào tháng 6/2023 tiếp tục đưa ra báo cáo đánh giá tác động môi trường thay thế đánh giá tác động môi trường cũng do công ty này lập vào tháng 8/2022 về việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có nhìn nhận việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường xã hội… Nhưng báo cáo vẫn cho rằng dự án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều tiết lũ cho hạ du, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực dự án.

Cũng theo báo cáo này, dự án sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Về lâu dài sẽ gây lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn. Do đó, dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.

Tuy nhiên theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hồ chứa nước Ka Pét chưa được Bộ này duyệt.

VTC News hôm 6/9/2023 cho biết, trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) từ ngày 19/7 đến 3/8, bộ này đăng tải công khai Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường của dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Bộ này cũng cho biết Dự án thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận là Đại diện chủ đầu tư và Công ty Mỏ địa chất Miền Nam là đơn vị tư vấn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết việc đăng tải thông tin vừa nêu để lấy ý kiến và để thực hiện các bước tiếp theo, chứ không phải là ‘Báo cáo đánh giá tác động môi trường’ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Đây là việc không nên làm, bởi vì vừa rồi hàng loạt các nơi đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người… Nguyên nhân chẳng qua là do chúng ta tàn phá rừng tự nhiên nhiều quá. Nếu việc này ở Bình Thuận xảy ra thì đây là một việc rất đáng tiếc.
-
 Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 6/9/2023 cho rằng:

“Đây là việc không nên làm, bởi vì vừa rồi hàng loạt các nơi đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người… Nguyên nhân chẳng qua là do chúng ta tàn phá rừng tự nhiên nhiều quá. Nếu việc này ở Bình Thuận xảy ra thì đây là một việc rất đáng tiếc. Theo tôi chúng ta làm gì đấy cũng phải tìm kiếm cách khác, đừng phá rừng tự nhiên nữa… Bởi vì khi phá rừng tự nhiên sẽ tạo ra những sự cố rất đáng tiếc, những tổn thất rất lớn với người dân. Phát triển nhưng chúng ta phải lưu ý tuyệt đối không đụng đến rừng tự nhiên”.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dù đây là một dự án được nói đã quy hoạch, nhưng theo ông Võ có nhiều cách để tạo ra hồ thuỷ lợi, chứ không phải chỉ có một cách là phá rừng để tạo một cái hồ ở khu vực núi. Ông Võ nói tiếp:

“Vấn đề còn lại là tại sao lại quy hoạch hồ thuỷ lợi tại vị trí đó? Chúng ta phải nghiên cứu kỹ ai là người trình dự án đó? Mối quan hệ ở đó là như thế nào…? Tôi cho rằng cũng có thể là do kém cỏi trong quy hoạch, nhưng cũng có thể là mượn cớ quy hoạch để mưu lợi cá nhân, tất cả những trường hợp ấy đều có thể xảy ra. Tôi cho rằng một là phải bảo vệ rừng tự nhiên, đừng tàn phá tiếp nữa. Thứ hai chúng ta nhìn lại câu chuyện ở Bình Thuận xem là có vấn đề gì uẩn khúc ở trong tư lợi ở đây hay không?”.

Theo Vnexpress, khu rừng 600 hecta sắp bị phá có 137 hecta nằm trong khu rừng đặc dụng, và nó sẽ được đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Thái Bình thuộc tỉnh Quảng Nam khi phát biểu trước Quốc hội từng cho biết ‘332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ’.

Theo Điều 5, khoản 2 – Luật Lâm nghiệp năm 2017, rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí, trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Còn rừng phòng hộ theo Luật Lâm nghiệp được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Như vậy có thể thấy khu rừng hơn 600 hecta sắp bị phá có độ đa dạng sinh học, tuổi thọ, và có chức năng phòng hộ để chống bão lụt, lũ quét cho khu vực dân cư ngoài rừng.

Theo ghi nhận của RFA, đến ngày 7/9/2023, bài báo về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét của Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận đăng năm 2021 đã bị gỡ xuống. Đồng thời Vnexpress cũng đính chính một số thông tin về khu rừng 600 hecta sắp bị phá và xin lỗi tỉnh Bình Thuận.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-opinion-against-the-project-of-destroying-600-hectares-of-natural-forest-in-binh-thuan-09062023124117.html

*

Đọc thêm: 

Vì sao Bình Thuận chưa nộp báo cáo tác động môi trường dự án hồ Ka Pét? 

Bình Thuận chưa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án hồ Ka Pét cho cơ quan thẩm tra do cần bổ sung hồ sơ về tác động của nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học khu vực này.

Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư) nêu tại họp báo của UBND Bình Thuận về dự án hồ Ka Pét, chiều 7/9.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Thuận từ năm 1995. Đến năm 2019, công trình được phê duyệt lần đầu và điều chỉnh năm 2023, sức chứa hơn 51 triệu m3, thuộc xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Dự án có tổng diện tích gần 698 ha, trong đó hơn 619 ha là đất rừng tự nhiên, gồm: hơn 137 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ, gần 440 ha rừng sản xuất, và khoảng 41 ha đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng trên.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư), tại buổi họp báo chiều 7/9. Ảnh: Phước Tuấn

Theo ông Đông, tháng 9/2020, dự án đã hoàn thành đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, tháng 6/2023 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư so với trước nên phải cập nhật lại ĐTM.

Theo quy định mới nhất, công trình này phải bổ sung hồ sơ đánh giá nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến công trình hạ du. Cùng với đó, hồ Ka Pét nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, mà theo quy định, dự án có trên một ha thuộc khu bảo tồn phải nộp báo tác động đa dạng sinh học. Ban quản lý đã làm việc với đơn vị tư vấn lập ĐTM yêu cầu bổ sung hai hồ sơ.

Ông Đông khẳng định: năm 2018, tỉnh mời thầu công khai ĐTM dự án trên cả nước. Khi đó, 4 đơn vị mua hồ sơ nhưng chỉ ba công ty tham gia đấu thầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư (khi đó là Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận), đơn vị tư vấn trúng thầu đảm bảo các điều kiện về năng lực.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6, chủ đầu tư đã làm việc với công ty tư vấn yêu cầu quan sát lại mẫu trong khu vực dự án, vì khảo sát cũ đã thực hiện từ năm 2017.

"Ban sẽ làm việc với đơn vị tư vấn và đánh giá năng lực xem có đảm nhiệm được việc đánh giá sự cố vỡ đập và đa dạng sinh học không. Nếu không phải tìm đơn vị khác", ông nói và cho biết đến nay chưa nhận thông tin từ đơn vị tư vấn tạm dừng hợp đồng dự án ĐTM như một số báo chí nêu.

Thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Ban quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận

Lý giải về việc làm hồ chứa nước trong rừng tự nhiên, ông Nguyễn Công Thành, Viện đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung (đơn vị chuyên môn tư vấn cho tỉnh) khẳng định "không còn lựa chọn nào khác".

Các công trình thủy lợi trong khu vực Hàm Thuận Nam hầu hết là công trình nhỏ, không đảm bảo khả năng điều tiết nên không đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hiện, lượng nước chỉ đáp ứng 13,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (hơn 6.000 ha).

Ông Thành khẳng định đơn vị tư vấn đã nghiên cứu rất kỹ toàn bộ vùng này và chỉ có hai nơi đủ điều kiện xây hồ.

Đầu tiên là vị trí cách đập dâng Hàm Cần khoảng 4 km về phía thượng lưu, sát cầu Bà Bích - điểm hợp lưu của hai nhánh suối Bom Bi và sông Ka Pét. Đây là nơi có khả năng tạo hồ chứa ở thượng lưu, thuận lợi cho xây đập ngăn sông dài 550 m, cao 32 m, lưu vực sinh thủy lên đến 136 km2, nguồn nước dồi dào.

Tuy nhiên, vị trí này sẽ gây ngập 127 ha canh tác của dân xã Mỹ Thạnh, cầu Bà Bích và 3,5 km quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh. Do đó dự án cần làm đường tránh dài 7,5 km ven lòng hồ phía đông. Ngoài ra, 620 ha đất rừng cũng bị ngập (trong đó có 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Phương án này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.

Vì vậy tỉnh đã chọn phương án hai - cách vị trí phương án đầu 5 km về phía thượng lưu. Đây là điểm hợp lưu giữa hai nhánh sông với lưu vực 95,5 km2. Tính toán chiều dài đập giảm còn 179 m, cao 28,5 m. Ưu điểm phương án này là không gây ngập 127 ha đất canh tác của dân, cầu Bà Bích cũng như quốc lộ 1. Cách làm này chi phí thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và làm đường tránh. Tuy nhiên, nhược điểm là gây ngập 619 ha đất rừng.

"Vị trí xây hồ Ka Pét phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lớn nhưng là việc làm bất khả kháng", ông nói.

Quần thể bằng lăng trong khu rừng dự tính làm hồ chứa nước Ka Pét, tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tháng 8/2023. Ảnh: Việt Quốc

Báo chí đặt câu hỏi tại sao không kết nối hoặc cải tạo hồ xung quanh Hàm Thuận Nam để nâng cao dung tích chứa, thay vì xây dựng thêm hồ Ka Pét. Ông Thành lý giải việc cải tạo hồ liên quan đến an toàn công trình vì phải nâng cấp đập tràn, xả lũ. Việc tạo liên thông giữa các hồ phụ thuộc vào điều kiện địa hình. Ví dụ, không thể kết nối hồ từ hạ du lên thượng lưu, mà chỉ có thể làm ngược lại.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết thời gian qua, dự án hồ Ka Pét nhận được nhiều phản hồi trái chiều của dư luận. Do đó, tỉnh tổ chức họp báo để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ báo chí và người dân.

"Nếu có điều bất hợp lý, ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, tỉnh sẵn sàng điều chỉnh, xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai sẽ chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ", ông nói.

Nguồn: vnexpress

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn