Lại bàn về tham nhũng

GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân

clip_image001Lần đầu tiên, tiêu cực và tham nhũng trong ngành giáo dục được nêu đích danh. Ảnh minh họa: Như Ý

Tham nhũng đã được nói đến nhiều từ nhiều năm nay. Nó còn được gọi là “quốc nạn”. Thế tại sao, cứ nghe lặp lại “công cuộc phòng chống tham nhũng đã được tích cực triển khai, đã thu được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân”?

Ngày 7/6 tới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày báo cáo và Quốc hội sẽ thảo luận về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (giai đoạn 1998-2008)”. Cử tri cả nước mong đợi, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và thực sự cầu thị, cuộc thảo luận sẽ chỉ ra những chướng ngại và rào cản, phân tích các nguyên nhân tới gốc rễ, để từ đó thổi một luồng gió mới vào nền giáo dục đại học nước nhà, đưa nó đi lên.
Chờ đợi này càng có cơ sở và được nung nấu khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức khảo sát thực trạng một số vấn đề về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục nhằm chuẩn bị cho cuộc Đối thoại lần thứ 7 với các nhà tài trợ quốc tế về phòng, chống tham nhũng trong ngành Giáo dục, được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Tuy chưa phải là một cuộc thanh tra, nhưng lần đầu tiên, tiêu cực và tham nhũng trong ngành giáo dục được nêu tên đích danh. Ba lĩnh vực đã được TTCP khảo sát là tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm và thu phí ngoài quy định. Bảy dạng tiêu cực trong giáo dục đã được nêu lên sau cuộc khảo sát. Đó là dạy thêm, học thêm; tuyển sinh đào tạo; chuyển trường, chuyển lớp; thu chi tài chính; đầu tư xây dựng; tổ chức cán bộ và xuất bản sách giáo khoa.
Từ cuộc khảo sát, ông Tổng TTCP đã phát biểu: “Phải công nhận tham nhũng trong giáo dục khá phức tạp” và, cũng nằm trong khung khổ chung mà ông phụ trách, “đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn”.

Ông nhận xét Luật Khiếu nại tố cáo nghiêm cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa những người tố cáo, nhưng hiện nay các hành vi này rất phức tạp, tinh vi, trong khi đó cơ chế bảo vệ những người có công, có thành tích hoặc có một hành động dũng cảm dám tố cáo hoặc dám chống tham nhũng, chống tiêu cực chúng ta chưa có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng. Và ông kêu gọi “chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong”.
Chúng tôi cho rằng nếu mở rộng khảo sát sang lĩnh vực giáo dục đại học, TTCP sẽ thấy rằng những nhận định trên cũng hoàn toàn đúng.
Không phải là một mục đích đề ra, nhưng cuộc giám sát đã cho thấy những tùy tiện trong quản lý nhà nước, trong xử lý các sai phạm không xa lạ với tiêu cực, tham nhũng, một trong những yếu tố làm tha hóa giáo dục đại học nếu không kịp thời và kiên quyết ngăn chận, và làm cho chất lượng đào tạo nhìn chung suy giảm nghiêm trọng.
Việc mở trường đại học, việc nâng cấp từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng, rồi lên tiếp đại học, việc chuyển từ dân lập sang tư thục khá tùy tiện, thậm chí có trường còn được phong là đại học “quốc tế”, việc mở thêm ngành mới, xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh, v.v... với những tiêu chí mà Bộ đưa ra tưởng chừng rất khó, nhưng thực tế nếu biết “lụy đò” là được “sang sông”. Đó là điều mà từ những vị Hiệu trưởng khả kính đến nhiều vị Tiến sĩ trẻ khác lớn tiếng phê phán nền giáo dục cũng đã… làm!
Đó là chưa kể đến xử lý những sai phạm “kiểu như xử lý ĐH Phan Thiết” cũng được “thông cảm” hoặc xử lý như thể khuyến khích vì “trong điều kiện Việt Nam”(?) mà! Đó là chưa kể kiểu hành xử của một cơ quan đại diện của Bộ tại một vùng buộc cử tri đặt câu hỏi: quản l‎ý nhà nước hay dịch vụ, hay “dịch vụ không đăng ký”‎ dưới danh nghĩa quản lý nhà nước?   
Không chỉ có dựa vào trù dập, trả thù, trả đũa những người tố cáo mà tiêu cực và tham nhũng tồn tại. Nó còn tác quái vì có một sự gắn kết lợi ích, mặc cho luật pháp quy định tội danh nhận hối lộ và đưa hối lộ với các khung hình phạt tưởng chừng không ai dám vi phạm. Và khi đã có gắn kết giữa con hạm và người đút lót thì mọi phong bì thực đều trở thành vô hình.
Cái phức tạp và tinh vi còn ẩn nấp nơi sự dè dặt của những người biết mà không dám nói (chưa nói đến tố cáo), không phải chỉ vì bản thân mình mà còn “vì người thân và gia đình”. Một vị đại biểu Quốc hội một địa phương quan trọng trong khóa XII này há đã chẳng trả lời nhà báo “vấn đề giáo dục tôi rất muốn chất vấn nhưng gia đình mình nhiều người trong ngành quá cho nên cũng khó nói. Đây cũng là điều mà các đại biểu nhiều khi cũng né tránh” (Vì sự tế nhị, xin không được nêu tên).
Lãnh đạo các Bộ có biết về những tiêu cực và tham nhũng trong ngành mình không? Không thể nói cho tất cả, nhưng có thể khẳng định là có, ở ít nhất một số ngành. Qua đó, có thể bước đầu “bóc vỏ” sự yên lặng này.

(1) Yên lặng vì sợ “bị trầy vi tróc vảy” ngay tại chính cơ quan mình và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tiến thân. Nhân dân mong đợi nhiều ở cán bộ trẻ, nhiệt tình sung sức, dám nghĩ dám làm. Nhưng còn trẻ có nghĩa là tương lai còn dài. Rất tiếc, một số không ít đã chọn nhắm mắt và lách là thượng sách để còn đi lên. Ở những người này, đây là biểu hiện của một thứ “cơ hội chính trị”.
(2) Yên lặng vì “nồi cơm chung”. Để cho an toàn, tiêu cực và tham nhũng thường là tập thể. Do vậy, ai dại gì mang tiếng “bất nhân” đập vỡ “nồi cơm chung”, nhất là khi phần chia cho mình không phải ít! Mà lại được tiếng thơm là ở đây “đoàn kết nội bộ tốt, không có vấn đề”, một tiêu chuẩn cần để được xem xét đề bạt, cất nhắc.
(3) Cách hiểu sai “đoàn kết nội bộ” càng củng cố cho sự “nhắm mắt cơ hội”. Đã có chỉ thị của Bộ Chính trị nói rõ, nơi nào xảy ra tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu về tổ chức Đảng nơi đó phải chịu trách nhiệm. Về phía hành pháp, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan nếu để xảy ra tham nhũng (Vào những năm đầu của thập niên 1990, đó là Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 113 của Thủ tướng Chính phủ). Địa chỉ không thể nào rõ ràng hơn.
Mặt khác, vì đoàn kết là sống còn, là yếu tố của thành công, nên phải gìn giữ nó như “con ngươi của chính mình”. Ý kiến chỉ đạo cũng thật rõ ràng. Rất tiếc, cách hiểu rất đơn giản, sai lệch về “đoàn kết nội bộ” như đã nói trên đây, đã củng cố cho sự “nhắm mắt” và dung túng cho chính tham nhũng và tiêu cực hoành hành.
“Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh”. 
Kêu gọi này đúng nhưng chưa đủ. Bản lĩnh của mỗi chúng ta còn phải trên nền bản lĩnh và quyết tâm của Đảng thì mới phòng có hiệu quả và chống tham nhũng mới tận gốc rễ.

NNT


Nguồn: Báo Đất Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn