Căng thẳng Biển Đông càng làm Đông Nam Á cảnh giác với Trung Quốc

Đức Tâm

clip_image001  

Dân biểu Philippines Walden Bello (trái) tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 8/6/11 tại Manila. Reuters

 

Một cái phao, vài trạm canh gác, một vài vật liệu xây dựng của Trung Quốc, bình thường đó là những thứ chẳng có ý nghĩa gì lắm, thế nhưng, vụ việc lại xảy ra trên một bãi đá thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đó là dấu hiệu cho thấy sự leo thang căng thẳng trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, một trong những tuyến thông thương hàng hải quan trọng trên thế giới, nơi được coi là có nhiều tài nguyên, đặc biệt là dầu khí.

Sự kiện này còn đặt ra vấn đề là các nước Đông Nam Á ven biển Đông đối phó ra sao với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc khu vực.

Theo giới quan sát, đương nhiên, các nước Đông Nam Á không thể nào đối địch được về mặt quân sự với Trung Quốc, thế nhưng, các nước này cũng không chấp nhận thua và để mất chủ quyền đối với các vùng biển kề cận lãnh thổ quốc gia. Quốc tế hóa, kể cả việc khuyến khích sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, là một cách để các quốc gia này bảo vệ lợi ích của mình.

Nhận định về cách hành xử của Trung Quốc tại biển Đông, ông Ian Storey, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được Reuters trích dẫn, nói, «tôi ngày càng nghiêng về việc dùng từ hung hăng, thay cho từ quyết đoán, để miêu tả cách hành xử của Trung Quốc tại biển Hoa Nam – biển Đông. Và sự phân biệt này rất quan trọng».

Trong những tuần qua, Trung Quốc và Việt Nam tố cáo nhau xâm phạm chủ quyền hải phận của mình. Tại Việt Nam, đã có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong hai Chủ nhật liên tục, 05/6 và 12/6/2011.

Theo Việt Nam, vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02, ngày 26/5 và vụ tàu ngư chính Trung Quốc uy hiếp, đe dọa tàu thăm dò dầu khí Viking 2 ngày 9/6 vừa qua, đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS – 1982.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thì vụ Trung Quốc lập các trạm quan sát, đưa vật liệu xây dựng đến bãi đá Amy Douglas là sự cố nghiêm trọng nhất. Bãi đá này nằm ở phía tây nam bãi đá Recto và phía đông đảo Patag (Việt Nam gọi là đảo Bình Nguyên), vốn không có người ở, không có công trình xây dựng gì và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Đối với Manila, hành động của Bắc Kinh vi phạm tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC). Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, một mặt, khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực này, mặt khác giải thích đó chỉ là những thiết bị nghiên cứu khoa học, Trung Quốc không có ý định chiếm giữ bãi đá này và luôn chủ trương gác lại những tranh chấp và cùng nhau hợp tác, khai thác.

Thế nhưng, ông Euan Graham, chuyên gia trong Chương trình nghiên cứu quân sự, ở Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam - Singapore, nhấn mạnh, bất kể đó có phải là thiết bị quân sự hay không, xây dựng trên các bãi đá trước đó không có người ở, thì rõ ràng đó là sự vi phạm Tuyên bố DOC.

Có một thực tế là vụ tranh chấp về chủ quyền tại biển Đông không liên quan đến tất cả 10 nước Đông Nam Á, thuộc khối ASEAN. Các nước như Thái Lan, Miến Điện, Lào tỏ ra thờ ơ. Hơn nữa, Trung Quốc lại là đối tác kinh tế quan trọng của các quốc gia này. Một số chuyên gia gợi ý là các nước liên quan nên phối hợp đàm phán và đạt một thỏa thuận với nhau, tránh lôi kéo cả khối ASEAN vào, vì Trung Quốc có thể coi đây là một sự tập hợp lực lượng và khiêu khích.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc phân tích, «vấn đề biển Đông đã khiến nhiều nước Đông Nam Á thúc ép Hoa Kỳ duy trì cam kết tại Đông Nam Á» và «Đông Nam Á muốn Mỹ ủng hộ, nhưng lại không muốn Hoa Kỳ làm phức tạp thêm vấn đề hoặc có những hành động cô lập Trung Quốc và buộc họ phải lựa chọn đứng về bên nào». Trong khi đó, chuyên gia Storey nhận định rằng trong những tháng qua, Trung Quốc đã làm cho tình hình căng thẳng. Kiểu hành xử này đi ngược với lời trấn an của Bắc Kinh về một sự «trỗi dậy hòa bình» và làm tiêu tan mọi thiện ý, đẩy các nước trong khu vực xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Đ. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn