Xung đột lợi ích

http://www.theinjurylawyers.co.uk/injury-lawyers-blog/wp-content/uploads/2008/12/conflict-of-interest.gifNguyễn Vạn Phú

Có lẽ nhiều người còn nhớ chuyện Chính phủ Mỹ vào cuối thập niên 1990 đã tìm mọi cách điều tra và cáo buộc hãng Microsoft lạm dụng vị thế độc quyền. Thậm chí vào năm 2000, Công ty này suýt nữa bị tách làm hai. Lúc đó Microsoft là ngôi sao sáng trong nền kinh tế kỹ thuật số đang cất cánh, đem lại cho Mỹ biết bao lợi thế, biết bao lợi nhuận. Thế nhưng vì sao Chính phủ Mỹ, không những không nuông chiều đứa con cưng của mình mà còn muốn trừng phạt nó? Vì họ hiểu nếu để Microsoft một mình một chợ trên thương trường, lợi ích trước mắt dù to lớn cũng không thể nào so với thiệt hại nó đem lại khi tính cạnh tranh bị triệt tiêu, doanh nghiệp khác không còn cơ may tham gia thị trường và cải tiến công nghệ có nguy cơ đình trệ.

Thử tượng tượng nếu Microsoft là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng thống Mỹ hay một Bộ nào đó, liệu việc điều tra có tiến hành được chăng hay dù tiến hành, liệu có khó khăn hơn gấp bội lần chăng?

Các sự vụ gần đây liên quan đến các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN hay Vinashin dù sao cũng có tác dụng tốt. Nó xóa tan những hoài nghi trước đây ở nhiều người về chuyện độc quyền hay vai trò của doanh nghiệp nhà nước như kiểu thắc mắc về Microsoft. Hàng chục hàng trăm bài viết công phu phân tích sâu sắc chưa chắc đã làm chuyển biến nhận thức của nhiều người bằng hình ảnh suy sụp của Vinashin hay chuyện cúp điện tràn lan của EVN trong thực tế.

Vấn đề còn lại là tìm một mô hình thích hợp với hoàn cảnh nước ta để hạn chế những điểm yếu của cách tổ chức các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như hiện nay.

Đầu tiên, có thể khẳng định khó tránh được sự xung đột lợi ích một khi chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước chính là các cơ quan điều hành nền kinh tế, quản lý xã hội như các Bộ hay các địa phương. Sự bất cập này càng bộc lộ rõ khi chủ sở hữu là người đứng đầu Chính phủ. Chủ sở hữu thì luôn muốn dành cho doanh nghiệp của mình mọi thuận lợi, muốn doanh nghiệp của mình luôn phát triển bất kể cách phát triển đó có gây bất lợi cho ai khác. Trong khi đó, cơ quan điều hành nền kinh tế nói chung phải cân đối lợi ích của mọi thành phần tham gia, phải giữ vai trò công minh và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Giả thử chủ sở hữu là người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ, ngành bên dưới ưu ái cho doanh nghiệp trực thuộc, đó không phải là xung đột lợi ích thì là gì nữa? Các Bộ, ngành muốn kiểm tra giám sát loại doanh nghiệp này cũng phải dè chừng hoặc thậm chí bị vô hiệu hóa.

Vì thế, phải tách biệt vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vai trò quản lý Nhà nước – càng sớm càng tốt và càng triệt để càng hay. Tách biệt như mô hình SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) là không hiệu quả vì đứng đầu SCIC vẫn là các quan chức Nhà nước kiêm nhiệm. Ở đây thế giới đã có nhiều mô hình đáng tham khảo, như thuê chuyên gia độc lập, tổ chức quỹ đầu tư không bị chi phối về chính trị, vấn đề là chúng ta liệu có đủ ý chí để làm theo hay không mà thôi.

Thứ đến, con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, biến chúng thành các công ty cổ phần, đa sở hữu chính là con đường phải tiến hành. Con đường này không phải là không trả giá như thất thoát tài sản Nhà nước, như hình thành các nhóm lợi ích mới, sự lũng đoạn dưới những hình thức mới. Tuy nhiên, đi kèm với cổ phần hóa và đại chúng hóa các doanh nghiệp Nhà nước, tính minh bạch của chúng bắt buộc phải được nâng lên, sự giám sát chia đều cho toàn xã hội thì cái giá phải trả rẻ hơn nhiều so với sự thất thoát do các tập đoàn như Vinashin gây ra.

Cuối cùng, bộ khung luật lệ, quy định của chúng ta, tuy còn phải điều chỉnh nhiều nhưng đã tương đối đầy đủ trong chức năng giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Sự buông lỏng chức năng quản lý giám sát của các cơ quan Nhà nước mà một phần là do sự xung đột lợi ích nói trên cũng góp phần làm xấu thêm tình hình. Chỉ nói riêng chuyện yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo tài chính thường kỳ, có kiểm toán, nếu thực hiện nghiêm chỉnh cũng đã giúp ngăn ngừa gánh nặng nợ nần ở nhiều doanh nghiệp.

Hoặc một quy định rất rõ ràng “Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng Giám đốc công ty” đã được nêu trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định 101 về việc thí điểm thành lập tập đoàn và nhiều văn bản khác. Thậm chí có văn bản ghi như một lời nhắc nhở sau nhiều lần “trên bảo dưới không nghe”: “Nghiêm chỉnh tuân thủ quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng giám đốc của công ty”! Thế nhưng chúng ta vẫn thấy trong một thời gian dài ở nhiều tập đoàn hai vị trí này vẫn do một người đảm nhận. Luật lệ một khi không được tuân thủ sẽ trở thành tấm bình phong che giấu nhiều chuyện sai trái trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

NVP

Nguồn: http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/07/xung-ot-loi-ich.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn