Học hay không học Trung Quốc

Tống Văn Công

Chúng ta không có những nhà tư tưởng đổi mới, cái ấy thì đã hẳn. Bởi vì nước ta là một nước thực tiễn, xưa nay ta đâu có được lấy một triết gia. Và khoanh lại trong thời hội nhập thì điều này còn quan trọng hơn: chúng ta tuyệt không có những chính khách đầy bản lĩnh và tầm nhìn như một Hồ Chí Minh thuở trước, vững tin ở con đường đổi mới đưa lại lợi ích sống còn cho dân tộc. Cung cách đổi mới của các chính khách nước ta là cung cách của những con cáo, mới đi được vài bước đã nghi ngờ và đành vòng trở về điểm xuất phát để đánh hơi lại những “bãi thải” của chính nó. Vì thế mà ngày xưa mới có chữ “hồ nghi” tức là con cáo đa nghi. Thử tưởng tượng xem, nếu một cơ chế sản sinh ra không phải là tất cả nhưng cũng không ít những con cáo đa nghi, những kẻ dẫn đạo đất nước với đầy một bụng hồ nghi, mới đi vài bước đã phải vòng trở về ngửi những thứ mình thải ra thì dẫu cho đất nước có được những nhà tư tưởng đổi mới đi nữa, rốt cụộc số phận họ đâu có hơn gì một Trần Độ, một Trần Xuân Bách, một Kim Ngọc? Trách cứ chỗ yếu kém của nội tình chúng ta thì cũng phải hiểu cho đến ngọn nguồn vì đâu mà có chỗ yếu kém ấy.
Còn về vấn đề học tập Trung Quốc, tuy trên căn bản ý kiến của tác giả rất đáng ngẫm nghĩ, nhưng tựu trung cũng phải xét xem thực chất mô hình Trung Quốc đang theo đuổi là cái gì. Trong Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Tân Tử Lăng có nói đến một chủ nghĩa xã hội dân chủ thật, song xem ra rất đáng mơ ước mà cũng có chỗ rất đáng ngờ. Vì một chủ nghĩa xã hội dân chủ sao lại đưa đến hủy hoại môi trường tàn tệ? Sao lại hy sinh lợi ích dân sinh của đại đa số khiến cho giàu nghèo phân hóa ngày càng dữ dội? Sao lại giải quyết yêu cầu tự do dân chủ của nhân dân và yêu cầu tự trị của các tộc người bằng những kịch bản như Thiên An Môn, Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ? Và sao lại chủ trương quan hệ với thế giới bằng một chủ nghĩa bành trướng thâm hiểm, nhằm cướp bóc đất đai tài nguyên với đủ thứ quyền lực cứng hay mềm? Vậy đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ hay chỉ là một lý thuyết mỹ miều cốt che đậy một thứ chủ nghĩa tư bản nguyên thủy mà cái mộng cuối cùng là một đế chế siêu cường bá chủ thế giới?
Những câu hỏi trên chỉ có thể được giải đáp cặn kẽ nếu có những nhà xã hội học đi sâu vào lòng xã hội Trung Quốc đương đại để tìm lời giải cặn kẽ cho mọi vấn đề ngổn ngang đang đặt ra trong lòng xã hội ấy.
Tiếc thay, đó là những điều kiện mà học giới nước ta không sao có được. Còn chính khách được mời sang Trung Quốc là để vui vầy trong các “tiệc hoa” thì những câu hỏi loại đó họ nào có đủ thì giờ và trình độ để quan tâm. Cho nên ý kiến của nhà báo Tống Văn Công tuy rất hấp dẫn, chung quy cũng chỉ dừng lại trong vòng giả thuyết mà thôi.

Bauxite Việt Nam

Những điều nên học và không nên học từ Trung Quốc được bàn luận dưới góc nhìn của một nhà báo kỳ cựu.
TuanVietNamNet: Cuộc tranh luận về việc Việt Nam nên học tập hay cần phải tìm mô hình phát triển khác Trung Quốc được giới học giả quốc tế và trong nước, thậm chí cả một số cựu lãnh đạo bàn thảo khá sôi nổi.
Trong khi nhiều người cho rằng Việt Nam phải khác Trung Quốc thì tác giả Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động giữ quan điểm Việt Nam cần học hỏi những điều hay và tránh những khiếm khuyết mà Trung Quốc đã mắc phải.
Chúng ta không có nhà tư tưởng Đổi mới
Ngày 18-9-2009, Nhân dân nhật báo Trung Quốc có bài “Có thể bắt chước mô hình Trung Quốc được không?”. Bài báo cho rằng Việt Nam “bắt chước 100%” mô hình Trung Quốc và Việt Nam “cần thực sự nhớ ơn mô hình này”.
Các nhà nghiên cứu của Việt Nam lên tiếng ngay. Ông Trần Đức Nguyên từng là Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, người trực tiếp tham gia soạn thảo Cương lĩnh Đổi mới ở Đại hội VI Đảng Công sản VN (1986) nói: “Trong suốt quá trình chuẩn bị Đại hội, ngoài việc thảo luận những vấn đề thực tế Việt Nam, tôi chưa bao giờ nghe một ai nói về mô hình Trung Quốc”.
Giáo sư Đặng Phong, tác giả bộ sách Tư duy kinh tế Việt Nam trả lời nhà báo Huy Đức cho rằng đổi mới ở Việt Nam “là một tiến trình bắt đầu từ bức xúc của dân chúng được che chở bởi các nhà lãnh đạo chiến tranh kỳ cựu và bắt đầu bằng phương pháp xé rào“. Và “Ở Việt Nam không có ai là cha đẻ của Đổi mới. Ở miền Nam khi đó Võ Văn Kiệt có vai trò như một chiếc xe tăng đỡ đạn cho những người xé rào, nhưng ông không phải là người đưa ra tư tưởng Đổi mới“.

Đổi mới ở Việt Nam không bắt đầu từ tư tưởng của một nhà cải cách nào đó mà bắt đầu từ cuộc sống - GS Đặng Phong

Ông khẳng định: “Đổi mới ở Việt Nam không bắt đầu từ tư tưởng của một nhà cải cách nào đó mà bắt đầu từ cuộc sống“.
Ông nhấn mạnh vai trò của Võ Văn Kiệt chấp nhận cho một số một số cơ sở xé rào trong cuộc vận hành của cuộc sống ngày ấy:
Không có ông thì không có Dệt Thành Công, Việt Thắng, Bột giặt Viso, Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Lương thực của bà Ba Thi… Ông Kiệt còn là chỗ dựa cho những đổi mới về chính sách trong nông nghiệp, về giá… ở An Giang, Long An… với những tên tuổi như Nguyễn Văn Hơn, Chín Cần (Nguyễn Văn Chính)…”
Cuộc “bắt đầu từ bức xúc” đi tới “xé rào” ở nước ta đồng thời với cuộc cải cách của Trung Quốc (năm 1979). Điều đáng tiếc, đúng như ông Đặng Phong nói: Ta không có một nhà tư tưởng Đổi mới! Mãi tới đầu những năm 80, sau Đại hội VI, các nhà lý luận Việt Nam vẫn còn phê phán Đặng Tiểu Bình về triết lý “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”!
Tôi may mắn được đi theo đoàn của ông Võ Văn Kiệt đến những cơ sở xé rào mà Giáo sư Đặng Phong đã kể. Khi đoàn ông Kiệt đến Xí nghiệp In Tổng hợp thì ông Hưng – Giám đốc xí nghiệp này đang viết bản kiểm điểm theo lệnh của Sở Văn hóa Thông tin về những việc làm vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. Ông Hưng cho biết Trưởng đoàn Thanh tra của Sở Văn hóa Thông tin nói, các  khuyết điểm vi phạm của ông Hưng ở mức kỷ luật  khai trừ Đảng và cách chức. Ông Kiệt nghe xong đăm chiêu mấy phút rồi nói rằng bất cứ ai làm Giám đốc trong tình huống này đều phải chọn, hoặc là đình sản xuất hoặc xé rào cứu xí nghiệp.
Ông Kiệt đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin rút quyết định buộc ông Hưng làm bản kiểm điểm và giao cho ông Hưng xây dựng đề án cải tiến quản lý chi tiết cách cứu nguy xí nghiệp để làm “điểm” cho cả ngành in ở thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó không lâu Xí nghiệp in Tổng hợp ăn nên làm ra, ông Hưng nổi tiếng là nhà quản lý giỏi.
Khi đoàn đến Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, tiếp ông Kiệt là những quan chức cao cấp của ngành thuốc lá, nhưng người trả lời trôi chảy các câu hỏi của ông Kiệt là anh cán bộ kỹ thuật trẻ Lê Đình Thụy. Anh Thụy ít nói về mình mà cho biết nhờ học hỏi anh Ba, một cán bộ chế độ cũ ở lại với Nhà máy đóng góp rất nhiều kinh nghiệm giải quyết các ách tắc về  nguyên liệu, tiền vốn, chất lượng sản phẩm…
Hôm đó sau khi rời nhà máy ông Kiệt hỏi chúng tôi có cảm nhận giống như ông là không phải các vị có chức vụ cao mà chỉ có anh cán bộ kỹ thuật nói giọng Huế (anh Thụy người Huế) mới là người tâm huyết đóng góp công sức, trí tuệ cho ngành thuốc lá đầy khó khăn?
Mấy năm sau, anh Thụy trở thành Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và nổi tiếng là nhà quản lý giỏi của ngành thuốc lá Việt Nam thời kỳ Đổi mới .
Năm 1980, ông Kiệt tổng kết việc che chắn cho các xí nghiệp xé rào bằng cụm từ “Ba Lợi Ích”, tức là muốn khai thông ách tắc trong kinh doanh sản xuất thì phải đảm bảo cân bằng lợi ích của Nhà nước, lợi ích xí nghiệp và lợi ích cá nhân người lao động. Tiếp thu tinh thần đó, năm 1981 tôi viết bài báo có tựa đề Ba lợi ích, đăng trên báo Lao động. Bài viết được trình bày trang trọng, đặc biệt được nhạc sĩ kiêm họa sĩ Văn Cao minh họa: Một nhà lý luận kinh điển mang kính cận dày cộp soi từng trang sách để bác bỏ khái niệm lạ lẫm: Ba lợi ích!
Số báo đăng bài Ba Lợi Ích phát hành không lâu thì anh Ba Trí (Trần Tâm Trí, Vụ phó Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng) gọi điện thoại bảo tôi lên ngay để cho nghe một tin “mật và khẩn”. Anh Ba Trí vừa đi họp ngoài Hà Nội về. Bên lề cuộc họp ông Đặng Xuân Kỳ Viện trưởng Viện Marx-Lenin gặp anh hỏi: Ở Sài Gòn anh có biết tác giả bài báo Ba Lợi Ích, đăng trên Lao động không? Cái anh này viết láo quá lắm, quan điểm rất lệch lạc. Anh Ba Trí đã nói đỡ cho tôi: “Tác giả là phó Tổng biên tập báo Lao động,có lẽ bài viết không phải thể hiện quan điểm riêng của tác giả mà là của cả Ban biên tập đấy”.

Không có các nhà tư tưởng Đổi mới, Việt Nam chỉ có những chiếc xe tăng đỡ đạn cho những người xé rào.

Anh Ba Trí góp ý với tôi: “Từ nay viết bài nào gay cấn quá anh nên đặt bút danh mới chưa ai biết!”. Sau đó ít lâu, tôi đi dự họp và được xếp vào tổ thảo luận gồm các cán bộ khối Dân vận trung ương, do đồng chí Vũ Quang làm tổ trưởng hướng dẫn. Đồng chí Vũ Quang mở đầu cuộc thảo luận ở tổ bằng những lời phê phán hùng hồn về chủ nghĩa tự do kinh tế tư bản Sài Gòn đang nảy nở, nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ tác hại khôn lường cho đất nước!
Nhắc lại chuyện xưa tôi không hề có ý chê bai hai đồng chí Vũ Quang và Đặng Xuân Kỳ mà chỉ muốn nói về cái không may của chúng ta là không có một nhà tư tưởng Đổi mới khiến cho cái Mới ở nước ta phát triển rất nhọc nhằn.
Nếu vẽ lại biểu đồ 20 năm thì sẽ thấy con đường Đổi mới quá dích dắc và không ít khi bị quay ngược!
Trước kia Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng có tư duy tiến bộ hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi các lãnh tụ Trung Quốc hô hào “chính trị là thống soái, tư tưởng dẫn đầu” thì mặc dù bị họ gây sức ép, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì “Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”.
Ngày nay bào chữa cho sự trì trệ của mình thường là câu: “Con đường đổi mới chưa có tiền lệ. Chúng ta phải vừa làm vừa mò mẫm”. Ngày nay có rất nhiều quốc gia tiên tiến đã tìm ra nhiều con đường ngắn nhất để trở thành giàu mạnh. Cùng tình trạng với ta có Trung Quốc, vậy thì cái gì họ đã có cách giải quyết tốt thì tại sao ta không xem xét vận dụng mà lại cứ mò mẫm?
Tôi rất muốn được nghe các nhà nghiên cứu nước ta so sánh Đổi mới của ta với Cải cách của Trung Quốc để rút ra  những điều cần bổ khuyết cho mình. Ta cần học Trung Quốc điều gì và không nên học điều gì? .
Tôi không phải là nhà nghiên cứu lý luận mà chỉ là một người quan tâm đến vận mệnh của đất nước và của Đảng, xin mạnh dạn nêu ra vài nhận xét về những điều nên học và không nên học Trung Quốc.
“Mèo trắng mèo đen”, triết lý vượt qua ý thức hệ
Thực hiện đường lối cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc nói họ giương cao ngọn cờ vĩ đại xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình. Lý luận Đặng Tiểu Bình chủ yếu là triết lý “Mèo trắng mèo đen, không quan trọng miễn là bắt được chuột”. Tư tưởng này đã soi sáng cho đường lối chính sách của họ minh bạch, không sợ bị quy chụp về lập trường, quan điểm, không bị vướng mắc rào cản ý thức hệ.
Nhờ giải phóng tư tưởng, triệt để đổi mới tư duy, họ đã dễ dàng vượt qua những lĩnh vực mà nhiều năm sau chúng ta vẫn còn coi là những tín điều chưa thể vượt qua:
1 – Bỏ qua khái niệm “bóc lột”, nội dung quan trọng của lý luận Marx về chiếm không lao động thặng dư trong chủ nghĩa tư bản. Điều này giải phóng tư duy cho cả xã hội không còn thấy cần thiết phải thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất để xóa bỏ bóc lột giai cấp. Mọi người có vốn, có kiến thức quản lý, được khuyến khích thành lập xí nghiệp tư nhân, vừa sản xuất nhiều hàng hóa cho xã hội, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đó là khởi đầu cho Trung Quốc phát triển nhanh chóng, để rồi 20 năm sau trở thành “công xưởng của thế giới”.
Trung Quốc kỉ niệm 30 năm cải cách mở cửa. Ảnh: life.com

Bỏ qua khái niệm bóc lột, họ không bị “quan điểm lập trường giai cấp” ràng buộc, dễ dàng chọn người có thực tài trong Đảng gánh vác trọng trách. Họ công khai quy hoạch cán bộ kế cận cho các nhiệm kỳ sau rất tốt.
Họ còn mạnh dạn dùng nhân tài ngoài Đảng, cả trí thức Hoa kiều, làm mọi việc để phát triển kinh tế. Hiện nay Trung Quốc có hai Bộ trưởng là người ngoài Đảng cộng sản.
2 – Lý thuyết “mèo trắng, mèo đen” giúp Trung Quốc cởi mở với các học thuyết của nhiều tác giả phương Tây. Trong  kinh tế người ta cho ứng dụng các phương pháp của Ford, Taylor… một thời bị cho là bòn rút mồ hôi người lao động.  Sách kinh tế của Paul Samuelson, William Nordhaus, J.K. Galbraith, v.v. được khuyến khích nghiên cứu. Ông Đăng Tiểu Bình coi những cuốn Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba… của nhà tương lai học Hoa Kỳ Alvin Toffler là sách gối đầu giường và khuyến khích các nhà lãnh đạo trẻ của  Đảng Cộng sản Trung Quốc đọc để có tầm nhìn xa rộng hơn.
Ông Đặng còn cho rằng: Nếu Đảng không giải quyết tốt vấn đề giáo dục sẽ làm hỏng việc lớn và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử! Nhờ đó mà nền giáo dục bị kìm hãm bởi giáo điều ý thức hệ, phục vụ chính trị một cách thô thiển đã được cải cách nhanh chóng. Giáo dục đại học của Trung Quốc đã đuổi kịp nhiều nước tiên tiến đáp ứng được cho sự nghiệp cải cách mở cửa.
3- Nhờ giải phóng khỏi sự ràng buộc ý thức hệ, văn nghệ sĩ Trung Quốc đã được tự do sáng tác về những đề tài cấm kỵ như Cách mạng thổ cải, Đại cách mạng văn hóa vô sản. Văn học nghệ thuật từ “sa mạc đại cách mạng văn hóa” đã bừng dậy. “Bất kể quan niệm mới, thủ pháp mới, trường phái mới, kiểu hành văn mới nào đều có thể thử nghiệm không có gì phải ngại. Đũng quần làm găng tay, cà vạt đem quấn chân đều có thể thử” (Ý kiến của nhà phê bình văn học Dương Vũ).
Nhiều tác phẩm mổ xẻ sâu sắc nỗi đau lớn của nhân dân trong đại cách mạng văn hóa vô sản được gọi là “Dòng văn học cơn sốt vết thương”. Thực tế cho thấy dòng văn học này chẳng những không làm xấu hình ảnh Đảng Cộng sản mà còn làm cho nhân dân thêm vững tin rằng tình cảnh ghê rợn ấy sẽ không bao giờ có cơ hội  tái diễn.
Sau “cơn sốt vết thương” là những “cơn sốt suy ngẫm lại”, “cơn sốt cải cách”, “cơn sốt tìm về nguồn cội”, và hiện nay đến “cơn sốt hiện đại” với nhiếu tác giả nổi tiếng. Vương Sóc được gọi là “giọng nói bất kính của một thế hệ hết ảo tưởng”; Dư Hoa, nhà văn “phát triển tinh thần Lỗ Tấn”; Vệ Tuệ được xem là một Françoise Sagan của xứ sở Nho giáo…
Chính phủ Trung Quốc đã cho đóng cửa cả nghìn tờ báo sống bằng bao cấp, không bán được.
Năm 1987 khi được đọc cuốn Tâm lý văn nghệ của Chu Quang Tiềm, Giáo sư mỹ học Đại học Bắc Kinh, nhà thơ Chế Lan Viên cũng là nhà lý luận sắc sảo của văn học Việt Nam đã phát biểu: “Nhiều kiến thức nhờ có sách này tôi mới được biết!”. Bởi sách này viện dẫn những kiến giải về mỹ học của Hegel, Freud, Nietzsche… mà thời ấy các nhà nghiên cứu lý luận của Việt Nam chưa được tiếp cận.
4-  Triết lý “mèo trắng mèo đen” không chỉ được vận dụng trong các chính sách đối nội mà còn thể hiện ở đối ngoại:  Nước nào đó theo chế độ dân chủ hay chuyên chế là việc của họ, điều quan trọng đối với Trung Quốc là quan hệ với họ có thu được lợi ích gì hay không.
Thuyết “ba đại diện”: Dân tộc và Hội nhập
Năm 2000, ông Giang Trạch Dân hoàn chỉnh học thuyết Ba đại diện có nội dung là: Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Năm 2002, Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa thuyết Ba đại diện vào Điều lệ Đảng. Năm 2004 Quốc hội Trung Quốc cụ thể hóa thuyết Ba đại diện thành những điều cơ bản của Hiến pháp sửa đổi, đặt nền móng cho giải pháp chính trị của nước Trung Hoa tiến tới dân chủ, tự do.
Theo Giang Trạch Dân, sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao nhất thế giới, nhưng Đảng Cộng sản đang đứng trước thử thách mới: Đối nội có nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là nạn tham nhũng đã trở thành “quốc họa”. Đối ngoại, sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc cạnh tranh quốc tế, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa đều bị tác động. Do đó Đảng Cộng sản Trung Quốc cần có một lý luận mới để duy trì địa vị Đảng cầm quyền của dân tộc phù hợp với bối cảnh thế giới hiện đại.

Con rồng Trung Quốc đang vươn mình.

Thuyết Ba đại diện có những ý nghĩa sau đây:
1 – Trung Quốc vẫn còn nằm trong số nước đang phát triển, công nhân công nghiệp vẫn chiếm số đông. Tuy nhiên, thế giới đã bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, lao động “cổ xanh” (giai cấp công nhân thời tư bản sơ khai mà Marx đã quan sát) chỉ còn từ 5 đến 10 % không còn là lực lượng sản xuất tiên tiến nữa mà phải nhường vai trò này cho  những người lao động có trình độ kỹ thuật cao. Nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức với những “lao động bác học”.
Thuyết Ba đại diện cung cấp lý luận bỏ qua quan điểm cũ “Đảng cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, giai cấp có sứ mạng lịch sử đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thiết lập nền chuyên chính vô sản”. Đây là bước phát triển lý luận, giải quyết nhận thức mới về Đảng cầm quyền của nước Trung Hoa hiện đại hóa: Trí thức và doanh nhân có vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến, kinh tế tư nhân đóng vai chủ đạo và nền kinh tế được chi phối bởi cơ chế thị trường. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải là Đảng đại diện lực lượng sản xuất tiên tiến.
2 – Trước thời kỳ cải cách mở cửa, “nền văn hóa mới” do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo theo tư tưởng Mao Trạch Đông (Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới viết năm 1943), thể hiện đầy đủ nhất trong cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản. Đó là nền văn hóa lấy chính trị làm thống soái, hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị, loại bỏ văn hóa truyền thống và  triệt để ngăn chặn ảnh hưởng của các nền văn hóa hiện đại có giá trị nhân văn và dân chủ của nhân loại tiến bộ. Cách mạng văn hóa vô sản lấy đấu tranh giai cấp liên tục làm lý tưởng sống, nội dung tạo dựng xã hội và sáng tạo văn học nghệ thuật. Kết quả là một xã hội đại loạn, một nền văn học minh họa thô thiển.
Nay Quốc hội Trung Quốc thông qua sửa đổi Hiến pháp có 3 điểm lớn là: Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân; Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền; và cụ thể hóa lý thuyết Ba đại diện của Đảng Cộng sản, trong đó có đại diện nền văn hóa tiên tiến.
Trả lời phỏng vấn của The Science Monitor tháng 4 năm 2004, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Invest Consult Group đã có lý khi cho rằng Giang Trạch Dân “dùng thuật ngữ nền văn hóa tiên tiến để tránh đụng chạm trực tiếp đến chính trị”. Và “Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện sự tiên tiến về chính trị do đó mới có hệ quả là thừa nhận quyền con người và hệ quả thứ hai là thừa nhận quyền sở hữu tư nhân các tài sản”.
Đúng vậy, nền văn hóa tiên tiến phải là nền văn hóa giải phóng cá nhân, đầy ý thức công dân, tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại, tất nhiên phải tương ứng với một thể chế chính trị tiên tiến, thực sự tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền.
3 – Đảng Cộng sản Trung Quốc “đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc” tức là bỏ qua khái niệm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mao và hướng tới chủ nghĩa dân tộc và quốc gia Trung Quốc. Mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc từ nay có thể yên tâm rằng Đảng Cộng sản là trung tâm đoàn kết, là chỗ dựa về vật chất và tinh thần của họ.
Thuyết Ba đại diện là một tổng thể có giá trị kim chỉ nam hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cung cấp phương pháp luận cho công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu một Đảng lãnh đạo dân tộc ở thời kỳ hiện đại hóa đất nước, trong thế giới  hậu công nghiệp.
Ngày 10-10-2009, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương  Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói rất đúng rằng: “Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng, ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ”. Tham khảo thuyết Ba đại diện của  Đảng cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ gợi cho chúng ta nhiều điều để hoạch định “bản thiết kế” xây dựng Đảng thích hợp cho dân tộc ta trong nhiệm kỳ Đại hội 11 này?
Trung Quốc có định hướng cải cách chính trị
Năm 2007 cuốn sách Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng đã gây vang dội trong dư luận nhân dân Trung Quốc bởi sự trình bày trung thực lịch sử và quan trọng hơn bởi tác giả đưa ra kiến nghị mới mẻ: “Trong cải cách hình thái ý thức phải lấy quan điểm phát triển khoa học, lấy con người làm gốc của Hồ Cẩm Đào làm tổng cương, lấy chủ nghĩa xã hội dân chủ của Marx – Engel lúc cuối đời, chủ nghĩa dân chủ mới của Mao Trạch Đông, cũng như lý luận  của Đặng Tiểu Bình làm cơ sở… Hệ thống lý luận này nên đặt tên là lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ, ghi vào Điều lệ và Hiến pháp… Đảng Cộng sản Trung Quốc đổi tên là Đảng xã hội Trung Quốc, tham gia Quốc tế Đảng Xã hội nhằm kế thừa trào lưu lịch sử Đảng Dân chủ Xã hội mà Marx – Engel đã xây dựng…”

Ảnh: American.com

Lý Nhuệ, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên thư ký của Mao Trạch Đông viết lời tựa sách này có đoạn: “Chuyên chế một Đảng dẫn tới hình thái ý thức được xác định là cái tuân theo duy nhất… là phần sai lầm trong chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Stalin, và lý luận Mao Trạch Đông… Những lý luận và chủ trương đã bị Engel lúc cuối đời thừa nhận “Chỉ là ảo tưởng”…
“Chúng ta nên tôn thờ chủ nghĩa Marx giàu, có thể thúc đẩy sức sản xuất tiên tiến và phát triển văn hóa tiên tiến – Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ và triệt để chia tay với Chủ nghĩa xã hội nghèo – lý luận và phương pháp xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông”.
Nhà báo Fareed Zakaria của CNN  thuật lại cuộc phỏng vấn của ông hồi mùa thu 2008 với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã viết: “Ôn Gia Bảo nói rõ ràng rằng đất nước ông đang chuyển động hướng về cái ngày nó sẽ tương tự một nền dân chủ kiểu phương Tây“.
Sau đây là nguyên văn lời đáp của Ôn Gia Bảo:
“Một là chúng tôi cần cải tiến từng bước hệ thống bầu cử dân chủ, sao cho quyền lực sẽ thực sự thuộc về nhân dân và sử dụng để phục vụ nhân dân.
Hai là chúng tôi cần cải tiến hệ thống pháp lý, điều hành đất nước theo pháp luật và củng cố đất nước dưới sự thống trị của pháp luật. Và chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập và công chính.
Ba là, chính phủ được đặt dưới sự giám sát của nhân dân và như ông yêu cầu, thì hãy yêu cầu chúng tôi tăng cường sự minh bạch trong các công việc của chính phủ. Và đặc biệt, chính phủ cũng cần phải chấp nhận bị giám sát bởi các phương tiên truyền thông và những đảng phái khác”.
Nhiều điều không nên học Trung Quốc
1 – “Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc”
Đó là tựa đề bài viết của giáo sư Ngô Vĩnh Long. Bài viết nhắc lai nhiều cuộc đàn áp của Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện Thiên An Môn đè bẹp cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ  bằng xe tăng khiến cho cả thế giới kinh hoàng. Bài viết nhận định “Mô hình phát triển của Trung Quốc là dùng tăng trưởng kinh tế để đè bẹp tự do và dân chủ“.
Từ năm 2002, Trung Quốc thẳng tay đàn áp người dùng công nghệ truyền thông mới, lập trang web để thảo luận về tự do, dân chủ, bắt giam nhiều nhà bất đồng chính kiến, không cho các giáo sư có quan điểm tiến bộ được giảng dạy.
Gần đây trong bài viết “Những nhà dân chủ có tội”, ông Mã Kiện dự đoán hậu quả của chính sách nói trên sẽ đưa tới: “Một xã hội khép kín, trước sau gì cũng trở lại một nền kinh tế khép kín “.
Góp ý kiến với Đảng và Nhà nước ta “Xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, với quan điểm phát triển và thích nghi”, tác giả Nguyễn Trung nêu câu hỏi “Cần tạo ra cho nước ta có đủ cả hai khả năng phát triển và thích nghi – nhưng bằng cách nào?” Tác giả trả lời: “Chỉ có chủ nghĩa yêu nước, dân chủ và tự do mới có khả năng tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên.”
Khi đề nghị xác lập một lộ trình để phát triển đến năm 2020, tác giả cho rằng “Cải cách chính trị phải tiến lên trước và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”, và “Vấn đề phát huy dân chủ để thực hiện đoàn kết dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội và tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế trở thành đòi hỏi sống còn”.
Tôi tin rằng ở đây tư tưởng tác giả  Nguyễn Trung (và nhiều tác giả Việt Nam gần đây như Nguyễn Văn An, Tương Lai…) cao hơn hẳn những người cầm trịch Cải cách của Trung Quốc. Mong rằng  tư tưởng đó sẽ được trở thành nội dung thảo luận  ở Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt Nam.
2- Tuy có cảnh báo của Đặng Tiểu Bình từ lâu, nhưng sự cách biệt giàu nghèo, cách biệt giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc vẫn càng ngày càng lớn. Tình trạng cướp đất đai của nông dân diễn ra khắp nơi, khiến những cuộc biểu tình, nổi loạn năm sau cao hơn năm trước (Năm 2005 có 87.000 cuộc nổi loạn. Năm 2008 có 100.000 cuộc).
Sau 30 năm cải cách mức sống của người dân tuy có được cải thiện nhưng bình quân thu nhập còn kém xa các nước phát triển trung bình. Thế nhưng, số tỉ phú đôla của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ (Mỹ có 359 tỉ phú, Trung Quốc có 130, Nga có 32, Ấn Độ có 24).
Giai cấp công nhân Trung quốc bị chèn ép khốn quẫn. Có tài liệu cho biết 52% công nhân nhập cư không được thanh toán đủ tiền lương và đúng hạn.
3 – Ở trên, tôi đã nêu những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rõ mục tiêu, lộ trình đưa đất nước họ đến tự do dân chủ như các quốc gia tiên tiến. Tuy nhiên việc thực hiện lộ trình ấy rất chậm chạp.
Bài báo “Bắc Kinh đối mặt với cuộc sát hạch mới về tính hợp pháp” của Verna Yu trên Asia Times viết: “Những điều mà Đảng hứa hẹn cách đây 60 năm vẫn chưa thành hiện thực“; “Chính phủ đã thi hành các sách lược nặng tay hơn nhằm vào những người mà Chính phủ cho rằng đó là sự đe dọa, chẳng hạn trừng trị thẳng tay các tổ chức phi chính phủ, khai trừ khỏi luật sư đoàn nhiều luật sư bảo vệ nhân quyền, cũng như bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi nổi tiếng“. Bài viết nêu ý kiến của một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu: “Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thúc đẩy cải cách chính trị và thực thi dân chủ đích thực thì chẳng bao lâu nữa vốn liếng chính trị sẽ hết“.
Tình trạng như trên ở ta gọi là “Nói vậy mà không phải vậy”.
4 -  Ngày nay nhân loại tiến bộ đều đề cao hòa bình hợp tác giữa các dân tộc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng luôn luôn khẳng định mong muốn hòa bình hợp tác với các nước láng giềng. Tuy nhiên nhìn lại có thể thấy Trung Quốc chưa thể hiện điều đó với tất cả các nước láng giềng có chung biên giới, đặc biệt là với Việt Nam, một đất nước có cùng thể chế chính trị và luôn luôn mong muốn thực hiện “16 chữ vàng” đầy tình hữu nghị mà lãnh đạo cấp cao hai bên thường nhắc nhở. Nhiều năm qua hành động của Trung Quốc trên biển Đông khiến tất cả các nước láng giềng đều lo ngại.
Trung Quốc không có Hồ Chí Minh!

Trung Quốc không có được Hồ Chí Minh.

Những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc kế tục Mao phải nghĩ ra các học thuyết để tìm lối thoát cho hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mô hình Xô viết lỗi thời, vì họ không có Hồ Chí Minh!
Nhiều nhà lý luân hay nhắc câu trả lời của Hồ Chí Minh vì sao người không viết lý luận cộng sản, rồi đã cạn nghĩ khi cho rằng Cụ Hồ đã nhận mình kém cụ Mao! Tôi cho rằng ở trường hợp này, Cụ Hồ tế nhị không tiện nói mình ít đầu tư công sức vào lĩnh vực lý luận đó! Bởi vì nếu xét về kiến thức, tầm văn hóa (kể cả văn hóa Trung Hoa), tài hoa, sự trải đời, trình độ ngoại ngữ… thì cụ Hồ không hề kém cụ Mao! Nhưng, Cụ Hồ chỉ coi chủ nghĩa Lênin là một trong những phương tiện để giành Độc lập dân tộc mà Cụ đã toàn tâm theo đuổi suốt đời. Chính các thế lực thực dân, đế quốc đã buộc Cụ phải dựa hẳn vào Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa.
Cụ Hồ đã viết bằng máu mình hòa với máu dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trong Bản án chế độ thực dân Pháp. Cụ Hồ rất xuất sắc khi viết những lời thỉnh cầu của dân tộc mình  gửi đến Hội nghị Versailles. Nhưng khi được gợi chuyện viết về lý thuyết cộng sản Cụ Hồ kính nhường các cụ kia, bởi biết rằng “Nghề này thì lấy ông này tiên sư”!
Cụ  Hồ chỉ viết duy nhất một văn bản cộng sản là Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong ngày thành lập Đảng ngày 3 – 2 – 1930) đã bị Stalin cho là một người mang nặng tư tưởng dân tộc chứ chưa có quan điểm vô sản đầy đủ!
Bản Di chúc Cụ viết với biết bao trăn trở để lại cho đời và nhiều lần xem lại, bổ sung, điều mong ước cuối cùng là: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” rất khác với những ngôn từ đậm ý thức hệ như các lãnh tụ Trung Quốc thời đó.
Nhưng cả Mao, Đặng và nhiều nhân vật lỗi lạc khác không thể nói nổi những câu này của cụ Hồ: “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”; “Nếu nước được độc lập mà nhân dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”; “Bao nhiêu lợi ích đều của dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của dân”, v.v.
Chúng ta không cần phải học Trung Quốc trong vấn đề trọng đại nhất là tìm đường để Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng của dân tộc, phù hợp với thời đại văn minh của nhân loại. Chúng ta chỉ cần trở về nguồn, về với Hồ Chí Minh:
“Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam!”.
T. V. C.
Nguồn: Bài đã đăng TuanVietNamNet, sau đó rút xuống, bỏ một số câu chữ rồi lại đưa lên với tiêu đề: Học hay không học những gì từ Trung Quốc. Xin xem: tuanvietnam.net. Bản BVN đăng lại ở đây là bản gốc chưa thay đổi.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn