Khi công lý không phù hợp

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Trong khi lên án nặng nề hai đứa trẻ vị thành niên, thì tại Hà Nội mặc dù công an đã có kết luận hàng chục khuôn mặt dính vào vụ ống nước Sông Đà lại được Liên ngành Tư pháp Trung ương cho là không cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng và vì họ mới vi phạm lần đầu.

clip_image002

Nguyễn Hoàng Tuấn (trái) và Ôn Thành Tân có mặt tại Tòa án Nhân dân Quận Thủ Đức vào sáng ngày 20 tháng 7 năm 2016. Courtesy of baomoi.me

Sáng ngày 20 tháng 7 Tòa án Nhân dân Quận Thủ Đức tuyên án hai em Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân với tội danh “cướp giật tài sản” là một chiếc bánh mì, 2 bọc chuối sấy, 1 bịch đậu phộng rang và 3 bịch me trị giá 45 ngàn đồng khi các em quá đói. Bản án dành cho hai trẻ vị thành niên này gây bức xúc dư luận trong khi các quan chức tai to mặt lớn khác trong cùng thời gian, vi phạm những tội tham nhũng tày đình lại được miễn tố.

Bản án hoàn tất sau gần 9 tháng

Sau hơn tám tháng bị giam giữ gọi là để điều tra, Tòa Án Nhân Dân (TAND) Thủ Đức cuối cùng đã được mở ra xét xử hai trẻ vị thành niên với một bản án mà khi nhìn vào không ai nghĩ phải cần tới gần 9 tháng thì công tác điều tra mới hoàn tất. Hai em Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân bị bắt vào ngày 17 tháng 10 năm 2015 do giật một số thức ăn trị giá 45 ngàn vì quá đói. Hai em bị bắt, nhận tội và bị giam giữ từ ngày ấy đến khi phiên tòa kết thúc. Bản án dành cho Ôn Thành Tân vừa vặn với số ngày em bị giam là 8 tháng 20 ngày.

Bộ luật Tố tụng Hình sự có nói rồi, trong những trường hợp tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất không nghiêm trọng thì vẫn có thể không áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Luật sư Trần Vũ Hải

Bản án đưa ra với lý do “Hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tài sản và sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự cho xã hội”.

Luật sư Trần Vũ Hải nhận xét ngắn gọn về bản án này như sau:

“Vấn đề này nhiều luật sư đã có ý kiến là lẽ ra các cơ quan pháp luật Việt Nam có một cách ứng xử khác làm cách nào đó để không tước quyền tự do của các bạn này trong đó có lý do dưới 18 tuổi. Làm hỏng cuộc đời các bạn là sai lầm trong phút chót. Thực tế có phải là một vụ cướp hay không thì không nên đánh giá như vậy. Mặc dù dấu hiệu thì nó có vẻ như vậy nhưng Bộ luật Tố tụng Hình sự có nói rồi, trong những trường hợp tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất không nghiêm trọng thì vẫn có thể không áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Nếu đối chiếu với những gì đã xảy ra thì câu kết luận của tòa không cho thấy công lý được thể hiện. Theo thực tế xảy ra, sau khi đi chơi về do quá đói và không còn đồng nào trong túi, em Ôn Thành Tân đứng chờ trước một tiệm tạp hóa còn em Nguyễn Hoàng Tuấn vào trong tiệm giật số thức ăn trị giá 45 ngàn và hai em bỏ chạy rồi bị bắt. Diễn tiến câu chuyện cho thấy rất đơn giản nhưng người dân không biết tại sao cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lại nhân lên thành một ca hình sự nguy hiểm cần phải triệt để xử làm gương.

Hai em còn trong tuổi vị thành niên nhưng vẫn không được xem xét tính chất nông nổi, thiếu suy nghĩ khi phạm pháp. Tính chất phạm tội của hai em phải được tính tới trong tình huống do quá đói làm càn chứ không thể lạnh lùng gán vào tội cướp giật. Hai em không có bất cứ hành vi chống đối, đe dọa hay bạo lực nào khi câu chuyện xảy ra vì vậy quy kết vào tội “gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự cho xã hội” là những cáo buộc vi phạm sự thật của chính tòa án.

Mấu chốt của vấn đề khiến tòa phải xử đúng số ngày bị giam cầm bắt nguồn từ việc kéo dài thời gian giam giữ không cần thiết là điều mà tư pháp Việt Nam vẫn cho phép công an thực hiện khiến bản án không thể giảm nhẹ khi tòa nhìn lại toàn bộ hồ sơ. Luật sư bào chữa cho các can phạm đã rất nhiều lần lên tiếng với các cơ quan pháp luật về điều này nhưng không gây được sức ép lên cơ quan điều tra lẫn tòa án.

clip_image004

Ôn Thành Tân bị cảnh sát bắt khi cùng bạn giật thức ăn.

Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng ngồi ghế Bồi thẩm hơn 8 năm chia sẻ kinh nghiệm của ông về việc này:

“Cái án tù đó được tuyên trùng với thời gian bị giam tính từ ngày bị bắt, trong nghề thì chúng tôi biết rằng thâm tâm Hội đồng xét xử họ biết rằng là sai, là quá đáng nhưng vì Việt Nam có nguyên tắc là anh đã sai thì phải bồi thường. Cái sai đầu tiên là của công an điều tra và nó kéo theo Viện kiểm sát phê chuẩn và đồng ý. Ra tòa và bị dư luận người ta phản ứng vì không hợp lý, ông tòa mới hợp thức hóa bằng cách cho cái án vừa vặn với thời gian tính từ khi ra tòa cho tới khi bị bắt. Thủ thuật ấy thì nhiều vụ đã xảy ra tại Việt Nam rồi, chuyện sợ sai, sợ đền bù, sợ mang tiếng cho ngành nên tuyên án vừa vặn như vậy thì cũng hơi lộ liễu.”

Tính công bằng trong luật pháp Việt Nam

Người ta còn nhớ trước đây TAND huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã kết án ba nông dân ăn cắp hai con vịt và xử tổng cộng 13 năm tù giam. Bản án này gây tranh cãi gay gắt và cho tới nay vẫn được xem là bản án tồi tệ nhất của ngành tư pháp Việt Nam.

Người đọc Việt Nam hẳn còn nhớ trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo trong đó nhân vật Jean Valjean đã lãnh bản án 19 năm tù vì ăn cắp một ổ bánh mì. Sau 19 năm ông còn bị phân biệt đối xử và cả cuộc đời gần như bị theo dõi, trù dập.

Ra tòa và bị dư luận người ta phản ứng vì không hợp lý, ông tòa mới hợp thức hóa bằng cách cho cái án vừa vặn với thời gian tính từ khi ra tòa cho tới khi bị bắt.

- Nhà báo Võ Văn Tạo

Tác phẩm được sáng tác vào năm 1862 xem ra vẫn rất gần với bản án ổ bánh mì vào ngày hôm nay khi hai em sẽ bị xã hội ruồng bỏ, nhà trường lạnh nhạt và quan trọng hơn hết là nhân thân lý lịch của hai em sẽ không bao giờ trong sáng trở lại sau khi bản án giống như cách tòa trả thù những người khốn khổ hơn là thực hiện công lý.

Trong một vụ tương tự trước đây xảy ra tại thành phố Genoa, Tây bắc nước Ý vào năm 2011, ông Ostriakov, 36 tuổi, bị tuyên án 6 tháng tù giam và bị phạt 100 euro vì đã đánh cắp 2 miếng pho mát và một hộp xúc xích trị giá 4 euro khi quá đói. Ngay sau đó Tòa án tối cao ở Rome đã ra phán quyết rằng lấy cắp một lượng thực phẩm nhỏ trong lúc cùng cực “không cấu thành tội phạm”.

Trong phán quyết rất nhân bản này Tòa Tối cao còn khẳng định “Người ta không thể bị trừng phạt nếu bị buộc lấy cắp một lượng nhỏ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong khi đói”.

Việt Nam không thể giống Ý để ra một phán quyết nhân văn như vậy nhưng làm ngược lại hoàn toàn tính chất nhân đạo để gọi là thể hiện công lý là một thứ công lý không thể gọi là thuyết phục.

Trong khi lên án nặng nề hai đứa trẻ vị thành niên, thì tại Hà Nội mặc dù công an đã có kết luận hàng chục khuôn mặt dính vào vụ ống nước Sông Đà lại được Liên ngành Tư pháp Trung ương cho là không cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng và vì họ mới vi phạm lần đầu.

Dư luận cho rằng hai cách hành xử trái ngược của tư pháp khiến người dân không khỏi bức xúc. Vụ án 45 ngàn và vài món ăn nhanh xem ra quá nặng nề và cay nghiệt so với số tiền hàng ngàn tỷ thất thoát trong vụ ống nước sông Đà. Điều này đã tăng thêm sự phẫn nộ của xã hội để từ đó người dân không còn niềm tin nào vào công lý của các Tòa án Nhân dân nữa.

M.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-justice-inappropriate-ml-07202016143907.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn