Thời thơ ấu của Ngô Bảo Châu

Khi còn bé,
tài năng toán học Ngô Bảo Châu từng phải uống sữa quá hạn sử dụng
và anh thường xuyên rửa bát, quét nhà, giúp mẹ làm thêm.
Giáo sư Ngô Bảo Châu (áo trắng). Ảnh: sime.vn.

Trò chuyện với VnExpress, mẹ của Bảo Châu là Phó giáo sư tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền đã kể những câu chuyện về thời khó khăn khi anh còn thơ bé, chuyện học toán và cả tình yêu của người con trai tài năng.

Câu chuyện bắt đầu với đề tài bổ đề cơ bản trong “Chương trình Langlands” của Ngô Bảo Châu – công trình được tạp chí Time xếp vào danh sách “10 phát hiện khoa học tiêu biểu năm 2009”. Theo tiến sĩ Hiền, giáo sư Bảo Châu không coi nghiên cứu của anh là “bom tấn”, “kỳ tích” hay “vĩ đại” như lời một số báo ca ngợi. Vị giáo sư 37 tuổi cũng không muốn người ta gọi anh là nhà toán học “xuất chúng nhất” hay “hàng đầu thế giới”. Quan điểm của Bảo Châu là không nên chú trọng quá mức tới lời khen, bởi chẳng ai trở nên thông minh hơn vì được tán dương.


Bảo Châu sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước còn khó khăn. Khác với trẻ em ở các thành phố thời nay, anh thường xuyên phải uống sữa quá hạn sử dụng, người mẹ kể. Những bữa cơm của gia đình anh cũng đạm bạc như bao gia đình khác. Tuy chỉ có một cậu con trai duy nhất, mẹ và cha anh - tiến sĩ Ngô Huy Cẩn - không hề cưng chiều Bảo Châu. Anh luôn bị phạt nếu mắc lỗi và cũng thường xuyên rửa bát, giặt quần áo cũng như giúp mẹ làm thêm để tăng thu nhập. Giống như nhiều học sinh ham học khác, Bảo Châu không bao giờ để bố, mẹ nhắc nhở việc học bài. Trên thực tế phó giáo sư Hiền chỉ thường xuyên giục con … ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe.

Quãng thời gian học ở Trường thực nghiệm Giảng Võ ở Hà Nội có ảnh hưởng tích cực tới cách học của Bảo Châu, giúp anh hình thành cách tư duy phản biện, độc lập và sáng tạo. Mỗi khi mượn hay mua được một cuốn sách toán, Bảo Châu thường giải lần lượt từng bài tập từ đầu đến cuối. Đối với các môn khác, anh cũng không học theo kiểu nhồi nhét hay nhớ từng câu chữ.

Một điểm thú vị là cậu học sinh Bảo Châu hiếm khi xem tivi vì anh không thích. Thói quen này vẫn được duy trì tới tận bây giờ. Trong thời gian sống tại Pháp và Mỹ, anh không sử dụng dịch vụ truyền hình cáp để ba cô con gái có nhiều thời gian hơn cho việc học. Vào buổi tối thứ sáu hàng tuần Bảo Châu cho con xem băng video để thư giãn.

"Cô thường nói đùa rằng ba cô con gái của Châu sống như binh sĩ trong trại lính. Mẹ các cháu cũng nói vậy. Các cháu được chiều khi sống cùng ông bà ngoại ở Hà Nội, song khi trở lại Pháp thì phải vào khuôn khổ vì anh chị không có nhiều thời gian để chiều chuộng con. Châu bảo các kênh truyền hình Mỹ không có lợi cho trẻ em vì toàn chiếu những chương trình quảng cáo. Vì thế không khuyến khích các cháu xem tivi kể từ khi sang Mỹ", tiến sĩ Hiền kể.

Sau khi tài năng toán của Bảo Châu được phát hiện, các thầy giáo đã dành nhiều thời gian cho việc bồi dưỡng anh. Trong số những người đó có giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa – hiện là Phó viện trưởng Viện Toán học và chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Tuy đam mê toán và chăm chỉ làm bài tập, Bảo Châu không học theo kiểu “quên ăn quên ngủ”. Anh vẫn dành thời gian để đá bóng, đọc truyện, nghe nhạc, chơi đàn violon, đánh cờ tướng hay giúp mẹ làm việc nhà.

Dù nhiều chuyên gia toán đánh giá cao tài năng của Bảo Châu, phó giáo sư Hiền chưa bao giờ nghĩ con thuộc diện “xuất chúng” hay “thần đồng”. Bà cho biết, khi học chuyên toán, lực học của anh ngang bằng so với nhiều bạn cùng lớp. Khi Bảo Châu giành điểm tuyệt đối 42/42 trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế khi mới 16 tuổi, cô mừng vì thành tựu của con, song vẫn không nghĩ sau này anh sẽ trở thành một nhà toán học tầm cỡ thế giới.

Một điều thú vị là Bảo Châu cũng tin vào yếu tố tâm linh trong việc thi cử. Trước ngày thi anh thường tới chùa. Ngoài ra anh thích được ông ngoại đưa đi thi và đón về vì có vẻ như ông đem lại sự may mắn. Trong những kỳ thi cậu học sinh Bảo Châu luôn mang theo một lọ penixilin đựng nước sâm. Tiến sĩ Hiền kể rằng hồi ấy bà làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương nên được ưu tiên mua những mẩu sâm bé xíu rẻ tiền. Vào phòng thi, sau khi đọc đầu bài Bảo Châu lôi lọ nước sâm ra và uống. Sự hiện diện của lọ nước sâm khiến anh cảm thấy vững tâm hơn trong quá trình làm bài.

Bảo Châu lập gia đình ở tuổi 22 với người bạn gái học cùng chuyên toán thời phổ thông. Gia đình giúp anh cân bằng cuộc sống tinh thần với việc nghiên cứu khoa học. Bảo Châu cũng gặp nhiều khó khăn sau khi kết hôn. Tại Đại học Paris 11 anh nhận mức lương 3.000 EUR mỗi tháng, nhưng hàng tháng phải chi 1.500 EUR để trả tiền thuê nhà. Ba cô con gái của anh đều được ông bà nội nuôi tại Hà Nội khi các cháu khoảng một, hai tuổi vì bố mẹ chúng không có nhiều thời gian chăm sóc và không có người giúp việc. Khi được 4-5 tuổi các cháu lại sang Pháp để đoàn tụ với bố mẹ.

Trong mấy năm qua anh hợp tác chặt chẽ với Viện Toán học để nâng cao hoạt động đào tạo toán bậc cao về cả chất lượng và số lượng. Bảo Châu đã mời nhiều giáo sư toán tại Pháp sang Việt Nam để giảng dạy cho Viện Toán học và bản thân anh cũng tham gia giảng dạy. Ngoài ra anh còn liên hệ với một số trường đại học Pháp để các học viên cao học toán có thể tiếp tục học tại những trường đó sau một năm học ở Viện Toán học.

Bảo Châu đang ấp ủ đề án thành lập một viện nghiên cứu đặc biệt giống ở Hàn Quốc. Đó sẽ là nơi mà các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý với việc nghiên cứu mà không phải lo toan những vấn đề vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày.

Bảo Châu không coi tiền bạc và tiếng tăm là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời. Anh chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, giản dị và được làm công việc yêu thích. Châu nói với mẹ rằng, nếu kiếm được nhiều tiền hơn mức cần thiết, anh sẽ sử dụng phần dôi dư vào hoạt động từ thiện, chẳng hạn như giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tật nguyền tại Việt Nam.

Minh Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn