Thư giãn Chủ nhật: Hitler phản đối đổi tên Trường Amsterdam

Theo trang web của Trường trung học phổ thông Hà Nội – Amsterdam: “Vào những ngày ác liệt của năm 1972, khi B52 dội bom hòng hủy diệt Hà Nội, nhân dân Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) vô cùng lo lắng và muốn làm một điều gì đó thể hiện mình đứng về phía Việt Nam hiên ngang. Ngài Thị trưởng, Tiến sĩ Samkaden đã hăng hái vận động nhân dân của mình quyên góp để xây cho Hà Nội một trường cấp III đàng hoàng, to đẹp sau ngày chiến thắng. Kết quả của nghĩa cử đó là Trường trung học phổ thông mang tên Hà Nội - Amsterdam ra đời”.

25 năm qua, Trường đã trở thành niềm tự hào của giáo dục Việt Nam với bề dày thành tích hiếm có một trường trung học phổ thông nào trên cả nước có được, thậm chí Trường còn đàng hoàng sánh vai với không ít trường phổ thông trung học của nước ngoài. Vậy mà nghe đâu vị Hiệu trưởng nhà trường và Sở giáo dục Hà Nội đang lăm le xóa cái tên thân thương ấy đi chỉ vì đã được thành phố cấp cho 400 tỷ đồng xây một ngôi trường mới nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, học sinh và giáo viên nhà trường muốn được chuyển về địa điểm mới thì phải chấp nhận đổi tên.

Dân Thủ đô ai nghe cũng không khỏi chạnh lòng. Hình như lảng vảng đâu đây cái thói “được giỏ bỏ niêu” vừa không có trước có sau lại vừa coi bộ trâng tráo, nó không phải là thuần phong mỹ tục vốn có của người Tràng An. Đã từng có rất nhiều tên phố, tên trường, tên địa danh... mang dấu ấn khó quên, là “thương hiệu” của một thời chưa xa, in vào ký ức nhiều người như một cái gì thiêng liêng lắm, bỗng đến một ngày nào đó chúng theo nhau biến mất, để lại những tiếc nuối hoặc mỉa mai trong dư luận: đường Nam Bộ gắn với những ngày Nam tiến, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội gắn với một thế hệ trí thức ưu tú đầu đàn, rồi Cung văn hóa hữu nghị Việt –Xô, Bệnh viện Việt –Xô gắn với tình vô sản anh em, v.v. Cứ như thời vụ, chúng xuất hiện lúc đang cần giống má, nước, phân, người cày bừa người làm cỏ, rồi lặng lẽ cuốn gói ra đi khi mùa đã gặt xong.

Đừng để thêm một lần nữa đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây... mà ta đang rao giảng trong nhà trường bị tổn thương thêm nữa trong khi phương án giải quyết chuyện “ăn theo lịch sử” này rất đơn giản: giữ nguyên tên trường, gắn biển “Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” như bao công trình khác thì có sao đâu? Hy vọng câu chuyện bi hài này cũng chỉ là chuyện chọc cười như đoạn video trong blog dưới đây.


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn