Động đất và đập thuỷ điện Sông Tranh 2: Góc nhìn kỹ sư

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

Từ giữa năm 2011 đến nay, động đất ở khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, xảy ra với tần suất thường xuyên và cường độ của động đất có xu thế tăng lên1. Lúc đầu thì địa chấn kèm tiếng nổ làm rung chuyển nhà cửa, đồ đạc, nay thì tường nhà xây bằng gạch nứt toác nhiều nơi và có nguy cơ đổ ập bất cứ lúc nào2. Theo Trung tâm Báo tin Động Đất và Cảnh báo Sóng Thần thì tần suất xảy ra động đất tại đây vẫn chưa hề giảm, và quan trọng là cường độ chưa đến đỉnh điểm và thời gian tới, có thể xuất hiện thêm các trận động đất có cường độ lớn hơn3.

Người thì bảo rằng những chấn động liên tiếp như thế sẽ phá hỏng đập Sông Tranh 2, kẻ thì quả quyết đập vẫn còn an toàn4. Nhân dân và chính quyền huyện Bắc Trà My, ở ngay dưới chân đập, hoang mang vì động đất liên tục xảy ra, lo ngại cường độ các trận động đất xảy ra ngày càng mạnh hơn và đang tiến gần tới ngưỡng động đất theo thiết kế của đập thuỷ điện Sông Tranh 25. UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gởi Thủ tướng chính phủ và các bộ ngành trung ương cầu cứu tình hình động đất tại Bắc Trà My để an dân lúc này6. Công ty thuỷ điện Sông Tranh chỉ tập trung việc cung cấp thông tin chứ chưa thấy đề cập đến lực lượng và trang bị triển khai cứu hộ, ứng phó7. Kết quả là tin đồn thất thiệt tràn lan tự phát8. Những công bộc dân cử, Đại biểu Quốc hội và Tỉnh uỷ Quảng Nam, có đến thị sát hiện trường và hứa sẽ đưa vấn đề ra Quốc hội9. Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo "Phát triển thuỷ điện bền vững các bài học và khuyến nghị"10. Chúng tôi không biết các quan chức cao cấp trong chính phủ đã dành một chút thì giờ quý báu nào của các vị để đến Trà My chia sẻ lo lắng của nhân dân hay chưa. Kiếm trên mạng, chúng tôi chỉ thấy có Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ra chỉ đạo xem xét hiện trạng của đập thuỷ điện Sông Tranh 2 như thế nào và thu thập số liệu11 và yêu cầu thường xuyên kiểm tra an toàn đập Sông Tranh 212.

Quy trình quản lý khủng hoảng (crisis management) của nhà cầm quyền nước ta hoàn toàn lạ đời: không bố trí gì trước để phòng hờ tai nạn, không đặt phương tiện quan trắc dự báo tai nạn, khi có rủi ro thì lập một đoàn công tác đến nghiên cứu tình hình rồi quyết định tuỳ theo kết luận của các nhà khoa học. Ở các nước khác người ta làm ngược lại: nếu có đe dọa thì di tản dân trước, đối phó, tìm hiểu nguyên nhân và truy trách nhiệm sau. Ngoài ra, khi xây một đập thuỷ lợi thì người ta (a) quy định một vùng có thể bị ngập nếu đập vỡ có hệ thống báo động, trong vùng có thể bị ngập trong vòng 15 phút thì cấm tuyệt đối không được xây nhà và có những sinh hoạt thường xuyên; (b) thiết kế trước một quy trình và bố trí sẵn những phương tiện di tản và cứu hộ dân phòng khi tai nạn xẩy ra; (c) nhân viên cứu trợ và cư dân sống trong vùng có thể bị ngập được thao luyện theo định kỳ về tuân thủ quy trình này; (d) và đặt một hệ thống quan trắc bảo đảm vận hành liên tục để phát hiện sớm những nguy cơ tai nạn.

Tuân theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hải, các cơ quan chức năng của địa phương cùng với các nhà khoa học "phối hợp và đi khảo sát"13. Vào đầu năm nay thì nói rằng chủ đầu tư dự án đã lắp đặt một hệ thống quan trắc đập vào bên trong thân đập với tổng trị giá gần 400.000 USD14, các cơ quan chức năng đã thống nhất sẽ khảo sát năm điểm đặt các trạm quan trắc về động đất quanh khu vực thuỷ điện Sông Tranh 215. Bây giờ, động đất nhiều hơn và mạnh hơn, thì được tin thiết bị quan trắc động đất lắp đặt bên trong thân đập thuỷ điện Sông Tranh 2 vẫn còn bị kẹt tại cảng sân bay Nội Bài từ tháng sáu đến nay chưa thông quan được vì đơn vị nhập khẩu lô hàng này đang nợ thuế một lô hàng trước đó16. Không có thiết bị theo dõi để thu thập số liệu Viện Vật lý địa cầu phải sử dụng trạm quan trắc đặt ở Bình Định và Huế. Nhưng trạm ở Huế không truyền được số liệu vì cấp điện phập phù. Dẫu sao, hai trạm này quá xa để có thể ghi nhận được những trận động đất nhỏ ở khu vực Trà My. Vì đó mà các nhà khoa học than phiền chỉ có cách phỏng đoán dựa trên lý thuyết, thực tế từng xảy ra ở nơi khác để lý giải nguyên nhân động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 217. Kết luận của các nhà khoa học là: (a) động đất tại vùng thuỷ điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích do tích nước thuỷ điện 18 và (b) đập thuỷ điện Sông Tranh 2 an toàn và đủ điều kiện tích nước, tuy nhiên "không thể cam kết tuyệt đối an toàn"19. Chúng tôi thông cảm người dân thường, mà chúng tôi kính phục hiểu biết về nghề nông hơn chúng tôi một trời một vực, không chấp nhận các vị kết luận như thổ dân vùng Normandy, bên Pháp, "peut-être bien que oui, peut-être bien que non" (nửa nạc nửa mỡ) về một vấn đề quan trọng như là sinh mạng của họ20. Chúng tôi sững sờ khi một bà, đã được Nhà Nước dùng tiền của dân để nuôi cho ăn học tới học vị tiến sĩ, nhận xét: “Người dân quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy. Người dân cần phải bình tĩnh và có những ứng xử hợp lý hơn với động đất thì sẽ không gây thiệt hại21.

Chúng tôi may mắn được đi học trường kỹ sư đào mỏ nên có một chút kiến thức để hiểu được phát biểu của các vị về những khúc gãy địa chất ở vùng Trà My. Đâu cần phải triển khai đề tài nghiên cứu cấp nhà nước thì mới biết rằng một lượng nước lớn nhấn xuống lớp địa chất ở dưới làm cho lớp địa chất chuyển động. Chuyển động đó biểu hiện bằng động đất trong một thời gian dài hay ngắn, với cường độ mạnh hay nhẹ tuỳ địa thế. Cụ thể là từ khi bắt đầu đổ nước vào hồ Sông Tranh 2 thì người dân nhận thấy động đất có vẻ mỗi ngày mỗi mạnh lên mà không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Các vị than phiền không có hệ thống quan trắc nên chỉ có thể bói mò. Một hệ thống quan trắc dùng để phát hiện những chấn động địa chất nhỏ báo trước một trận động đất tiềm tàng mạnh hơn. Chúng tôi ngạc nhiên và quan ngại được biết những đập thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La, Trị An hay Yalu không được lắp đặt những hệ thống này. Dẫu sao một hệ thống quan trắc đâu có công dụng trực tiếp giúp tìm hiểu kết cấu địa chất dẫn tới một trận động đất mà các vị viện cớ đó để không trả lời rõ ràng câu hỏi duy nhất của dân ngu khu đen: "đập Sông Tranh 2 an toàn hay không an toàn?". Về giá trị khoa học thì một người trong nghề đánh giá để tài trợ những đề án nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ bổ sung kết quả công trình khảo sát của các vị vào kho tài liệu của Viện Vật lý Địa cầu chờ ngày có một nghiên cứu sư nào đó sưu tập với những khảo sát ở những nơi khác để đề ra một lý thuyết về sự cấu thành địa chất của dãy Trường Sơn. Nếu các vị đã không dùng lại những kết quả thăm dò địa chất do nhà thầu tiến hành trước khi xây đập hay sao lại bản đồ địa chất đã có từ thời Pháp thuộc thì kết quả khảo sát các vị trình làng chỉ đáng một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chứ không dẫn tới một giải Crafoord về địa chất (tương đương với một giải Nobel).

Về khắc phục nguy cơ (tới giờ phút này, chúng tôi không thể dùng cụm từ sự cố nữa) thì chúng tôi phải đặt vấn đề tính nghiêm túc của Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 3 (BQLDA).

Rò rỉ nước thành dòng từ thượng lưu qua thân đập xuống hạ lưu là không thể có và không thể chấp nhận được. BQLDA dám nói là một chuyện bình thường. Còn về khắc phục sự cố rò rỉ đáng lý ra thì phải trút hết nước trong hồ để có thể quan trắc triệt để tất cả những nguyên do của sự cố, sửa chữa kỹ càng và kiểm tra lại tính bền vững của đập trước khi cho nước chẩy lại vào hồ22. GS TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, cũng không nói gì khác23. Nhưng BQLDA đã bắt đầu nhồi bao nhựa để ngăn không cho người ngoài trông thấy nước rò rỉ. Cả những người không biết gì về thuỷ điện cũng thấy là lố bịch24. Sau đó BQLDA đã bắt đầu sửa chữa bằng cách khoan các lỗ rồi bơm hóa chất vào để “thu hồi” nước lại25. Đây lại là một phương pháp khác để che giấu hậu quả của một tình trạng không thích nghi kỹ thuật chứ không phải là phương pháp loại trừ tình trạng đó, nguyên nhân của sự rò rỉ. Chúng tôi có đề nghị một phương pháp bài bản hơn26. Theo tin giờ chót thì Nhà thầu Hoa Đông của Trung Quốc đã xử lý xong 10 khe dọc thấm nhiều nhất, còn Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng xử lý dán mặt trên những khe còn lại. Lượng nước thấm trong hành lang đo được hiện nay còn 3 – 5 lít/giây, trong khi thời kỳ đỉnh điểm là trên 80 lít/giây27. Ngay sau khi công bố những việc này thì đã có người đặt nghi vấn về tính vĩnh cửu của kết quả này28. Chúng tôi xin hỏi thêm thân đập đã được kiểm tra như chúng tôi đã đề nghị chưa ? Nếu đã kiểm tra thì đập vẫn còn bền vững không ? Khi một đập vỡ thì chỉ có rủi ro ở vài trăm mét xung quanh đập nếu hồ không chứa nước. Nếu hãy còn nước trong hồ thì nước sẽ chảy và tàn phá khu vực hạ lưu. Hiện nay vẫn còn nước trong hồ vì nhà thầu đã không bố trí cửa xả đáy29. Đây là một sai lầm kỹ thuật không cho phép kiểm tra toàn diện tính vững bền của đập định kỳ mỗi thập niên và gấp rút tháo hết nước trong hồ khi có sự cố. Vì không thể tháo hết nước, lượng nước còn lại trong hồ vẫn là một đe dọa cho dân ở hạ lưu. Điều nữa là mùa lũ đã tới. Những tuabin đã được thiết kế để khi chạy với công suất tối đa thì nước trong hồ sẽ đạt đỉnh cao nhất khi mùa lũ chấm dứt. Vì không có cửa xả đáy, mực nước trong hồ Sông Tranh sẽ lên cao trở lại đe doạ hơn nữa an toàn của người dân.

EVN vẫn còn muốn vận hành đập, tuyên bố đập an toàn và xin được tích nước vào hồ30. Nhưng đây là một ước mơ vô vọng. Đập Sông Tranh 2 không còn an toàn nữa. Hồi đầu năm, khi được tin Sông Tranh 2 có sự cố thì còn có thể nghĩ rằng rò rỉ chỉ là một trục trặc kỹ thuật có thể khắc phục được và những trận động nhỏ dần dần sẽ giảm rồi ngưng đi. Chúng tôi có đưa ra một số đề nghị khắc phục sự cố tuỳ theo kết quả kiểm tra31. Nhưng bây giờ thì động đất vẫn tiếp tục và có xu hướng gia tăng về chu kỳ cũng như về cường độ. Đập đã được thiết kế để chịu một động đất cường độ 5,5 độ Richter. Mặc dù cho tới nay động đất mạnh nhất ở Trà My là 4,2 độ Richter. Nhưng liên tục bị lay lắc bởi những trận động đất nhỏ dưới cường độ thiết kế nếu ngày mai đập không vỡ thì sẽ vỡ tháng sau, năm sau hay vào một lúc nào đó mà không ai có thể dự báo được. Để người dân Hạ My sống yên ổn, tốt nhất là ngưng vận hành nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2 như TS Nguyễn Bách Phúc đã đề nghị từ đầu năm nay rồi32. Công suất 190 MW của đập không đáng kể so với tổng sông suất điện quốc gia và 5.194 tỷ đồng đã đầu tư vào đập cộng với 40 tỷ đồng đã chi thêm để sửa chữa đập có nghĩa lý gì bên cạnh những khoản đầu tư vô dụng như là nhà máy alumin Tân Rai hay tàu Lotus? Làm như thế sẽ tiết kiệm được chi phí cố gắng vá víu một con đập không còn công dụng nữa mà lại an dân.

Như viết ở trên, ở các nước khác, người ta bắt đầu di tản nếu sự vẹn toàn của người dân bị đe dọa. Sau đó người ta nghiên cứu xem vẫn còn an toàn hay không. Nếu vẫn còn an toàn thì họ cho phép dân trở về và họ chỉ tốn có chi phí di tản dân một cách vô ích. Khi xảy ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island, Thống đốc tiểu bang Pensylvania đã ra lệnh sơ tán trẻ em và phụ nữ có thai. 200.000 dân tỉnh Goldsboro, gần nhà máy điện, đã chạy trốn. Rút cục lò phản ứng bị hỏng nặng nhưng cường độ phóng xạ trong khí quyển không tăng đáng kể nên dân chúng chỉ hoảng loạn thôi. Người ta không trách ông Thống đốc đã ra một lệnh vô lý vì ông được bổ nhiệm để bảo hộ dân chứ đâu phải là để khoe bụng chữ và phô trương uy quyền.

Trước tình trạng các nhà khoa học không làm tròn bổn phận, nhà thầu làm ăn không nghiêm chỉnh và chủ đầu tư vô trách nhiệm chúng tôi thông cảm lãnh đạo và nhân dân Huyện Bắc Trà My từ lo âu trở nên nóng nảy33. Chúng tôi không hiểu tại sao, ở Tiên Lãng, Hải Phòng, một ông Huyện có thể huy động cảnh sát quân đội để đập phá nhà cửa vườn ruộng của dân mà ở Trà My, Quảng Nam, người đương nhiệm chỉ có quyền đấu võ mồm để bảo vệ dân.

Đ.Đ.C.

1 Còn “bói” động đất đến bao giờ?

2 Nếu cần, sẽ kiến nghị bỏ thuỷ điện Sông Tranh 2

3 Cảnh báo các trận động đất mạnh hơn

4 Liệu đập thuỷ điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?

EVN khẳng định đập vẫn an toàn

Vẫn bất an với thuỷ điện Sông Tranh 2

5 Sáng nay, lại xảy ra động đất ở Quảng Nam

6 Quảng Nam: người dân hốt hoảng vì rung chấn mạnh

7 Nếu cần, sẽ kiến nghị bỏ thuỷ điện Sông Tranh 2

8 Theo UBND xã Nghĩa An, vào khoảng 23 giờ ngày 3.9, sau khi rộ lên tin đồn sóng thần, nhiều người dân bắt đầu hoảng loạn. Lo sợ, nhiều gia đình mang theo hành lý, mì tôm và tiền bạc, sử dụng mọi phương tiện, kể cả thuyền thúng để vượt sông qua các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hà (H.Tư Nghĩa), thậm chí có gia đình còn vượt xa hàng chục cây số lên TP.Quảng Ngãi lánh nạn. (Quảng Ngãi: Bác bỏ tin đồn thất thiệt về sóng thần).

9 Vụ thuỷ điện Sông Tranh 2: Không xử lý thỏa đáng sẽ đưa ra Quốc hội

Khảo sát thuỷ điện Sông Tranh 2: Đại biểu Quốc hội cũng bị cấm chụp ảnh hầm

10 Không xử lý dứt điểm rò đập Sông Tranh, con cháu gánh hậu quả

11 Chưa có đánh giá độ an toàn thuỷ điện Sông Tranh 2

12 Yêu cầu thường xuyên kiểm tra an toàn đập Sông Tranh 2

13 Sự cố Sông Tranh – Người dân sẽ ra sao?

14 Đập thuỷ điện Sông Tranh 2: Khâu nào cũng có lỗi

15 Vụ thuỷ điện Sông Tranh 2: Khảo sát 5 vị trí đặt trạm quan trắc động đất

16 Thiết bị quan trắc động đất còn kẹt ở... Nội Bài

17 Như 1

18 Kết luận về động đất Sông Tranh 2:Chưa thuyết phục!

19 EVN: "Không thể cam kết vùng Bắc Trà My an toàn"

20 Chủ tịch UBND các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức đều cho rằng, kết luận của các nhà khoa học chưa thuyết phục, bởi vấn đề quan trọng nhất không chỉ là động đất, mà là động đất liên quan đến đập nước 730 triệu mét khối treo lơ lửng, là “nỗi lo kép”, thì chưa thể xác định, nên cần phải thận trọng khi kết luận là mọi việc an toàn và cho tích nước hồ ở mức cao, vì nếu có sai lầm thì không thể sửa chữa. (xem 18!).

21 Tranh luận về động đất, nhà khoa học “mắng” dân

22 Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại

23 GS TSKH Phạm Hồng Giang: "Muốn khắc phục các điểm nứt, rò rỉ trên thân đập chính thuỷ điện Sông Tranh 2 có khi phải hút nước lòng hồ, xử lý hướng từ thượng lưu xuyên qua thân đập về hạ lưu thì mới dứt điểm." (Vụ đập thuỷ điện Sông Tranh 2 rỉ nước: Giải thích chưa thuyết phục)

24 Đọc giả Xuân: "[...] khôi hài hơn là mấy anh công nhân dùng những mảnh bao tải rách cố gắng nhét vào các khe nứt của đập! ôi công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 đây sao!" (như 23).

Đọc giả dan đên: "Nhà tui bị thấm tui che từ trên mái chứ tui đâu có che phía dưới mái đâu. Còn đập này thì được nhắc nilông từ phía hạ lưu đập. Như vậy thử xem công trình này là vĩnh cửu làm như vậy có đúng khoa học không. Bao gai, nilông, bê tông thấm và giữ nước thì độ bền bao nhiêu năm." (Vụ rò rỉ nước ở đập thuỷ điện Sông Tranh 2: Cơ quan chức năng khẳng định đập an toàn).

25 Như 23

26 Khắc phục sự cố Sông Tranh 2

27 Đập không bị ảnh hưởng từ động đất

28 Ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Sau khi kiểm tra trong thân đập tôi thấy việc xử lý mới chỉ là thu gom nước chảy về một mối cho dễ nhìn. Con số công bố nước thấm còn 2,59 lít/giây chưa thể hiện được gì cả vì mực nước ở lòng hồ hiện đang rất thấp đương nhiên lượng thấm sẽ rất ít. Đến khi nước tích dâng lên cao, áp lực lớn, nước thấm nhiều, rất có thể nước sẽ chảy mạnh trở lại." (Bắc Trà My lại rung chuyển vì động đất).

29 Sự cố tại đập Thuỷ điện Sông Tranh 2: Xử lý xong trước 31.7

30 Ông Lưu Thế Biểu, Phó Trưởng ban xây dựng Tập đoàn EVN: "Nếu các trận động đất lớn hơn xảy ra đập vẫn an toàn. Ngày 13 9, EVN sẽ họp với Bộ Xây dựng để có kết luận cuối cùng và đề nghị Thủ tướng cho phép tích nước." (Xem 21)

31 Đặng Đình Cung:

"(a) Nếu sau khi thăm dò lại địa chất xung quanh mà nhận thấy đập đã được xây ngang một phay thì chỉ có một giải pháp là bỏ vĩnh viễn không khai thác đập nữa và không xây một đập khác bên cạnh.

(b) Nếu sau khi kiểm tra thiết kế và thực hiện thân đập mà nhận thấy có nơi trong thân đập có thể sẽ phải chịu một lực cưỡng bức trên một phần ba lực tới hạn và bêtông không đủ đàn hồi thì bỏ vĩnh viễn không khai thác đập này. Nếu ở địa điểm đó không có phay địa chất thì có thể xây lại một cách bài bản hơn một đập khác.

(c) Nếu quả thực thân đập không có khe nứt và nước chỉ chẩy xuyên qua những khe nhiệt như EVN quả quyết thì sửa lại màn chống thấm bền và đàn hồi hơn." (Xem 26).

32 TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TPHCM :

"[...] việc ngưng vận hành nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2 không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công suất máy của thuỷ điện Sông Tranh 2 chỉ 190 MW, chiếm gần 1% tổng công suất của toàn hệ thống điện Việt Nam(khoảng 20.000 MW)". (Xả cạn hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 để xử lý thấm).

"Phải chấp nhận đau đớn là chấm dứt hoạt động của đập và nhà máy thuỷ điện. Thật lãng phí và tai hại khi cứ bỏ hàng chục hàng trăm tỷ đồng vào sửa chữa trong khi chưa xác định khả năng sửa chữa khắc phụ có hiệu quả hay không." (Đập Thuỷ điện Sông Tranh 2: Cần kiểm tra toàn diện).

33 Dân và cán bộ vẫn chưa an tâm về động đất tại huyện Bắc Trà My

Nguồn : diendan.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn