Chút tản mạn những ngày bị cấm cửa

Hạ Đình Nguyên

Thế là chiều nay 25/5 hai tổ “Lính Chì” sau chín ngày đóng chốt phía trước và phía sau nhà tôi đã nhổ trại; khi mà ông Obama rời hẳn khỏi Việt Nam vào buổi trưa. Và một ngày “Đảng cử Dân bầu” rất nặng nề đã qua đi lặng lẽ, nhanh chóng, nhường không gian cho chuyến thăm của Obama suốt ba ngày, trong không khí phấn khích cả nước với người dân từ Nam chí Bắc.

Đó là một ghi nhận khách quan không hề thêm bớt.

Obama đi rồi, nhưng đã để lại một cái bóng khó phai, qua những điều ông phát biểu và phong cách ứng xử của mình. Ông ấy không phải là siêu nhân, hẳn nhiên, và quan trọng là không hề đóng vai siêu nhân tí nào, càng không làm vẻ quý tộc để che giấu cái nguồn gốc bụi đời đường phố vô tư ở tuổi thiếu niên của mình. Tác phong bình dân, thân thiện của ông đã là bản chất chứ không đóng bộ, đã truyền đi mối liên thông của tình cảm, không tỏ ra bị ám ảnh bởi mình là “đầu gấu” nước lớn, như Dương Khiết Trì – Trung Quốc, đã từng phun ra bừa bãi ở hội nghị ASEAN. Những phát biểu của ông có một tầm nhìn vừa bao quát vừa cụ thể và đầy trí tuệ, dù ông không đến từ một đất nước tự xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ”. (Thực ra, những người tự xưng này chỉ đứng trên một mô đá trong một lũng thấp nên không thấy trời cao đất dày).

Không phải hệ thống an ninh và phương tiện tối tân đồ sộ hộ tống ông làm say lòng người Việt. Mà là chính ông, phong cách của ông đã làm được điều ấy.

Ông hướng về tương lại, nói với giới trẻ, về sự thịnh vượng, an ninh và nhân cách. Tiếp theo Bill Clinton mở đầu cuộc tái bang giao Việt - Mỹ, ông đã vượt lên và quyết tâm khép lại một quá khứ, gọi là mối cựu thù của hai bên. Việc khép lại quá khứ xem như là trọn vẹn, ít nhất về phía Mỹ, với ba đời Tổng thống đã sang Việt Nam bằng dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, bằng TPP, cùng với một số chương trình cho lớp trẻ để theo nhịp bước toàn cầu.

Về phía nhân dân hai nước, mối quan hệ đã trở nên nồng ấm, khá đặc biệt và hiếm có, mà Obama đã gọi là điển hình cho thế giới. Obama có nhắc lại 58.000 thanh niên Mỹ đã qua Việt Nam và không trở về nhà, và bao triệu thanh niên Việt Nam cũng đã nằm xuống vĩnh viễn. Đó lại chính là nguồn cội cho một sự thay đổi sâu sắc làm nên cái nhìn hôm nay của hai dân tộc. Quá khứ ấy được ghi nhận và trân trọng xếp vào kho lịch sử. Những cuộc đón chào Obama tự phát của người dân trong những ngày qua đã chứng tỏ điều đó, cũng như các cựu binh Mỹ ở chiến trường Việt Nam đã từng tích cực kiên trì góp sức cho cuộc hòa hợp này, biểu trưng như cựu tù binh McCain, hay John Kerry, và những cuộc giao lưu đầy cảm xúc giữa các cựu binh của hai bên trong nhiều năm qua.

Có còn chăng là dư âm nơi một số người ở phía này, vì vết hằn trong não chưa phai, vì nỗi đam mê kỳ quặc hai từ Mác-Lê, vì quyền và lợi ích của phe nhóm mình, hay vì sự kiềm hãm quá chặt của người làng giềng tham lam xảo quyệt. Đúng vậy, cái còn lại dù sao cũng chỉ là dư âm thôi, kể cả một số ít người Việt bên kia đại dương vẫn chưa xóa được nếp nhăn cũ, vẫn mang trong lòng sự hận thù, chưa đủ tâm thế để bước lên một sân chơi mới, một cách chơi mới của thời kỳ mới. Không có cái cũ nào lại được phục hồi nguyên vẹn. Cái mới sẽ được hình thành trong một tâm thức mới. Nhưng cũng không hy vọng gì việc xóa sạch hẳn những vết hằn cũ trong mọi người. Cả hai loại người này vì có nhau mà tồn tại. Phải thông cảm để cho họ thở những hơi thở cuối cùng. Vì thế, Obama đã đặt nhiều niềm tin vào thế hệ mới – thanh niên Mỹ và thanh niên Việt Nam – ít nhất bắt đầu từ thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, trong đó có ông, đã không quá vướng mắc về quá khứ và biết cách xử lý nó một cách khách quan, để không cản đường đến tương lai.

Cuộc viếng thăm của Obama chứa nhiều thông điệp đáng giá, rọi sáng thêm niềm hy vọng của nhân dân, củng cố thêm cho một định hướng đúng đắn của dân tộc để rời xa vùng u ám đầy mây đen từ phương Bắc, càng nhanh càng tốt. Thay vì 21 phát đại bác chào mừng và cấp cao đón tại chân máy bay như cuộc cung nghinh Tập Cận Bình trước đây, ông được hàng vạn người Việt Nam hồ hởi chen nhau ra đường cười tươi và vẫy tay chào nồng nhiệt, thật lòng. Nó hơn rất nhiều những phát đại bác vô nghĩa và những kiểu cách trịnh trọng nhưng trống rỗng, như chuyện Bình tiếp Trọng, hay Trọng tiếp Bình.

Tôi cũng háo hức muốn chen chân ở đường phố, trong đám người dân vô danh để ngắm nghía một người da màu đầy ấn tượng, tuy đã qua tuổi thanh niên – nhưng theo lời của cô giúp việc nhà tôi – trông ông ta rất là “manly”. Còn, theo lời một anh tài xế taxi Hà Nội trong so sánh, thì bên ta, toát lên một vẻ “thiếu tự tin”, nên chen vào đó các bộ tịch, kiểu cách. Cái nhìn của cô giúp việc và anh tài xế nọ, cả hai đều sắc bén, vượt xa nhiều quan chức.

clip_image001

Thay vì được hội nhập như nhiều người dân trên đường phố, tôi đành khoanh chân ngồi ngắm các Hồng Vệ Binh đang “canh phòng” ngày và đêm trước cổng nhà. Đã là chín ngày đêm. Tiếc cho sức thanh niên của họ đã bỏ ra một cách vô lối, vì tôi tự thấy mình chưa đáng được như thế. Còn ở ngoài kia, trung tâm thành phố, mấy hôm nay nhiều người bị đánh đập, máu me, tiếng chửi rủa, mắn nhiếc, kêu la của thanh niên, phụ nữ, trẻ em…

Hoạt cảnh rất không đẹp! Nhớ lời ông Trọng: “Dân chủ đến thế là cùng!”.

Dùng bạo lực là trấn áp, chứ không phải thu phục lòng dân. Nhưng biết làm sao, khi họ chỉ có cái búa trên tay thì mọi vật đều có dạng cây đinh.

Và chung quy, cũng chỉ tại “Việt Tân”!

Nếu không có Việt Tân thì hàng hàng lớp lớp của đội ngũ an ninh ba vạn người của thành phố, chưa kể Trung ương chi viện và kèm cặp, cùng các bộ phận râu ria phụ tùng khác, họ sẽ làm gì nhỉ? Phải có đối tượng để có cơ hội gồng lên khoe cơ bắp! Chẳng ai đi múa võ trước thinh không bao giờ. Phải dựng bóng lên để làm đối tượng, một thứ bóng ma của “thế lực thù địch”. Họ lấy “ông kẹ” làm mục tiêu để biện minh cho hành vi bạo lực của mình. Khoảng 2 giờ chiều hôm nay thì họ bắt đầu cuốn bạt, xếp dù, thu gom bàn ghế dụng cụ linh tinh chở lên xe thùng biến mất. Họ đã hoàn thành “sứ mạng” gì đó rất tốt đẹp chăng? Họ đã vứt lại tàn thuốc lá, chai lọ bằng nhựa và rác. Dù sao, con hẻm đã trở lại thanh bình, cả xóm thấy nhẹ người. Một thời “đem bục công an đặt giữa trái tim người” những tưởng đã lùi xa… Cơ hồ như thời gian đã đứng lại, từ dạo ấy – Cải cách ruộng đất.

Tôi thầm nghĩ, mai kia khi đất nước tiến bộ, cơ chế dân chủ được thiết lập, lực lượng trên sẽ làm gì, khi tâm thức bạo lực đã ngấm sâu, với hai bàn tay đã quen “cầm búa”?

Suốt lịch sử, chưa từng nghe nói bạo lực thu phục được lòng người. Nhưng văn hóa và trí tuệ có thể làm được điều đó.

Như Obama đã thể hiện chỉ trong vài ngày, điều mà cả thế kỷ từ Mao đến Tập chưa làm được, chưa từng chạm đến trái tim người Việt.

Tôi hỏi tiếp người giúp việc, còn về Tập Cận Bình thì sao? Trả lời: “Thấy mặt là thấy ghét. Nó ác lắm. Nó làm cây trái nhà cháu chết hết. Cô là người miền Tây, nhưng nếu là người miền Trung, hẳn là cô sẽ nói: “Nó làm cá biển nhà cháu chết hết. Và nỗi căm giận thì ở “đỉnh cao”.

Obama đã để lại nhiều thứ, biết nhiều thứ, kể cả sự khuyến khích và lòng kiên trì dài hạn. Ông đã viết trong facebook (trang White House):

Các bạn có thể tạo ra thay đổi. Đúng thế!

Các bạn không thể nào chuyển biến thế giới chỉ trong một ngày. Không đâu, ở Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ.

Và đó là điều gây ra thất vọng. Thất vọng, đôi khi là có thật, nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời.

Có không ít những cản trở, bước lùi.

Nhưng tiến bộ sẽ đến từng chút một.

Vì có sức cản trở tự thân nên có bước lùi, đó là điều có thật ở Việt Nam, nhưng tiếng chân bước tới ngày càng đông, càng mạnh. Một chút nhưng đã nhiều tích lũy.

Thoát Trung đang dựng lại hùng khí của dân tộc, và đang nối kết với thế giới.

“Ước mơ lớn” là lời viết tặng của Obama cho giới trẻ Việt Nam./.

H. Đ. N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn