Tại sao Việt Nam không muốn Luật sư nước ngoài hoạt động tố tụng?

Việt Hà, phóng viên RFA
http://www.smallbusinessassist.com/files/images/how-to-find-lawyer-small-business.jpgĐây là một dấu hiệu của hiện tượng bảo hộ. Bảo hộ trong lĩnh vực luật pháp là một bảo hộ rất tế nhị, bởi tòa án không thể cư xử với một Luật sư nước ngoài giống như họ vẫn thường cư xử với Luật sư Việt Nam, đó là một trong những khía cạnh của hoạt động sinh hoạt tòa án, và tố tụng ở Việt Nam, cho nên phải nói rằng là những sinh hoạt tố tụng như vậy không chuyên nghiệp và khi Luật sư nước ngoài tham gia vào thì nó bộc lộ tất cả những cái không chuyên nghiệp như vậy, không chỉ khó giữa các hãng luật và Luật sư cạnh tranh với nhau mà còn khó cho cả sinh hoạt vốn dĩ rất tế nhị” – LS Nguyễn Trần Bạt.

"Sinh hoạt vốn dĩ rất tế nhị" đó là sao ta? À, hiểu rồi! Đó là cách nói tế nhị về "luật rừng" của VN!!!

Phan Hoàng



Mới đây, Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết các công ty luật nước ngoài ở Việt Nam không được phép cử Luật sư của mình tham gia vào các hoạt động tố tụng tại Việt Nam.



Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. RFA PHOTO
Tuyên bố này được đưa ra sau khi hãng luật Rouse Legal có chi nhánh tại Việt Nam tỏ ra băn khoăn về phạm vi hoạt động của họ tại Việt Nam, vì lý do các quy định pháp luật của Việt Nam chưa rõ. Những Luật sư Việt Nam nghĩ gì về những diễn biến mới này tại Việt Nam? Việt Hà tìm hiểu và tường trình.

Các quy định chưa thống nhất

Gần 3 năm kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ với thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam các năm qua đã thấy nhiều đổi thay tại đây, nhưng các Luật sư nước ngoài thì chưa chắc đã nghĩ như vậy.
Tòa án không thể cư xử với một Luật sư nước ngoài giống như họ vẫn thường cư xử với Luật sư Việt Nam, đó là một trong những khía cạnh của hoạt động sinh hoạt tòa án, và tố tụng ở Việt Nam.
LS Nguyễn Trần Bạt
Câu chuyện bắt đầu với chi nhánh Công ty luật Anh quốc Rouse Legal tại Việt Nam. Chi nhánh của Rouse Legal được Việt Nam cấp giấy phép hành nghề trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, công ty và thương mại, tài chính ngân hàng, lao động.

Thế nhưng khi xem xét quy định tại điều 70 luật Luật sư và Nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, chi nhánh Rouse Legal lại băn khoăn chưa quyết định việc nhận thực hiện các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tố tụng. Theo họ thì các quy định của pháp luật chưa thống nhất về phạm vi hành nghề của chi nhánh các tổ chức Luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 70 về luật Luật sư cho phép tổ chức Luật sư nước ngoài tại Việt Nam được cử Luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước tòa án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật trừ các vụ án hình sự.

Trong khi đó, nghị quyết 71 lại quy định công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được cử Luật sư nước ngoài vào Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước tòa án Việt Nam.



Luật sư Nguyễn Trần Bạt. Photo courtesy of DoanhNhanSG.

Ngay sau khi băn khoăn này của chi nhánh Công ty luật Rouse Legal được đưa ra, vào hôm 9 tháng 7, Bộ Tư pháp Việt Nam đã họp với các Bộ Công an, Công thương, và Ngoại giao về phạm vi hành nghề của chi nhánh tổ chức Luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Tại buổi họp này, các Bộ đều nhất trí trước mắt áp dụng quy định của Nghị quyết 71 không cho phép chi nhánh tổ chức Luật sư nước ngoài ở Việt Nam cử Luật sư tham gia tố tụng là phù hợp.

Đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Công thương cho rằng, các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO vẫn giữ lại quyền cho Việt Nam quyết định cho phép hay không cho phép chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được cử Luật sư tham gia tố tụng với tư cách đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước tòa án Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn luật Investconsult, một công ty nội địa ở Việt Nam cho rằng việc Việt Nam không cho phép các hãng luật nước ngoài tham gia vào các hoạt động tố tụng nói riêng và các hoạt động luật pháp khác nói chung ở Việt Nam xuất phát từ vấn đề bảo hộ và một vấn đề khác mà ông gọi là chưa chuyên nghiệp ở tòa án Việt Nam. Ông giải thích:

Nguyễn Trần Bạt:Đây là một dấu hiệu của hiện tượng bảo hộ. Bảo hộ trong lĩnh vực luật pháp là một bảo hộ rất tế nhị, bởi tòa án không thể cư xử với một Luật sư nước ngoài giống như họ vẫn thường cư xử với luật sư Việt Nam, đó là một trong những khía cạnh của hoạt động sinh hoạt tòa án, và tố tụng ở Việt Nam, cho nên phải nói rằng là những sinh hoạt tố tụng như vậy không chuyên nghiệp và khi Luật sư nước ngoài tham gia vào thì nó bộc lộ tất cả những cái không chuyên nghiệp như vậy, không chỉ khó giữa các hãng luật và Luật sư cạnh tranh với nhau mà còn khó cho cả sinh hoạt vốn dĩ rất tế nhị”.

Luật sư nước ngoài chỉ tư vấn?

Kể từ sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa khoảng 20 năm về trước, lần lượt nhiều văn phòng Luật sư nước ngoài cũng được mở ở Việt Nam. Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hiện tại Việt Nam có khoảng 43 chi nhánh, văn phòng Luật sư nước ngoài. Các văn phòng này hoạt động ở Việt Nam chủ yếu để tư vấn về luật pháp địa phương cho các khách hàng của họ là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoặc các công ty nước ngoài có làm ăn với Việt Nam. Các hoạt động luật pháp khác liên quan đến tòa án đều được thực hiện qua các văn phòng Luật sư nội địa. Luật sư Trần Thái Văn, dân biểu và đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện California, tại Mỹ cho biết:
Luật sư Hoa Kỳ mà về Việt Nam làm việc thì chỉ có quyền cố vấn pháp lý cũng như cố vấn và hội ý với thân chủ mình thôi.
DB Trần Thái Văn
Trần Thái Văn:Luật sư Hoa Kỳ mà về Việt Nam làm việc thì chỉ có quyền cố vấn pháp lý cũng như cố vấn và hội ý với thân chủ mình thôi, còn quyền đại diện trước tòa án vẫn cần những luật sư địa phương có bằng tại địa phương. Theo chúng tôi hiểu thì nó cũng không gây trở ngại gì và các Luật sư phần đông ngoại quốc khi họ muốn về Việt Nam hoặc ngược lại thì họ cũng phải liên kết thông thường với các Luật sư bản xứ để làm việc vì chắc chắn mỗi địa phương có pháp lệ khác nhau và cách hành xử hơi khác. Nên nếu muốn đại diện thân chủ mình hữu hiệu thì cần có sự liên hệ với các Luật sư địa phương” .

Còn Luật sư Nguyễn Trần Bạt thì ủng hộ việc cho phép các Luật sư nước ngoài được tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động tố tụng tại Việt Nam.

Nguyễn Trần Bạt: “Như tôi thì không thấy khó khăn gì cả và tôi nghĩ là rất nhiều Luật sư và giới Luật sư họ không thấy khó khăn lắm đâu. Bản thân giới Luật sư Việt Nam cũng cần những đồng minh nghề nghiệp và trong khía cạnh nào đó rất dễ dàng biến thành những đồng minh ngoài nghề nghiệp trong tương tác với tòa. Tôi không nghĩ là Luật sư Việt Nam chống lại hay có băn khoăn gì về câu chuyện cho phép các Luật sư nước ngoài hoạt động đâu. Cạnh tranh nó chỉ là một khía cạnh thôi chứ không phải là khía cạnh quan trọng nhất trong hoạt động Luật sư”.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Đức Sơn ở Hà nội, thì việc cho các văn phòng Luật sư nước ngoài tham gia rộng rãi vào các hoạt động tố tụng tại Việt Nam sẽ khiến thị trường cạnh tranh thêm gay gắt và các công ty luật nội địa gặp nhiều khó khăn.

Trần Đức Sơn: Thị trường luật Việt Nam sẽ cạnh tranh quyết liệt. Các hãng luật trong nước sẽ khó tồn tại. Nhìn chung chất lượng dịch vụ của nó hơn hẳn mình, tiềm lực tài chính hơn hẳn, đầu mối công việc hơn hẳn. Chính như vậy, cái cam kết WTO của mình cũng vậy, mở cửa thị trường nhưng đối với từng loại hàng hóa dịch vụ, nếu cho ồ ạt vào thì chết luôn, đối với luật cũng vậy”.



Dân biểu LS Trần Thái Văn phát bao lì xì cho các em nhỏ gốc Việt tại Mỹ nhân dịp Tết. Photo courtesy of joinvantran.org

Cùng với việc thực hiện chính sách mở cửa và nền kinh tế thị trường, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đang đứng trước sức ép lớn phải cải tổ nền tư pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống tòa án và các hội Luật sư trong nước. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện các dự án đổi mới này với sự trợ giúp về kỹ thuật từ các nước phương Tây, mà gần đây nhất là chương trình đối tác tư pháp của EU, Đan Mạch và Thụy Điển với tổng vốn lên đến hơn 18 triệu euro.

Theo Luật sư Nguyễn Trần Bạt, việc không cho phép các Luật sư nước ngoài tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động tố tụng tại Việt Nam sẽ làm chậm lại quá trình này. Ông nói:

Nguyễn Trần Bạt:Đương nhiên nó sẽ làm chậm lại và thậm chí nó còn làm chậm đi một số khuynh hướng tốt của cải cách tư pháp. Vì cải cách tư pháp phải được giám định bởi xã hội, và giám định xã hội nghề nghiệp là giám định chuyên nghiệp nhất. Và giới Luật sư là một trong những lực lượng giám định cái chất lượng công cuộc cải cách tư pháp chuyên nghiệp nhất. Vì thế cho nên nếu như mà không có sự tham gia của một lực lượng Luật sư đã tham gia trong một nền tư pháp tiên tiến thì cái việc cải cách tư pháp sẽ làm chậm lại và thậm chí nó cho chất lượng cải cách kém đi”.

Mặc dù không cho phép các Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam nhưng đại diện Bộ Tư pháp cho biết Bộ có thể xem xét, cân nhắc để chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được cử Luật sư Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước tòa án Việt Nam. Lý do là vì Luật sư Việt Nam cũng là thành viên của Đoàn Luật sư Việt Nam, là công dân Việt Nam cho dù họ là thành viên của tổ chức Luật sư nước ngoài.

VH

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-VN-does-not-want-foreign-lawyers-to-participate-in-litigation-procedures-VHa-07162010183508.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn