Vì sao Trung Quốc đang tức giận?

Nguyễn Hoàng Hà

imageMấy tháng nay liên tục báo chí tại Hồng Kông và tại Thượng Hải đều đăng hàng loạt những lời phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nhưng với các bút danh khác nhau, nói về sự tức giận của Bắc Kinh trước một "liên minh" gồm các nước láng giềng với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Ngày 5/02/2011, trên tạp chí Trung Quốc cầu thị có bài nói về việc Bắc Kinh quan ngại trước khả năng các nước láng giềng tham gia một «liên minh chống Trung Quốc» do Mỹ dẫn đầu. Bài viết gợi ý một «chiến lược 7 hướng», sử dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để tạo dựng một liên minh mới, ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực. Bài báo đặc biệt chĩa mũi nhọn vào việc lên án Mỹ đã là kẻ chủ chốt lôi kéo liên kết với những nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc.

Có thể thấy những lời mà các bài báo này viết đang vượt dần ra ngoài ngôn ngữ ngoại giao thông thường, tỏ ra tức tối, quy tội rất nặng đối với người bạn đồng minh lâu nay là Hoa Kỳ: «điều đặc biệt không thể dung thứ được là Mỹ đã trắng trợn khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc đi vào con đường chống Trung Quốc». Bài viết có tựa đề Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc (How China deals with the U.S. strategy to contain China) xuất hiện trên trang mạng điện tử Anh ngữ Chinascope ngày 12/2/2011, dịch lại bài viết bằng Trung văn trên nguyệt san Qiushi (Cầu thị) là cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc.

Những tiếng nói trên danh nghĩa của dân chúng Trung Quốc khiến cho bạn đọc khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là Việt Nam phải quan tâm, nhưng bao lần khi phía Việt Nam hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc về thái độ nước lớn và có ý hăm dọa các nước láng giềng, khơi mào phát động chiến tranh không phù hợp với chủ trương mà Trung Quốc đã ký kết với phía Việt Nam, thì luôn được trả lời rằng: "Đó là tiếng nói của nhân dân. Nhân dân có quyền bày tỏ các chính kiến quan điểm của mình về mọi vấn đề và không phải là tiếng nói của Đảng và Nhà nước Trung Quốc".

Nhưng nay, khi chú ý đến lời phát ngôn vô cùng cao ngạo của nhà lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Đảng và Nhà nước Trung Quốc là ông Từ Vận Hồng (Xu Yunhong), một Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, chuyên lo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, được đăng tải trên tạp chí Qiushi ngày 10/12/2010 thì vấn đề đã khác. Sau khi vạch ra chiến lược 6 mặt của Hoa Kỳ nhằm chế ngự Trung Quốc, ông ta đã đề nghị chiến lược 7 hướng chống lại bằng những biện pháp rất tinh vi và nguy hiểm, chủ yếu dựa vào sức mạnh về kinh tế và quân sự của một Trung Quốc mạnh như: “các nước láng giềng đang bị thâm thủng mậu dịch rất lớn với Trung Quốc, nếu làm cho Trung Quốc khổ thì họ khốn khổ hơn. Ðây là mặt chiến tranh kinh tế, Bắc Kinh sẽ tận dụng với các ưu thế hiển nhiên… Vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay là gì? Đó là sức mạnh kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ của chúng ta. Vấn đề then chốt là sử dụng tốt sức mạnh này”. Tác giả Từ Vận Hồng nhấn mạnh, «Trung Quốc cần đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho các nước láng giềng biết rằng chúng ta không sợ chiến tranh và chúng ta chuẩn bị để có thể tiến hành chiến tranh bất kỳ lúc nào nhằm bảo vệ các quyền lợi của chúng ta», rằng «thương mại quốc tế cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần» và tăng cường sức mạnh kinh tế Trung Quốc là «những cách thức có hiệu quả nhất để tránh chiến tranh».

Sau khi lên án gay gắt Hoa Kỳ về việc kích động các nước Đông Nam Á để tạo một mặt trận chống Trung Quốc, ông Hồng nói: “Mỹ thường xuyên thuyết phục Nam Hàn, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác là láng giềng của Trung Quốc tham dự tập trận hải quân chung ở biển Nam Trung Hoa” (tức Biển Ðông). Bài viết trên tạp chí Qiushi nói. “Mục đích của họ rất rõ: bao vây Trung Quốc bằng quân sự”.

Ðể đối phó lại, có thể nói Từ Vận Hồng đã chẳng giấu giếm tỏ thẳng thái độ của một đế chế nước lớn như sau: “Nếu bạn bè tới, chúng ta mời họ uống rượu. Nếu chó rừng tới, chúng ta có súng cho chúng”.

Người ta thử hỏi, làm thế nào để làm người bạn thân của Trung Quốc? Phải chăng Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á phải từ nay công nhận đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông là của Trung Quốc và khi vào đây phải xin phép họ, hoặc có thể khi cần họ sẽ bắt các tàu những nước vào khu vực này phải nộp tiền lộ phí cho họ chăng? Và khi không thích ai, khi cơm canh không ngon ngọt là họ có thể cấm không cho tàu bất kỳ nước nào đó ra vào khu vực này?

Nước Mỹ là một đại cường quốc đã có mặt trên tuyến lộ này từ những thập kỷ 1780 và là người được mệnh danh là chủ soái Biển Đông với Hạm đội 7 trong những năm 1964 đến 1975 mà huyết mạch kinh tế với Nhật, Nam Triều Tiên chiếm 45 % kinh tế buôn bán quốc tế nay phải xin phép Trung Quốc chăng? Các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Nga, v.v. từ nay muốn xuống phía Nam và các quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Úc, v.v. muốn buôn bán với thế giới bên ngoài cũng phải xin phép Trung Nam Hải chăng? Còn Việt Nam, nước chủ nhân của vùng biển này nay cũng phải tuân thủ xin phép ông hàng xóm để được đi lại trên chính vùng biển của mình? Thật là một đạo lý ngược không có tiền lệ trong quan hệ quốc tế xưa nay mà chỉ có “ông hoàng Trung Hoa” thời hiện đại mới có luật rừng luật biển kiểu đó.

image_thumb[2]Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Đứng giữa là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ảnh: Reuters

Khi biết rằng dù cho nhiều tàu chiến, hạm đội, tàu ngầm và các phương tiện mạnh nhất của mình đi lại khu vực này, hay thường xuyên bỏ những số tiền khổng lồ cho các cuộc tập trận với sự phối hợp đủ loại binh chủng hiện đại ngầm răn đe các quốc gia không có hiệu quả, thậm chí lại bị phản tác dụng, thì các quốc gia Đông Nam Á kiên quyết đưa vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị quốc tế. Thay bằng giải pháp giải quyết song phương, nay họ chỉ chấp nhận cách làm việc đa phương; hội nghị các quốc gia Đông Nam Á tại Hà Nội vừa qua đã chứng minh quyết tâm đó. Lại nữa, các cuộc tập trận "Hổ Mang Vàng" lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay đang được diễn ra giữa quân đội Hoa Kỳ và một loạt quốc gia Đông Nam Á đã cho thấy Trung Quốc không thể trông chờ cách giải quyết bằng sức mạnh quân sự được. Người ta đặc biệt đánh giá cao sự thành công của ngoại giao Việt Nam trong việc quốc tế hóa vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông năm 2010; và nay dư luận quốc tế rất quan tâm đến Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) mới đây diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của Hoa kỳ và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tại hội nghị này chắc chắn bản thông điệp mạnh mẽ và đầy tính thống nhất cao sẽ khiến Trung Quốc phải ngồi để suy nghĩ, đó là: Mỹ đề xuất tổ chức ADMM+ thường xuyên hơn. Ông R. Scher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á, cho rằng cần xem xét tiến hành Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) thường xuyên hơn.

image_thumb[5]Các Bộ trưởng Quốc phòng bàn chuyện hợp tác hòa bình ở Hội nghị ADMM+ đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn

Về quân sự, rõ ràng Trung Quốc không thể dựa vào những gì hiện có để có thể lấn át khối đoàn kết vững chắc này một khi nó trở thành một liên minh.

Còn về kinh tế thì Trung Quốc là quốc gia truyền thống sống bằng xuất khẩu, một khi các nước tẩy chay hay cấm vận kinh tế thì ông chủ hàng nhái này phải ngồi khóc mà thôi, sao có thể nói lấy kinh tế đe dọa người? Lại nữa, với dân số hàng tỷ người, khi đất canh tác ngày càng bị đô thị hóa làm teo nhỏ lại, tình trạng hạn hán, sa mạc hóa từ Nội Mông tiến đến gần sát chân Thượng Hải, thử hỏi nếu Trung Quốc chơi bài dùng cấm vận kinh tế Việt Nam thì sẽ ra sao? Chắc chắn là nạn đói xảy ra ở Trung Quốc, dù trong tay họ có cả một núi tiền! Trung Quốc thừa hiểu 45% gạo cung cấp cho đất nước này là đến từ Việt Nam qua các cửa khẩu bằng đường chính thức và cả đường lái buôn tư nhân. Nếu Thái Lan cùng phối hợp hành động, một khi Trung Quốc muốn dùng cách vẫn làm là "lấy tiền để lên mặt kẻ khác" thì cái dạ dày của họ bị thắt lại trước tiên. Lợi thế này là của Việt Nam và các nước trong vùng sông Mêkông.

Trung Quốc thừa biết quan hệ buôn bán với Trung Quốc lợi cho Việt Nam và các quốc gia nhỏ bé ít, mà chịu đòn nhập siêu lớn thì nhiều. Những hàng ế, kém phẩm chất, và có khi độc hại thường các nước này đã phải lãnh đủ. Vậy nếu chấm dứt nó thì lợi hay hại cho Trung Quốc đây? Như vậy lời cố vấn chiến lược của ông Từ Vận Hồng là lời xui dại hay xui khôn lãnh đạo Trung Quốc đây?

Dư luận biết rằng phía Việt Nam đã hết sức nhún nhường với ông hàng xóm rất khó chịu này, những cuộc đàm phán song phương đã diễn ra, nhưng "tình hữu nghị" và các “chữ vàng” hình như Bắc Kinh đã cất sâu vào ngăn kéo, thay vào đó trên bàn thương thảo chỉ là bản đồ hàng hải đường lưỡi bò cùng thái độ vô cảm và sự ngộ nhận đến lạ lùng: “chẳng những đường biển quốc tế mà cả khu biển thuộc chủ quyền của Việt Nam Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên thệ là của mình dù chẳng có một chút nhỏ bằng chứng lịch sử nào”.

Vậy với lý do gì mà Trung Quốc tức giận?

Có lẽ vì họ đã có thói quen là các nước nhỏ không được phép đòi sự bình đẳng, công bằng và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình chăng? Các nước nhỏ không được quyền quan hệ với bất kỳ quốc gia nào nếu Trung Quốc không muốn? Chắc chắn người Việt Nam không thể chiều theo thói quen đó, bốn nghìn năm qua và lịch sử mới ngày hôm nay cũng đã chứng minh rõ.

Ngày 14 tháng 2 năm 2011

N.H.H

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn