Phân tích đơn tố cáo và đề nghị khởi tố Trung tướng Vũ Hải Triều của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Nguyễn Ngọc Già

Trong vòng 10 ngày qua, lá thư ngỏ của TS Luật Cù Huy Hà Vũ gửi Trung tướng Vũ Hải Triều chất vấn việc ông Vũ Hải Triều công bố “đánh sập 300 trang mạng và blog xấu”, kế đó là lá đơn tố cáo và đề nghị khởi tố ông Vũ Hải Triều cũng của cùng một tác giả được đăng tải trên BVN đã làm sôi nổi dư luận. Nay chúng tôi lại được một bạn đọc chuyển cho bài viết của ông Nguyễn Ngọc Già phân tích sâu thêm về mặt pháp luật tính chất lá đơn của ông Cù Huy Hà Vũ, vậy xin tiếp tục đăng lên để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Bauxite Việt Nam

BBT Dân luận: Bài viết được gửi lên Dân luận dưới dạng một phản hồi, chúng tôi xin tách riêng để giới thiệu tới độc giả Dân luận.

Tôi xin phép được phân tích lá đơn của ông Cù Huy Hà Vũ ở cái nhìn khách quan và căn cứ vào Luật pháp Việt Nam hiện hành.

Trước tiên, chúng ta tạm bỏ qua yếu tố ông Cù Huy Hà Vũ là một Tiến sĩ Luật, để xác định với nhau môt điều căn bản: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật theo điều 52 tại Hiến pháp. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ một câu ngắn ngủi, nhưng Quốc hội đưa thành một điều luật riêng. Điều đó chứng minh tính chất quan trọng của nội dung điều 52.

Công dân Cù Huy Hà Vũ đứng đơn với tư cách công dân Việt Nam là hoàn toàn xác đáng.

Tôi là Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, công dân Việt Nam...

Tuy nhiên cần hoán đổi vị trí công dân (trước), Tiến sĩ Luật (nếu có, sau) thì chuẩn hơn, nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng lắm.

Theo điều 52 của Hiến pháp, có lẽ không cần giới thiệu thêm học vị "Tiến sĩ Luật". Tuy nhiên, đối với Việt Nam (còn tư tưởng nặng về bằng cấp) luật pháp chưa thật sự được thượng tôn, thì giới thiệu thêm cũng chẳng ảnh hưởng gì, có khi còn hay. Đó cũng là sự khác nhau của một công dân bình thường và một công dân được nhiều người biết đến. Mọi người đã thấy, chính tôi cũng đã có sự phân biệt giữa các công dân với nhau rồi phải không? Ngay đây đã chứng tỏ điều 52 vẫn là một cái gì còn lấn cấn rất nhiều trong suy nghĩ của từng người Việt Nam, nói gì đến các vị quyền cao chức trọng.

Quả đúng vậy, chắc mọi người đều đồng ý, lá đơn của Hà Vũ sẽ khác xa với một lá đơn của người bình thường (tất nhiên chúng ta đang nói thượng tôn pháp luật của một quốc gia cụ thể - Việt Nam). Mặc khác, tiếng tăm, công trạng cũng như tấm lòng của dòng tộc và bản thân ông đã được nhiều người dân Việt Nam và một số cá nhân, tổ chức nước ngoài biết đến, thì việc giới thiệu học vị Tiến sĩ Luật lại trở thành một phần sức mạnh cần thiết. Nói điều này (hơi nhiều) nhằm mục đích để khẳng định điều 52 mà Hiến pháp quy định rất đơn giản, bình thường như bao quốc gia khác, vẫn chưa được ngay cả các vị chức cao, quyền trọng tôn trọng, mà lá đơn ông Hà Vũ kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về việc ra quyết định khai thác bauxite cho đến nay vẫn đang bỏ ngỏ. Chúng ta nghĩ xem, nếu đó là của một người dân bình thường khi thấy việc làm sai trái, có hại cho đất nước mà kiện thì chắc từ bấy đến giờ chẳng được yên thân, nói gì đến kiện tiếp việc khác. Dù muốn, dù không, thực tế của Việt Nam mọi công dân chưa được bình đẳng trước pháp luật.

* * *

Rõ ràng, muốn hay không, thích hay ghét Hà Vũ, đại đa số người dân đang quan tâm đến việc làm của Hà Vũ đều phải ghi nhận việc làm của ông cần được Nhà nước xem xét chi tiết, tường tận, căn cứ vào Hiến pháp và Luật Khiếu nại tố cáo của Quốc hội ban hành. Công dân Cù Huy Hà Vũ đã "tố cáo và đề nghị khởi tố, truy tố" dựa trên Hiến pháp và Luật Khiếu nại Tố cáo.

Luật khiếu nại tố cáo có hai nội dung chính:

- Khiếu nại.
- Tố cáo.

Dựa trên tiêu đề chính, đầu tiên của lá đơn là nội dung "tố cáo", tôi xin phép bỏ qua phần khiếu nại, vì phạm vi lá đơn không có liên quan. Tại khoản 2 điều 1 của Luật có ghi:

Luật Khiếu nại Tố cáo viết: Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Vậy, ông Hà Vũ hoàn toàn tuân thủ theo khoản 2 điều 1.

Tại khoản 2 điều 2 của Luật có định nghĩa "tố cáo" như sau:

Luật Khiếu nại Tố cáo viết: "Tố cáo" là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Ông Hà Vũ đã thực hiện (phần tô đậm) là chính xác.

Tại điếu 16 Luật khiếu nại tố cáo có ghi:

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; cố tình không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo trái pháp luật; bao che người bị khiếu nại, tố cáo; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật; đe dọa, xúc phạm người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự.

Như vậy trước khi nói hoặc kết luận Hà Vũ đúng, sai hoặc Hà Vũ lợi dụng, cố tình, xuyên tạc, vu khống, thì Nhà nước phải bảo vệ ông trước nhất và xem đó là một nguồn tin quan trọng của một sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Ngay những chữ đầu tiên của điều 16 đã quy định "nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, đe dọa, trả thù, trù dập v.v. sau đó mới nói tới việc lợi dụng, xuyên tạc, vu khống v.v. Rất tiếc, hiện nay Nhà nước chưa có một động thái nào để làm việc này một cách tuần tự mà điều 16 đã chỉ rõ.

Hà Vũ cần được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn vì đang là một người đứng đơn với bút tích, nhân thân rõ ràng cho một sự việc tầm quốc gia, đó là tố cáo một nhân vật cao cấp của Nhà nước - ông Trung tướng Vũ Hải Triều. Thêm vào đó, pháp luật quy định tại điều 57, người tố cáo có 4 quyền và 3 nghĩa vụ:

Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.

Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Theo đó, Hà Vũ đã và đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân có trách nhiệm. ông đã trình bày lá đơn của mình TRUNG THỰC, nêu rõ họ, tên, địa chỉ và tất nhiên ông chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có tố cáo sai sự thật.

Điều mà chúng ta tranh cãi nhau nhiều đó chính là SỰ THẬT và Hà Vũ có tố cáo TRUNG THỰC hay không?

* * *

Vậy chúng ta cùng tranh luận xung quanh SỰ THẬT và SỰ TRUNG THỰC này:

- SỰ THẬT thứ nhất Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm 2010 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra vào ngày 05/5/2010. Sự thật này còn được các trang báo khác của Nhà nước đăng tin như: vietnam.vn, vietnamnet.vn, pccc.hochiminhcity.gov.vn, thuvienphapluat.vn ... Đây là hội nghị của Nhà nước, nghĩa là một công vụ đã được diễn ra và được xác nhận, trong đó Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp thực hiện.

- SỰ THẬT thứ hai, theo tin tức các trang thuộc Nhà nước cho biết ông Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa đã có mặt và phát biểu, cùng nhiều vị quan chức khác mà hình ảnh còn lưu lại nhiều trên các trang báo.

- SỰ THẬT thứ ba, những lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang, vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn trên các trang báo, mà vietnamnet đã dẫn rõ: Báo chí phải phản ánh và góp phần tạo nên không khí dân chủ, phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, triển vọng phát triển của đất nước; tăng cường đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân..."

- SỰ THẬT thứ tư, hàng trăm nhà báo và các cơ quan có liên quan đã tham dự hội nghị, mà báo Saigongiaiphong đã trích đăng nguyên văn phát biểu của ông Trương tấn Sang

- SỰ THẬT thứ năm, trang Bauxite, trang Danluan và nhiều trang khác đã đăng thông tin từ nguồn của trang diendan.org về lời tuyên bố đánh sập 300 trang báo và blog xấu của ông Vũ Hải Triều.

Như vậy, 5 SỰ THẬT nêu trên là có và đây là một hội nghị lớn với sự tham dự đông đảo của hàng trăm nhà báo là chắc chắn.

Phần còn lại đang gây thắc mắc:

- Ông Vũ Hải Triều có tham dự hội nghị không? Chắc chắn là có. Tại sao? Ông Triều là Tổng cục phó tổng cục an ninh II (an ninh nội địa) trực thuộc Bộ Công An, và nhiệm vụ của Tổng cục an ninh II cũng như các đơn vị khác được nói rõ trong Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

- Ông Triều có hay không tuyên bố "trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của "ta" đã "phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu"?

Hai trường hợp nêu trên, thì trường hợp thứ nhất đã được khẳng định. Trường hợp thứ hai có hay không thì chính các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan cần làm rõ. Thiết tưởng việc làm rõ khá đơn giản bởi vì:

+ Đây là một hội nghị về lãnh vực báo chí trên toàn quốc, hội nghị quan trọng, chính thức, quy mô lớn với hàng trăm nhà báo tham dự, trong đó có các vị chức trách cao, cụ thể, liên quan đến báo chí như ông Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa, Lê Doãn Hợp và (ít nhất) hàng chục các Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, hàng trăm nhà báo.

+ Ông Sang, ông Rứa hoặc ông Doãn Hợp chỉ cần xác nhận ông Triều có nói hay không. Tại đây, chắc chắn sẽ có người nói, "Tại sao các ông này buộc phải xác nhận, có đúng luật hay không?". Xin thưa hoàn toàn đúng cả tình, cả lý, và cả luật.

*Về tình: ông Triều là đồng chí của các ông ấy, các ông ấy có trách nhiệm bảo vệ đồng chí của mình và cũng chính là bảo vệ mình cùng uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mắt người dân và thế giới.

*Về lý : các ông này là cấp trên của ông Triều, việc ông Triều có tuyên bố hay không, các ông này có bổn phận phải nắm rõ, cấp dưới của mình có tuân thủ theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không. Các ông này không thể tuyên bố là: "ông Triều có nói hay không, tôi không biết hoặc không nhớ". Xin nhấn mạnh không được phép nói như thế bởi lẽ, thứ nhất các ông này có mặt tại buổi hội nghị - một công vụ, thứ hai, cho dù các ông này giả sử không tham dự thì ông Triều phải có bổn phận báo cáo lại với các ông ấy lời tuyên bố của mình là có hay không, vì đây là một việc được tuyên bố công khai trong một HỘI NGHỊ - CÔNG VỤ, không phải là lời nói "trà dư tửu hậu" trên bàn nhậu, trong buổi liên hoan (cho dù là ông Triều tuyên bố trước hàng ngàn người trong buổi liên hoan, đánh chén cũng không có giá trị, đó là lý do quan trọng nhất mà ông Cù Huy Hà Vũ phát đơn tố cáo là hoàn toàn xác đáng).

* Về luật: Ông Hà Vũ đã phân tích đủ, tuy nhiên tôi xin lặp lại vài ý nhỏ. Việc ông Triều tuyên bố như thế (nếu có) là vi hiến, phạm pháp, ảnh hưởng đến danh dự cùng các cam kết của Việt Nam đối với thế giới. Xin nhấn mạnh Việt Nam ngày nay đã hòa nhập vào thế giới, không phải là một Bắc Triều Tiên, hay một Việt Nam cách đây 20 năm về trước. Việc tuyên bố của ông Triều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại. Nói chung ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến Quốc gia Việt Nam. Cần xác định đây là một lời tuyên bố gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên tầm Quốc gia và Quốc tế.

Như vậy, việc xác định không hề khó khăn chút nào vì còn bao nhiêu nhân chứng, vật chứng (có thể có phóng viên ghi âm lại nhưng chưa tiện công bố?). Điều quan trọng của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm là:

Bảo vệ nhân chứng và người tố cáo theo quy định của Hiến pháp và Luật khiếu nại tố cáo, cùng các bộ luật có liên quan hiện hành. Từ đó, các nhân chứng, vật chứng, người tố cáo sẽ đưa sự thật ra ánh sáng. Tất cả mọi trắng đen sẽ rõ ràng, mà bất kể người dân nào cũng phải tâm phục, khẩu phục.

Riêng đối với ông Cù Huy Hà Vũ, trong mọi trường hợp (không cần nói trường hợp ông Vũ hoàn toàn chính xác, mà giả sử ông Triều không nói đánh sập 300 mà chỉ nói đánh sập 30 hay là 3 đi chăng nữa) thì ông Hà Vũ cũng không hề vi phạm pháp luật bởi:

- Theo khoản 2 điêu 2, "tố cáo" là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Thật vậy, chỉ cần vụ việc có tính chất ĐE DỌA GÂY THIỆT HẠI cũng đủ cho người dân tố cáo, chưa nói đến hành vi phạm pháp cụ thể.

Có thể chúng ta sẽ thắc mắc tiếp, giả sử là ông Triều không nói thì ông Hà Vũ sẽ bị tội "tố cáo sai sự thật" hoặc "vu khống, xuyên tạc, lợi dụng" v.v. Xin thưa, không! Ông Hà Vũ cũng không hề bị kết tội như thế trong trường hợp ông Triều không tuyên bố. Tại sao? Ông Hà Vũ đã căn cứ trên 5 SỰ THẬT đã liệt kê trên. SỰ THẬT của ông Hà Vũ là có biết HỘI NGHỊ - CÔNG VỤ xảy ra, có biết rất nhiều người tham gia buổi hội nghị, có biết trang Bauxite và các trang khác đăng tin, sự thật nữa là ông Hà Vũ đã gởi thư cho ông Triều mà không nhận được hồi đáp. Tất cả những sự thật đó là HOÀN TOÀN TRUNG THỰC. Ông Hà Vũ làm đơn tố cáo dựa trên 6 SỰ THẬT HIỂN HIỆN mà ông có. Chúng ta không thể đưa cái chưa biết thật hay không (lời tuyên bố của ông Triều) ghép vào sự thật ông Hà Vũ.

Nói cách khác, ông Hà Vũ có 6 SỰ THẬT RÕ RÀNG, ông Triều có 1 SỰ THẬT LÀ CHƯA CHỨNG MINH MÌNH CÓ NÓI HAY KHÔNG NÓI.

Vậy chúng ta không thể lấy 1 sự thật này áp lên 6 sự thật kia. Hơn nữa, với tư cách một công dân đầy trách nhiệm cũng như lòng nhiệt tình của mình trong việc này, ông Hà Vũ phải được đánh giá công bằng, khách quan và ghi nhận trân trọng.

Trong trường hợp, ông Triều không nói, chính ông Triều và các vị lãnh đạo cao cấp cần phải CÁM ƠN ông Hà Vũ vì đã kịp thời và vô cùng trách nhiệm BÁO cho các ông ấy và Nhà nước Việt Nam BIẾT một luận điệu xuyên tạc cần đính chính kịp thời để giữ thể diện quốc gia, uy tín Đảng CSVN, giữ vững tính nghiêm minh luật pháp cũng như giữ vững hình ảnh người thi hành công vụ trong mắt người dân và thế giới, kèm theo đó chứng minh với toàn thế giới Việt Nam hoàn toàn đang giải quyết mọi vấn đề bằng và chỉ bằng Pháp luật trước tiên, chứng mình cho toàn thế giới rằng: ĐÂY LÀ MỘT NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN.

Có người có thể thắc mắc, những vấn đề ông Hà Vũ nêu ra ví dụ: giá trị từng trang web là 2 triệu đồng, truy tố theo điều 79,87, 143, tước cấp hàm, sa thải v.v. có vẻ đi quá xa, hơi ngạo mạn và không chín chắn, vậy thì hãy xem lại hai chữ "ĐỀ NGHỊ".

Với tố cáo trên, tôi đề nghị Quý vị:

Ông Hà Vũ chỉ ĐỀ NGHỊ mà thôi và ngay trong lá đơn của ông, Hà Vũ cũng đã nhất quán là "TỐ CÁO VÀ ĐỀ NGHỊ KHỞI TỐ, TRUY TỐ". Trách nhiệm một công dân, Hà Vũ nghĩ mình cần phải tố cáo một hành vi mà ông cho rằng rất nghiêm trọng đến Quốc gia. Việc xác minh, thanh tra, truy tố, khởi tố là việc của Nhà nước, Bộ Công an và Tòa án, Viện Kiểm sát luận theo tội trạng của ông Triều trên chứng cứ cụ thể và thực tế. Ông Hà Vũ chỉ đề nghị, việc còn lại là các cơ quan có trách nhiệm với quốc gia và nhân dân có làm hay không, thì ông Hà Vũ cũng đã nêu rõ:

nếu Nhà nước Việt Nam là Chính quyền của Nhân dân (nếu không phải thì thôi)!

Thật vậy, trừ phi Nhà nước này không phải là của dân thì... thôi! ông Hà Vũ cũng đành chịu, vì ông đã làm bằng hết khả năng và trách nhiệm của một công dân Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất nhiên, lúc đó hậu quả ông Hà Vũ sẽ gánh chịu rất rõ ràng, vì ông đã tố cáo với một chính quyền không phải là của dân, nên không có ai bảo vệ ông cả (!!!)

Các lập luận của một số người như: tự đặt bản thân mình là ông Triều, ông Hà Vũ v.v. cũng như một số khác đưa ra những tinh huống như: yêu cầu ông Vũ đưa bằng chứng, ông Vũ không rành luật, lập luận không logic, tôi có quyền nói chơi, ông Vũ áp đặt ông Triều phải trả lời trong 1 tuần v.v. cần được xem lại, bởi lẽ:

+ Cần xem xét ông Hà Vũ là một công dân trước đã, (theo đúng điều 52 Hiến Pháp), gạt bỏ yếu tố học vị Tiến sĩ Luật của ông. Từ đó sẽ gạt bỏ ngay việc lồng ghép học vị của ông Hà Vũ trong đơn kiện để nói rằng ông không rành luật, không logic. Đó là việc của Viện Kiểm sát, Bộ Công an, kể cả Thanh tra Chính phủ (mà theo tôi ông Hà Vũ khi gởi thư cho 8 nơi đã thiếu Thanh tra chính phủ), đề nghị ông Hà Vũ gởi bổ sung. Khi là một công dân, biết sự việc của một ông Trung tướng, thì người công dân phải gởi những nơi mà họ biết là cấp trên trực tiếp và các nơi có trách nhiệm cao nhất mà họ nghĩ ra được. Một người dân bình thường cũng biết rõ, với loại đơn thế này chẳng lẽ lại đi gởi cho Công an quận, Viện Kiểm sát quận hay Công an tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh sao (?)

+ Phát biểu của ông Triều là phát biểu CÔNG VỤ. nếu phát biểu trên chiếu rượu dù cho cả ngàn người, cũng chẳng ai làm lớn chuyện. Xin nhấn mạnh tính chất công vụ ở đây. Ông Triều nói nghĩa là nhà nước Việt Nam nói. Việc chẳng nhỏ chút nào.

+ Vì là CÔNG VỤ, nên không thể nói ông Hà Vũ không có quyền ép ông Triều phải trả lời trong một tuần. Luật khiếu nại tố cáo đã quy định rõ tại điều 65, 66, 67 cho đến 73 tại Mục III Chương IV của Luật Khiếu nại tố cáo.

* * *

Sự việc hiện nay không còn là của ông Triều và ông Hà Vũ nữa, mà là sự việc của Nhà nước với công dân. Nhà nước có trách nhiệm thực hiện, giải quyết đầy đủ thư "TỐ CÁO VÀ ĐỀ NGHỊ KHỞI TỐ VÀ TRUY TỐ TRUNG TƯỚNG VŨ HẢI TRIỀU PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC AN NINH – BỘ CÔNG AN" mà công dân Cù Huy Hà Vũ đã gởi cụ thể bằng đường bưu điện.

Giải quyết lá đơn này chính là lời cam kết thực thi dân chủ và thượng tôn pháp luật thuyết phục nhất đối với nhân dân và thế giới, cũng như từ đó mở ra triển vọng tốt đẹp cho Luật pháp Việt Nam nhanh chóng và nghiêm túc đi vào cuộc sống.

NNG

Nguồn: Danluan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn