Nên xử lý quan hệ Việt – Trung như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Với 95 tuổi đời, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn xông xáo như ở tuổi hai mươi, luôn hăng hái đi đầu trên mặt trận chống kẻ thù bành trướng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ông là người có số lượng bài đều đặn, viết không ngừng nghỉ, với giọng nhã nhặn chứ không đao to búa lớn, nhằm đối thoại với những kẻ mà ông từng giáp mặt hàng ngày trên trận địa ngoại giao cách đây 30 năm, khi hai nước đang là đồng chí anh em, bỗng dưng “em” bị “anh” trở mặt đánh cho một cú tạt sườn. Là người hiểu rõ hơn ai hết sự tráo trở nằm trong quốc sách xuyên suốt ấy, ông Nguyễn Trọng Vĩnh tuy không hề quên ơn nghĩa quá khứ nhưng vẫn tự thấy mình có trách nhiệm phải chỉ ra tường tận tâm địa khó chơi của ông bạn láng giềng, mà cái nguy là đang dối gạt thế hệ đàn em của ông hôm nay, bằng những lời thật mặn nồng và một chiếc mặt nạ sơn phết khá kỹ, khiến không phải không có người đắm đuối như ruồi sà vào hũ mật.
Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh còn quan tâm đến những vấn đề nội tình đất nước. Ông cũng là một trong các lão thành cách mạng đều đặn đưa kiến nghị yêu cầu cải tổ bộ máy lãnh đạo, nhằm ngăn chặn những phần tử cơ hội, những tên tư bản đỏ, thừa cơ làm tan hoang cơ nghiệp mà nước nhà giành được sau sáu thập kỷ gian nan phấn đấu, làm sâu sắc thêm phân hóa giàu nghèo, đẩy nhân dân vào phân tâm và khốn khổ, nhất là nông dân đang đứng trước tình trạng bị cướp đất, bần cùng hóa, mất đi quyền được sống tối thiểu, và mọi tầng lớp khác thì không được hưởng sự công bằng như Hiến pháp quy định – những quyền dân chủ, tự do cơ bản của con người.
Có thể nói lần đầu tiên nhà chiến lược quân sự phát biểu cùng lúc các vấn đề đối ngoại và đối nội một cách hệ thống, như hai phương diện có quan hệ nội tại với nhau. Đó là một cái nhìn nhắc nhở ý tứ, sâu sắc và đầy lòng ưu ái. Đặc biệt, cũng là lần đầu tiên ông diễn giải thực chất những ngôn từ mỹ miều của “nước bạn” mà nhiều nhà lãnh đạo nước ta trước nay vẫn cứ quen đưa đẩy ở đầu miệng: “... những người lãnh đạo Trung Quốc nêu lên để hai bên cùng thực hiện hai mệnh đề: “16 chữ vàng…” và “4 tốt…” nào là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện…, đồng chí tốt, bè bạn tốt…; lời nói thì tốt đẹp, chữ nghĩa thì hay, nhưng thực chất đó là “hữu nghị lừa phỉnh, hợp tác ăn người, đồng chí móc ruột, bạn bè mất vợ””. Không có dũng khí của một lão tướng yêu nước tận trong đáy tâm khảm, không thể nói ra những lời mà ta có thể mạnh dạn gọi là “đao bút”, như Nguyễn Trãi xưa kia từng tự đánh giá văn chương của mình.
Dưới đây xin trân trong giới thiệu toàn văn bài viết công phu và tâm huyết của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh với bạn đọc xa gần.
Nguyễn Huệ Chi


I. Từ trước đến nay Trung Quốc đối xử với ta như thế nào?
Một nghìn năm nô dịch nước ta (Bắc thuộc) thì mọi người đã rõ. Trong thời kỳ ấy, tất nhiên dân ta đã có nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập nhưng không thành hoặc chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Kể từ vua Ngô Quyền rồi Đinh Tiên Hoàng kế tiếp thống nhất giang sơn giành độc lập thì các triều đại Trung Hoa từ Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều đem quân xâm lược nước ta hòng biến nước ta thành châu quận của họ. Quân dân ta kiên cường bất khuất, đoàn kết một lòng, dưới sự chỉ huy của những anh hùng, hào kiệt đều đã đánh bại họ, giữ vững bờ cõi giang sơn. Điều đó ai cũng biết. Nhắc lại hai đoạn trên để nói lên rằng tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn luôn là truyền thống xuyên suốt của những người nắm quyền ở Trung Quốc.
Đến thời kỳ hai nước cùng làm cách mạng, tuy lúc đó còn có ảnh hưởng chừng nào của tinh thần quốc tế chủ nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn thể hiện ý đồ muốn ta thần phục và đi vào quỹ đạo của họ bằng nhiều chủ trương chính sách.
1. Chinh phục ta bằng tư tưởng Mao Trạch Đông và giúp ta đánh Pháp.
Về chính trị, họ truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Lúc đó trong chương trình giáo dục ở trường Đảng của ta có tiết mục tư tưởng Mao Trạch Đông, cố vấn Trung Quốc cũng tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông và giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc. Có cố vấn quân sự giúp ta đồng thời giúp ta về vũ khí, xe vận tải, pháo 105, pháo cao xạ… Khách quan mà nói, nếu không có sự giúp đỡ đó thì ta chưa có trận thắng Điện Biên Phủ hoặc có thắng cũng không ít khó khăn. Nhưng trong Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, lúc ấy Pháp thất thế không còn có thể làm gì hơn mà Mỹ thì chưa thể trực tiếp nhảy vào. Đáng lẽ ta có thể đấu tranh đẩy giới tuyến quân sự tạm thời xuống đến vĩ tuyến 16, thế nhưng Trung Quốc lại cứ khuyên ta chấp nhận vĩ tuyến 17. Như vậy là Trung Quốc vừa giúp ta lại vừa hạn chế thắng lợi của ta. Trung Quốc khuyên ta nên tập trung xây dựng miền Bắc, trường kỳ mai phục, không tiếp tục đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, không muốn ta mạnh hơn lên để dễ bề khống chế.
Đến khi theo kinh nghiệm Trung Quốc, ta phạm sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, gây tổn thất quá lớn, ta mới thôi dạy tư tưởng Mao Trạch Đông trong trường Đảng và không áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc nữa. Trung Quốc thấy thần phục ta bằng tư tưởng Mao Trạch Đông không được, họ bắt đầu chuyển sang thực hiện chủ trương chính sách mới.
2. Giúp ta hàng loạt xí nghiệp khiến ta hàm ơn và ngả theo Trung Quốc.
Sau hòa bình lập lại, Trung Quốc giúp ta xây dựng nhiều nhà máy và công trình: Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Bóng đèn phích nước, Sứ Hải Dương, Phân đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên, Dệt Minh Phương, Mì chính Việt Trì v.v. Một mặt cũng muốn giúp cho ta có hàng hóa sản phẩm cần thiết, nhưng mặt khác đấy cũng là dịp đổi mới thiết bị của họ, đưa máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã cũ kỹ sang giúp ta và ta phải phụ thuộc họ về nguyên liệu, phụ tùng. Những sản phẩm của các nhà máy nói trên thua xa thứ cùng loại sản xuất trong nước họ, có công trình không phát huy được hiệu quả, làm ăn thua lỗ, có những công trình chạy tậm tịt về sau Mỹ ném bom phá cho sập nốt, thành thử kết quả giúp ta về kinh tế bằng không. Như vậy là tranh thủ ta bằng xây dựng kinh tế cũng không thành công. Sau này những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lại tiếp tục có chủ trương chính sách mới đối với ta.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục giúp ta. Từ 1950 đến 1970, là thời kỳ họ ra sức tranh thủ ta, lãnh đạo Trung Quốc đối xử với các vị lãnh đạo cao cấp của ta trân trọng và thân tình, đối với học sinh của ta và cán bộ ta có việc sang Trung Quốc rất ân cần, tử tế. Có điều đáng chú ý là mỗi khi có lãnh đạo của ta sang thăm hoặc làm việc với Trung Quốc thì ngay tối hôm đó Đài phát thanh và truyền hình Trung Quốc đều có tiết mục nói về Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là của Trung Quốc.
3. Trong thời kỳ ta kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ cho ta nhằm tranh thủ ta.
Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc nước ta, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “Người không đụng đến ta, ta cũng không đụng đến người”, ý nói Trung Quốc sẽ không tham chiến giúp Việt Nam. Dẫu thế, trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc cung cấp viện trợ cho ta rất nhiều, từ vũ khí, phương tiện chiến tranh đến quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm v.v. Khách quan mà nói, nếu không có sự viện trợ to lớn đó của Trung Quốc và sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô về máy bay, xe tăng, tên lửa, Ka-chiu-sa, khí tài hiện đại v.v… thì ta khó thắng Mỹ. Nhân dân ta rất biết ơn Trung Quốc cũng như Liên Xô.
Vì sao Trung Quốc viện trợ quân sự cho ta to lớn như vậy? Bấy giờ Chủ tịch Mao Trạch Đông còn sống, lãnh đạo Trung Quốc vẫn coi Mỹ là đế quốc thù địch, giúp ta giữ vững miền Bắc không để xảy ra tình hình quân Mỹ tiến sát biên giới Trung Quốc, bom rơi vào đất Trung Quốc như những năm 50 Mỹ đánh Triều Tiên. Giúp Việt Nam đánh Mỹ là đánh Mỹ ở ngoài biên giới để không thiệt hại cho nội địa Trung Quốc, thâm ý của Trung Quốc là ở chỗ ấy. Hơn nữa, lúc ấy mâu thuẫn Trung – Xô đã găng đến mức coi nhau là thù địch, Trung Quốc viện trợ to lớn cho ta cũng nhằm tranh thủ ta ngả về họ, không ngả về Liên Xô. Tuy nhiên, với tài ngoại giao thần tình của Hồ Chủ tịch, chúng ta vẫn quan hệ cân bằng với cả hai nước.
Khi chiến tranh diễn đến cục diện giằng co, Trung Quốc thấy Mỹ khó thắng nổi Việt Nam, khả năng hai bên ngồi vào bàn đàm phán xuất hiện, thì Trung Quốc lại muốn ta không đàm phán, tiếp tục “đánh đến người Việt Nam cuối cùng” để cho cả Việt Nam và Mỹ đều tổn thất và suy yếu, tất nhiên sẽ có lợi cho Trung Quốc. Đến lúc này Nich-xơn tìm đến Trung Quốc, những nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy ngay cơ hội bắt tay làm ăn với Mỹ. Ta vẫn ngồi vào bàn đàm phán. Trung Quốc thấy viện trợ ta nhiều thế mà ta vẫn không nghe theo họ, họ bắt đầu chuẩn bị con bài khác.
4. Chuẩn bị ép ta về quân sự hòng buộc ta phải phục tùng.
Khi hiệp định Pa-ri thắng lợi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, hai bên giữ nguyên vị trí chờ tổng tuyển cử, lãnh đạo Trung Quốc khuyên ta ngừng hoạt động quân sự theo như hiệp định, ta cũng không nghe theo. Thế là một mặt Trung Quốc mở thêm những con đường từ Vân Nam, Quý Châu ra sát các tỉnh biên giới nước ta để chuẩn bị đường tiến quân khi cần, mặt khác tăng cường viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng cho Pôn-pốt ở Cam-pu-chia để nắm chặt nó làm gọng kìm quân sự phía Tây Nam nước ta. Sau khi ta giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, trái với ý đồ của Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước càng xấu đi. Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang cám ơn Trung Quốc, họ đối xử với đoàn rất xấu. Khi đoàn xuống Thành Đô, cùng lúc ấy có đoàn quân sự của Triều Tiên do vị Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu cũng đến đấy. Họ bố trí cho đoàn Triều Tiên ở lầu loại nhất, đãi đằng rất chu đáo. Còn Đoàn Đại tướng Tổng tư lệnh của ta ở lầu hạng kém hơn và khi ăn cơm thì ngồi ghế đẩu (không có tựa), khi đoàn trở về trên xe lửa, họ dọn cơm cho ăn có cả bát mẻ! Điều đó cho thấy thái độ hành xử của người lãnh đạo Trung Quốc: “Khi muốn tranh thủ ta thì như san cửa sẻ nhà, khi trái ý đồ của họ, họ trở mặt thì quá tàn nhẫn và ty tiện”.
Sau khi ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Pôn-pốt đánh phá biên giới Tây Nam nước ta, giết hại đồng bào ta, đồng thời xảy ra sự kiện mà Trung Quốc gọi là “bức hại và xua đuổi nạn kiều” thì quan hệ hai nước trở nên rất căng thẳng.
Khi đồng chí Lê Duẩn thăm Liên Xô và ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô và khi ta tiến quân vào Cam-pu-chia nhằm tiêu diệt bọn Pôn-pốt, chấm dứt sự đánh phá biên giới nước ta đồng thời cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng thì lập tức Đặng Tiểu Bình huy động nhiều Sư đoàn theo những con đường sát biên giới nước ta mà họ đã chuẩn bị sẵn từ trước, tiến vào đánh phá ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, giết hại nhân dân ta, hòng cứu bọn Pôn-pốt đồng minh và là gọng kìm phía Tây Nam của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thật là giọng điệu bá quyền nước lớn đúng như câu “Thuận ngã giả xương, nghịch ngã giả vong” (Thuận theo ta thì tốt, trái với ta thì chết) mà tôi được đọc nhiều lần trên báo của họ khi tôi làm Đại sứ nước ta ở Bắc Kinh. Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt. Cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” còn là món quà Đặng Tiểu Bình tặng cho Tổng thống Nich-xơn nhằm phát triển quan hệ Trung - Mỹ.
Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?)”, cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay  ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc. Trước đây, đã có hiệp định Pháp - Thanh phân chia vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc không chịu chấp nhận việc do lịch sử để lại, đòi phân chia lại, kỳ chiếm cho được phần hẩu về mình.
Về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, từ xa xưa đã có văn bản lịch sử là do ta quản lý, ngay trong bản đồ do tướng Đặng Chung, Phó Tổng binh trấn thủ đảo Quỳnh Nhai (đảo Hải Nam ngày nay) vẽ cũng ghi các đảo đó thuộc về An Nam (tức Việt Nam); về mặt pháp lý thì cũng nằm trong hải phận và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta theo luật biển mà Liên Hợp Quốc ban hành. Thư tịch Trung Quốc không hề có tí gì làm chứng cứ, họ chỉ to mồm nhận xí hai quần đảo là của họ, thậm chí trên bản đồ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, họ đơn phương vẽ một “cái lưỡi bò to tướng” bao gồm cả một vùng biển quốc tế và phần lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật là trong thời kỳ Pháp cai trị nước ta thì quân Pháp đóng giữ trên đảo Hoàng Sa, thời kỳ Việt Nam cộng hòa thì quân đội Việt Nam cộng hòa đóng giữ. Năm 1974, Trung Quốc bất ngờ đem quân mạnh hơn đánh giết quân Việt Nam cộng hòa và chiếm lấy Hoàng Sa, còn lăm le chiếm nốt quần đảo Trường Sa của chúng ta. Họ xây dựng cột mốc ở bãi đá ngầm Vĩnh Thực. Họ tuyên bố lập huyện Tam Sa bao gồm nốt Trường Sa. Họ ngăn cản các công ty dầu khí của Anh, Mỹ liên doanh thăm dò khai thác với ta. Gần đây họ khoanh một vùng trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của ta, cấm ngư dân ta đánh cá, thuyền của ngư dân ta ra đánh cá thì họ bắt và bắn. Ngày 16/8/2009, hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông, có ý định giễu võ dương oai đe dọa ta và các nước có liên quan đến biển đảo.
Sông Mê Kông phát nguyên từ cao nguyên Thanh -Tạng chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam. Trung Quốc ở thượng lưu đã và sẽ xây mười mấy đập chặn mất khối lượng nước khổng lồ, bất chấp lợi ích của những nước còn lại. Đặc biệt về mùa khô Nam Bộ của Việt Nam sẽ thiếu nước tưới và nuôi cá, nước biển sẽ dâng sâu vào nội địa nhiều tỉnh, thành, không biết đồng bào ta sẽ sống ra sao bởi tư tưởng ích kỷ nước lớn của những người cầm quyền Trung Quốc?!
Từ trước đến nay, những người nắm quyền ở Trung Quốc “hữu nghị” với ta là như thế đấy!!! Thế mà từ khi hai nước lập lại quan hệ bình thường, những người lãnh đạo Trung Quốc nêu lên để hai bên cùng thực hiện hai mệnh đề: “16 chữ vàng…” và “4 tốt…” nào là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện…, đồng chí tốt, bè bạn tốt…; lời nói thì tốt đẹp, chữ nghĩa thì hay, nhưng thực chất đó là “hữu nghị lừa phỉnh, hợp tác ăn người, đồng chí móc ruột, bạn bè mất vợ”.
Làm Đại sứ nước ta tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 13 năm, tôi thể hội được mấy điều sau đây:
- Tư tưởng bành trướng, bá quyền, ích kỷ nước lớn của những người cầm quyền ở Trung Quốc 1.000 năm nữa vẫn không hề thay đổi.
- Chớ vội tin lời của những người nắm quyền ở Trung Quốc nói, hãy xem những việc họ làm.
- Nhiều khi ở cấp cao của họ nói với cấp cao của ta lời lẽ rất ôn hòa có vẻ vô tư, biết điều, nhưng lại ngầm chỉ đạo cho cấp dưới cứ lấn tới, giọng lưỡi bề trên, đe dọa, để đạt yêu cầu của họ, thiệt hại cho ta.
Trong nước Trung Quốc có 100 mỏ bốc-xít, họ đắp chiếu để đấy, không khai thác để khỏi ảnh hưởng môi trường và để dành tài nguyên cho mai sau. Họ vào khai thác bốc-xít ở Tây Nguyên (tất nhiên được lãnh đạo nước ta thỏa thuận), hủy hoại môi trường Tây Nguyên, lợi thì họ hưởng, chất độc bùn đỏ thì đồng bào Nam Trung Bộ và Nam Bộ của nước ta hứng chịu. Họ lại chiếm lĩnh được địa bàn chiến lược xung yếu bậc nhất khả dĩ khống chế được cả 3 nước Đông Dương.
Ở đồng bằng ven biển nước ta, những công trình mà Trung Quốc trúng thầu, theo luật thì phải mua nguyên vật liệu ở tại nước sở tại, dùng lao động tại chỗ, nhưng Trung Quốc cứ đưa lao động của họ vào. Ngoài ra lại có rất nhiều người Trung Quốc ùa vào một cách tự do (không hiểu sao chính quyền của ta lại để cho họ vào dễ dàng đến thế?).
Gần đây lại có thông tin các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, có cả Thanh Hóa bán cho Trung Quốc (hoặc cho thuê 50 năm)  hàng vạn ha rừng để họ trồng nguyên liệu. Thế là từ một loạt vị trí trên rừng và một dải đồng bằng ven biển xuyên suốt Bắc Nam, hàng vạn người Trung Quốc được rải ra. Nguy hiểm quá!
II. Ta nên xử sự thế nào?
Chúng ta là nước nhỏ luôn muốn sống yên ổn bên cạnh nước láng giềng lớn hơn ta rất nhiều lần. Ông cha ta không hề khiêu khích Trung Quốc, toàn phải bắt buộc đánh trả để giữ độc lập của mình, thường còn phải triều cống các Hoàng đế Trung Quốc. Chúng ta mất một ít ngà voi, sừng tê, ngọc trai và những đặc sản quý khác, nhưng như hai câu cuối bài thơ của Lý Thường Kiệt: “… Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm /  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” để bảo cho họ là đừng đụng đến độc lập của Việt Nam!
Hồ Chủ tịch đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chúng ta phải mất xương máu của hàng triệu quân dân yêu nước, của nhiều thế hệ mới giành được nền độc lập toàn vẹn hôm nay. Trong bất kỳ tình hình nào cũng phải quyết giữ lấy không để biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của người ta. Cũng như ông cha, chúng ta không hề khiêu khích Trung Quốc, không hề xâm phạm lợi ích chân chính của họ. Chúng ta cũng cần chung sống hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Chúng ta cũng sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên tinh thần sòng phẳng, hai bên cùng có lợi, không phương hại đến an ninh quốc gia của chúng ta.
Chúng ta cũng muốn giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao… với Trung Quốc làm cho nhân dân hai nước hiểu nhau, tạo nên mối thân thiện láng giềng giữa nhân dân hai nước.
Hữu nghị, hợp tác khi cần vẫn có đấu tranh. Khi những nhà nắm quyền Trung Quốc có hành động gây thiệt hại cho ta, ta phải đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao, bằng báo chí, bằng dư luận… Không thể cứ nín nhịn mãi, không phải e sợ gì; không được bắt dân nín nhịn nó hèn hạ tư cách con người đi.
Tuy Trung Quốc có thế mạnh là nước lớn, dân đông, lực lượng kinh tế hùng hậu, lực lượng quân sự mạnh, lãnh đạo của họ khôn khéo, thâm hiểm lắm mưu nhiều kế, song họ cũng có nhiều điểm yếu: giữa nhân dân với lãnh đạo họ cũng đầy mâu thuẫn; Tân Cương, Tây Tạng luôn tiềm ẩn sự bất ổn; tư tưởng bành trướng bá quyền của họ thế giới đều biết, không được ai đồng tình; Các nước ASEAN đều lo phòng bị, nhiều nước châu Phi cũng đã tỉnh ngộ, thấy dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc; Trung Quốc tự ý khoanh vùng vi phạm luật biển, ai ưa. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa mà công khai ra quốc tế thì họ thất thế, vì theo thư tịch thì họ không có một tí cứ liệu nào, dư luận thế giới đứng về ta; họ ngăn cản Anh, Mỹ liên doanh thăm dò dầu khí tại vùng biển Đông thuộc Trường Sa của Việt Nam cũng gây cho hai nước này bực tức; tuy vẫn làm ăn với nhau, nhưng giữa Mỹ - Nhật một bên với Trung Quốc vẫn tiềm ẩn mâu thuẫn.
Hòn đảo Cu-ba nhỏ bé ngay trước mũi nước Mỹ hùng mạnh, 40 năm nay vẫn tồn tại là một nước độc lập; Triều Tiên vài năm nay rất căng với Mỹ và Hàn Quốc mà Mỹ cũng không dám tùy tiện tiến hành chiến tranh đánh họ; đánh I-rắc, Mỹ sa lầy sẽ phải rút ra. Trong tình hình thế giới hiện nay không dễ gì những người nắm quyền Trung Quốc tùy tiện phát động chiến tranh xâm lược nước ta, ta có chính nghĩa dư luận thế giới ủng hộ. Hơn nữa trong cuộc “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979, số quân Trung Quốc thương vong không phải nhỏ.
Để giữ vững độc lập chủ quyền, ngăn chặn những mưu đồ của những người nắm quyền Trung Quốc xâm lấn nước ta, ta phải tự mình thay đổi tình hình nội bộ hiện nay của ta:
1. Cần ban lãnh đạo trong sạch, gương mẫu, có tầm nhìn xa, có bản lĩnh, có lòng tự tôn dân tộc, có dũng khí, thật lòng vì nước vì dân.
2. Kiên quyết chống tham nhũng mà chống đây là chống thật (không phải trên lời nói và trên văn bản), kết hợp với chỉnh đốn Đảng, loại trừ những Đảng viên thoái hóa biến chất, cơ hội, nhất là những kẻ đương quyền đương chức, chui sâu leo cao rất nguy hiểm, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh đúng là Đảng Cộng sản chân chính của Bác Hồ, để lấy lại lòng tin của dân.
3. Thực hiện dân chủ trong Đảng, ngoài xã hội để tạo được sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân “thật sự là thế trận lòng dân”. Áp đặt, ép buộc, cấm đoán không bao giờ có đoàn kết mà chỉ tạo nên bất bình, phản kháng.
4. Trên cơ sở lắng nghe Đảng viên, lắng nghe dân, lắng nghe trí thức mà để ra chủ trương chính sách đúng đắn, làm cho Tổ quốc vững mạnh và phát triển, dân no đủ, có dân chủ, tự do, hạnh phúc thì đó là công tác tư tưởng mạnh nhất, hiệu quả nhất. Chủ trương, chính sách không hợp lòng dân, hại cho đất nước thì dù có tuyên truyền tô vẽ bao nhiêu cũng chỉ như nước đổ lá khoai.
5. Cần đầu tư tăng cường lực lượng quốc phòng, có phương tiện, vũ khí hiện đại đến mức cần thiết, tăng thêm sức mạnh cho các quân chủng chủ yếu là hải quân để có sức tự vệ. Dù sao thì lực lượng quân sự của chúng ta vẫn là nhỏ bé, nhưng từ xưa đến nay chúng ta đã có truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh”. Tinh thần quật cường bất khuất, khối đoàn kết toàn dân, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam vẫn là sức mạnh của chúng ta.
N.T.V
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.


Nên xử lý quan hệ Việt – Trung như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Với 95 tuổi đời, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn xông xáo như ở tuổi hai mươi, luôn hăng hái đi đầu trên mặt trận chống kẻ thù bành trướng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ông là người có số lượng bài đều đặn, viết không ngừng nghỉ, với giọng nhã nhặn chứ không đao to búa lớn, nhằm đối thoại với những kẻ mà ông từng giáp mặt hàng ngày trên trận địa ngoại giao cách đây 30 năm, khi hai nước đang là đồng chí anh em, bỗng dưng “em” bị “anh” trở mặt đánh cho một cú tạt sườn. Là người hiểu rõ hơn ai hết sự tráo trở nằm trong quốc sách xuyên suốt ấy, ông Nguyễn Trọng Vĩnh tuy không hề quên ơn nghĩa quá khứ nhưng vẫn tự thấy mình có trách nhiệm phải chỉ ra tường tận tâm địa khó chơi của ông bạn láng giềng, mà cái nguy là đang dối gạt thế hệ đàn em của ông hôm nay, bằng những lời thật mặn nồng và một chiếc mặt nạ sơn phết khá kỹ, khiến không phải không có người đắm đuối như ruồi sà vào hũ mật.
Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh còn quan tâm đến những vấn đề nội tình đất nước. Ông cũng là một trong các lão thành cách mạng đều đặn đưa kiến nghị yêu cầu cải tổ bộ máy lãnh đạo, nhằm ngăn chặn những phần tử cơ hội, những tên tư bản đỏ, thừa cơ làm tan hoang cơ nghiệp mà nước nhà giành được sau sáu thập kỷ gian nan phấn đấu, làm sâu sắc thêm phân hóa giàu nghèo, đẩy nhân dân vào phân tâm và khốn khổ, nhất là nông dân đang đứng trước tình trạng bị cướp đất, bần cùng hóa, mất đi quyền được sống tối thiểu, và mọi tầng lớp khác thì không được hưởng sự công bằng như Hiến pháp quy định – những quyền dân chủ, tự do cơ bản của con người.
Có thể nói lần đầu tiên nhà chiến lược quân sự phát biểu cùng lúc các vấn đề đối ngoại và đối nội một cách hệ thống, như hai phương diện có quan hệ nội tại với nhau. Đó là một cái nhìn nhắc nhở ý tứ, sâu sắc và đầy lòng ưu ái. Đặc biệt, cũng là lần đầu tiên ông diễn giải thực chất những ngôn từ mỹ miều của “nước bạn” mà nhiều nhà lãnh đạo nước ta trước nay vẫn cứ quen đưa đẩy ở đầu miệng: “... những người lãnh đạo Trung Quốc nêu lên để hai bên cùng thực hiện hai mệnh đề: “16 chữ vàng…” và “4 tốt…” nào là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện…, đồng chí tốt, bè bạn tốt…; lời nói thì tốt đẹp, chữ nghĩa thì hay, nhưng thực chất đó là “hữu nghị lừa phỉnh, hợp tác ăn người, đồng chí móc ruột, bạn bè mất vợ””. Không có dũng khí của một lão tướng yêu nước tận trong đáy tâm khảm, không thể nói ra những lời mà ta có thể mạnh dạn gọi là “đao bút”, như Nguyễn Trãi xưa kia từng tự đánh giá văn chương của mình.
Dưới đây xin trân trong giới thiệu toàn văn bài viết công phu và tâm huyết của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh với bạn đọc xa gần.
Nguyễn Huệ Chi
I. Từ trước đến nay Trung Quốc đối xử với ta như thế nào?
Một nghìn năm nô dịch nước ta (Bắc thuộc) thì mọi người đã rõ. Trong thời kỳ ấy, tất nhiên dân ta đã có nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập nhưng không thành hoặc chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Kể từ vua Ngô Quyền rồi Đinh Tiên Hoàng kế tiếp thống nhất giang sơn giành độc lập thì các triều đại Trung Hoa từ Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều đem quân xâm lược nước ta hòng biến nước ta thành châu quận của họ. Quân dân ta kiên cường bất khuất, đoàn kết một lòng, dưới sự chỉ huy của những anh hùng, hào kiệt đều đã đánh bại họ, giữ vững bờ cõi giang sơn. Điều đó ai cũng biết. Nhắc lại hai đoạn trên để nói lên rằng tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn luôn là truyền thống xuyên suốt của những người nắm quyền ở Trung Quốc.
Đến thời kỳ hai nước cùng làm cách mạng, tuy lúc đó còn có ảnh hưởng chừng nào của tinh thần quốc tế chủ nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn thể hiện ý đồ muốn ta thần phục và đi vào quỹ đạo của họ bằng nhiều chủ trương chính sách.
1. Chinh phục ta bằng tư tưởng Mao Trạch Đông và giúp ta đánh Pháp.
Về chính trị, họ truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Lúc đó trong chương trình giáo dục ở trường Đảng của ta có tiết mục tư tưởng Mao Trạch Đông, cố vấn Trung Quốc cũng tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông và giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc. Có cố vấn quân sự giúp ta đồng thời giúp ta về vũ khí, xe vận tải, pháo 105, pháo cao xạ… Khách quan mà nói, nếu không có sự giúp đỡ đó thì ta chưa có trận thắng Điện Biên Phủ hoặc có thắng cũng không ít khó khăn. Nhưng trong Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, lúc ấy Pháp thất thế không còn có thể làm gì hơn mà Mỹ thì chưa thể trực tiếp nhảy vào. Đáng lẽ ta có thể đấu tranh đẩy giới tuyến quân sự tạm thời xuống đến vĩ tuyến 16, thế nhưng Trung Quốc lại cứ khuyên ta chấp nhận vĩ tuyến 17. Như vậy là Trung Quốc vừa giúp ta lại vừa hạn chế thắng lợi của ta. Trung Quốc khuyên ta nên tập trung xây dựng miền Bắc, trường kỳ mai phục, không tiếp tục đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, không muốn ta mạnh hơn lên để dễ bề khống chế.
Đến khi theo kinh nghiệm Trung Quốc, ta phạm sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, gây tổn thất quá lớn, ta mới thôi dạy tư tưởng Mao Trạch Đông trong trường Đảng và không áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc nữa. Trung Quốc thấy thần phục ta bằng tư tưởng Mao Trạch Đông không được, họ bắt đầu chuyển sang thực hiện chủ trương chính sách mới.
2. Giúp ta hàng loạt xí nghiệp khiến ta hàm ơn và ngả theo Trung Quốc.
Sau hòa bình lập lại, Trung Quốc giúp ta xây dựng nhiều nhà máy và công trình: Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Bóng đèn phích nước, Sứ Hải Dương, Phân đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên, Dệt Minh Phương, Mì chính Việt Trì v.v. Một mặt cũng muốn giúp cho ta có hàng hóa sản phẩm cần thiết, nhưng mặt khác đấy cũng là dịp đổi mới thiết bị của họ, đưa máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã cũ kỹ sang giúp ta và ta phải phụ thuộc họ về nguyên liệu, phụ tùng. Những sản phẩm của các nhà máy nói trên thua xa thứ cùng loại sản xuất trong nước họ, có công trình không phát huy được hiệu quả, làm ăn thua lỗ, có những công trình chạy tậm tịt về sau Mỹ ném bom phá cho sập nốt, thành thử kết quả giúp ta về kinh tế bằng không. Như vậy là tranh thủ ta bằng xây dựng kinh tế cũng không thành công. Sau này những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lại tiếp tục có chủ trương chính sách mới đối với ta.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục giúp ta. Từ 1950 đến 1970, là thời kỳ họ ra sức tranh thủ ta, lãnh đạo Trung Quốc đối xử với các vị lãnh đạo cao cấp của ta trân trọng và thân tình, đối với học sinh của ta và cán bộ ta có việc sang Trung Quốc rất ân cần, tử tế. Có điều đáng chú ý là mỗi khi có lãnh đạo của ta sang thăm hoặc làm việc với Trung Quốc thì ngay tối hôm đó Đài phát thanh và truyền hình Trung Quốc đều có tiết mục nói về Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là của Trung Quốc.
3. Trong thời kỳ ta kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ cho ta nhằm tranh thủ ta.
Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc nước ta, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “Người không đụng đến ta, ta cũng không đụng đến người”, ý nói Trung Quốc sẽ không tham chiến giúp Việt Nam. Dẫu thế, trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc cung cấp viện trợ cho ta rất nhiều, từ vũ khí, phương tiện chiến tranh đến quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm v.v. Khách quan mà nói, nếu không có sự viện trợ to lớn đó của Trung Quốc và sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô về máy bay, xe tăng, tên lửa, Ka-chiu-sa, khí tài hiện đại v.v… thì ta khó thắng Mỹ. Nhân dân ta rất biết ơn Trung Quốc cũng như Liên Xô.
Vì sao Trung Quốc viện trợ quân sự cho ta to lớn như vậy? Bấy giờ Chủ tịch Mao Trạch Đông còn sống, lãnh đạo Trung Quốc vẫn coi Mỹ là đế quốc thù địch, giúp ta giữ vững miền Bắc không để xảy ra tình hình quân Mỹ tiến sát biên giới Trung Quốc, bom rơi vào đất Trung Quốc như những năm 50 Mỹ đánh Triều Tiên. Giúp Việt Nam đánh Mỹ là đánh Mỹ ở ngoài biên giới để không thiệt hại cho nội địa Trung Quốc, thâm ý của Trung Quốc là ở chỗ ấy. Hơn nữa, lúc ấy mâu thuẫn Trung – Xô đã găng đến mức coi nhau là thù địch, Trung Quốc viện trợ to lớn cho ta cũng nhằm tranh thủ ta ngả về họ, không ngả về Liên Xô. Tuy nhiên, với tài ngoại giao thần tình của Hồ Chủ tịch, chúng ta vẫn quan hệ cân bằng với cả hai nước.
Khi chiến tranh diễn đến cục diện giằng co, Trung Quốc thấy Mỹ khó thắng nổi Việt Nam, khả năng hai bên ngồi vào bàn đàm phán xuất hiện, thì Trung Quốc lại muốn ta không đàm phán, tiếp tục “đánh đến người Việt Nam cuối cùng” để cho cả Việt Nam và Mỹ đều tổn thất và suy yếu, tất nhiên sẽ có lợi cho Trung Quốc. Đến lúc này Nich-xơn tìm đến Trung Quốc, những nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy ngay cơ hội bắt tay làm ăn với Mỹ. Ta vẫn ngồi vào bàn đàm phán. Trung Quốc thấy viện trợ ta nhiều thế mà ta vẫn không nghe theo họ, họ bắt đầu chuẩn bị con bài khác.
4. Chuẩn bị ép ta về quân sự hòng buộc ta phải phục tùng.
Khi hiệp định Pa-ri thắng lợi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, hai bên giữ nguyên vị trí chờ tổng tuyển cử, lãnh đạo Trung Quốc khuyên ta ngừng hoạt động quân sự theo như hiệp định, ta cũng không nghe theo. Thế là một mặt Trung Quốc mở thêm những con đường từ Vân Nam, Quý Châu ra sát các tỉnh biên giới nước ta để chuẩn bị đường tiến quân khi cần, mặt khác tăng cường viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng cho Pôn-pốt ở Cam-pu-chia để nắm chặt nó làm gọng kìm quân sự phía Tây Nam nước ta. Sau khi ta giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, trái với ý đồ của Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước càng xấu đi. Đoàn đại biểu quân sự nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang cám ơn Trung Quốc, họ đối xử với đoàn rất xấu. Khi đoàn xuống Thành Đô, cùng lúc ấy có đoàn quân sự của Triều Tiên do vị Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu cũng đến đấy. Họ bố trí cho đoàn Triều Tiên ở lầu loại nhất, đãi đằng rất chu đáo. Còn Đoàn Đại tướng Tổng tư lệnh của ta ở lầu hạng kém hơn và khi ăn cơm thì ngồi ghế đẩu (không có tựa), khi đoàn trở về trên xe lửa, họ dọn cơm cho ăn có cả bát mẻ! Điều đó cho thấy thái độ hành xử của người lãnh đạo Trung Quốc: “Khi muốn tranh thủ ta thì như san cửa sẻ nhà, khi trái ý đồ của họ, họ trở mặt thì quá tàn nhẫn và ty tiện”.
Sau khi ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Pôn-pốt đánh phá biên giới Tây Nam nước ta, giết hại đồng bào ta, đồng thời xảy ra sự kiện mà Trung Quốc gọi là “bức hại và xua đuổi nạn kiều” thì quan hệ hai nước trở nên rất căng thẳng.
Khi đồng chí Lê Duẩn thăm Liên Xô và ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô và khi ta tiến quân vào Cam-pu-chia nhằm tiêu diệt bọn Pôn-pốt, chấm dứt sự đánh phá biên giới nước ta đồng thời cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng thì lập tức Đặng Tiểu Bình huy động nhiều Sư đoàn theo những con đường sát biên giới nước ta mà họ đã chuẩn bị sẵn từ trước, tiến vào đánh phá ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, giết hại nhân dân ta, hòng cứu bọn Pôn-pốt đồng minh và là gọng kìm phía Tây Nam của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thật là giọng điệu bá quyền nước lớn đúng như câu “Thuận ngã giả xương, nghịch ngã giả vong” (Thuận theo ta thì tốt, trái với ta thì chết) mà tôi được đọc nhiều lần trên báo của họ khi tôi làm Đại sứ nước ta ở Bắc Kinh. Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt. Cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” còn là món quà Đặng Tiểu Bình tặng cho Tổng thống Nich-xơn nhằm phát triển quan hệ Trung - Mỹ.
Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?)”, cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay  ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc. Trước đây, đã có hiệp định Pháp - Thanh phân chia vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc không chịu chấp nhận việc do lịch sử để lại, đòi phân chia lại, kỳ chiếm cho được phần hẩu về mình.
Về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, từ xa xưa đã có văn bản lịch sử là do ta quản lý, ngay trong bản đồ do tướng Đặng Chung, Phó Tổng binh trấn thủ đảo Quỳnh Nhai (đảo Hải Nam ngày nay) vẽ cũng ghi các đảo đó thuộc về An Nam (tức Việt Nam); về mặt pháp lý thì cũng nằm trong hải phận và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta theo luật biển mà Liên Hợp Quốc ban hành. Thư tịch Trung Quốc không hề có tí gì làm chứng cứ, họ chỉ to mồm nhận xí hai quần đảo là của họ, thậm chí trên bản đồ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, họ đơn phương vẽ một “cái lưỡi bò to tướng” bao gồm cả một vùng biển quốc tế và phần lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật là trong thời kỳ Pháp cai trị nước ta thì quân Pháp đóng giữ trên đảo Hoàng Sa, thời kỳ Việt Nam cộng hòa thì quân đội Việt Nam cộng hòa đóng giữ. Năm 1974, Trung Quốc bất ngờ đem quân mạnh hơn đánh giết quân Việt Nam cộng hòa và chiếm lấy Hoàng Sa, còn lăm le chiếm nốt quần đảo Trường Sa của chúng ta. Họ xây dựng cột mốc ở bãi đá ngầm Vĩnh Thực. Họ tuyên bố lập huyện Tam Sa bao gồm nốt Trường Sa. Họ ngăn cản các công ty dầu khí của Anh, Mỹ liên doanh thăm dò khai thác với ta. Gần đây họ khoanh một vùng trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của ta, cấm ngư dân ta đánh cá, thuyền của ngư dân ta ra đánh cá thì họ bắt và bắn. Ngày 16/8/2009, hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông, có ý định giễu võ dương oai đe dọa ta và các nước có liên quan đến biển đảo.
Sông Mê Kông phát nguyên từ cao nguyên Thanh -Tạng chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam. Trung Quốc ở thượng lưu đã và sẽ xây mười mấy đập chặn mất khối lượng nước khổng lồ, bất chấp lợi ích của những nước còn lại. Đặc biệt về mùa khô Nam Bộ của Việt Nam sẽ thiếu nước tưới và nuôi cá, nước biển sẽ dâng sâu vào nội địa nhiều tỉnh, thành, không biết đồng bào ta sẽ sống ra sao bởi tư tưởng ích kỷ nước lớn của những người cầm quyền Trung Quốc?!
Từ trước đến nay, những người nắm quyền ở Trung Quốc “hữu nghị” với ta là như thế đấy!!! Thế mà từ khi hai nước lập lại quan hệ bình thường, những người lãnh đạo Trung Quốc nêu lên để hai bên cùng thực hiện hai mệnh đề: “16 chữ vàng…” và “4 tốt…” nào là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện…, đồng chí tốt, bè bạn tốt…; lời nói thì tốt đẹp, chữ nghĩa thì hay, nhưng thực chất đó là “hữu nghị lừa phỉnh, hợp tác ăn người, đồng chí móc ruột, bạn bè mất vợ”.
Làm Đại sứ nước ta tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 13 năm, tôi thể hội được mấy điều sau đây:
- Tư tưởng bành trướng, bá quyền, ích kỷ nước lớn của những người cầm quyền ở Trung Quốc 1.000 năm nữa vẫn không hề thay đổi.
- Chớ vội tin lời của những người nắm quyền ở Trung Quốc nói, hãy xem những việc họ làm.
- Nhiều khi ở cấp cao của họ nói với cấp cao của ta lời lẽ rất ôn hòa có vẻ vô tư, biết điều, nhưng lại ngầm chỉ đạo cho cấp dưới cứ lấn tới, giọng lưỡi bề trên, đe dọa, để đạt yêu cầu của họ, thiệt hại cho ta.
Trong nước Trung Quốc có 100 mỏ bốc-xít, họ đắp chiếu để đấy, không khai thác để khỏi ảnh hưởng môi trường và để dành tài nguyên cho mai sau. Họ vào khai thác bốc-xít ở Tây Nguyên (tất nhiên được lãnh đạo nước ta thỏa thuận), hủy hoại môi trường Tây Nguyên, lợi thì họ hưởng, chất độc bùn đỏ thì đồng bào Nam Trung Bộ và Nam Bộ của nước ta hứng chịu. Họ lại chiếm lĩnh được địa bàn chiến lược xung yếu bậc nhất khả dĩ khống chế được cả 3 nước Đông Dương.
Ở đồng bằng ven biển nước ta, những công trình mà Trung Quốc trúng thầu, theo luật thì phải mua nguyên vật liệu ở tại nước sở tại, dùng lao động tại chỗ, nhưng Trung Quốc cứ đưa lao động của họ vào. Ngoài ra lại có rất nhiều người Trung Quốc ùa vào một cách tự do (không hiểu sao chính quyền của ta lại để cho họ vào dễ dàng đến thế?).
Gần đây lại có thông tin các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, có cả Thanh Hóa bán cho Trung Quốc (hoặc cho thuê 50 năm)  hàng vạn ha rừng để họ trồng nguyên liệu. Thế là từ một loạt vị trí trên rừng và một dải đồng bằng ven biển xuyên suốt Bắc Nam, hàng vạn người Trung Quốc được rải ra. Nguy hiểm quá!
II. Ta nên xử sự thế nào?
Chúng ta là nước nhỏ luôn muốn sống yên ổn bên cạnh nước láng giềng lớn hơn ta rất nhiều lần. Ông cha ta không hề khiêu khích Trung Quốc, toàn phải bắt buộc đánh trả để giữ độc lập của mình, thường còn phải triều cống các Hoàng đế Trung Quốc. Chúng ta mất một ít ngà voi, sừng tê, ngọc trai và những đặc sản quý khác, nhưng như hai câu cuối bài thơ của Lý Thường Kiệt: “… Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm /  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” để bảo cho họ là đừng đụng đến độc lập của Việt Nam!
Hồ Chủ tịch đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chúng ta phải mất xương máu của hàng triệu quân dân yêu nước, của nhiều thế hệ mới giành được nền độc lập toàn vẹn hôm nay. Trong bất kỳ tình hình nào cũng phải quyết giữ lấy không để biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của người ta. Cũng như ông cha, chúng ta không hề khiêu khích Trung Quốc, không hề xâm phạm lợi ích chân chính của họ. Chúng ta cũng cần chung sống hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Chúng ta cũng sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên tinh thần sòng phẳng, hai bên cùng có lợi, không phương hại đến an ninh quốc gia của chúng ta.
Chúng ta cũng muốn giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao… với Trung Quốc làm cho nhân dân hai nước hiểu nhau, tạo nên mối thân thiện láng giềng giữa nhân dân hai nước.
Hữu nghị, hợp tác khi cần vẫn có đấu tranh. Khi những nhà nắm quyền Trung Quốc có hành động gây thiệt hại cho ta, ta phải đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao, bằng báo chí, bằng dư luận… Không thể cứ nín nhịn mãi, không phải e sợ gì; không được bắt dân nín nhịn nó hèn hạ tư cách con người đi.
Tuy Trung Quốc có thế mạnh là nước lớn, dân đông, lực lượng kinh tế hùng hậu, lực lượng quân sự mạnh, lãnh đạo của họ khôn khéo, thâm hiểm lắm mưu nhiều kế, song họ cũng có nhiều điểm yếu: giữa nhân dân với lãnh đạo họ cũng đầy mâu thuẫn; Tân Cương, Tây Tạng luôn tiềm ẩn sự bất ổn; tư tưởng bành trướng bá quyền của họ thế giới đều biết, không được ai đồng tình; Các nước ASEAN đều lo phòng bị, nhiều nước châu Phi cũng đã tỉnh ngộ, thấy dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc; Trung Quốc tự ý khoanh vùng vi phạm luật biển, ai ưa. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa mà công khai ra quốc tế thì họ thất thế, vì theo thư tịch thì họ không có một tí cứ liệu nào, dư luận thế giới đứng về ta; họ ngăn cản Anh, Mỹ liên doanh thăm dò dầu khí tại vùng biển Đông thuộc Trường Sa của Việt Nam cũng gây cho hai nước này bực tức; tuy vẫn làm ăn với nhau, nhưng giữa Mỹ - Nhật một bên với Trung Quốc vẫn tiềm ẩn mâu thuẫn.
Hòn đảo Cu-ba nhỏ bé ngay trước mũi nước Mỹ hùng mạnh, 40 năm nay vẫn tồn tại là một nước độc lập; Triều Tiên vài năm nay rất căng với Mỹ và Hàn Quốc mà Mỹ cũng không dám tùy tiện tiến hành chiến tranh đánh họ; đánh I-rắc, Mỹ sa lầy sẽ phải rút ra. Trong tình hình thế giới hiện nay không dễ gì những người nắm quyền Trung Quốc tùy tiện phát động chiến tranh xâm lược nước ta, ta có chính nghĩa dư luận thế giới ủng hộ. Hơn nữa trong cuộc “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979, số quân Trung Quốc thương vong không phải nhỏ.
Để giữ vững độc lập chủ quyền, ngăn chặn những mưu đồ của những người nắm quyền Trung Quốc xâm lấn nước ta, ta phải tự mình thay đổi tình hình nội bộ hiện nay của ta:
1. Cần ban lãnh đạo trong sạch, gương mẫu, có tầm nhìn xa, có bản lĩnh, có lòng tự tôn dân tộc, có dũng khí, thật lòng vì nước vì dân.
2. Kiên quyết chống tham nhũng mà chống đây là chống thật (không phải trên lời nói và trên văn bản), kết hợp với chỉnh đốn Đảng, loại trừ những Đảng viên thoái hóa biến chất, cơ hội, nhất là những kẻ đương quyền đương chức, chui sâu leo cao rất nguy hiểm, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh đúng là Đảng Cộng sản chân chính của Bác Hồ, để lấy lại lòng tin của dân.
3. Thực hiện dân chủ trong Đảng, ngoài xã hội để tạo được sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân “thật sự là thế trận lòng dân”. Áp đặt, ép buộc, cấm đoán không bao giờ có đoàn kết mà chỉ tạo nên bất bình, phản kháng.
4. Trên cơ sở lắng nghe Đảng viên, lắng nghe dân, lắng nghe trí thức mà để ra chủ trương chính sách đúng đắn, làm cho Tổ quốc vững mạnh và phát triển, dân no đủ, có dân chủ, tự do, hạnh phúc thì đó là công tác tư tưởng mạnh nhất, hiệu quả nhất. Chủ trương, chính sách không hợp lòng dân, hại cho đất nước thì dù có tuyên truyền tô vẽ bao nhiêu cũng chỉ như nước đổ lá khoai.
5. Cần đầu tư tăng cường lực lượng quốc phòng, có phương tiện, vũ khí hiện đại đến mức cần thiết, tăng thêm sức mạnh cho các quân chủng chủ yếu là hải quân để có sức tự vệ. Dù sao thì lực lượng quân sự của chúng ta vẫn là nhỏ bé, nhưng từ xưa đến nay chúng ta đã có truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh”. Tinh thần quật cường bất khuất, khối đoàn kết toàn dân, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam vẫn là sức mạnh của chúng ta.
N.T.V
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn