Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin? & Chặn bình thông nhau



Nguyễn Quang A – Vũ Trọng Khải


http://ieet.org/images/you-have-failed-please-die.thumbnail.pngĐặt hai bài viết dưới đây vào cùng một cụm, BVN muốn bạn đọc đối sánh luận điểm giữa hai tác giả, những chuyên gia kinh tế hàng đầu, về thực chất tội trạng của Vinashin cũng như tư cách mà Vinashin phải đối diện với pháp luật, khi mà bản thân nó là con nợ nhưng nó là con đẻ của Chính phủ và Chính phủ - chủ nợ của nó - lại điều chuyển thêm tiền bạc cho nó vay tiếp.



Bauxite Việt Nam



Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin?



Nguyễn Quang A

Đây không phải là một phóng sự điều tra, cũng chẳng phải một tóm tắt báo cáo về thanh tra hay hình sự, mà là vài nhận xét thuần túy về kinh tế liên quan đến các khuyến khích, động lực, chính sách cũng như hành xử đã đẩy Vinashin đến đổ vỡ.

Vinashin đã vỡ nợ chưa?



Trả lời câu hỏi của một tờ báo về khả năng Vinashin có lâm vào tình trạng vỡ nợ nếu không được giải cứu, Tổng giám đốc mới của Vinashin ông Trần Quang Vũ khẳng định: “Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chúng tôi không thể vỡ nợ được. Bởi thực ra, Vinashin không phải mất tài sản mà tài sản của chúng tôi vẫn ở các dự án, là đất, là những con tàu đóng dở” (NQA nhấn mạnh).

Thật buồn cho câu hỏi của phóng viên, càng đáng buồn hơn vì câu trả lời của “doanh nhân” lớn, CEO của một tập đoàn một thời lừng lẫy. Nếu lãnh đạo cấp cao vẫn tư duy theo kiểu đó, sau tái cơ cấu lần này Vinashin sẽ lại vỡ nợ trong tương lai không xa.

Vinashin đã thực sự vỡ nợ từ lâu rồi.

Một doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi khi đến hạn là doanh nghiệp lâm vào trạng thái vỡ nợ, hay phá sản.

Điều 3 của Luật phá sản số 21/2004/QH11 ngày 15-6-2004 quy định, “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Tài sản của doanh nghiệp có thể lớn hơn công nợ nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn có thể bị phá sản.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội “tổng số nợ quá hạn của Vinashin đến hết năm 2008 cũng lên tới 3.812 tỷ đồng, chiếm trên 91% tổng số nợ quá hạn của các tập đoàn Năm 2008”. Nói cách khác năm 2008 Vinashin đã lâm vào tình trạng không trả được nợ đến hạn, tức là lâm vào tình trạng vỡ nợ hay phá sản (chỉ có điều chưa chủ nợ nào buộc Vinashin tuyên bố phá sản theo luật. Vinashin nợ Công ty Tài chính Dầu khí PVFC 1.835 tỷ đồng trong đó nợ quá hạn hơn 1.300 tỷ đồng.

Chỉ qua 2 con số trên cũng thấy Vinashin đã thực sự vỡ nợ sau 2 năm thành lập. Chính vì thế mà năm 2009 Chính phủ đã phải can thiệp để tái cơ cấu Vinashin.

Chính phủ có ưu ái Vinashin?

Ông Phạm Viết Muôn, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chối đây đẩy. “Nói Chính phủ ưu ái Vinashin là không đúng. Phát triển công nghiệp chế tạo, trong đó có đóng tàu, là một trọng điểm của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế biển. Đã là trọng điểm thì có hỗ trợ, và Chính phủ có cơ chế hỗ trợ”.

Theo từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, 2009), ưu ái có nghĩa là “yêu thương và lo lắng cho”. Chẳng nhẽ Chính phủ không yêu thương, không lo lắng cho Vinashin?

Chính phủ đi vay 750 triệu USD cho Vinashin dùng, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ cho Vinashin từ gần một năm nay, nợ quá hạn của Vinashin không được coi là quá hạn và bất chấp những quy định về tín dụng của ngân hàng nhà nước Chính phủ yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho Vinashin vay (đấy là sự can thiệp vi phạm các quy định hiện hành). Từ tháng 10 năm ngoái Thủ tướng đã có Quyết định 1596/QD-TTg về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu tài chính đối với Vinashin, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 357/NHNN-TD.m ngày 17-7-2009 về khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin.

Nay lại tái cơ cấu một lần nữa và “Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu và cho tập đoàn này vay lại để thực hiện các dự án cấp thiết và cơ cấu lại nợ trong nước đã đến hạn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng nhận được yêu cầu khẩn trương giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ khắc phục khủng hoảng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tổng trị giá 500 triệu đôla/năm cho Vinashin để hoàn thiện các dự án đóng tàu dở dang mà chủ tàu đã hủy, bất kể chưa có chủ tàu mới”.

Đấy mới chỉ là nói đến một phần vốn mà Chính phủ lo cho Vinashin. Đấy chẳng nhẽ không là sự ưu ái?

Vinashin có cơ man nào là đất từ Quảng ninh đến Cà Mau, cứ đến tỉnh nào là đều “xin” được đất. Có công ty nào trong 4 năm trời làm được như vậy? Đấy chẳng nhẽ không là sự ưu ái?

Còn có thể kể ra nhiều bằng chứng khác (như quyết định của Chính phủ bắt Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước “ôm” khoản đầu tư vào Bảo Việt của Vinashin giúp giảm mấy chục triệu USD lỗ từ năm ngoái) về sự ưu ái mà Chính phủ dành cho Vinashin.

Có thể nói Chính phủ đã “quá ưu ái” Vinashin và chính sự nuông chiều này đã làm mềm ràng buộc ngân sách và là một trong vài nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Vinashin.

Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin?



Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin “trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Các khoản nợ của Vinashin rất lớn, mất khả năng thanh toán”. Ông Chủ tịch còn để xảy ra xung đột lợi ích khi bổ nhiệm người thân giữ các trọng trách lớn mà luật pháp nghiêm cấm. Các lãnh đạo khác của Vinashin cũng đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và một số có thể bị truy cứu trách nhiệm. Sự thiếu hiểu biết của họ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Nhưng ngoài những người trực tiếp này còn những ai cũng phải chịu trách nhiệm?

Từ việc thành lập các tập đoàn, đến việc xử lý trong 3-4 năm qua đã lộ ra quá nhiều sự vi phạm pháp luật hiện hành của những người cao hơn ông Bình rất nhiều. Những người ký quyết định thành lập, ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự, ký các văn bản cấp vốn, yêu cầu các ngân hàng làm trái các quy định lẽ nào không có trách nhiệm gì? Theo tôi, họ mới chính là những người phải chịu trách nhiệm chính vì với cách làm như thế không có Vinashin này thì có nhiều Vinashin khác và không có sự đổ vỡ mới là lạ. Đấy mới là vấn đề chính.

Khi “bán lại” cổ phần Bảo Việt cho SCIC Vinashin lấy giá gốc (cao hơn khoảng 2 lần giá thị trường) và giảm được khoản lỗ cả ngàn tỷ đồng; còn tái cơ cấu lần này với việc “bán lại” các tài sản mà chủ yếu là đất kiếm được với giá rẻ nay chắc sẽ được chuyển nhượng với giá “quy định của nhà nước mới đây” cao gấp nhiều lần, chắc chắn trên sổ sách Vinashin sẽ lấy lại được “cân đối”, thậm chí có lời và có thể khỏa lấp các khoản thất thoát khó ai có thể biết là bao nhiêu (Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cứu Vinashin thực ra một phần cũng là để “siết nợ”).

Cách “cứu vớt” doanh nghiệp kiểu này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho các doanh nghiệp nhà nước và càng làm cho ràng buộc ngân sách của chúng mềm hơn và sẽ có những hậu quả khôn lường.

Cần rút ra bài học nghiêm túc từ sự đổ vỡ của Vinashin và thay đổi tư duy một cách triệt để nhằm cải tổ các doanh nghiệp nhà nước.

Bài do tác giả trực tiếp gửi bản gốc cho BVN.

Chặn bình thông nhau

PGS TS Vũ Trọng Khải
Công nhân của Vinashin trong Nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh.
(TBKTSG) - Các bài học rút ra từ chuyện “tái cơ cấu” Vinashin, không chỉ cho tập đoàn này mà còn cho các doanh nghiệp nhà nước khác.

Bài học pháp lý

Vinashin là một doanh nghiệp có một chủ sở hữu là Nhà nước. Từ 30-6-2010 trở về trước, nó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tuy không thể hiện trên văn bản, nhưng trên thực tế, Vinashin là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn.

Theo đó, ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp là “hai bình thông nhau”. Điều đó có nghĩa khi doanh nghiệp thiếu vốn, ngân sách nhà nước “tự động” cung ứng, dưới dạng cấp vốn hay cho vay theo quyết định của chủ sở hữu, mà ở đây là Chính phủ hay người đứng đầu Chính phủ.

Trên thực tế, tình trạng tài chính của Vinashin đã diễn ra như vậy, cho nên dù hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ nặng, Vinashin vẫn chưa rơi vào tình trạng phá sản. Bởi theo Luật Phá sản, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Nhưng ở trường hợp này, chủ nợ lớn nhất của Vinashin là Chính phủ, chứ không phải là nhà cung ứng vật tư, tín dụng cho Vinashin. Ở đây, Chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò: (1) Chính phủ quản lý doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng theo pháp luật, (2) Chính phủ là chủ sở hữu vốn; (3) Chính phủ là chủ nợ.

Chính phủ với tư cách là chủ nợ không những không đòi lại các khoản nợ đến hạn mà còn cấp thêm vốn hay bảo lãnh cho vay, cho vay tiếp thì đến bao giờ Vinashin mới lâm vào tình trạng phá sản theo luật định?

Do Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực vào ngày 1-7-2010, nên từ thời điểm này các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới dạng công ty TNHH một thành viên. Người ta hy vọng rằng, chuyển sang công ty TNHH một thành viên, “cái van” giữa “hai bình thông nhau” - ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp, sẽ được lắp đặt và khóa lại. Và như thế chúng ta đã xóa bỏ tính trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Nhưng thực tế lại không diễn ra như Luật Doanh nghiệp mong muốn. Bởi Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò như nêu ở trên, nên có đủ thẩm quyền ra quyết định chia Vinashin thành ba, như ta đã thấy.

Khi phần lớn các doanh nghiệp con của Vinashin được chuyển sang PetroVietNam và Vinalines, chắc chắn, hai tập đoàn doanh nghiệp này sẽ phải dùng ngân sách của mình để tiếp tục cung cấp vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận. Điều đó có nghĩa là, thay vì phần lợi nhuận của hai tập đoàn này (nhất là PetroVietNam do bán tài nguyên thô nên lợi nhuận rất nhiều) sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, thì nay phải trích ra một khoản không nhỏ để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận từ Vinashin. Vì thế, về thực chất, ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục cung ứng thêm vốn cho Vinashin, nhưng được “che đậy” bằng cách như nêu ở trên.

Cái “van” tuy được lắp đặt giữa “hai bình thông nhau” - ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp, nhưng Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ có quyền “mở van” bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, chứ không phải TNHH. Vì vậy, chắc mọi người đều rõ, xét về mặt pháp lý, để khắc phục tình trạng này, luật pháp cần được sửa đổi như thế nào, tư duy của những người làm luật và thi hành luật cần được thay đổi ra sao?

Bài học quản lý

Quy mô của Vinashin là quá lớn so với năng lực quản lý với hơn 200 doanh nghiệp thành viên, hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn kinh doanh, trải trên địa bàn rộng suốt từ Bắc đến Nam. Tình trạng “quá tải” trong quản lý như vậy sẽ dẫn đến thua lỗ là đương nhiên.

Nhưng tại sao Vinashin lại “to” lên đến mức như vậy chỉ trong vòng chưa đầy năm năm? Bởi Vinashin ra đời theo một quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ, không theo quy luật tích tụ và tập trung tư bản của kinh tế thị trường.

Một tập đoàn kinh tế (tập đoàn doanh nghiệp) được hình thành trong một thời gian dài, là kết quả của quá trình tích tụ và tập trung tư bản, lớn dần theo năng lực quản lý của chính nó. Một doanh nghiệp ăn nên làm ra, thì lợi nhuận, sau khi đã dành một phần cho chủ sở hữu sử dụng, sẽ được chủ sở hữu quyết định tái đầu tư. Nhưng đầu tư vào đâu? Đầu tư vào chính nó thì sẽ gặp các nguy cơ: (1) quy mô kinh doanh quá lớn so với năng lực quản lý của một doanh nghiệp (quá tải trong quản lý) sẽ dẫn đến suy giảm hiệu quả kinh doanh; (2) tăng khả năng rủi ro vì “tất cả các quả trứng đều được để vào trong một giỏ”; (3) cung - cầu về mặt hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh sẽ bão hòa hay cung lớn hơn cầu, dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh hay thua lỗ.

Vì thế, để tránh ba nguy cơ trên, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được đầu tư vào những lĩnh vực khác, ở những vùng kinh tế khác, bằng cách lập các doanh nghiệp mới với tư cách là doanh nghiệp con, dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, nhiều thành viên, công ty cổ phần, hay bằng cách mua lại phần vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động, đến mức có thể chi phối, biến nó thành doanh nghiệp con. Doanh nghiệp đầu tư vốn đóng vai trò chi phối trở thành doanh nghiệp mẹ. Doanh nghiệp bị mua lại thường là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, buộc phải rao bán trên thị trường, hay công ty cổ phần đã niêm yết cổ phần (công ty đại chúng).

Như vậy, các doanh nghiệp con vẫn là một thực thể pháp lý, hoạt động tự chủ trên thương trường theo luật pháp và quyết định của chủ sở hữu vốn, không cần có sự “quan tâm” thường xuyên của công ty mẹ - chủ sở hữu phần lớn số vốn sở hữu chủ ở các doanh nghiệp con. Do vậy, cả công ty mẹ và công ty con cùng phát triển theo quá trình tăng vốn và năng lực quản lý của cả tập đoàn doanh nghiệp nên không rơi vào tình trạng “quá tải” trong quản lý. Và do đó, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải là một thực thể pháp lý, không có ai ra quyết định thành lập, không có “ngày sinh tháng đẻ”.

Còn các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn. Chuỗi quản lý hành chính kéo dài vô lý với 5-6 cấp trung gian, nên tình trạng quan liêu, “quá tải” trong quản lý đương nhiên xảy ra phổ biến. Ví dụ, Tập đoàn công nghiệp cao su có chuỗi quản lý dài tới 5-6 cấp: tập đoàn, tổng công ty, công ty, nông trường (hoặc nhà máy chế biến), đội (hay phân xưởng), tổ (hay ca, kíp).

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp là đơn vị tự chủ kinh doanh theo pháp luật và ý chí của chủ sở hữu, thể hiện qua quyền quyết định kinh doanh mặt hàng gì, quy mô kinh doanh lớn, nhỏ thế nào, mua nguồn lực đầu vào của ai, bán sản phẩm (đầu ra) của doanh nghiệp cho ai, theo giá cả và phương thức thanh toán ra sao... Do đó, không có doanh nghiệp cấp trên - doanh nghiệp cấp dưới theo thứ bậc hành chính như trong các tổ chức khác mà ta thường thấy. Bởi vì, nếu tập đoàn hay tổng công ty với tư cách là doanh nghiệp có quyền quyết định những vấn đề nêu trên thì các thành viên của nó, tuy được gọi là doanh nghiệp con, sẽ không có những quyền đó nữa, nên không còn là doanh nghiệp trên thực tế và tập đoàn, tổng công ty trở thành cấp trên của các doanh nghiệp thành viên.

Trong các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, về mặt pháp lý, tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đều là những pháp nhân có quyền tự chủ kinh doanh, nên mâu thuẫn, xung đột quyền lực, quyền lợi trong các tổ chức này mang tính cấu trúc, làm cho hiệu quả kinh tế chắc chắn không thể cao, nếu không muốn nói là thua lỗ. Do vậy, hiệu quả kinh doanh thấp của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng mang tính cấu trúc, do chúng được thành lập và hoạt động một cách phi thị trường.

Bài học tài chính

Đối với doanh nghiệp tư nhân nói chung, dù tồn tại dưới hình thức nào, doanh nghiệp TNHH hay doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, lợi nhuận sau thuế thuộc quyền sở hữu và định đoạt của chủ sở hữu (hay các chủ sở hữu). Còn đối với doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bấy lâu nay, lợi nhuận sau thuế do ai định đoạt? Lợi nhuận sau thuế đương nhiên là do chủ sở hữu là nhà nước định đoạt, nhưng chế độ tài chính hiện hành lại “giao quyền tự chủ” cho doanh nghiệp mà cụ thể là người đứng đầu doanh nghiệp như Chủ tịch hội đồng quản trị và hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty hay Tổng giám đốc (Giám đốc).

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận cao - mà phần lớn nhờ những ưu đãi về chính sách tín dụng, thuế, đất đai, hay vị trí độc quyền kinh doanh, do lợi thế kinh doanh của các ngành khai thác tài nguyên như dầu khí, hay do thị trường như trồng cao su, chứ không phải do năng lực quản lý cao mang lại - đã “phát huy tính năng động, tự chủ” bằng cách sử dụng lợi nhuận sau thuế đem đi đầu tư sang cả những lĩnh vực “sở đoản”, nhiều rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, mà ta đã thấy. Cũng trong khuôn khổ đó, PetroVietnam và Vinalines sẽ sử dụng lợi nhuận và có khi cả vốn của mình để nuôi “mấy đứa con ốm yếu” vừa tiếp nhận từ Vinashin.

Do vậy, nguồn thu của ngân sách nhà nước bị thiếu hụt, trong khi nợ công ngày càng tăng cao. Cuối cùng, nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ còn trông chờ chủ yếu từ thuế thu đối với doanh nghiệp dân doanh và thuế thu nhập cá nhân, tức là thu từ người dân (doanh nghiệp dân doanh cũng là của dân). Ấy vậy, ngân sách nhà nước lại phải cung ứng cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ như Vinashin dưới nhiều hình thức, cấp vốn, bảo lãnh tín dụng, cho vay bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ...

Tất cả những khiếm khuyết của doanh nghiệp nhà nước, mà Vinashin chỉ là một ví dụ điển hình, khiến người ta phải xem xét lại “vai trò chủ đạo” của doanh nghiệp nhà nước. Xét về lâu dài và toàn cục, không một nước nào có doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả hơn doanh nghiệp dân doanh.

Doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động tạm thời ở một không gian nhất định, trong một lĩnh vực nào đó mà tư nhân chưa đầu tư vì hiệu quả kinh doanh thấp, với quy mô hợp lý vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Khi điều kiện chín muồi, tư nhân sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực và vùng lãnh thổ này thì nhà nước phải rút vốn đầu tư của mình ra để chuyển sang các lĩnh vực và vùng lãnh thổ cần thiết khác để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, bằng các hình thức tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.



VTK

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/37255/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn