Cơn đói quặng của Trung Hoa đã làm biến dạng thế giới ra sao?

How China's Hunger for Ore Is Reshaping the World

Michael Schuman / Port Hedland, TIME, 19/6/ 2011

Hiếu Tân dịch từ time.com

clip_image001  

Chở nhanh sang Trung Hoa: năng lực của cảng Port Hedland đã tăng lên gấp ba trong vòng tám năm. Adam Ferguson / VII Network for TIME

 

Nếu bạn có ý định đến thành phố cảng tiền đồn của Australia, Port Hedland, hãy chắc chắn số tiền trong thẻ tín dụng của bạn còn kha khá. Khu thương mại bụi bặm của cái làng biệt lập 20.000 dân này có thể chỉ là vài đường phố vắng teo với mấy chi nhánh ngân hàng, sinh hoạt văn hóa của địa phương gói gọn những quán giải khát và những bàn pool[1]. Nhưng khi giấy tính tiền đưa đến, bạn tưởng bạn đang ở Beverly Hills[2]Một bữa ăn với hai quả trứng bác, bánh mì, thịt băm và một lon Coca-Cola trong một quán ăn rẻ tiền nhớp mỡ và ám khói hết hơn 20$. Một khách sạn địa phương với các căn phòng không hơn gì những khối bê tông phơi nắng giá 300$ một đêm. Giá cước taxi quá đáng đến nỗi dễ khiến các bác tài taxi ở Tokyo hay London phải ngẩn ngơ. Cửa kính của các văn phòng đại lý bất động sản dán đầy những quảng cáo những ngôi nhà một tầng, ba phòng ngủ – loại nhà có thể thấy khắp nơi trên đất Austalia – rao bán hơn một triệu đô la. Tại sao lại có người chịu trả cái giá điên rồ như thế để ở đây? “Trung Hoa cần quặng sắt, Tony Swiericzuk nói, ông là dân địa phương và là tổng giám đốc công ty mỏ Fortescue Metals của Australia.

Điều ấy giải thích mọi chuyện. Nằm thuận lợi trên bờ biển tây bắc Australia, Port Hedland là điểm mà qua nó quặng sắt, đồng, và các tài nguyên khác được đào lên từ vùng đất hoang sâu trong nội địa được chở bằng tàu biển ra nước ngoài – ngày càng nhiều cho nền kinh tế Trung Hoa đang đói ngấu. Năm ngoái 70% hàng xuất khẩu từ Port Hedland là gắn với Trung Hoa, tăng lên từ 45% năm 2005. Sự tăng vọt này đã biến Port Hedland thành một phần thiết yếu của kinh tế Australiavà một điểm đến nóng bỏng của ngành khai mỏ. Cảng này chỉ vừa đủ để thỏa mãn yêu cầu của Trung Hoa. Năng lực của nó đã tăng lên ba lần trong vòng tám năm qua, và Lindsay Copeman, giám đốc điều hành của cảng vụ Port Hedland hy vọng rằng đến năm 2016 nó sẽ lại tăng gấp đôi nữa. "Đây là một quá trình tiến triển cực kỳ nhanh chóng," Copeman nói. "Thay vì là một đường cong đi lên thoai thoải, nó là một đường cong hàm số mũ, và chúng tôi gần như đứng trước một bức tường dựng đứng."

Toàn bộ Australia đã và đang hưởng sự tăng vọt này. Sự tăng vọt do Trung Hoa đẩy lên ở Port Hedland tượng trưng cho tác động khổng lồ đang tăng lên trên toàn bộ nền kinh tế Australia. Yêu cầu của Trung Hoa đối với xuất khẩu của Australia, đặc biệt là nguyên liệu, là một lý do lớn để Australia không rơi vào suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì Trung Hoa sẽ còn đói tài nguyên thiên nhiên nữa khi kinh tế của nó gầm rú tiến lên phía trước, Australia chắc sẽ còn trở nên càng phụ thuộc nhiều hơn vào nước này. Ben Hunt, một nhà kinh tế học của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự tính rằng khoảng 12% tăng trưởng GDP của Australia trong 10 năm qua có thể quy cho buôn bán với Trung Hoa, còn trong thập kỷ tới, tỉ lệ đó lên tới 35%. Colin Barnett, thủ hiến Tây Australia, bang của Port Hedland, nói Trung Hoa đã "là nhân tố lớn duy nhất" đằng sau thành tích của vùng này trong cuộc Đại Suy Thoái. "Nhu cầu vô độ của Trung Hoa đối với tài nguyên thiên nhiên tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế nước tôi," ông nói.

Đó là tin vui theo nhiều khía cạnh. Trung Hoa đang trở thành khách hàng lớn nhất về hầu như mọi thứ, từ xe hơi đến thịt và nước nào có khả năng cắm vòi vào sự giàu có đang vọt lên của Trung Hoa sẽ được thưởng bằng có nhiều việc làm hơn và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Vì kinh tế Trung Hoa còn đang lớn lên hơn nữa, nên ngày càng có nhiều công ty, nhiều ngành công nghiệp, nhiều nền kinh tế bị hút vào quỹ đạo của nó, giống như Australia. Tính đàn hồi của Trung Hoa đã giúp nâng Nhật Bản, Nam Triều Tiên và các nước láng giềng châu Á khác ra khỏi bước suy sụp gần đây, và tăng giá các nhà xuất khẩu hàng hóa như Brazil, trong khi tiền của Trung Hoa đường sá và tạo thêm công ăn việc làm trên khắp châu Á. Những gì đang diễn ra ở Down Under[3] là một tương lai thoáng hiện đối với mọi người.

Tuy nhiên tương lai ấy cũng khiến cho nhiều nước phải nôn mửa. Ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa đã trở thành một nguồn gây ra cơn giận dữ của dân chúng và cuộc tranh luận chính trị ở Zambia và nhiều nơi khác ở châu Phi, còn các quan chức Brazil thì bực bội càu nhàu rằng lối làm ăn buôn bán của Trung Hoa đang làm nghẹt thở nền công nghiệp địa phương. Cả người Australia nữa cũng đang lo lắng về mặt xấu tiềm tàng của sự nương tựa ngày càng nhiều của họ vào anh khổng lồ đang lên. "Kinh tế Australia đang trở nên phụ thuộc khủng khiếp vào chức năng hoạch định chính sách của Trung Hoa," Scott Ludlam, một thượng nghị sĩ thuộc đảng Xanh đối lập của bang Tây Austrailia nói. "Chúng ta đang bắt đầu làm cho chính mình dễ bị nguy hiểm." Trong một cuộc điều tra năm nay do Viện Chính sách Quốc tế Lowy, một think-tank (nhóm cố vấn) có cơ sở ở Sydney tổ chức, 57% những người được hỏi nói rằng chính phủ Australia đã cho phép Trung Hoa đầu tư quá nhiều vào nước này, và 65% nghĩ mục đích của Trung Hoa là thống trị châu Á. "Hầu như có một nỗi lo lắng tiềm thức [về Trung Hoa] đang len vào tâm thức người Australia," Michael Westley, giám đốc điều hành viện Lowy nói.

Trung Hoa càng trở nên quan trọng hơn đối với kinh tế Australia thì người Australia càng cảnh giác hơn về Trung Hoa. Họ đã nhận ra các giá trị chính trị của Trung Hoa đối chọi sâu sắc như thế nào với những giá trị của họ, nổi bật bởi những thủ tục tố tụng mờ ám dẫn đến việc kết tội bốn nhân viên của công ty mỏ khổng lồ Anh Australia Rio Tinto vì đã nhận hối lộ và chiếm được những bí mật thương mại – và chính phủ Australia đã đấu với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền. Các nhà lãnh đạo Australia lo ngại về sự bành trướng thế lực quân sự của Trung Hoa, đã củng cố lại liên minh chiến lược của nước họ với Hoa Kỳ ngay cả khi các quan hệ kinh tế với Trung Hoa đang được tăng cường.

Thủ tướng Julia Gillard đã cố gắng làm một động thái cân bằng tế nhị: làm vui lòng Washington với những lời hứa hữu nghị hồi tháng ba, trong khi ký những hiệp định tăng cường buôn bán và du lịch trong một chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Tư.

Những tình cảm trái ngược còn có thể thấy trong công nghiệp mỏAustralia, khu vực được lợi nhiều nhất từ Trung Hoa. Trung Hoa đã ngốn hết 37% xuất khẩu khoáng sản trong năm tài chính vừa qua, tăng lên từ 5% từ cách đây một thập kỷ. Yêu cầu này đang khuyến khích tăng mạnh đầu tư vào khu vực này. Các công ty mỏ đầu tư hơn 40 tỉ $ vào Australia trong năm 2010 – gần gấp ba lần năm 2005. Một dự án khác về năng lượng và khai mỏ trị giá 140 tỉ $ cũng đang được tiến hành, Cục Nông nghiệp, Tài nguyên Kinh tế và khoa học ước tính, tăng bảy lần so với cách đây sáu năm. "Australia đang sắp sửa bước vào thời kỳ tăng đầu tư hầm mỏ lớn nhất kể từ cuộc đổ xô đi tìm vàng những năm 1850." Wayne Swan, Bộ trưởng Tài chính Australia, gần đây đã khoe như vậy.

Không nơi nào mà tác động của Trung Hoa lớn hơn ở Tây Australia. Bang này chiếm tới hai phần ba xuất khẩu sang Trung Hoa, và điều này dẫn đến tăng trưởng nhanh và mức thất nghiệp thấp so với cả nước. Trong khi phần lớn các nước đang phát triển khác phải vật lộn để tìm việc cho hàng triệu người thất nghiệp, thì Tây Australia lại lo thiếu lao động. Phòng công nghiệp Khoáng sản và Năng lượng của địa phương hy vọng sẽ tạo thêm 33.500 việc làm trong khu vực này trong vòng 18 tháng tới, ngoài 85.000 việc làm hiện có. Sự bùng phát ngành mỏ cũng sẽ có tác động lan tràn sang các ngành công nghiệp khác, đẻ thêm công việc cho những người chạy bàn, tài xế taxi, nhân viên khách sạn. Trong thập kỷ tới, mỗi năm bang này có thể cần đến hàng vạn công nhân mới. Với một dân số chỉ có 2,3 triệu, Tây Australia chắc sẽ tràn ngập những người di cư tìm việc, làm thay đổi hẳn diện mạo xã hội ở đây. “Những mối liên hệ của chúng ta với châu Á đang ngày càng quan trọng trong mọi phương diện của xã hội,” thủ hiến Barnett nói.

Sự bùng phát ngành mỏ cũng đang gây ra những lo ngại. Một số ngườiAustralia lo sợ rằng nhu cầu đáng lồng lên của Trung Hoa về tài nguyên thiên nhiên sẽ biến nền kinh tế này thành không hơn một cái hầm mỏ của các nhà máy Trung Hoa. “Một nền kinh tế quá phụ thuộc bất kỳ một khu vực nào sẽ nhận lấy những rủi ro quá lớn,” Gillard gần đây đã cảnh báo. Trên hết, người Australia đang lo sợ về việc mất kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ vào tay Trung Hoa, và điều đó đã dựng lên những chướng ngại đối với đầu tư của Trung Hoa vào khu vực này. Viện đến an ninh quốc gia, chính phủ đã ngăn không cho công ty quốc doanh Trung Hoa mua được công ty mỏ Oz Minerals của Australia vào năm 2009, vì một trong những cơ sở của nó, Prominent Hill, nằm rất gần với một căn cứ quân sự nhạy cảm. (nhưng cuối cùng cuộc thương lượng lại, trong đó không có vị trí nói trên, đã hoàn tất). “Khi các vị đàm phán với những tập đoàn Trung Hoa, là các vị đang đàm phán với những thực thể gắn liền với những lợi ích chiến lược của chính phủ [Trung Hoa],” Ludlam nói. Trung hoa “không ngại sử dụng ảnh hưởng kinh tế của họ cho các mục đích chính trị.”

Tiền Trung Hoa đã có tác động sâu sắc lên ngành mỏ Australia. Các khách hàng và nhà đầu tư mới từ Trung Hoa đến đã mở ra những cơ hội cho các nhà thầu và các công ty nhỏ phát đạt lên và thách thức những tập đoàn hầm mỏ lớn nhất đất nước. Nổi bật nhất trong những kẻ mới nổi này là Andrew Forrest, 49 tuổi, giám đốc điều hành công ty Fortescue. Cách đây tám năm, nó bắt đầu cố gắng thâm nhập vào một ngành công nghiệp do Rio Tinto và BHP Billiton kiểm soát. Ngày nay, nó là công ti quặng sắt lớn thứ ba Australia, với thu nhập khoảng 5,5 tỉ $ trong năm tài chính này. Forrest, người hôm 1 tháng Sáu vừa rồi tuyên bố rằng ông ta sẽ rời vị trí giám đốc điều hành để lên làm chủ tịch, có vốn góp trong công ty trị giá 6,8 tỉ đô la.

Forrest có thể cám ơn Trung Hoa. Hầu như toàn bộ quặng của Fortescue chạy sang Trung Hoa, trong khi tiền Trung Hoa là một nguồn cấp vốn. Công ty Sắt & Thép Valin của Hồ Nam mua 360 triệu $ (với tỷ lệ hối đoái lịch sử) những cổ phần mới của hãng của Forrest trong năm 2009. Để đáp ứng nhu cầu vô hạn của Trung Hoa, hội đồng quản trị công ti 8,4 tỉ $ đầu tư trong tháng 11 nhằm tăng sản lượng hiện nay của Fortescue lên bốn lần vào năm 2013. "Vì sự tăng trưởng này, chủ yếu ở Trung Hoa, chúng tôi đã có gió cho buồm của chúng tôi và chúng tôi có thể mở rộng đến một mức độ chưa từng có," Forrest nói, khi một chiếc máy xúc khổng lồ xúc quặng sắt quí lên một băng tải bên chân ông ta.

Tuy vậy ngay cả Forrest cũng mang những lo âu về quan hệ của công ti ông ta với Trung Hoa. Ông ta đang cố gắng đa dạng hóa thành phần khách hàng để giảm sự lệ thuộc của ông ta vào Trung Hoa, nhưng trên hết, ông muốn bảo vệ sự độc lập của ông việc quản lý của ông khỏi ảnh hưởng quá đáng của Trung Hoa. "Trung Hoa có tâm lý kiểm soát mà tôi cho là sẽ không tốt cho họ trong dài hạn," Forrest nói. Năm 2004, ba công ti Trung Hoa đã đồng ý xây dựng đường sắt và các phương tiện khác cho Fortescue đòi có phần góp vốn chủ yếu trong công ti non trẻ này như một phần của thỏa thuận. Forrest đã từ chối, ông buộc phải đi tìm nguồn tài chính ở nơi khác. (Từ đó đến nay, Forrest nói ông đã quên những mối quan hệ tốt đẹp với công nghiệp và chính phủ Trung Hoa trên cơ sở lòng tin cậy lẫn nhau sâu sắc.")

Công ti Mount Gibson Iron cũng đã phát hiện ra rằng Trung Hoa đã mang đến cả thách thức lẫn lợi ích. Từ cuối 2008, Gibson đã cố gắng đòi tiền từ nhà sản xuất thép Trung Hoa Rizhao Steel, kẻ đã từ chối vận chuyển quặng sắt mà theo hợp đồng thì nó buộc phải chấp nhận. Richao thậm chí đã phớt lờ thanh toán cho Gibson theo quyết định của trọng tài. Alan Rule, chuyên viên tài chính của Gibson tin rằng có những công ti Trung Hoa không có cùng thái độ đối với giao thương quốc tế như những công ti phương Tây. "Biên bản và điều khoản hợp đồng khồng có lợi cho họ là họ bỏ đi” ông nói, (Richao không trả lời những cuộc điện thoại lặp lại nhiều lần và những e-mail yêu cầu trả lời.)

Những cảm giác xấu chạy cả hai chiều. Bắc Kinh cũng đang cảnh giác sợ trở nên quá phụ thuộc Australia như Australia sợ phụ thuộc Trung Hoa. Về quặng sắt, Trung Hoa đã phó mặc cho một nhúm các công ti mỏ - Rio và BHP và Vale của Brazil, những công ti mà người Trung Hoa cho là đã làm cho nền kinh tế của họ gặp nguy hiểm. Bởi vậy Trung Hoa đang cố gắng làm nghiêng cán cân quyền lực có lợi cho mình bằng cách giữ chặt những nguồn tài nguyên của chính nó. Các công ti của nó đang tỏa ra khắp thế  giới đi tìm kiếm những vỉa quặng mới. Ở TâyAustralia, hai dự án quặng sắt do các công ti Trung Hoa sở hữu 100%.

Dù cho hai nước dè chừng lẫn nhau, nền kinh tế đang réo gào của Trung Hoa không thể thiếu tài nguyên của Australia, mà sự thịnh vượng của Australia không thể thiếu nền kinh tế đang réo gào của Trung Hoa. Nói đơn giản, Australia đang đối mặt với những thực tế của bước chuyển lớn ảnh hưởng kinh tế sang phía Đông. "Đây là nơi diễn ra tăng trưởng," Barnett nói. Người Australia sẽ phải tìm ra một cách để thích ứng với một nước Trung Hoa mạnh hơn, dù họ muốn hay không – và những người còn lại trong chúng ta cũng vậy./.

Có sử dụng báo cáo của Jessie Jiang tại Bắc Kinh.

M. S. / P. H.

Nguồn: vanchuongviet.org

[1] Một lối chơi bi-a với 16 viên tròn có màu trên bàn

[2] Một thành phố phía tây Quận Los Angeles, California, là nơi ở của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Holywood và những người giàu có.

[3] Chỉ Australia, vì nước này nằm ở Nam Bán cầu

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn