Những đồng tiền thời hội nhập

BBC Tiếng Việt - Thứ năm, 28 tháng 1, 2010

Không thể không công nhận rằng kinh tế Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Bill Hayton - cựu phóng viên BBC tại Hà Nội - phân tích trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ, rằng chính sách "bàn tay rắn" về chính trị của Đảng Cộng sản có thể gây nguy cơ biến thành quả kinh tế thành thảm họa xã hội:
Bài báo 'Của cải mới ở Việt Nam' (Vietnam's New Money) bắt đầu bằng mô tả một đám cưới tại khách sạn Caravelle, TP Hồ Chí Minh, hôm 16/11/2008.

"Chú rể là ông Nguyễn Bảo Hoàng, 36 tuổi, giám đốc điều hành công ty đầu tư IDG Ventures Vietnam; và cô dâu là Nguyễn Thanh Phượng, 27 tuổi, giám đốc một công ty đầu tư khác, VietCapital."
"Hai công ty này quản lý khoảng 150 triệu đôla tiền đầu tư ở Việt Nam."
Cô Phượng là con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và ông Hoàng là Việt kiều Mỹ, người có cha mẹ chạy khỏi Việt Nam năm 1975 để trốn tránh những người cộng sản, để rồi con trai của họ lại quay về cưới con gái của một người trong số đó.
"Cuộc hôn nhân của hai người mang nhiều yếu tố của một nước Việt Nam mới, nơi mà cho dù dòng của cải mới đang chảy vào, Đảng Cộng sản vẫn thống lĩnh cả hai lĩnh vực kinh tế tư và công."
Mạng lưới xã hội chủ nghĩa theo kiểu con ông cháu cha đang trở thành đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam.
Bài báo nói nhiều doanh nghiệp "tư nhân" thực tế từng là doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước vẫn còn sở hữu một phần, đa số do các đảng viên quản lý.
Đa số các nhân vật có vai trò quán xuyến khu vực tư nhân đều là người do Đảng bổ nhiệm, hoặc người nhà, hay bạn bè họ.
"Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam thành doanh nghiệp gia đình."
Việc quy tập quyền lực toàn diện trong tay Đảng, theo tác giả Bill Hayton, là diễn biến rất đáng lo ngại cho tương lai của Việt Nam.
Bài báo còn đưa ra thêm một số dẫn chứng cho quan hệ gia đình trong tiền bạc và quyền lực ở Việt Nam, như các trường hợp doanh nhân Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT, người từng là con rể Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hay bà Đinh Thị Hoa, sáng lập viên công ty Galaxy, mà nay nắm trong tay một công ty PR, một số chuỗi nhà hàng kiểu châu Âu, một hãng phim truyền hình và rạp chiếu phim hiện đại ở Tp HCM.
Bà Hoa thuộc lứa đầu tiên trong những người đi học quản trị kinh doanh tại Đại học danh tiếng Harvard ở Hoa Kỳ theo học bổng của Ngân hàng Thế giới. Nhưng "Galaxy không phải bỗng dưng mà có".
"Khi Ngân hàng Thế giới chọn bà Hoa để trao học bổng, bố của bà (ông Đinh Nho Liêm) đang là thứ trưởng ngoại giao."
"Thành công, thành công, đại thành công"


Tiền của dân được huy động cho các định chế tài chính do nhà nước nắm?
Tác giả Bill Hayton viện dẫn lời Hồ Chủ tịch dùng để nói về khối đại đoàn kết dân tộc - "Thành công, thành công, đại thành công", để bình luận về tiến trình mở cửa nền kinh tế trong nước.
Năm 1993, số liệu chính phủ cho thấy khoảng 60% dân số sống dưới mức đói nghèo. Năm 2004, tỷ lệ đó tụt xuống chỉ còn 20%.
Việt Nam cũng đã thực hiện được hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đưa ra và tiến vào danh sách Các quốc gia có thu nhập trung bình.
Thế nhưng theo ông Hayton, sự kiểm soát của nhà nước trong quá trình phát triển đang gây quan ngại.
"Việc kết hợp giữa các lợi ích của Đảng và của khối tư nhân đang làm biến thái nền kinh tế theo xu hướng thỏa mãn nhu cầu của số ít chứ không phải nguyện vọng của số đông."
"Mạng lưới xã hội chủ nghĩa theo kiểu con ông cháu cha đang trở thành đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam."
Liệu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản có khả năng đứng lên đối mặt với giới nhà giàu mới và đòi họ chuyển giao một phần tài sản thông qua thuế khóa để giúp dân nghèo ở các tỉnh xa hay không?
Bài viết cảnh báo rằng nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ đi vào con đường mà nhiều quốc gia từng được Ngân hàng Thế giới ca tụng vấp phải, là sau phát triển vũ bão là xuống dốc không phanh.
"Các tập đoàn lớn nhất của nhà nước đang thiết lập những kênh tài chính không minh bạch để đầu tư vào các dự án chỉ đạt tính lôgic về kinh tế ở mức tối thiểu".
Cho tới tháng Sáu năm 2008, 28 tập đoàn bỏ ra khoảng 1.5 tỷ đôla để mở công ty hoặc mua cổ phần áp đảo tại các công ty quản lý vốn, công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm.
Tác giả phân tích rằng 3/4 số các công ty tài chính của Việt Nam nay nằm trong tay các tập đoàn nhà nước lớn nhất (còn gọi là tổng công ty) và do vậy, các tập đoàn này có nguy cơ trở thành dạng quỹ đen tự quay vòng vốn và hạch toán mà không ai kiểm soát nổi.
Tuy nay không còn cơ chế cho vay lãi nhẹ từ ngân hàng nhà nước nhưng các doanh nghiệp công vẫn tìm được nhiều cách để thu nhận tiền. Thí dụ Ngân hàng Phát triển với tiền viện trợ nước ngoài và Quỹ Bảo hiểm Xã hội thuộc ngân hàng này đang đóng vai trò cung cấp tài chính có lợi cho doanh nghiệp nhà nước.
"Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn quản lý nền kinh tế theo kiểu chủ nghĩa mang tên Charles de Gaulle (Gaullism) ở Pháp, khi cả khối kinh tế tư nhân và công cộng cùng được kiểm soát bằng một ban điều hành thượng thặng, được đào tạo tại những trường quản lý danh tiếng như học viện Hành chính Quốc gia (Nationale d'Administration) Pháp."
Theo cách thức này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoạch định chính sách cơ bản rồi giao cho Nhà nước thực hiện. Đảng Cộng sản cũng sẽ giám sát quá trình để bảo đảm việc thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, ông Bill Hayton cảnh báo rằng sự thực có thể khác xa so với trông đợi.
Việt Nam có thể sẽ bị đổ sụp dưới sức nặng của chính đống của cải mới này.
"Với đồng tiền dễ dàng kiếm được, người ta có thể hối lộ giới chức để vi phạm luật pháp. Các đảng viên ở doanh nghiệp tìm cách mua chuộc người làm chính sách."
Ông Hayton nhận xét rằng điều đáng ghi nhận ở Việt Nam là trong những lúc khủng hoảng, Đảng Cộng sản luôn có thể kỷ luật một số đảng viên để vãn hồi trật tự trong nền kinh tế.
Nhưng ông đặt câu hỏi: "Liệu việc này sẽ kéo dài thêm được bao lâu?"
"Cho tới nay, Việt Nam chia sẻ thành quả kinh tế một cách đồng đều hơn là ở các nước láng giềng. Thế nhưng trong tương lai, việc phân bổ tài sản này sẽ có nghĩa là lấy mất một phần của cải của giới ủng hộ đảng nhiều nhất."
"Liệu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản có khả năng đứng lên đối mặt với giới nhà giàu mới và đòi họ chuyển giao một phần tài sản thông qua thuế khóa để giúp dân nghèo ở các tỉnh xa hay không?"
Tác giả Bill Hayton nói nếu không kiểm soát được mạng lưới quyền lực của đảng và giới đặc quyền thì Việt Nam có thể sẽ bị đổ sụp dưới sức nặng của chính đống của cải mới này.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn