Bản đồ quyền lực của Trung Quốc (Bàn tay của Bắc Kinh có thể vươn tới đâu ở trên bộ và trên biển?)

Robert D. Kaplan

Trần Ngọc Cư phỏng dịch

Tập san Foreign Affairs (Đối ngoại) xuất bản hai tháng một lần bởi Tổ Khảo cứu liên hệ đối ngoại, một tổ chức tư gồm nhiều học giả và Giáo sư đại học. Hoạt động từ năm 1922 tới nay, tập san Foreign Affairs có khoảng 100,000 người mua và đã là nơi đầu tiên đăng các bài viết có ảnh hưởng rộng lớn đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ví dụ, các bài viết của George Kennan năm 1947 là khởi đầu cho chính sách bao vây (containment) của Mỹ đối với sự bành trướng của phe CS sau Thế chiến II; John Foster Dulles viết về bồi thường chiến tranh của Đức; Louis Halle viết về chính sách của Mỹ đối với Nam Mỹ, Henry Kissinger viết về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong chiến tranh Lạnh, Samuel Huntington viết về sự đụng độ của các nền văn hóa và tôn giáo sau chiến tranh Lạnh, và nay Robert Kaplan viết về chính sách của Mỹ đối với viễn tượng Đại Trung Quốc trên cạn cũng như trên biển.

Vì bài viết của Kaplan có nói đến việc Hoa Kỳ cần quan tâm trước đến sự bành trướng của Trung Quốc trên cạn cũng như trên biển, BVN đã nhờ dịch giả Trần Ngọc Cư dịch nguyên bài viết rất dài này để các học giả và lãnh đạo Việt Nam có dịp tìm hiểu thêm về chính sách bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc,

Và quả nhiên người dịch đã cung cấp một bản dịch đặc sắc lột tả hết những điều người viết muốn khám phá sâu tham vọng trên cạn và trên biển của Trung Quốc cũng như đối sách cần thiết nhìn trên tầm xa của Hoa Kỳ, không phụ lòng trông đợi của người đọc

Trên cạn, chính sách của Trung Quốc tạo ảnh hưởng bằng sức mạnh quân sự khi cần nhưng chủ yếu là khai thác vật liệu thô tại các nước yếu, di dân để làm công việc đó, và tràn ngập thị trường bằng hàng hóa Trung Quốc.

Trên biển, Trung Quốc dốc nhiều tiền bạc khai triển Hải quân để tuyên chiếm quyền sở hữu một “Địa Trung Hải phương Đông dưới ảnh hưởng tuyệt đối của Trung Quốc”, giống như Địa Trung Hải khi xưa dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của La Mã và vùng biển Caribbean ngày nay dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của Hoa Kỳ. Đó quả là những phát hiện tổng quát về chiến lược đa cực của Đại cường Trung Hoa mà bất kỳ một chính trị gia ở bất kỳ nước nào trong xu thế hiện nay cần nắm vững và nghiên cứu thấu đáo.

Bauxitte Việt Nam

clip_image002Ghi chú về bản đồ: (1) Vùng ảnh hưởng tổng quát của Trung Quốc nằm trong đường vẽ trên bản đồ, được mệnh danh là Đại Trung Quốc (Greater China) ở trong bài viết; (2) những quốc gia đánh dấu đậm sẽ là những nước chống lại ảnh hưởng TQ (Ấn Độ, Bangladesh và Nhật Bản.)

Nhà nghiên cứu địa lý Anh Sir Halford Mackinder vào cuối bài báo nổi tiếng năm 1904 của mình, “Vai trò địa lý của lịch sử”, đã nhắc đến Trung Quốc (TQ) một cách rất đáng ngại. Sau khi giải thích tại sao vùng Á-Âu là điểm tựa địa chiến lược để nắm giữ quyền lực toàn cầu, Mackinder cho rằng người TQ, nếu họ bành trướng được sức mạnh của mình ra ngoài biên giới quốc gia, “có thể tạo ra mối họa da vàng đe dọa tự do của cả thế giới chỉ vì họ có thể cộng thêm mặt tiền đại dương vào các tài nguyên của đại lục, một lợi thế cho đến nay người Nga vẫn chưa nắm được mặc dù họ đang chiếm giữ vùng chủ chốt”. Nếu gạt qua một bên óc kỳ thị chủng tộc biểu hiện qua bài viết, một định kiến khá phổ biến vào thời đại tác giả, cũng như thái độ hoảng hốt trước sự vươn dậy của một cường quốc không phải là Tây Phương vào bất cứ thời nào, Mackinder đã nói được điều này: trong khi Nga, tên khổng lồ Á-Âu thứ hai, cơ bản từng là, và còn là, một cường quốc trên đất liền với một mặt tiền đại dương bị băng đá chắn ngang, thì Trung Quốc, nhờ có một duyên hải dài 9.000 dặm Anh [15.400 km] với khí hậu ôn hòa và nhiều hải cảng thiên nhiên thuận lợi, là một cường quốc vừa trên đất liền vừa trên biển cả (Mackinder tỏ ra lo sợ có ngày Trung Quốc chiếm luôn cả Nga). Tầm với thực sự của TQ vươn từ Trung Á, nơi có nhiều trữ lượng khoáng sản và dầu khí phong phú, đến tận những tuyến vận chuyển quan trọng trên Thái Bình Dương. Về sau, trong cuốn Democratic Ideals and Reality (Lý tưởng dân chủ và tình hình thực tế), Mackinder tiên đoán rằng cùng với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, Trung Quốc nhiên hậu sẽ dẫn đường cho thế giới bằng cách “xây dựng một nền văn minh mới cho một phần tư nhân loại, một nền văn minh không hẳn Đông Phương mà cũng không hẳn Tây Phương”.

Địa lý thuận lợi mà trời ban cho Trung Quốc là một sự kiện hiển nhiên đến nỗi thường bị bỏ quên trong các cuộc thảo luận về tính năng động kinh tế và thái độ khẳng định chính mình của Trung Quốc. Tuy vậy, địa lý vẫn là chủ yếu: nghĩa là, Trung Quốc sẽ đứng ở trung tâm địa chính trị (geopolitics) cho dù con đường dẫn tới tư thế đại cường thế giới của Trung Quốc không nhất thiết là con đường thẳng (Trong 30 năm qua, mức tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc là trên 10%, nhưng gần như chắc chắn, mức tăng trưởng này không thể kéo dài thêm 30 năm nữa). Trung Quốc kết hợp tính hiện đại phương Tây ở cực bên này với một nền “văn minh dẫn thủy” (hydraulic civilization) ở cực bên kia – “văn minh dẫn thủy” là một từ do sử gia Karl Wittfogel nặn ra để mô tả các xã hội dùng quyền lực của chính phủ trung ương để kiểm soát việc dẫn thủy nhập điền. Từ này làm người ta nhớ đến Phương Đông thời cỗ: nhờ tập trung quyền lực ở trung ương, chế độ có thể, chẳng hạn, bắt hằng triệu người tham gia lao động để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng. Điều này làm cho Trung Quốc trở nên năng động một cách tàn nhẫn trong những đường lối mà các nền dân chủ, với tất cả thái độ hòa hoãn của mình, không thể nào trở nên năng động đến thế. Khi những nhà cai trị đội lốt cộng sản của Trung Quốc - mà thực chất là hậu duệ của khoảng 25 vương triều qua 4.000 ngàn năm lịch sử - tiếp thu công nghệ phương Tây cũng như các lề thói sinh hoạt phương Tây, họ đã vận dụng những điều mới mẻ này vào một hệ văn hóa tinh vi và có kỷ cương, với một kinh nghiệm độc đáo bao gồm việc thiết lập quan hệ triều cống với các quốc gia khác. Một viên chức Singapore nói với tôi vào đầu năm nay: “Người Trung Quốc tử tế với anh khi họ muốn tử tế, và họ sẽ chèn ép anh khi họ muốn chèn ép. Họ làm điều này một cách có hệ thống”.

Tính năng động trong nội bộ Trung Quốc tạo ra những tham vọng đối ngoại. Các đế quốc ít khi thành hình theo một thiết kế nhất định; chúng phát triển từ từ, một cách tự nhiên. Khi các quốc gia trở nên hùng mạnh hơn, chúng đâm ra có những nhu cầu mới và - điều này thoạt nghe có vẻ nghịch lý - những nỗi lo sợ khiến chúng phải bành trướng dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thậm chí dưới quyền lãnh đạo của một số Tổng thống ít ai nhớ đến -- chẳng hạn, Rutherford Hayes, James Garfield, Chester Arthur, Benjamin Harrison – kinh tế Hoa Kỳ vẫn phát triển liên tục và lặng lẽ vào cuối thế kỷ XIX. Khi quốc gia này buôn bán nhiều hơn với thế giới bên ngoài, nó bắt đầu có những quyền lợi kinh tế và chiến lược phức tạp tại những vùng xa xôi. Đôi khi, như tại Nam Mỹ và khu vực Thái Bình Dương, những lợi ích này đã biện minh cho hành động quân sự của Mỹ. Vào giai đoạn này, Hoa Kỳ đã có điều kiện để bắt đầu quan tâm dòm ngó ra ngoài vì Chính phủ liên bang đã hoàn toàn củng cố tình hình nội địa [từ bờ Đại Tây Dương sang bờ Thái Bình Dương - ND]; trận đánh quan trọng sau cùng trong các Cuộc chiến với người da đỏ (the Indian Wars) diễn ra năm 1890.

Ngày nay Trung Quốc cũng đang củng cố các vùng biên giới trên đất liền và cũng đang dòm ngó ra ngoài. Những tham vọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng hung hăng (aggressive) như những tham vọng của Hoa Kỳ một thế kỷ trước đây, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác biệt. Trung Quốc không đi vào chính sự thế giới (world affairs) bằng con đường khai hóa, nghĩa là tìm cách để truyền bá một ý thức hệ hay một thể chế chính quyền. Tiến bộ về mặt đạo lý trong các vấn đề quốc tế là một tiêu chí của Hoa Kỳ, chứ không phải là một tiêu chí của Trung Quốc; các hành động của Trung Quốc ở nước ngoài đều được thúc đẩy vì nhu cầu đảm bảo các nguồn năng lượng, các kim loại, và các khoáng sản chiến lược nhằm hỗ trợ mức sống đang lên của một dân số khổng lồ, tương đương với 1/5 dân số toàn cầu.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, Trung Quốc đã thiết lập những quan hệ quyền lực có lợi cho mình với các lãnh thổ “núi liền núi, sông liền sông” và những địa phương xa xôi có nhiều tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang cần đến để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Vì động lực thúc đẩy tham vọng của TQ ở nước ngoài có liên quan đến một quyền lợi cốt lõi của quốc gia – đó là sự sống còn về mặt kinh tế -- người ta có thể định nghĩa Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa thực tế cực đoan (an über-realist power). Trung Quốc đang tìm cách triển khai một sự hiện diện bền vững khắp các xứ châu Phi có nhiều trữ lượng dầu hỏa và khoáng sản đồng thời muốn đảm bảo việc sử dụng các cảng khắp Ấn Độ Dương và Biển Nam Trung Quốc [the South China Sea, ta gọi Biển Đông - ND], tức các vùng biển nối liền thế giới Ả rập-Ba tư với duyên hải Trung Quốc. Không còn lựa chọn nào khác hơn và vì lợi ích kinh tế, Bắc Kinh cứ việc nhắm mắt trước bất cứ thể chế nào mà Trung Quốc muốn cầu thân; Trung Quốc cần ổn định chính trị, chứ không cần các đức tính theo quan niệm phương Tây. Và vì một số chế độ -- như tại Iran, Myanmar (Miến Điện), và Sudan -- vừa là tồi tệ vừa là độc tài, việc Trung Quốc lùng sục tài nguyên khắp thế giới đã đưa đến xung đột với Hoa Kỳ, một nước có khuynh hướng rao giảng dân chủ-nhân quyền, cũng như đưa đến xung đột với các quốc gia như Ấn Độ và Nga chỉ vì Trung Quốc lấn vào vùng ảnh hưởng riêng của họ.

Chắc chắn, Trung Quốc không phải là một vấn đề sống chết của những quốc gia này. Rủi ro chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ quả là xa vời; sự đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ chỉ là gián tiếp. Thách thức mà Trung Quốc đặt ra chủ yếu có tính cách địa lý -- bất chấp những vẫn đề nghiêm trọng khác liên quan đến quốc trái (debt), mậu dịch, và tình trạng hâm nóng địa cầu. Vùng ảnh hưởng mới xuất hiện của Trung Quốc tại Á-Âu và Châu Phi đang gia tăng -- sự kiện này không nằm trong ý nghĩa đế quốc của thế kỷ XIX nhưng, một cách thế tế nhị hơn, khá phù hợp với thời đại toàn cầu hóa. Chỉ vì muốn đảm bảo các nhu cầu kinh tế, Trung Quốc đang thay đổi cán cân lực lượng tại Đông bán cầu, và việc này chắc chắn làm cho Hoa Kỳ hết sức lo ngại. Cả trên lục địa lẫn trên đại dương, nhờ được tiếp sức bởi vị trí thuận lợi của Trung Quốc trên bản đồ, ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan tỏa và bành trướng từ Trung Á đến Biển Nam Trung Quốc (the South China Sea), từ miền Viễn Đông của Nga đến Ấn Độ Dương. Trung Quốc là một cường quốc lục địa (continental power) đang vươn dậy, và như câu nói thời danh của Napoleon, chính sách của những quốc gia thuộc loại này đã có sẵn trong vị trí địa lý của nó.

Hội chứng biên giới nhạy cảm

Tân Cương và Tây Tạng là hai vùng chính nằm trong biên giới của Trung Quốc có dân chúng chống lại sức thu hút của văn minh Trung Hoa. Trong một cách nào đó, sự kiện này chứng tỏ Tân Cương và Tây Tạng là những tài sản của đế chế Bắc Kinh. Hơn thế nữa, những căng thẳng mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tại những vùng này đang làm cho quan hệ của Bắc Kinh với các quốc gia lân cận trở nên phức tạp.

“Tân Cương”, tên của một tỉnh cực Tây của Trung Quốc, có nghĩa là “lãnh địa mới” và là phần Turkestan thuộc Trung Quốc, một diện tích gấp đôi bang Texas, nằm cách xa vùng trung châu và ở phía bên kia Sa mạc Gobi. Trung Quốc đã là một quốc gia trong một hình thức nào đó qua 4.000 năm lịch sử, nhưng Tân Cương mới chính thức trở thành một phần của lãnh thổ Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX. Kể từ đó, theo lời một nhà ngoại giao thế kỷ XX của Anh, Sir Fitzroy Maclean, lịch sử tỉnh Tân Cương “là một lịch sử liên tục biến động”, thỉnh thoảng có những cuộc vùng dậy và có những giai đoạn độc lập xen kẽ, mãi cho đến thập niên 1940. Năm 1949, lực lượng Cộng sản của Mao Trạch Đông tiến vào Tân Cương và dùng vũ lực để sáp nhập tỉnh này vào phần còn lại của Trung Quốc. Nhưng mãi đến gần đây, năm 1990 và năm ngoái, người dân tộc Hồi Ngột (Uighurs) -- hậu duệ của người Turk từng cai trị Mông Cổ vào thế kỷ VII và thế kỷ VIII – đã nổi loạn chống lại chế độ cai trị của Bắc Kinh.

Sắc tộc Hồi Ngột tại Trung Quốc có dân số khoảng tám triệu người, chưa được 1% dân số Trung Quốc, nhưng họ chiếm đến 45% dân số Tân Cương. Dân đa số của Trung Quốc, tức người Hán Hoa, tập trung đông đảo tại các đồng bằng trung châu và gần Thái Bình Dương, trong khi đó những cao nguyên khô cằn ở phía Tây hoặc Tây Nam lãnh thổ Trung Quốc là quê hương lịch sử của các dân tộc ít người Hồi Ngột và Tây Tạng. Sự phân bố dân số này vẫn còn là nguyên nhân gây ra căng thẳng, vì trong nhãn quan của Bắc Kinh, nhà nước hiện đại Trung Quốc phải có toàn quyền kiểm soát đối với các vùng cao nguyên. Để giữ vững những vùng này – cùng với dầu hỏa, khí đốt thiên nhiên, và quặng sắt trong lòng đất – trong nhiều thập niên qua Bắc Kinh đã đưa người Hán Hoa từ vùng trung châu lên định cư tại những vùng cao nguyên này. Bắc Kinh vẫn tiếp tục mạnh dạn ve vãn các nước cộng hoà độc lập ở Trung Á có gốc Turk, đồng chủng với người Hồi Ngột, một phần nhằm tước đoạt bất cứ căn cứ địa nào mà người Hồi Ngột ở Tân Cương có khả năng lập ra ở ngoài biên giới Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng tiếp tục ve vãn các chính phủ Trung Á để nới rộng vùng ảnh hưởng; Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng Á-Âu (Eurasia), nhưng chưa đủ sâu nếu xét đến nhu cầu của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên. Ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Trung Á nằm dưới dạng hai ống dẫn dầu chính đi vào Tân Cương sắp được hoàn tất: một để dẫn dầu từ biển Caspian băng ngang qua Kazakhstan, còn ống kia dẫn khí đốt từ Turkmenistan băng ngang qua Uzbekistan và Kazakhstan. Sự thèm khát tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc còn có nghĩa là Bắc Kinh sẵn sàng liều lĩnh nhằm đảm bảo những tài nguyên này. Bắc Kinh đang khai thác đồng ở phía Nam Kabul, tại Afghanistan, một quốc gia đang tan nát vì chiến tranh, và đang dòm ngó các mỏ sắt, vàng, uranium, và đá quí ở trong vùng (vùng này có một số trong những lớp đá quí cuối cùng của thế giới mà chưa ai khai thác). Bắc Kinh cũng hi vọng xây được đường sá và ống dẫn năng lượng xuyên qua Afghanistan và Pakistan, nối vùng ảnh hưởng vừa mới manh nha ở Trung Á với các cảng trên Ấn Độ Dương. Địa bàn chiến lược của Trung Quốc sẽ được tăng cường nếu Hoa Kỳ ổn định được tình hình Afghanistan.

Cũng như Tân Cương, Tây Tạng là rất thiết yếu cho quan niệm tự-tạo về lãnh thổ (territorial self-conception) của Trung Quốc, và cũng như Tân Cương, Tây Tạng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh nhìn viễn tượng một Tây Tạng tự trị với nỗi kinh hoàng, đừng nói chi đến độc lập, và đó là lý do tại sao Bắc Kinh cuống cuồng xây dựng đường sá và các tuyến xe lửa băng qua vùng này. Nếu mất Tây Tạng, lãnh thổ Trung Quốc sẽ teo lại khá nhiều – và Ấn Độ sẽ được cộng thêm một khu vực phía Bắc vào căn cứ quyền lực tiểu lục địa của mình.

Với dân số hơn một tỉ người, Ấn Độ lọt thỏm như một cái nêm địa lý rất xốn xang trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á. Một bản đồ của “Đại Trung Quốc” (Greater China) trong cuốn The Grand Chessboard (Bàn cờ vĩ đại) của Zbigniew Brzezinski, xuất bản năm 1997, đã làm nổi bật điểm này. Ở một mức nào đó, do vị trí địa lý, Trung Quốc và Ấn Độ bị định mệnh bắt làm đối thủ của nhau: hai nước láng giềng có dân số khổng lồ, có những nền văn hóa phong phú và đáng kính nể, đã có lịch sử tranh giành lãnh thổ (như trường hợp tiểu quốc Ấn Độ Arunachal Pradesh). Vấn đề Tây Tạng chỉ làm cho những vấn đề này trở nên nghiêm trọng thêm mà thôi. Ấn Độ là nước dung dưỡng Chính phủ Đạt-lai Lạt-ma lưu vong từ năm 1957, và theo Daniel Twining, một Nghiên cứu trưởng tại Quĩ Marshall của Đức (the German Marshall Fund), những căng thẳng biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ “có thể liên quan đến những lo âu của Bắc Kinh về kẻ sẽ kế vị Đạt-lai Lạt-ma”: vị Đạt-lai Lạt-ma tương lai có thể phát xuất từ vòng đai văn hóa Tây Tạng chạy xuyên qua bắc Ấn, Nepal, và Bhutan, vì thế nhà lãnh đạo này có khả năng thân Ấn Độ và chống Trung Quốc thậm chí nhiều hơn cả vị đương kim Đạt-lai Lạt-ma. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chơi một “ván cờ lớn” không những tại những vùng này mà cả tại Bangladesh và Sri Lanka. Tân Cương và Tây Tạng nằm hẳn trong biên giới hợp pháp của Trung Quốc, nhưng quan hệ căng thẳng của Chính phủ Trung Quốc với người dân bản địa của hai tỉnh này cho thấy rằng khi Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng của mình ra ngoài khối dân Hán Hoa nòng cốt, nhà nước Trung Quốc nhất định gặp phải chống đối.

Từng bước ngấm ngầm đặt quyền cai trị

Ngay ở vùng Trung Quốc có phần biên giới an toàn, chính hình thể địa lý của nó cũng trông như có cái gì khiếm khuyết khá nguy hiểm – cơ hồ có những phần thuộc về Đại Trung Quốc trước đây đã bị tháo gở. Biên giới phía Bắc Trung Quốc ôm quanh Mông Cổ, một lãnh thổ khổng lồ nom như trong quá khứ nó đã bị khới ra khỏi lưng Trung Quốc. Mông Cổ là một trong những nước có mật độ dân số thấp nhất thế giới và mật độ này đang bị nền văn minh đô thị Trung Quốc đe doạ sát nách. Trong quá khứ đã chiếm lấy Ngoại Mông (Outer Mongolia) để lấy đất canh tác, trong một cách nào đó Bắc Kinh đang muốn chiếm lấy Mông Cổ thêm lần nữa để thoả mãn cơn khát thèm dầu hỏa, than đá, uranium, và những đồng cỏ tươi tốt hoang vu. Những công ty khai thác hầm mỏ của Trung Quốc đang tìm cách giành giựt những món béo bở trong kho tài sản nằm dưới lòng đất của Mông Cổ, vì nỗ lực công nghiệp hóa và đô thị hóa gần như vô độ đã biến Trung Quốc thành nước tiêu thụ hàng đầu những kim loại như nhôm, đồng, chì, kền, kẽm, thiếc, và quặng sắt; luợng kim loại của thế giới mà Trung Quốc tiêu thụ nhảy từ 10% lên 25% kể từ cuối thập niên 1990 đến nay. Trong khi Tây Tạng, Macao, và Hồng Kông đã nằm hẳn dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, cách ứng xử của Trung Quốc đối với Mông Cổ sẽ là chuẩn mực để thế giới đánh giá Trung Quốc đang nuôi ý đồ đế quốc đến mức độ nào.

Ở về phía Bắc Mông Cổ và ba tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc là miền Viễn Đông của Nga, một vùng rộng lớn ngút ngàn, có diện tích gấp đôi Châu Âu, với một dân số rất nhỏ bé và ngày càng trở nên thưa thớt. Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhà nước Nga đã mở mang bờ cõi vào vùng này, khi Trung Quốc đang còn yếu kém. Ngày nay, Trung Quốc đã mạnh, mà quyền lực của chính phủ Nga không chỗ nào yếu ớt hơn là ở một phần ba đất nước nằm về phía Đông. Ở bên kia biên giới Nga-Trung có khoảng 7 triệu người Nga sống trong vùng Viễn Đông của Nga – một con số có thể giảm xuống 4 triệu rưỡi trước năm 2015 – trong khi đó ở ba tỉnh Trung Quốc kế cận có đến khoảng 100 triệu người TQ: mật độ dân số bên phía Trung Quốc gấp 62 lần mật độ bên phía Nga. Dân di trú Trung Quốc đã và đang xâm nhập vào lãnh thổ Nga, định cư thành những nhóm đông đảo tại thành phố Chita, phía Bắc Mông Cổ, và nhiều nơi khác ở trong vùng. Thu gom tài nguyên thiên nhiên là mục đích chính của chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở khắp mọi nơi, trong khi đó vùng Viễn Đông của Nga lại có những trữ lượng lớn khí đốt, dầu hỏa, gỗ, kim cương, và vàng. “Moscow lấy làm lo lắng về những đám dân Trung Quốc đông đảo sang định cư ở vùng này, theo sau họ là những công ty khai thác gỗ rừng và hầm mỏ”, David Blair, phóng viên tờ Daily Telegraph tại Luân Đôn đã viết như vậy mùa hè năm ngoái.

Cũng như trường hợp Mông Cổ, người Nga không lo sợ rằng một ngày nào đó quân đội Trung Quốc sẽ tràn qua biên giới hay chính thức sáp nhập vùng Viễn Đông của Nga vào lãnh thổ Trung Quốc. Điều đáng sợ là, quyền kiểm soát của Bắc Kinh xuyên qua di dân TQ và các tập đoàn TQ khai thác tài nguyên đang liên tục gia tăng. Trong thời Chiến tranh lạnh, những cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô đã đưa hằng trăm ngàn binh sĩ đến vùng xa xôi này của Tây Bá Lợi Á và đôi khi những cuộc chạm súng đã nổ ra. Vào cuối thập niên 1960, những căng thẳng này đã dẫn đến sự tan vỡ của khối Trung-Xô. Yếu tố địa lý có khả năng chia rẽ Trung Quốc và Nga, vì liên minh hiện nay giữa hai nước là hoàn toàn chiến thuật. Điều này có khả năng làm lợi cho Hoa Kỳ. Vào thập niên 1970, chính quyền Nixon đã có thể lợi dụng sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Moscow để mở đầu cuộc đối thoại với Trung Quốc. Trong tương lai, khi Trung Quốc đã trở thành một cường quốc lớn mạnh hơn, Hoa Kỳ có thể sẽ trở thành một đối tác với Nga trong một liên minh chiến lược nhằm đối trọng lại với Trung Quốc – đó là điều có thể quan niệm được.

Những hứa hẹn ở phía Nam Trung Quốc

Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang bành trướng theo hướng Đông Nam. Thật vậy, với các quốc gia tương đối yếu ớt ở Đông Nam Á, sự xuất hiện một Đại Trung Quốc ít gặp sự chống đối nhất. Trung Quốc tương đối ít gặp trở ngại địa lý đối với các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan, và Myanmar. Thủ đô tự nhiên của một vùng ảnh hưởng có trung tâm nằm trên sông Cửu Long và nối tất cả các nước Đông Dương bằng đường bộ và đường sông sẽ là Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Quốc gia lớn nhất của lục địa Đông Nam Á là Myanmar. Nếu Pakistan là Balkans của Châu Á, có nguy cơ chia năm xẻ bảy, thì Myanmar là Belgium vào đầu thế kỷ XX, có nguy cơ bị các nước láng giềng xâm lăng. Cũng như Mông Cổ, miền Viễn Đông của Nga, và các lãnh thổ ở biên giới trên đất liền của Trung Quốc, Myanmar là một quốc gia yếu kém nhưng rất giàu những tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc rất thèm khát. Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh nhau để phát triển cảng nước sâu Sittwe, nằm trên bờ Ấn Độ Dương thuộc Myanmar, vì cả hai cường quốc đều nuôi hy vọng sẽ xây ống dẫn dầu chạy từ các giếng dầu nằm ngoài khơi trong Vịnh Bengal.

Đối với toàn bộ vùng này, trên vài phương diện, Bắc Kinh đã dùng chiến lược chia để trị (divide-and-conquer). Trong quá khứ, Bắc Kinh đã thương thuyết song phương với từng nước trong ASEAN, chứ không thương thuyết với tất cả các nước trong tổ chức này như một khối. Ngay cả thỏa ước về một khu vực tự do mậu dịch mà Bắc kinh vừa ký kết với ASEAN cũng chứng tỏ Trung Quốc tiếp tục triển khai những quan hệ có lợi cho mình như thế nào. Trung Quốc sử dụng ASEAN như một thị trường để bán những hàng hóa đắt tiền do TQ sản xuất trong khi mua lại những nông phẩm rẻ tiền của ASEAN. Việc này dẫn đến thặng dư mậu dịch (xuất siêu) cho Trung Quốc, trong khi các nước ASEAN trở thành thị trường để TQ bán phá giá (dumping) các hàng công nghiệp được sản xuất với giá lao động rẻ mạt tại các thành thị TQ.

Sự kiện này đang diễn ra khi Thái Lan, một quốc gia có thời khá hùng mạnh nhưng đang bị chao đảo vì những vấn đề chính trị nội bộ gần đây, trở nên ngày càng yếu kém trong vài trò là chiếc neo chính trị trong vùng cũng như là đối trọng nội tại (inherent counterweight) chống lại sức bành trướng của Trung Quốc. Hoàng gia Thái, với một vị vua già yếu, không còn là một lực ổn định chính trị như từng diễn ra trong quá khứ, trong khi nạn bè phái đang khuấy động quân lực Thái Lan (Trung Quốc đang triển khai quan hệ quân sự song phương với Thái Lan, cũng như xây dựng những quan hệ như thế với các quốc gia Đông Nam Á khác, trong khi Hoa Kỳ đang giảm thiểu những hoạt động trong vùng để tập trung quân số vào các chiến trường Afghanistan và Iraq). Ở về phiá Nam của Thái Lan, cả Malaysia và Singapore đang đi vào thời kỳ quá độ đầy thách đố nhằm tiến tới dân chủ, trong khi các người hùng dựng nước (nation-building strongmen) như Mahathir bin Mohamad và Lý Quang Diệu của hai nước này đang nhạt dần trên chính trườngị. Malaysia ngày càng chịu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, nay trong lúc người Hoa thiểu số cảm thấy bị người Mã Lai đa số chèn ép. Và mặc dù tuyệt đại đa số dân Singapore là người Hoa, Chính phủ nước này vẫn canh cánh nỗi lo sẽ trở thành một chư hầu của Trung Quốc; vì thế qua nhiều năm nay, Singapore vẫn duy trì một quan hệ với Đài Loan về việc huấn luyện quân sự. Lý Quang Diệu đã công khai thúc đẩy Hoa Kỳ phải tích cực quan hệ hơn nữa với vùng này, cả về quân sự lẫn ngoại giao. Về phần mình, Indonesia đang lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan: một mặt Indonesia cần đến sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ phòng khi cần chống lại sức ép của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại sợ rằng nếu xuất hiện như một đồng minh của Mỹ, Indonesia sẽ gây phẫn nộ trong phần còn lại của thế giới Hồi giáo. Khi sức mạnh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á đã qua thời cao điểm mà quyền lực của Trung Quốc thì đang vươn lên, các quốc gia trong vùng càng ngày càng hợp tác với nhau nhiều hơn nhằm giảm nhẹ chiến lược chia để trị của Bắc Kinh. Indonesia, Malaysia, và Singapore đã liên kết với nhau để chống hải tặc, chẳng hạn. Những quốc gia này càng biết dựa vào sức mình là chính, thì họ càng ít bị đe dọa vì sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lục quân Trung Quốc

Trung Á, Mông Cổ, miền Viễn Đông thuộc Nga, và Đông Nam Á là vùng ảnh hưởng tự nhiên của Trung Quốc. Nhưng chúng cũng là những vùng mà biên giới chính trị không thể thay đổi. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên thì khác: bản đồ Trung Quốc đặc biệt bị cắt ngang ở đó, và tại bán đảo này biên giới chính trị rất có thể thay đổi.

Chế độ bưng bít của Bắc Hàn cơ bản là bất ổn, và sự sụp đổ của nó có thể ảnh hưởng toàn bộ vùng này. Từ vùng Mãn Châu chồm ra biển, Bán đảo Triều Tiên kiểm soát tất cả tàu bè đi lại miền Đông Bắc Trung Quốc. Tất nhiên, không ai dự kiến là Trung Quốc sẽ sáp nhập bất cứ phần đất nào của Bán đảo Triều Tiên vào lãnh thổ của mình, nhưng Trung Quốc vẫn bị trở ngại vì vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác tại đó, đặc biệt là Bắc Hàn. Mặc dù đang hậu thuẫn chế độ Xta-lin-nit của Kim Chánh Nhật (Kim Jong Il), Bắc Kinh vẫn phải có phương án dành cho bán đảo này khi triều đại của Kim không còn nữa. Bắc Kinh muốn cuối cùng sẽ đưa về hằng ngàn người Bắc Hàn đào ngũ hiện sống tại Trung Quốc, ngõ hầu họ có thể xây dựng một cơ sở chính trị thuận lợi cho việc Bắc Kinh dần dà nắm trọn kinh tế của vùng sông Tumen, nơi giao điểm biên giới của Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga, và cũng là vùng có nhiều hải cảng tốt đối diện với Nhật Bản trên Thái Bình Dương.

Đây là một lý do tại sao Bắc Kinh muốn thấy một quốc gia độc tài nhưng tân tiến hơn chế độ hiện tại ở Bắc Hàn -- một quốc gia làm trái độn giữa Trung Quốc và chế độ dân chủ trung lưu rất sinh động tại Nam Hàn. Nhưng việc thống nhất bán đảo Triều Tiên nhiên hậu cũng có lợi cho Bắc Kinh. Một nước Triều Tiên thống nhất sẽ đi theo đường hướng dân tộc chủ nghĩa, sẽ nuôi dưỡng ít nhiều thù nghịch với cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, vì trong quá khứ hai quốc gia này đã từng chiếm Triều Tiên. Nhưng mối hận của Triều Tiên đối với Nhật Bản sâu đậm hơn đối với Trung Quốc rất nhiều (Nhật Bản đã chiếm đóng bán đảo này từ 1910 đến 1945. Hiện nay Seoul và Tokyo vẫn tiếp tục tranh cãi về tình trạng các đảo nhỏ Tokdo/Takeshima – theo cách gọi riêng của hai nước). Quan hệ kinh tế của Triều Tiên đối với Trung Quốc khi đó sẽ vững mạnh hơn đối với Nhật Bản: một Triều Tiên thống nhất không ít thì nhiều sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Seoul, và hiện nay Trung Quốc đã là một đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn. Sau cùng, nếu kịch bản này diễn ra, một nước Triều Tiên thống nhất và thân Bắc Kinh hơn thân Nhật Bản, sẽ không còn lý do để cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp tục trấn đóng trên lãnh thổ của mình. Nói thế khác, người ta có thể dễ dàng quan niệm được một tương lai của Triều Tiên nằm trong một Đại Trung Quốc (a Greater China) và một thời kỳ mà sự hiện diện trên bộ của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á sẽ thu nhỏ lại.

Như trường hợp điển hình của bán đảo Triều Tiên cho thấy, biên giới trên đất liền của Trung Quốc hứa hẹn nhiều cơ hội hơn là nguy cơ cho Bắc Kinh. Như [vào năm 1904] Mackinder đã tiên đoán, hiện nay Trung Quốc dường như đang trở thành một đại cường vừa trên bộ vừa trên biển, chí ít cũng làm lu mờ sức mạnh của Nga tại vùng Á-Âu (Eurasia). Nhà nghiên cứu chính trị John Mearsheimer đã viết trong cuốn The Tragedy of Great Power Politics (Bi kịch của chính trị đại cường) rằng “những quốc gia nguy hiểm nhất trong hệ thống quốc tế hiện nay là những cường quốc châu lục (continental powers) có những đội quân khổng lồ”. Đây là lý do để thế giới khiếp sợ ảnh hưởng của Trung Quốc khi nước này có thêm nhiều tính chất của một cường quốc châu lục. Tuy vậy, Trung Quốc chỉ phù hợp cách mô tả của Mearsheimer một phần nào mà thôi: quân đội Trung Quốc, gồm 1,6 triệu người, là đội quân lớn nhất thế giới, nhưng trong nhiều năm tới nó vẫn chưa có đủ khả năng viễn chinh. Quân đội Giải phóng nhân dân từng đáp ứng tình trạng khẩn trương trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, đối phó với tình hình bất ổn sắc tộc tại Tây Tạng và Tân Cương gần đây, và với thách đố an ninh của Thế vận hội tại Bắc Kinh năm 2008. Tuy nhiên, theo Abraham Denmark thuộc Trung tâm nghiên cứu một nền An ninh mới của Mỹ, điều này chỉ chứng tỏ rằng Quân đội Giải phóng nhân dân có thể điều động binh lính từ đầu này sang đầu kia của lục địa Trung Quốc mà thôi, chứ không có nghĩa là nó có thể chuyển quân nhu và các trang bị hạng nặng ở tốc độ cần thiết cho các cuộc dàn quân lớn. Có lẽ đạt được một khả năng như vậy cũng không quan trọng mấy đối với Trung Quốc, vì sẽ không có chuyện Quân đội Giải phóng nhân dân tràn qua biên giới, trừ phi Bắc Kinh tính toán sai lầm (như trong trường hợp có chiến tranh với Ấn Độ) hay để điền vào một chỗ trống (như trong trường hợp chế độ Bắc Hàn sụp đổ). Trung Quốc có thể điền vào những chỗ trống quyền lực (power vacuums) bằng chính sách di dân và đưa công ty vào đầu tư khai thác (ND tô đậm), mà khỏi cần sự hậu thuẫn của một lực lượng viễn chinh trên bộ.

Sở dĩ Trung Quốc có được một sức mạnh chưa từng thấy trên đất liền là nhờ vào nỗ lực của các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người đã bận rộn dàn xếp các cuộc tranh chấp biên giới với các cộng hòa Trung Á, với Nga, và với các nước láng giềng khác trong những năm qua (Ấn Độ là một ngoại lệ rõ nét). Không có gì phóng đại trong ý nghĩa của sự thay đổi này.

Hiện nay không còn một đội quân nước ngoài nào đe dọa vùng Mãn Châu; trong thời Chiến tranh lạnh, sự hiện diện đáng ngại đó [của quân đội Liên Xô] đã buộc Mao phải tập trung ngân sách quốc phòng TQ vào lục quân mà sao lãng hải quân. Như Vạn Lý Trường Thành là một bằng chứng, từ thời cổ đại Trung Quốc đã luôn luôn lo lắng về những cuộc xâm lăng bằng đường bộ, dưới dạng thức này hay dạng thức khác. Ngày nay mối đe dọa này không còn nữa.

Bành trướng Hải quân

Nhờ tình hình thuận lợi trên đất liền, Trung Quốc được rảnh tay để bắt đầu xây dựng một Hải quân hùng mạnh. Trong khi các thị quốc (city-states) và các đảo quốc cố xây dựng một lực lượng trên biển là điều đương nhiên, nhưng nỗ lực này lại là một điều xa xỉ đối với các cường quốc châu lục có một lịch sử bế quan tỏa cảng như Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc, điều này có lẽ là một loại xa xỉ phẩm tương đối dễ sắm vì quốc gia này được trời ban cho một miền duyên hải cũng thuận lợi không kém gì vùng lục địa của nó. Trung Quốc ngự trị phần duyên hải Đông Á tại những vùng có khí hậu ôn đới và nhiệt đới trên Thái Bình Dương, trong khi biên giới phía Nam thì đủ gần Ấn Độ Dương để một ngày kia có thể nối liền với đại dương này bằng đường bộ hay các ống dẫn nhiên liệu. Trong thế kỷ XXI này, Trung Quốc sẽ bành trướng sức mạnh quân sự ra nước ngoài chủ yếu xuyên qua Hải quân của mình.

Nói vậy, nhưng Trung Quốc vẫn phải đương đầu với một môi trường trên biển nhiều thù nghịch hơn trên đất liền. Hải quân Trung Quốc nhìn đâu cũng thấy vấn đề trong vùng mà họ gọi là “sợi xích hải đảo thứ nhất”: gồm có bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kurils, Nhật Bản (bao gồm quần đảo Ryukyu), Đài Loan, Phi Luật Tân, Indonesia, và Australia. Ngoại trừ Australia ra, tất cả các nơi khác trong sợi xich hải đảo này đều có tiềm năng đụng độ vũ trang. Trung Quốc đã lâm vào nhiều vụ tranh chấp khác nhau về các vùng có lòng đại dương giàu năng lượng thuộc Biển Đông Trung Quốc (the East China Sea) và Biển Nam Trung Quốc (the South China Sea): đó là, tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và với Phi Luật Tân và Việt Nam về quần đảo Trường Sa. Những cuộc tranh chấp này cho phép Bắc Kinh nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc ở trong nước, nhưng đối với các nhà chiến lược Hải quân Trung Quốc, tình hình này là rất bi quan. Theo cách diễn tả của James Holmes và Toshi Yoshihara thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval War College), sợi xích hải đảo thứ nhất là một “Vạn Lý Trường Thành xoay ngược lại”: một vòng đai có tổ chức chặt chẽ gồm các đồng minh của Hoa Kỳ làm chức năng của một tháp canh theo dõi và có khả năng chặn đứng không cho Trung Quốc tiếp cận Thái Bình Dương.

Nhiều khi TQ đã phản ứng hung hăng vì cảm thấy mình bị phong tỏa như thế. Cứ lẽ thường, lực lượng trên biển là ôn hoà hơn lực lượng trên bộ: Hải quân của các nước không thể tự mình chiếm giữ những vùng biển rộng lớn, mà còn phải làm nhiều công tác hơn là chiến đấu – nghĩa là bảo vệ các tàu buôn. Vì vậy, có lẽ người ta đã tưởng rằng Trung Quốc cũng hòa hoãn như các quốc gia hàng hải trước đây – Venice, Anh Quốc, Hoa Kỳ - và cũng như các cường quốc kia, chỉ quan tâm duy trì một hệ thống hàng hải hòa bình, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa thương mại tự do. Nhưng Trung Quốc không có đủ tự tin để có thái độ hòa hoãn như thế. Vẫn còn là một cường quốc bất an trên biển, Trung Quốc nghĩ về đại dương theo quan niệm lãnh thổ: chính cụm từ “sợi xích hải đảo thứ nhất” và “sợi xích hải đảo thứ hai” (sợi xích hải đảo thứ hai gồm có các lãnh thổ của Mỹ như Guam và Vùng Bắc quần đảo Mariana) ngụ ý rằng người Trung Quốc coi tất cả những đảo này như là phần quần đảo nối dài của lục địa Trung Quốc. Bằng cách quan niệm các vùng biển lân cận theo ý nghĩa “ta được thì chúng mất” (in a zero-sum fashion), cá lớn nuốt cá bé, các nhà lãnh đạo Hải quân Trung Quốc đang biểu lộ đầu óc xâm lược tương tự như nhà chiến lược Hải quân Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XX, Alfred Thayer Mahan, người cỗ vũ phải kiểm soát các vùng biển và chuẩn bị cho một cuộc hải chiến quyết định. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc không có một lực lượng Hải quân đủ mạnh để thực hiện sách lược của Mahan. Khoảng cách quá xa giữa tham vọng và phương tiện đã dẫn Trung Quốc đến một vài sự cố khá lúng túng trong vài năm qua. Tháng 10 năm 2006, một tàu ngầm TQ bám sát tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ rồi trồi lên trên mặt nước trong tầm phóng thủy lôi. Tháng 11 năm 2007, Trung Quốc không cho phép đoàn tàu của chiến hạm Kitty Hawk vào nghỉ ngơi tại cảng Victoria vào lúc sóng to gió lớn và thời tiết đang trở nên tồi tệ (Cũng chính tàu sân bay Kitty Hawk này đã đến thăm Hồng Kông năm 2010). Tháng 3 năm 2009, một số tàu của Hải quân TQ đã quấy nhiễu tuần dương hạm Impeccable của Hải quân Hoa Kỳ trong khi chiếc tàu này công khai làm công tác bên ngoài lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc trong biển Nam Hải. Các tàu TQ đã cản đường và giả vờ húc vào chiếc tàu Mỹ. Đây không phải là những hành động của một đại cường, nhưng là của một cường quốc còn thiếu chín chắn.

Nỗ lực xác định quyền lực trên biển của Trung Quốc cũng được biểu lộ qua việc mua sắm trang bị. Bắc Kinh đang phát triển các khả năng chuyên biệt của các lực lượng Hải quân nhằm chặn đứng không cho Hải quân Hoa Kỳ vào Biển Đông Trung Hoa và các hải phận khác thuộc duyên hải TQ. Trung Quốc đã hiện đại hóa hạm đội khu trục (destroyer fleet) và có kế hoạch đóng một hoặc hai tàu sân bay, nhưng nói chung là không sắm các tàu chiến. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung vào việc đóng các loại tàu ngầm mới, có khả năng tấn công trong chiến tranh qui ước, nguyên tử, và phóng tên lửa. Theo Seth Cropsy, một cựu phụ tá Thứ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, và Ronald O’Rourke thuộc Sở nghiên cứu của Quốc hội, trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc có thể điều động một lực lượng tàu ngầm lớn hơn lực lượng tàu ngầm hiện nay của Mỹ (tức 75 chiếc đang hoạt động). Hơn thế nữa, theo Cropsey, H ải quân Trung Quốc có kế hoạch sử dụng loại ra-đa tầm xa [hàng ngàn cây số], vệ tinh, và các hệ thống dò âm thanh trên lòng biển nhằm phục vụ khả năng bắn tên lửa có đầu đạn chống chiến hạm. Kế hoạch này, cùng với việc TQ bành trướng hạm đội tàu ngầm, được thiết kế để nhiên hậu từ chối Hải quân Hoa Kỳ khả năng tiếp cận dễ dàng các vùng biển quan trọng tại Tây Thái Bình Dương.

Như một phần của nỗ lực kiểm soát vùng biển ngoài khơi trong Eo biển Đài Loan và Biển Đông Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang gia tăng khả năng chiến tranh mìn bẫy (mine-warfare), mua của Nga loại chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ tư và bố trí khoảng 1.500 tên lửa địa-không dọc theo duyên hải. Ngoài ra, ngay cả khi họ đặt các hệ thống truyền thông bằng cáp quang (fiber-optic systems) dưới lòng đất và di chuyển các thiết bị quốc phòng vào sâu trong miền Tây Trung Quốc, nằm ngoài tầm tên lửa Hải quân của những nước có tiềm năng là thù địch, Trung Quốc cũng đang triển khai một chiến lược tấn công nhằm đánh vào biểu tượng cho sức mạnh của Hoa Kỳ, đó là tàu sân bay.

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không tấn công bất cứ một tàu sân bay nào của Hoa Kỳ trong tương lai gần, và hãy còn lâu Trung Quốc mới có thể trực tiếp thách thức Hoa Kỳ về mặt quân sự. Nhưng mục đích của Trung Quốc là triển khai các khả năng quân sự dọc theo duyên hải nhằm ngăn chặn không cho Hải quân Hoa Kỳ tùy tiện vào ra vùng biển nằm giữa sợi xích hải đảo thứ nhất và miền duyên hải Trung Quốc (ND tô đậm). Bởi vì khả năng uốn nắn cách ứng xử của kẻ thù là cốt lõi của quyền lực, đây là bằng chứng một Đại Trung Quốc đang được thể hiện trên biển cả cũng như trên đất liền.

Tiến thẳng tới Đài Loan

Cực kỳ quan trọng cho việc ra đời của một Đại Trung Quốc là tương lai của Đài Loan. Vấn đề Đài Loan thường được thảo luận bằng ngôn ngữ đạo lý: Bắc Kinh nói đến nhu cầu phải củng cố sức mạnh của Tổ quốc và thống nhất Trung Quốc vì lợi ích của mọi người Hoa; trong khi đó Hoa Kỳ lại bàn về việc duy trì một nền dân chủ gương mẫu. Nhưng thực chất vấn đề lại khác. Như tướng Mỹ Douglas MacArthur từng nói, Đài Loan là một “tàu sân bay không ai có thể đánh chìm” nằm giữa chặng đường tiến vào miền duyên hải Trung Quốc. Từ đảo quốc này, theo các nhà nghiên cứu chiến lược hải quân, một cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ có thể “toả ra” (radiate) sức mạnh của mình dọc theo đường biên duyên hải của Trung Quốc. Nếu Đài Loan trở về trong vòng tay của lục địa Trung Quốc, hải quân Trung Quốc sẽ không những có ngay một vị trí thuận lợi đối diện với sợi xích hải đảo thứ nhất mà lại còn được rảnh tay để bành trướng sức mạnh của mình vượt quá sợi xích ấy ở một mức độ chưa từng thấy. Tính từ “đa cực” đang được sử dụng khá thoải mái để mô tả trật tự thế giới tương lai; nhưng chỉ việc thống nhất Đài Loan vào lục địa Trung Quốc mới đánh dấu được sự xuất hiện của một trật tự quân sự đa phương tại Đông Á.

Theo một nghiên cứu năm 2009 của RAND, Hoa Kỳ sẽ không còn đủ sức bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc. Bản tường trình tranh luận, người Trung Quốc lúc đó sẽ có khả năng đánh bại Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tại Eo biển Đài Loan cho dù Hoa Kỳ có chiến đấu cơ F-22, hai toán tàu chiến đấu có sân bay, kể cả việc tiếp tục sử dụng Căn cứ Không quân Kadena tại Okinawa, Nhật bản. Bản tường trình nhấn mạnh vai trò của không chiến. Trung Quốc cũng sẽ phải đổ bộ hàng chục ngàn binh sĩ lên đảo quốc bằng đường biển và sẽ chịu thiệt hại vì bị tầu ngầm của Mỹ tấn công. Tuy nhiên, với tất cả thận trọng, bản tường trình cũng làm nổi bật một chiều hướng rất đáng lo ngại. Trung Quốc chỉ cách Đài Loan vỏn vẹn 160 km, trong khi Hoa Kỳ phải phóng chiếu sức mạnh quân sự của mình đến nửa địa cầu và khả năng Hoa Kỳ được phép sử dụng các căn cứ nước ngoài bị hạn chế hơn nhiều so với thời Chiến tranh lạnh. Chiến lược của Trung Quốc không cho hải quân Hoa Kỳ xâm nhập vào một số lãnh hải nhất định, được thiết kế không những để buộc các lực lượng quân sự Mỹ nói chung phải đóng xa Trung Quốc, mà lại còn, nói một cách chính xác, tăng cường sự khống chế của Trung Quốc trên đảo Đài Loan.

Bắc Kinh đang chuẩn bị bao phủ Đài Loan không những bằng phương diện quân sự mà lại còn bằng mặt kinh tế và xã hội nữa. Khoảng 30% hàng xuất khẩu Đài Loan đi vào thị trường TQ. Có khoảng 270 chuyến bay thương mại mỗi tuần giữa Đài Loan và lục địa. Hai phần ba tổng số công ty của Đài Loan đã đầu tư tại Trung Quốc trong 5 năm qua. Nửa triệu du khách Trung Quốc đi thăm đảo quốc này mỗi năm, và có đến 750.000 người Đài Loan sống tại Trung Quốc trong thời gian chừng 6 tháng mỗi năm. Khả năng hội nhập hình như ngày một gia tăng; nhưng kết quả sẽ ra sao thì không có gì chắc chắn và đây là vấn đề chủ yếu cho tương lai chính trị đại cường (great-power politics) ở trong vùng này. Nếu Hoa Kỳ phó mặc số phận Đài Loan cho Trung Quốc, thì Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Australia, và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương, cũng như Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, sẽ bắt đầu nghi ngờ sự bền vững của những cam kết của Hoa Kỳ (ND tô đậm). Việc này sẽ khuyến khích những quốc gia nói trên xích gần với Trung Quốc hơn và như vậy cho phép sự xuất hiện thực sự một Đại Trung Quốc trên tầm cỡ bán cầu (hemispheric proportions).

Đây là lý do tại sao Washington và Đài Bắc phải cân nhắc những đường lối đặc biệt nhằm chống lại Trung Quốc về mặt quân sự. Mục đích không phải là để đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan nhưng để làm rõ là chiến tranh sẽ cực kỳ tốn kém, ngoài sức chịu đựng của Bắc Kinh. Khi đó, Hoa Kỳ mới có thể giữ được uy tín với các đồng minh của mình bằng cách giúp Đài Loan sinh hoạt độc lập cho đến ngày Trung Quốc đã thực sự trở thành một xã hội tự do hơn. Lời công bố vào đầu năm 2010 của chính quyền Obama về thương vụ vũ khí trị giá 6,4 đôla cho Đài Loan, vì thế, là rất cần thiết cho lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, và đối với vùng Á-Âu nói chung. Ngoài ra, mục tiêu thay đổi nội bộ Trung Quốc không còn là một giấc mơ hão huyền: hằng triệu du khách Trung Quốc đến thăm Đài Loan đã chứng kiến những cuộc tranh luận chính trị sôi nổi trên truyền hình và đọc được những đầu sách phản động-nhạy cảm trong các tiệm sách tại đây. Tuy nhiên, gần như là một điều nghịch lý, một Trung Quốc dân chủ có thể là một đại cường thậm chí còn năng động hơn một Trung Quốc đầy áp bức hiện nay, về cả kinh tế lẫn quân sự.

Ngoài việc tập trung lực lượng vào Đài Loan, hải quân Trung Quốc đang phóng thêm sức mạnh của mình vào Biển Nam Trung Quốc [Biển Đông của Việt Nam - ND], con đường cửa ngõ để Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương và tiếp cận với đường chuyển vận dầu thô của thế giới. Những thách thức như hải tặc, phe Hồi giáo cực đoan và sự lớn mạnh của hải quân Ấn Độ đều hiện hữu dọc theo con đường này, gồm cả những eo biển rất hẹp mà phần lớn tàu chở dầu và tàu buôn Trung Quốc phải đi qua. Xét về ý nghĩa chiến lược toàn bộ, Biển Nam Trung Quốc có thể trở thành, như một số người đã nói, một “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Nicholas Spykman, một học giả địa chính trị của thế kỷ XX, đã nhận xét rằng trong lịch sử thế giới, nhiều quốc gia đã dành nỗ lực “bành trướng theo đường vòng hay vượt qua sóng nước đại dương” để giành quyền kiểm soát các vùng biển lân cận. Hy Lạp đã tìm cách khống chế biển Aegean, La Mã kiểm soát Địa Trung Hải, Hoa Kỳ ngự trị biển Caribbean – và ngày nay Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Nam Trung Quốc. Spykman đã gọi biển Caribbean là “Địa Trung Hải của Mỹ” để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với Hoa Kỳ. Biển Nam Trung Hoa có thể trở thành “Địa Trung Hải Châu Á” và là trung tâm địa lý chính trị trong những thập niên tới (ND tô đậm).

Nỗi bất an trên biển

Tuy nhiên, có một mâu thuẫn nằm ngay trọng tâm những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phóng chiếu sức mạnh trên biển của mình tại Địa Trung Hải châu Á và những vùng xa hơn. Một mặt, Trung Quốc tỏ ra có ý đồ không cho các tàu bè Hoa Kỳ dễ dàng vào ra các vùng biển gần duyên hải Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc chưa đủ khả năng bảo vệ các tuyến truyền tin trên biển, nhược điểm này khiến cho bất cứ một cuộc tấn công nào vào một chiến hạm nào của Hoa Kỳ sẽ trở thành vô ích, vì Hải quân Hoa Kỳ chỉ việc cắt đứt nguồn tiếp tế nhiên liệu của Trung Quốc bằng cách cắt đứt liên lạc của các tàu Trung Quốc trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tại sao Trung Quốc phải làm ra vẻ như muốn cấm các chiến hạm Hoa Kỳ vào ra một số vùng biển khi Trung Quốc không bao giờ có ý định thi hành lệnh cấm đó? Theo chuyên viên cố vấn quốc phòng Jacqueline Newmyer, mục đích của Bắc Kinh là thực hiện “một cuộc bố trí sức mạnh khá ngoạn mục” ngõ hầu “Trung Quốc khỏi phải thực sự dùng đến vũ lực để đảm bảo lợi ích quốc gia”. Trưng bày các hệ thống vũ khí hiện đại, xây dựng các phương tiện bến cảng và các trạm nghe ngóng trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – không một động thái nào là bí mật; tất cả là để cố tình phô trương lực lượng. Thay vì đánh Hoa Kỳ ngay bây giờ, Trung Quốc tìm cách ảnh hưởng hành vi của Hoa Kỳ một cách chính xác nhằm tránh một cuộc đối đầu.

Tuy nhiên, hình như có một cái gì thô tháp trong một số hoạt động của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ Hải quân quan trọng trên mũi Nam của đảo Hải Nam, nằm ngay trung tâm của Biển Nam Trung Quốc, với các phương tiện nằm dưới mặt đất nhằm chứa đến 20 tàu ngầm chạy bằng nguyên tử và điện-diesel. Đây là cách vận dụng chủ quyền kiểu học thuyết Monroe trên hải phận quốc tế lân cận (ND tô đậm). Mặc dù hiện nay hay cả trong tương lai Trung Quốc không có ý định gây hấn với Hoa Kỳ, nhưng các động lực nằm sau hành vi của Trung Quốc có thể thay đổi. Vì thế cần phải theo dõi những khả năng quân sự của nước này.

Tình hình an ninh hiện nay ở các biên giới Á-Âu cơ bản là phức tạp hơn những năm sau Thế chiến II. Trong khi bá quyền Mỹ đang xuống dốc, tầm cỡ của Hải quân Hoa Kỳ giảm thiểu hoặc đã qua thời cao điểm, trong khi sức mạnh kinh tế và quân sự Trung Quốc đang lên, thì cụm từ “đa cực” (multipolarity) ngày càng có ý nghĩa khi được dùng để định nghĩa tương quan lực lượng (power relationships) tại Châu Á. Hoa Kỳ đang cung cấp cho Đài Loan 114 tên lửa địa-không Patriot và hằng chục hệ thống truyền tin quân sự tân tiến. Trung Quốc đang xây cất những nhà chứa tàu ngầm dưới đất tại đảo Hải Nam và đang chế tạo tên lửa chống chiến hạm. Nhật Bản và Nam Hàn đang liên tục hiện đại hóa các hạm đội của mình. Ấn Độ cũng đang xây dựng một Hải quân hùng hậu. Mỗi một quốc gia nói trên đang tìm cách điều chỉnh cán cân lực lượng sao cho có lợi cho mình.

Đây là lý do vì sao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hoặc là thiếu khôn ngoan hoặc là sai lầm khi bà bác bỏ đường lối chính trị dựa vào so sánh lực lượng (balance of power politics) và coi đó như là tàn dư của quá khứ. Sự thật là, một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở Châu Á và Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với thực tế này một khi đã cắt giảm đáng kể các lực lượng hiện trú đóng tại Afghanistan và Iraq. Mặc dù không một quốc gia châu Á nào chủ ý gây cuộc binh đao, nhưng cái rủi ro vì những tính toán sai lầm sẽ ngày một gia tăng với sự tăng cường các lực lượng Không quân và Hải quân đang diễn ra ở trong vùng (dù chỉ do Trung Quốc và Ấn Độ). Những căng thẳng trên đất liền có khả năng gia tăng những căng thẳng trên biển: những khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc đang điền vào, đến một lúc nào đó, sẽ đưa đến những va chạm, chí ít cũng với Ấn Độ và Nga (ND tô đậm). Những vùng đất ngày xưa hoang vu thì nay đang trở nên đông đúc, chằng chịt đường sá, ống dẫn dầu, tàu bè – và tên lửa. Nhà nghiên cứu chính trị của Đại học Yale, Paul Braken, vào năm 1999 đã cảnh báo rằng Châu Á đang trở thành một địa bàn không còn khai khẩn thêm được nữa (a closed geography) và đang đối diện một cuộc khủng hoảng “mặt bằng” (a crisis of “room”). Từ bấy đến nay, tiến trình này vẫn còn tiếp tục diễn ra.

Như vậy Hoa Kỳ có thể làm được gì để duy trì ổn định tại Châu Á, bảo vệ đồng minh của mình ở đó, và kìm hãm phần nào sự xuất hiện của một Đại Trung Quốc đồng thời tránh được một cuộc xung đột vũ trang với Bắc Kinh. Như một cựu viên chức cấp cao của Ấn Độ đã nói với tôi vào đầu năm này, các đồng minh chính của Hoa Kỳ tại Châu Á (như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, và Nam Hàn) muốn Hải quân và Không quân Hoa Kỳ hành động “hiệp đồng” với các lực lượng quân sự của họ -- ngõ hầu Hoa Kỳ có một vai trò không thể thiếu trên bộ và trên biển của Châu Á, chứ không phải là một lực lượng lấp ló ở chân trời xa xăm. Có một khác biệt rất lớn giữa việc một số quốc gia mặc cả với Hoa Kỳ về quyền đặt căn cứ quân sự, như Nhật Bản vừa mới làm gần đây, với việc các nước này đòi Hoa Kỳ rút hết quân đội của mình.

Một kế hoạch đang được luân lưu tại Lầu Năm Góc tranh luận rằng Hoa Kỳ có thể “đối trọng sức mạnh chiến lược của Trung Quốc…mà khỏi phải trực diện đối đầu quân sự” bằng một hạm đội Hoa Kỳ gồm chỉ 250 chiến hạm (giảm từ con số 280 mà Hoa Kỳ hiện có) và có thể bằng cách này cắt giảm 15% chi phí quốc phòng. Kế hoạch này, do Đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Pat Garrett vạch ra, là rất đáng kể vì nó đưa vào trong phương trình Á-Âu ý nghĩa chiến lược của Châu Đại Dương (Oceania). Guam và các đảo Caroline, Marshall, Bắc Mariana, và Soloman đều là lãnh địa Hoa Kỳ, khu thịnh vượng chung có thỏa ước quốc phòng với Hoa Kỳ, hay là những quốc gia độc lập sẵn sàng đón nhận những thỏa ước như thế. Châu Đại Dương sẽ trở nên ngày càng quan trọng vì nó vừa nằm khá gần với Đông Á vừa nằm ngoài khu vực mà Trung Quốc muốn từ chối các chiến hạm Hoa Kỳ quyền đi lại dễ dàng. Guam chỉ cách Bắc Hàn bốn giờ bay và cách Đài Loan hai ngày đường biển. Trong tương lai nếu Hoa Kỳ duy trì các căn cứ quân sự tại Châu Đại Dương, động thái này sẽ tỏ ra ít khiêu khích Bắc Kinh hơn so với việc Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản, Nam Hàn, và Philipines.

Căn cứ không quân Andersen tại Guam vốn là bục chỉ huy một địa bàn lớn nhất, từ đó Hoa Kỳ phóng chiếu sức mạnh quân sự đến bất cứ nơi nào tại Châu Á. Với 100 ngàn trái bom và tên lửa cùng với một kho chứa 66 triệu gallons [hay trên 250 triệu lít] xăng máy bay phản lực, đó là cơ sở “tiếp liệu” (gas-and-go) chiến lược lớn nhất của không quân Hoa Kỳ. Từng hàng dài máy bay vận tải C-17 Globemasters và máy bay chiến đấu F/A Hornets đậu kín các đường băng (runways) trong căn cứ. Guam cũng là căn cứ của một liên đội tàu ngầm và đang được mở rộng thành một căn cứ hải quân. Guam và quần đảo Northern Mariana gần đó có cùng khoảng cách với Nhật Bản và với Eo biển Malacca. Ngoài ra, mũi Tây Nam của Châu Đại Dương – nghĩa là, những nơi neo tàu ngoài khơi của quần đảo Ashmore thuộc Australia, đảo Cartier Islet và vùng duyên hải kế cận thuộc miền Tây Australia (từ Darwin đến Perth) – nhìn ra từ bên dưới quần đảo Indonesia hướng về Ấn Độ Dương. Như vậy, theo kế hoạch Garrett, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ có thể lợi dụng địa thế của Châu Đại Dương để tạo thành một “sự hiện diện thường trực tại chỗ ở trong vùng” nằm “mấp mé bên kia chân trời” ở ngoài biên giới không chính thức của Đại Trung Quốc và các đường vận chuyển trên biển của vùng Á-Âu (ND tô đậm). Cụm từ “sự hiện diện thường trực tại chỗ ở trong vùng” vang vọng ý nghĩa của cụm từ “hạm đội thường trực tại chỗ” mà sử gia Hải quân Anh Sir Julian Corbett sử dụng một trăm năm trước để chỉ một tập hợp gồm các chiến thuyền thả neo tản mác [ít khi rời cảng] nhưng có thể tập hợp nhanh chóng thành một hạm đội thống nhất khi hữu sự. Cụm từ “mấp mé bên kia chân trời” phản ánh sự kết hợp hai đặc tính là giữ thế quân bình trên biển và sẵn sàng tham dự trong một hiệp đồng sức mạnh).

Tăng cường sự hiện diện của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ tại Châu Đại Dương sẽ là một đường lối trung dung (compromise approach) giữa việc phải chống lại một Đại Trung Quốc bằng bất cứ giá nào và việc chấp nhận một tương lai trong đó Hải quân Trung Quốc sẽ giám sát sợi xích hải đảo thứ nhất. Đường lối này sẽ đảm bảo là, Trung Quốc phải trả một giá rất đắt cho bất cứ hành vi xâm lược quân sự nào đối với Đài Loan. Sách lược này cũng cho phép Hoa Kỳ giảm thiểu những căn cứ lâu đời (legacy bases) trên sợi xích hải đảo đầu tiên nhưng vẫn cho phép chiến hạm và máy bay Mỹ tuần tra trong vùng.

Kế hoạch Garrett cũng dự kiến một sự nới rộng ngoạn mục tầm hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong Ấn Độ Dương. Nhưng nó không có ý định nới rộng những căn cứ Hải quân hiện hữu; kế hoạch Garrett dự kiến Hoa Kỳ sẽ dựa vào những cơ sở quân sự cơ bản và ít tốn kém nhất (bare-bones facilities) tại các đảo Andaman Islands, Comoros, Maldives, Réunion, và Seychelles (một số cơ sở này được Pháp hoặc Ấn Độ điều hành trực tiếp hay gián tiếp), cũng như dựa vào các thỏa ước quốc phòng với Brunei, Malaysia, và Singapore. Việc này sẽ đảm bảo tự do thông thương trên biển và các dòng nhiên liệu không bị gián đoạn khắp vùng Á-Âu. Ngoài ra, bằng cách vừa làm giảm tầm quan trọng của các căn cứ hiện hữu của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Nam Hàn vừa đa dạng hóa dấu chân của Hoa Kỳ khắp Châu Đại Dương, kế hoạch Garrett sẽ dần dần loại bỏ các “đại” căn cứ (“master” bases) dễ làm mục tiêu cho địch tấn công.

Dù sao, sự bám víu của Hoa Kỳ vào vòng xích hải đảo thứ nhất đang bắt đầu bị nới lỏng. Dân chúng địa phương đã trở nên ít thiện cảm với sự hiện diện của quân đội nước ngoài giữa lòng xã hội của họ. Ngoài ra, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm cho Bắc Kinh có vẻ vừa đe dọa mà cũng vừa quyến rũ – đây là những tình cảm phức tạp có khả năng làm rối rắm quan hệ song phương của Hoa Kỳ với các đồng minh trong vùng Thái Bình Dương. Đã đến lúc thời thế thay đổi. Cuộc khủng hoảng hiện nay trong quan hệ Mỹ-Nhật – một cuộc khủng hoảng phát sinh vì Chính phủ thiếu kinh nghiệm của Hatoyama muốn viết lại luật lệ về quan hệ song phương có lợi cho mình, thậm chí vào lúc Chính phủ này nói đến việc phát huy quan hệ sâu sắc hơn nữa với Trung Quốc – đáng lẽ đã xảy ra nhiều năm trước đây. Địa vị hãy còn quan trọng phi thường của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương là di sản lỗi thời của Thế chiến II, một hậu quả của sự tàn phá mà Trung Quốc, Nhật Bản, và Philippines đã chịu đựng trong chiến tranh. Sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Bán đảo Triều Tiên, một phó sản của một cuộc chiến tranh đã chấm dứt hơn nửa thế kỷ trước, cũng không thể kéo dài vĩnh viễn.

Một Đại Trung Quốc có thể đang xuất hiện bằng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, hay quân sự tại Trung Á, trên Ấn Độ Dương, tại Đông Nam Á, và tại tây Thái Bình Dương. Nhưng nằm mấp mé bên kia vùng ảnh hưởng mới này của Trung Quốc sẽ là một dòng tàu chiến của Hoa Kỳ, nhiều chiếc có lẽ thả neo tại các căn cứ trong Châu Đại Dương và là đối tác với các lực lượng hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước dân chủ khác. Và đến một lúc nào đó, khi lòng tự tin của Trung Quốc đủ mạnh, lực lượng Hải quân của nước này có thể triển khai một đường lối ít quan tâm lãnh hải hơn (a less territorial approach) và tự mình bị cuốn hút vào một liên minh Hải quân rộng lớn trong vùng.

Trong lúc này, điều đáng để ý là, như nhà nghiên cứu chính trị Robert Ross vạch ra năm 1999, về mặt quân sự, tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ổn định hơn tương quan giữa Hoa Kỳ và Liên Xô ngày trước. Sự thể cũng chỉ vì địa lý đặc thù của vùng Đông Á. Trong thời Chiến tranh lạnh, một mình hải lực Hoa Kỳ không đủ sức ngăn chặn Liên Xô; vì vậy Hoa Kỳ cần đến một lực lượng lớn trên bộ tại Châu Âu. Nhưng một lực lượng trên bộ như thế sẽ không cần thiết chung quanh biên giới của vùng Á-Âu, bởi vì thậm chí cả khi sự hiện diện trên bộ của Hoa Kỳ chung quanh các biên giới của Đại Trung Quốc giảm đi, thì Hải quân Hoa Kỳ vẫn còn hùng mạnh hơn Hải quân Trung Quốc.

Tuy vậy, chính sự kiện sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc ngày một gia tăng sẽ làm cho những căng thẳng Mỹ-Trung trở nên tồi tệ trong những năm sắp tới. Xin mượn ý của Mearsheimer: Hoa Kỳ, tên bá quyền của Tây Bán Cầu, sẽ tìm cách ngăn chặn không cho Trung Quốc trở thành tên bá quyền của nhiều vùng tại Đông Bán Cầu. Kịch bản này có thể triển khai thành tấn tuồng đáng chú ý của thời đại.

TNC dịch

Nguồn: Foreign Affairs, May/June 2010.

Robert D. Kaplan là học giả tại Trung tâm Nghiên cứu về một nền An ninh mới của Mỹ (the Center for a New American Security) và là phóng viên của báo The Atlantic. Cuốn Monsoon: The Indian Ocean and The Future of American Power của ông sẽ được xuất bản vào mùa Thu năm nay.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn