Thư gởi các nghị sĩ khóa XIV

Nguyễn Khắc Mai, người già ở Ô Đồng Lầm Thăng Long

Trước ngưỡng của phiên họp đầu tiên, khóa XIV Quốc hội, xin gởi tới các quý Nghị sĩ lời chào trân trọng.

Chúng tôi nhận thức rằng mở đầu khóa họp đã có những dấu hiệu “sái”, báo hiệu khóa này không bình thường. Này nhé, khóa trước họ đã áp đặt một việc đã rồi cho quý vị, họ đã chọn sẵn cho quý vị một chính quyền mới và được thử thách ngay bằng một sự cố nghiêm trọng, mà một nguyên nhân là sự phi trách nhiệm của những đồng nghiệp khóa trước của quý vị. Sự cố Formosa khiến cho một dải biển miền Trung chết, và nó sẽ như lưỡi gươm ”Damocles” treo trên đầu Đất Nước ít ra là trong 70 năm tới. Người Dân nhận thấy giàn chính quyền ấy lúng túng và yếu kém rõ rệt trong việc xử lý vụ thử thách đầu tiên này. Như vậy quý vị sẽ hết sức bối rối - chấp nhận hay không chấp nhận?! Liệu quý vị có đủ tâm và đủ tầm để đánh giá, gia cố và thay đổi? Trong cái giàn ấy đã có người từng gian dối thi cử, có người khai tuổi trước sau bất nhất, mà ngay cả thi tuyển công chức cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, huống chi lại là công cử vào những chức vụ chính khách cao cấp. Ngay đồng nghiệp của quý vị dẫu đã trúng cử, nhưng chưa kịp ngồi vào hội trường đã phải bị bãi nhiệm. Và cái khóa của quý vị đang thừa hưởng sự thiếu năng lực và trách nhiệm của Ủy ban bầu cử và của cái cấp trên của nó. Việc Uỷ ban bầu cử chỉ đạo gạt bỏ những người tự ứng cử, mà theo dư luận, họ có nhân thân và nhân cách khả kính. Như vậy, rồi ra chất lượng sự phán quyết của quý vị dễ trở thành độc diễn vì đã không có được tiếng nói phản biện đúng nghĩa và có chất lượng.

Không dùng danh xưng “đại biểu Quốc hội” mà dùng một tên gọi khác để ngầm thể hiện một mong ước, một sự trọng thị, và cũng để đặt ra một yêu cầu cao cho quý vị. Chúng tôi gọi quý vị là Nghị sĩ. Tên gọi này có hai chữ - nghị và sĩ! Nghị là để nghị luận, tranh biện rồi ra phán quyết ở nghị trường. Mọi người trông chờ những phẩm chất và việc làm nghị sĩ của quý vị. Vì thế quý vị nhất thiết không được làm nghị gật. Những đồng nghiệp khóa trước của quý vị, nhiều người đang tái nhiệm, ít ra đã có hai hành xử “nghị gật” rất đáng chê trách. Một là khi bỏ phiếu về việc có nhập Hà Tây vào Hà Nội, lúc đầu họ lắc, rồi sau đó lại gật. Thật không thể hiểu được, cái lắc là có suy nghĩ độc lập, còn cái gật thì đã là “con rối” rồi chăng? Thứ hai là thảm họa Formosa. Những ông bà nghị gật của khóa trước đã không dám giám sát, đã không hề thể hiện rõ cái phẩm chất là thành viên của cơ quan Nhà nước quyền lực cao nhất. Vì thế, nếu các vị thật sự là nghị sĩ, các vị hãy bỏ ra ngoài mọi chức danh, chức tước khác, dẫu là tổng bí thư, chủ tịch nước, giám đốc hay tướng tá. Hãy làm nhiệm vụ một nghị sĩ xứng đáng. Cái Quốc hội của ta nó thể hiện tính lưỡng phân rất rõ, mà nhiều quý vị chắc cũng biết loài lưỡng thê là loài lạc hậu nhất trong hệ sinh vật. Ở nghị trường các vị phải quả quyết làm người đại diện cho dân cho nước, bởi các quý vị đến được nghị trường không phải do một nghị quyết nào đó của đảng, mà là phiếu bầu của cử tri! Đem lập trường tính đảng vào Quốc hội mà không làm tốt thiên chức quốc hội của mình, các vị sẽ có tội lỗi to lớn với dân với nước với dân tộc. Kể cả ông Tổng bí thư, khi đã là nghị sĩ, ông phải là người đại diện của cả dân tộc, có đến 40 triệu dân là tín đồ tôn giáo, họ đâu có theo Mác Lênin, có hàng triệu, triệu người không cộng sản. Còn nếu vị nghị sĩ này khư khư lập trường cộng sản mà không chấp nhận những lập trường dân tộc, dân chủ khác thì phải kiến tạo một kiểu quốc hội mới, khi đó Quốc hội mới thật có chính danh.

Với chữ sĩ, các vị phải vươn lên làm người có trí, có tâm và có tầm tư duy chiến lược. Cố nhiên phải học, ngày nay để có thể học, phải từ bỏ tư duy hủ lậu, người ta gọi tư duy hủ lậu xưa là hủ nho, còn nay là hủ mác (tiếp nhận tư duy Mác Lênin rất thối nát - hủ lậu có nghĩa là thối nát!). Phải học từ thất bại, và nhanh chóng đứng lên, làm lại. Phẩm chất này lãnh đạo của ta rất kém, vì thế nó áp đặt một phong cách rất tồi tệ, là làm cho trì trệ và tắc tị kéo dài. Ở các nước văn minh, mỗi kỳ quốc hội (khoảng 5 năm) là một chu kỳ điều chỉnh, sửa chữa, đổi thay, và làm xã hội tiến tới. Ở trong nền văn minh hiện đại, cái học chính trị luôn đến từ chế độ đại nghị, đa nguyên, phải chấp nhận và có năng lực tranh biện với người khác mình, chứ không phải một mình một chợ. Khi chưa có một Quốc hội đa nguyên, một quốc hội đúng nghĩa, mỗi nghị sĩ phải gắng làm cho mình trở thành một nhân cách có bản lĩnh riêng biệt, khiến cho mình là chính mình, không ăn theo, không làm con rối để tự nguyện được giật dây. Các vị dẫu khoác chiếc áo đồng phục cho chức vụ nghị sĩ, nhưng không bao giờ được đồng phục hóa nhân cách của mình.

Chưa bao giờ cái thiên chức nghị sĩ lại cần thiết đến như vậy! Vì ý thức được điều đó, trong chỉ thị cho Bộ Chính trị khóa XI khi chuẩn bị cuộc bầu cử QH khóa XIV này, tôi đã tha thiết đề nghị đưa ra ý tưởng: ”Quốc hội này là quốc hội chấn hưng đất nước, có năng lực loại bỏ những “hư hỏng, cũ kỹ”, sai lầm, khuyết tật của giai đoạn vừa qua, thực hiện có hiệu quả cải cách thể chế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng và phát triển, chấn chỉnh chính sách đối nội, xây dụng nền chính trị dân chủ đa nguyên, đoàn kết và phát huy mọi lực lượng chính trị, xã hội, hóa giải hận thù do cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà di chứng vẫn rất nặng nề… Nó có quyền tiếp nhận những điều đúng của cương lĩnh, và có quyền bác bỏ những sai lầm và mơ hồ của cương lĩnh, điều chỉnh hữu hiệu đường lối đối ngoại, ưu tiên cho những quyết sách nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc đại Hán, bá quyền đế quốc mang màu sắc Trung Hoa cộng sản, thực hiện có hiệu quả việc tăng cường các quan hệ chiến lược với khu vực và quốc tế. Nhằm tạo ra một nội lực mới để xây dựng, phát triển và bảo vệ Đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên cương và hải đảo, kiến tạo một thời kỳ mới: Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân quyền - Dung hợp - Phục hưng và Phát triển”.

Từ một vài biện luận nêu trên, chúng tôi tha thiết đề nghị:

Một. - Xét lại phương thức hoạt động của Quốc hội. Từ xưa chưa hề có một nghị sĩ nào cùng một nhóm, và cùng chuyên gia dự thảo được một dự luật. Nghị sĩ mà không trình được một dự luật đó là mô hình quốc hội kiểu Xô viết rất lạc hậu. Vì đó là rập theo tư duy lạc hậu của Lênin rằng: Công, nông sau giờ lao động, buông cày và buông búa thì đến “Duma” để hoạt động chính trị. Vì thế nó bất chấp tính chuyên nghiệp của quốc hội, và phó mặc cho sự thao túng của quyền lực. Đó là một điều xảo trá (mà chính Các-mác cũng từng tiên đoán). Hãy cố gắng làm cho những phán quyết của Quốc hội có hiệu lực bằng những dự luật để điều tiết những vấn đề nảy sinh trong những lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Hai. - Quyền lực chính trị của xã hội ta đang rối loạn, nó tạo ra tình trạng vô chính phủ mà các vị gọi là “trên bảo dưới không nghe”. Đây không chỉ phản ảnh trạng thái già nua, mà là xã hội có bệnh lý. Nhiều cán bộ đảng vô tư thoải mái ra những lệnh hành chính của chính quyền. Đây là trạng thái xưa cũ của phong kiến lạc hậu, thế mà vẫn được dung dưỡng trong xã hội hiện đại. Các mệnh lệnh hành chính chỉ được do ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp ra lệnh bằng văn bản pháp lý. Cách chức người, đuổi việc, bắt người nhiều trường hợp rất tùy tiện. Đặc biệt gần đây, cả cơ quan tuyên huấn, báo hình báo nói báo chữ đều có quyền quy chụp những tội danh như “phản động”, ”chống đối chế độ”… cho bất cứ ai!

Phải làm rõ trách nhiệmquyền hạn. Dư luận cho rằng Quốc hội đã không làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vụ Formosa chỉ là sự việc dễ thấy.

Ba là. Phải thành lập một Ủy ban độc lập của Quốc hội về sự cố Formosa. Tiến hành điều tra và kết luận về những vấn đề như:

- Quy trình thẩm định dự án, quá trình quản lý dự án, sai lầm, sơ suất, thiếu sót như thế nào, những kẻ chịu trách nhiệm ở TƯ phía đảng và chính phủ, ở địa phương, tỉnh ủy, ủy ban, những nghành liên quan trực tiếp… Cả phía quốc hội.

- Những kết luận điều tra về thảm họa môi trường biển, các loại độc tố, ngoài nguyên nhân trực tiếp do những nhà thầu phụ là pháp nhân Trung Quốc, còn có những tác nhân nào khác? (Bởi kết luận của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cũng khẳng định 50% cá chết do Formosa, vậy 50% còn lại là do đâu?!)

- Kết luận về những thiệt hại do Formosa gây ra:

. Thiệt hại về môi trường biển, quy thành giá trị cho đến khi được tẩy rửa trả lại cơ bản nguyên trạng.

. Thiệt hại về kinh tế biển và những ngành liên quan.

. Thiệt hại về dân sinh, sinh mạng và sức khỏe của cư dân các làng ven biển. Trước mắt phải bắt Formosa chi trả khoản tiền khám, xét nghiệm độc tố và cho tiến hành ngay việc này.

- Về pháp lý, hiện có hai loại ý kiến. Một của phía đảng và chính phủ dường như muốn xử phạt hành chính và cho tồn tại (như vẫn làm), có cam kết có tăng cường quản lý. Hai là dừng ngay Formosa và chuyển đổi mô hình và mục tiêu kinh tế.

- Quốc hội phải vào cuộc, đưa vụ này công khai minh bạch, khởi kiện ra tòa án hình sự. Chiếu cố những gì, thông cảm những gì cũng phải trên cơ sở một án quyết rõ ràng, công bằng, hợp lý.

Nếu Quốc hội đơn giản, tùy tiện bỏ qua vụ này, Quốc hội sẽ đứng trước sự phán xét của lương tâm, của niềm tin của nhân dân, của lịch sử, rằng một quốc hội vô cảm, vô minh trước thảm họa của Dân của Nước, dửng dưng trước nỗi đau của hàng triệu đồng bào.

Bốn là. Không được bỏ qua cơ hội “phán quyết thế kỷ của Tòa trọng tài quốc tế PCA về Biển Đông”. Phán quyết này rất có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đối với hành nghề của ngư dân ta trên biển. Phải nghiên cứu để có một dự luật điều chỉnh thái độ và ứng xử cần thiết của chính phủ và nhân dân ta. Nghiên cứu kỹ và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân về những kết luận của tòa trọng tài quốc tế. Chỉ định những giải pháp chiến lược và chiến thuật nhăm mở rộng thế đối ngoại, hạn chế thấp nhất tác hại do phía Trung Quốc gây ra, tăng cường nội lực an ninh, quốc phòng, bảo đảm thực thi dân chủ, dân quyền, phát huy sự cố kết sức mạnh của dân tộc, ở trong nước và ngoài nước, hoan nghênh nhân dân đã nhạy cảm trước hiểm họa mất chủ quyền biển đảo, đã có hành động yêu nước ôn hòa, bình tĩnh, tăng cường cho sức mạnh dư luận lên án hành động sai trái của Trung Quốc và cảnh giác cho nhà cầm quyền.

Năm. - Tuy vấn đề nêu ra cuối cùng, nhưng lại có tác dụng hàng đầu. Đây là vấn đề của mọi vấn đề. Nếu giải quyết tốt thì như dân gian nói, “đầu xuôi, đuôi lọt”, hoặc như Kinh Dịch nói là “nguyên hanh, lợi trinh”. Đó là vấn đề trách nhiệm và quyền hạn của BCH TƯ đảng. Đây là nguyên văn lời khẳng định của Hội nghị TW 3 vừa qua. BCH TƯ có trách nhiệm và quyền hạn (đang rất vô biên đối với đảng), trong nội bộ của đảng là dĩ nhiên. Nhưng thông báo nói rõ trách nhiệm, quyền hạn ấy đối với Đất nước, với Nhà nước và cả với xã hội! Từ trước đến nay chưa hề có một đạo luật nào quy định về những gì là nội dung, là khuôn khổ cũng như hình thức thể hiện cái trách nhiệm và quyền hạn ấy. Quốc hội phải có một đạo luật cho đảng cộng sản hoạt động. Rồi sẽ mở đường cho sự “phấn đấu hợp tác và đoàn kết với các đảng dân chủ dân tộc trong từng quốc gia” (như Tuyên ngôn CS, thánh kinh bị chà đạp). Và Quốc hội sẽ có trách nhiệm và quyền hạn gì đối với hoạt động của đảng nói chung và công tác của BCH TƯ nói riêng. Ví dụ nếu quốc hội không có một dự luật nào nói về những ký kết của các Tổng bí thư các đảng với nhau, liệu đấy có tính pháp lý đến đâu, những tuyên bố công thức “ba không” (mà đang được điều chỉnh là ba không, một có) có thật hợp lý? Những vấn đề tương tự Quốc hội có quyền điều chỉnh thế nào…? Chúng ta nêu cao pháp quyền đặc biệt lại là pháp quyền XHCN. Đừng để hiểu nhầm rằng pháp quyền XHCN là vô thiên, vô pháp, đảng có thể tùy nghi hoạt động không cần pháp lý.

Có thể đây là nguyên nhân hàng đầu của sự rối loạn quyền lực, và dây chuyền là mọi rối loạn giá trị đang xảy ra từ ngót thế kỷ nay trên đất nước ta chăng? Quốc hội hãy quan tâm vấn đề này, không nên chần chờ, thụ động.

Mấy lời thô thiển gởi chào các Nghị sĩ nhân phiên họp đầu tiên của khóa XIV, cũng là tâm huyết gởi gắm tới Quốc hội của một công dân già. (Xin đừng như tên bí thư Đà Nẵng mắng dân ”già rồi, biết gì mà góp ý!”).

Kính chúc quý vị vạn an.

Hà nội ngày 19-7-2016.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn