Phỏng vấn Richard McGregor, tác giả cuốn Đảng: thế giới ngầm của những người cầm quyền cộng sản Trung Hoa

Maura Elizabeth Cunningham

Phạm Toàn dịch

Chẳng ai cầm bút viết (dịch cũng là một cách “viết”) mà lại không nghĩ đem lại một bài học nào đó cho ai đó.

Hỏi: vậy bản dịch này có bài học gì và hướng tới ai?

Đáp: thì đây, bản dịch này

1. Xin dành tặng các bạn đọc chính trị gia nửa mùa thần hồn nát thần tính để nghiên cứu thêm về khía cạnh hết sức tích cực của cái sự gọi là tự diễn biến;

2. Xin dành tặng các nhà báo nghiêm túc gấp bốn lần cái nghiêm túc bình thường để tham khảo về công lênh một nhà báo nghiêm túc bình thường;

3. Xin dành tặng những con người tích cực biết lo…

Người dịch bé nhỏ kính tặng.

Richard McGregor nguyên là Trưởng chi nhánh báo The Financial Times tại Bắc Kinh, là tác giả cuốn sách mới phát hành The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers (“Đảng: thế giới ngầm của những người cầm quyền cộng sản Trung Hoa). Tôi mới có cuộc phỏng vấn như sau với McGregor qua e-mail; bạn đọc có thể coi mấy đoạn trích cuốn sách [một đoạn được dịch và in thành Phụ lục cho bản dịch này và một đoạn đã dịch và in trên BVN – PT].

Cuốn sách Đảng… của ông nói chuyện gì vậy? Ông hy vọng bạn đọc có được nhận thức gì mới mẻ sau khi đọc xong sách của ông?

Mục tiêu của tôi đơn giản thế này thôi: miêu tả hệ thống chính trị như nó đang tồn tại thực sự. Tôi nghĩ rằng có ít người, ngay cả người nước ngoài sống ở Trung Hoa, lại có được sự đánh giá đúng đắn về cái bộ máy Đảng làm nòng cốt cho chính quyền ở Trung Hoa nó to lớn và nó co giãn ra sao, và các tay vịn của nó với xa xuyên sâu ra sao thành đủ loại thiết chế, như các trường đại học và các phương tiện truyền thông chẳng hạn. Và thường thì mọi người chỉ biết về Đảng như họ được đảng tìm cách giải thích cho họ, coi đó như là một sản phẩm của nền văn hóa Trung Hoa hoặc thứ gì đó tương tự. Tôi muốn miêu tả thẳng thừng một hệ thống là sản phẩm của những dàn xếp chính trị quyết liệt.

Một chủ đề khác nữa của cuốn sách tôi viết là vấn đề bí mật. Một khi ta bắt đầu miêu tả những cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương của Đảng, là cơ quan quyền lực mạnh mẽ nhất trên đời trong việc “kinh doanh” nguồn nhân lực, khi đó ta sẽ thấy cái chất bí mật của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Hoa nó vớ vẩn đến mức nào. Cơ quan này kiểm soát sinh mạng và sự hành nghề của đám tinh hoa vô cùng to lớn của Trung Hoa, và nó không có biển hiệu gì bên ngoài cơ quan hết và cũng chẳng có danh bạ điện thoại nữa! Đối với tôi, những sự việc đơn giản như vậy thì chẳng cần gì che chắn hoặc tô vẽ. Cứ nói toẹt nó ra và hy vọng bạn đọc sẽ nhận thấy cái ĐCS Trung Hoa thời tiền-hiện đại nó mới kỳ lạ làm sao.

Tôi cho rằng có nhiều nhà báo phương Tây cũng mơ hồ nhận thấy cái Đảng ấy nó lan tràn rộng tới đâu, song họ cũng vẫn khó mà diễn giải được điều đó lên các tin tức hàng ngày. Nói thẳng ra là, cũng khó mà lý giải được cho các ông phụ trách biên tập. Nó dẫn tới một thứ phản ứng tương tự như câu hỏi vặc lại – “Cái gì Trung ương nhỉ?!”

Làm cách gì mà ông thâm nhập được vào thế giới ngầm của ban lãnh đạo ĐCS Trung Hoa? Ông có những nguồn tin tức nào để viết ra được cuốn Đảng…?

Tôi không đoan chắc là mình đã thực sự thâm nhập được vào đó. Một anh bạn tôi từng ví chuyện viết báo về Trung Hoa cũng giống như đan một chiếc áo len. Ta móc mũi lên mũi xuống, cuối cùng thì được một cái ống tay. Vài ba năm sau ta sẽ có cả một chiếc áo len. Khi tôi lao vào đề tài này, tôi mới thấy rằng có vô số mũi lên mũi xuống về thông tin, nhưng hiếm khi ta có thể cùng ngồi với một quan chức chính quyền, người sẽ sẵn lòng chỉ cho bạn thấy cung cách hệ thống chính trị này hoạt động ở bên trong nó ra sao. Trong sách của tôi có khá nhiều chất liệu và phần lớn là chất liệu mới. Nhưng thực ra thì tôi cho rằng mình vẫn mới chỉ gãi ghẻ bên ngoài mà thôi.

Trong bài viết mới của ông trên tờ Huffington Post, ông có viết rằng “một sự thật đáng chú ý và được đông đảo mọi người xét nét vể Trung Hoa ấy là nó vẫn còn được cai trị theo lối bộ máy Liên Xô”. Ông hình dung trong những năm tới điều đó sẽ đứng trước những thách thức gì?

Hệ thống vừa cứng rắn lại vừa mềm giẻo. Cứng rắn, vì Đảng luôn luôn nhấn mạnh vào quyền lực chính trị độc đảng. Và mềm giẻo, vì đó là một hệ thống hành chính không chịu sự chi phối bởi luật pháp. Hệ thống đó tỏ ra có tính thích nghi nhiều hơn thiên hạ vẫn nghĩ, nhưng tôi cho rằng sở dĩ cung cách hoạt động của nó được dễ dàng là do thành công về kinh tế. Khi kinh tế phát triển chậm lại và có ít đồng tiền luân chuyển, thì chưa rõ hệ thống đó sẽ làm cách gì để quản lý xã hội nếu không dùng đến biện pháp đàn áp. Ở Trung Hoa người ta trông mong mức sống được nâng cao. Nếu Đảng phải đấu lại để bám giữ quyền lực, khi đó tôi nghĩ rằng đại bộ phận dân chúng sẽ xô đổ hệ thống đó.

Theo ý ông, cái gì làm cho ĐCS Trung Hoa vẫn gắn kết với nhau trước những thay đổi vô cùng to lớn trong xã hội hai chục năm qua?

Bên trên sự phát triển mạnh về kinh tế thì có chủ nghĩa dân tộc là thứ keo gắn kết mạnh mẽ nhất dân chúng và giới cầm quyền. Người Trung Hoa gần như có quyền kiêu hãnh về những thành tựu của họ trong ba chục năm qua. Họ vẫn kiêng dè các nước phát triển, nhưng đồng thời cái cung cách các đế quốc phương Tây, nhất là Nhật Bản từng chà đạp lên Trung Hoa trong thế kỷ XIX và XX cũng khiến cho vũ khí được đem chất đầy cái hành lang dân tộc chủ nghĩa. Đảng tỏ ra vô cùng trâng tráo khi tạo dựng cho mình cái hình ảnh của kẻ đã tạo ra mọi “thắng lợi” đó. Trung Hoa thả giàn cho bất kỳ ai muốn xuất bản tác phẩm nói về tội ác của Nhật thời chiến tranh, nhưng chỉ có Chúa trên Trời mới giúp được cho tác giả nào muốn viết về thành tích của ĐCS Trung Hoa trong lịch sử!

Ông cảm nhận được điều gì về mối quan hệ giữa nhân dân Trung Hoa với ĐCS Trung Hoa ngày nay? Ông có nghĩ là sách của ông đã nói điều gì đó khiến bạn đọc Trung Hoa ngạc nhiên?

Tôi không kỳ vọng biết rõ bạn đọc Trung Hoa nghĩ gì, ngoại trừ việc biết là có nhiều người Trung Hoa tỏ ra chộn rộn tìm đọc về hệ thống của họ theo cách thức họ vẫn bị cấm nói ra hoặc viết ra.

Còn về mối quan hệ giữa ĐCS Trung Hoa với nhân dân Trung Hoa, thì đó là một đề tài vô cùng nhạy cảm. Lắm khi, đôi bên gần như không có gì để quan hệ trực tiếp với nhau. Dân chúng quan hệ với hệ thống thông qua chính quyền hơn là qua Đảng. Đối lại thì đảng với dân thì lại có thái độ bảo trợ bề trên theo lối cái-gì-bố-cũng-biết. Nói chung, trong cuộc sống hàng ngày, hai bên lờ nhau đi anh nọ mặc kệ anh kia. Nhưng kịp khi có anh nào vượt qua đường giới hạn nguy hiểm để tổ chức chính trị, khi đó Đảng sẽ thành con thú hung bạo thực sự đấy.

PT

Dịch từ: http://www.thechinabeat.org/?p=2247

Phụ lục:

Người phanh phui nạn đói bị che giấu của Mao

(Trích từ cuốn sách của Richard McGregor)

Khi vào giữa những năm 2000 những cuốn Bia mộ (Tombstone) lần đầu ra mắt trên kệ sách ở Hong Kong, chúng bị xếp cuốn nọ đè lên cuốn kia thành đống như cách xếp các cuốn danh bạ điện thoại ngày xưa. Cái bìa sách làm thiên hạ phát hoảng rất phù hợp với nội dung sách bên trong.

Tác giả Bia mộ, Dương Nhật Thắng, mất gần hai chục năm cần cù nghiên cứu để sưu tập làm nên cuốn sách này. Sách gồm hai tập, điểm lại tỉ mỉ theo thời gian vụ chết đói của 35 đến 40 triệu người Trung Quốc từ năm 1958 đến năm 1961. Sách mô tả chi tiết tấn thảm kịch mà ĐCS Trung Hoa cầm quyền từ lâu vẫn tìm cách che giấu.

Tác phẩm mang tính sử thi của Dương Nhật Thắng là sự xác nhận điều bất kỳ ai nghiên cứu các vấn đề của thế giới bên ngoài Trung Hoa đã biết – đó là những kế hoạch không tưởng của Mao Trạch Đông nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc được ông ta gọi bằng “Chủ nghĩa cộng sản đích thực” đã tạo ra nạn đói tồi tệ nhất do con người gây ra kể từ khi lịch sử con người được ghi thành văn. Điều nữa cũng đáng chú ý, ấy là cách thức Dương Nhật Thắng, một nhà báo làm cho hãng thông tấn Tân Hoa của nhà nước, lại đã tiến hành công trình nghiên cứu và viết nên cuốn sách đó.

Trong phần lớn cuộc đời làm báo của mình, Dương Nhật Thắng, năm nay 69 tuổi, đều chuyên chú làm những gì các phóng viên của hãng Tân Hoa vẫn làm: viết tin bài thông qua hệ thống tuyên truyền để quảng bá tin tức cho mọi người. Ở hậu trường, ông thực thi một chức năng thứ hai, kín đáo không cho ai biết, mà chỉ những nhà báo cấp trên của hãng Tân Hoa mới được giao – cung cấp báo cáo mật nội bộ cho đảng. Dương Nhật Thắng chẳng thu lợi gì với những báo cáo những điều có thật ghi được từ cơ sở đó, những thứ sống còn cho Bắc Kinh kiểm soát các quan chức bên ngoài thủ đô. Nhiều báo cáo của ông, về việc lạm dụng quyền hạn của cánh quân nhân, về sự suy sút kinh tế và nạn tham nhũng của các quan chức, được đặt trên bàn của các lãnh đạo cao cấp ở Bắc Kinh, đã làm thất kinh các ông đứng đầu đảng bộ các địa phương nơi Dương Nhật Thắng lấy tài liệu mà viết. Mãi đến năm 1989 khi Dương Nhật Thắng do bất bình và thất vọng trước cuộc đàn áp quân sự trên quảng trường Thiên An Môn đã chọn đi theo một con đường khác.

Thay cho việc tiếp tục dò la vào các vùng để phục vụ cho giới cầm quyền Bắc Kinh, Dương Nhật Thắng đã bắt đầu một sứ mệnh chống lại các ông chủ mình. Lợi dụng những đặc quyền dành cho nhà báo cấp cao của hãng Tân Hoa, Dương Nhật Thắng đã có điều kiện thâm nhập vào các hồ sơ quốc gia trên toàn quốc và phanh phui được bức tranh hoàn thiện nhất về nạn đói to lớn ghê gớm mà không nhà nghiên cứu nào cả trong lẫn ngoài nước chưa từng bao giờ được đụng tới. Cuốn sách ông viết là một công việc tuyệt vời tài giỏi, một sản phẩm dài hơi, một sự hợp tác kín đáo với các đảng viên quyết tâm phơi bày những điều dối trá suốt mấy chục năm quanh nạn đói ở Trung Hoa.

Dương Nhật Thắng đã nhận được sự trợ giúp của vô khối cộng tác viên bên trong hệ thống – đó là các nhà dân số học đã lao động cật lực mà âm thầm trong nhiều năm tại các cơ quan của Chính phủ để thu thập một bức tranh đúng đắn về số nhân mạng bị mất; đó là các quan chức địa phương đã ghi lại những chuyện ghê tởm về sự kiện này tại các huyện của họ; đó là những người giữ tài liệu lưu trữ cấp tỉnh đã cảm thấy sung sướng khi được mở cửa kho lưu trữ của họ ra sau cái nháy mắt hoặc cái gật đầu ám hiệu cho một người bạn tin cậy giả vờ nghiên cứu lịch sử sản xuất thóc gạo của Trung Hoa; đó là các nhà báo ở hãng Tân Hoa muốn dùng các mối quan hệ của họ để làm cho câu chuyện thực về thảm họa kia có điều kiện được bung ra.

***

Một trong những câu chuyện kinh hoàng hơn cả được Dương Nhật Thắng bóc trần ra trong thời kỳ ông tiến hành nghiên cứu tại Tân Dương, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam, là tỉnh nạn đói xảy ra tồi tệ hơn cả. Khi ông tới thăm nơi đây, Dương Nhật Thắng không được đưa thẳng tới nơi lưu trữ hồ sơ chính thức như ông trông đợi, mà được dẫn tới gặp Ngô Đắc Hồng, một cán bộ về hưu trước đó công tác tại Sở Cung cấp nước. Hai người có cùng cung cách làm việc yên ả, nên vị quan chức ở Tân Dương đó có lẽ đã giúp Dương Nhật Thắng kha khá.

Ông Ngô là hạng người có thể gọi là kỳ cục của địa phương – ông là Bí thư chính trị của thị trưởng Tân Dương cuối những năm 1950, ông cũng là nhân chứng cái vụ diệt chủng nho nhỏ ở thành phố quê hương ông và các làng mạc vây quanh thành phố đó và cả với chính gia đình ông.

Mao đã ra lệnh cho nông thôn phải tập thể hóa những năm cuối thập kỷ 1950 và bắt buộc nhiều nông dân vốn vẫn làm ra đủ lúa gạo để cung cấp đủ năng lượng cho họ phải bỏ ruộng và quay ra xây dựng những lò đúc thép cổ lỗ. Coi nông nghiệp là một bộ phận của cuộc “Đại nhảy vọt”, bọn tôi tớ của Mao tiên báo rằng sản lượng lúa gạo sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong vòng vài ba năm, và do đó việc sản xuất thép chẳng mấy chốc sẽ vượt các nước tiên tiến phương Tây. Các công xã nông thôn mới thành lập bắt đầu báo cáo không biết ngượng mồm về những vụ thu hoạch giả nhằm đáp ứng đòi hỏi của Mao về sản lượng lúa gạo. Và khi nhà nước thu số thóc lúa dư dựa trên các báo cáo bốc giời đó, thì nông dân chẳng còn chút gì nữa mà đút miệng.

Theo những tính toán thấp nhất, thì trong khoảng thời gian 1958 đến 1961, trong số tám triệu dân ở Tân Dương, một triệu người đã bị chết đói. Mấy năm sau đó, ông Ngô đã khéo léo khuyên người ta hạ thấp thống kê sản lượng lúa gạo xuống. Thực ra thì ông đã viết một báo cáo chi tiết và ký tên mình hẳn hoi gửi lên Bí thư đảng bộ địa phương. “Một số bà con hỏi tôi, ‘liệu đồng chí có nhầm lẫn không?’” ông nói. “Nếu như tình hình được công nhận chính thức mà không chứa các tư liệu sai, thì tôi có lưu giữ riêng tất cả. Tôi có các cứ liệu chứng minh là tôi không làm sai”.

Tân Dương luôn luôn là nơi được ca tụng vì mùa màng tốt, không như phần lớn các nơi ở tỉnh Hà Nam là “đất ăn mày” vì dân thì nghèo và luôn luôn đói kém. Nhưng thuận lợi nào thì cũng bị các cán bộ phá tiệt. Hồi đó, Hà Nam nằm trong tay bọn phái tả mù quáng theo Mao là người coi thu hoạch mùa màng thuần túy dưới góc độ đấu tranh giai cấp. Ông Ngô nhớ lại rành rành cả loạt hội nghị hư hư thực thực vào năm 1959 khi đó 18 khu thuộc thành phố Tân Dương này đều có báo cáo vụ mùa của họ. Sau khi tranh cãi nảy lửa, trong cuộc tranh cãi đó khu nào cũng báo cáo tăng sản lượng lên những con số cứ mỗi lúc mỗi tăng, họ đi đến thỏa thuận về một con số cao gấp ba bốn lần vụ thu hoạch thực sự. Sự bóp méo đó đủ cao để tạo ra thảm họa diễn ra ngay sau đó. Chẳng bao lâu sau thì có nạn đói rộng khắp xảy ra ở thành phố và các làng bao quanh.

Khi đông chuyển sang xuân vào những tháng đầu năm 1960, một vị chết nặng mùi bốc lên khắp vùng. Ông Ngô nhớ lại rất rõ lúc chuyển mùa. Đi quanh vùng nửa quê nửa tỉnh, ông nhìn thấy hàng nghìn tử thi nằm dọc đường cái quan và nằm trên ruộng. Suốt mùa đông, các xác chết đó đã cứng lại và co quắp như lúc họ chết. Nom những tử thi đó giống hệt như vừa lôi trong tủ lạnh ra rồi bị vứt tung tóe trên cánh đồng. Có những xác chết còn mang quần áo, nhưng áo quần đã bị kẻ khác lấy mất, và từ mông tới đùi thì không còn thịt nữa. Vào những ngày đầu mùa xuân, các xác chết bắt đầu tan băng, tỏa ra một mùi vị ghê người thấm vào cuộc sống hàng ngày của những công dân vẫn quen co vòi trong tổ kén của họ.

Những người còn sống sau đó bị bắt chôn cất các xác chết đó nhưng phản đối và nói rằng họ không có phương tiện. Họ đổ tội các xác chết không còn nguyên vẹn là do chó hoang tới ăn thịt, mắt chó trở nên đỏ quạch vì ăn thịt người. “Không đúng”, ông Ngô nói. “Chó đã bị người ăn thịt sạch rồi còn đâu. Làm sao còn có chó vào lúc đó kia chứ?” Các xác chết không bị những quân phàm ăn chén mất. Chúng bị những kẻ ăn thịt người ở địa phương ăn. Nhiều người dân Tân Dương suốt mùa đông năm đó và cả hai mùa đông sau đã sống sót là nhờ ăn những chi đã chết của những người trong gia đình họ hoặc của những xác chết nằm la liệt khắp nơi mà họ còn có thể vớ được.

Những câu chuyện như của ông Ngô kể ra làm cho ông Dương thấy sốc. “Tôi không nhìn thấy trước được cảnh tàn ác lên đến mức này”, ông nói. “Thời xưa, có chuyện ăn thịt người khi có các trận đói. Trong dân gian vẫn nói đến chuyện “đổi con cho nhau mà ăn” vì không ai có gan ăn thịt chính con cái mình. Nhưng như thế lại càng tàn tệ”.

Chẳng nói thì ai cũng biết, rằng tác phẩm Bia mộ chẳng thể phát hành ở Trung Hoa. Không nhà xuất bản nào dám sờ vào nó, mặc dù sách đó bán được nhanh ở Hong Kong. Ở Vũ Hán, một thành phố lớn ở miền trung của Trung Hoa, Ủy ban Duy trì trật tự xã hội đưa sách này vào danh mục sách “tục tĩu, khiêu dâm, bạo hành đối với trẻ em”, loại sách phải bị tịch thu ngay khi thấy. Ngoài ra, Đảng còn giết tác phẩm Bia mộ bằng sự im lặng, cấm nhắc nhở đến nó trong các phương tiện truyền thông, và ngừng mọi ý kiến phê phán nhắm vào cuốn sách đó.

Muốn hiểu vì sao lại có chuyện vô cùng lúng túng đối với cuốn sách của ông Dương Nhật Thắng, thì trước hết phải hiểu cái cuộc chiến ông tiến hành khi viết cuốn sách đó. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng là người thực thi đầy quyền lực của Đảng với các cuộc chiến tranh trong lịch sử Trung Hoa. Nó canh gác mọi điểm chốt trong các cuộc tranh cãi: tại các trường học, nó làm công việc kiểm soát sách giáo khoa; tại các tổ chức tư vấn và trường đại học, nó kiểm soát mọi kết quả nghiên cứu; với cơ quan Mặt trận Thống nhất, nó kiểm soát công việc chuẩn bị những tài liệu được coi là “đúng đắn về phương diện lịch sử” để gửi tới các đồng bào sống tại Hong Kong và Đài Loan; và với toàn bộ các phương tiện truyền thông, dưới mọi dạng thức, nó săm soi bài viết của từng người, từ các nhà báo cho tới các nhà làm phim. Cũng giống như tất cả các cơ quan to lớn của Đảng ở thủ đô, Ban Tuyên giáo không có số dây nói ghi trong danh bạ và ngoài cửa cơ quan thì không có biển ghi tên. Nó ra lệnh gì cho các cơ quan truyền thông thì không ai được biết hết.

Cơ quan Tuyên giáo không hề đánh giá thấp nhiệm vụ nặng nề của mình. Không có cái gì liên quan đến an ninh quốc gia mà nó không để mắt tới. “Ở Trung Hoa, người đứng đầu cơ quan Tuyên giáo Trung ương cũng giống như Bộ trưởng Quốc phòng ở Hoa Kỳ, giống như Bộ trưởng Nông nghiệp ở Liên Xô cũ”, đó là lời Lưu Trọng Đắc, Phó thủ trưởng cơ quan trong tám năm kể từ năm 1990. “Cung cách lãnh đạo của ông này sẽ tác động tới việc quốc gia ổn định hay không”.

Đầu những năm 1990, ông Dương Nhật Thắng làm phóng viên viết tin về kinh tế cho hãng Tân Hoa, ông đi khắp nơi trong toàn quốc. Ông cũng quyết định ký tên mình dưới các bài viết về những vụ việc Đảng ém nhẹm từ lâu – về vụ đàn áp năm 1989 ở Thiên An Môn; về các cuộc đấu đá chính trị giữa các lãnh đạo chóp bu; và quan trọng hơn hết, câu chuyện về nạn đói. Trách nhiệm công việc thứ nhất ông được giao đủ che chắn cho ông tiến hành nhiệm vụ thứ nhì.

***

Danh tiếng về chính trị của Dương Nhật Thắng dâng cao sau cuộc phỏng vấn của ông với một người cầm quyền lâu năm của tỉnh Hồ Bắc. Ông quan cai trị này nói với Dương Nhật Thắng rằng nạn đói ghê gớm đã làm chết hàng trăm nghìn người ở tỉnh quê hương của Dương Nhật Thắng. Và nhà báo họ Dương bắt đầu nghĩ lại về cái chết của cha mình năm 1959.

Dương Nhật Thắng luôn luôn nhớ rất rành rọt cái giây phút ông biết tin cha mình sắp chết: khi đó ông còn là cậu thiếu niên học sinh trung học sống tại một hợp tác xã nông nghiệp. Khi đó ông cũng là cán bộ tuyên truyền trong Đoàn Thanh niên Cộng sản địa phương. Là một người nhiệt thành ủng hộ Mao, khi ông đang viết dở dang tờ báo tường để cổ vũ cho chiến dịch Ba Ngọn Cờ Hồng xưng vinh cuộc Đại Nhảy vọt, thì bạn học của ông chạy ào vào. “Cha cậu đi đến nơi rồi,” cậu kia nói.

Dương Nhật Thắng sau này cứ tự trách mình hoài vì đã không về nhà sớm hơn để kiếm rau dại nuôi sống cả nhà. Ngay khi đó, ông không nghĩ tới chuyện chê trách Mao hoặc Đảng Cộng sản. Đó là một trường hợp riêng lẻ, một vấn đề xử lý trong nội bộ gia đình thôi. Ba mươi năm sau, trong đầu ông là một viễn kiến khác.

Trong mười năm sau đó, lúc lúc ông lại lần mò vào các kho lưu trữ ở các tỉnh – tìm các con số về dân số, về sản xuất thóc lúa, các bản tóm tắt tình hình thời tiết, các di chuyển nhân lực và bất kỳ thứ gì khác mà ông có thể tóm được. Việc nghiên cứu nạn đói lớn là dự án to tát nhất và nguy hiểm nhất ông chưa từng tiến hành bao giờ. Giả vờ nghiên cứu các giải pháp sản xuất thóc lúa cho nông thôn, ông đã có thể lọt tới những tài liệu bị cấm lọt ra ngoài trong nhiều thập kỷ. Khi nào tư cách phóng viên hãng Tân Hoa chưa đủ để đi đến những lưu trữ nào đó, ông liền sử dụng các mối quan hệ bè bạn đã gây dựng được với những nhà cầm quyền địa phương. “Các bạn tôi hiểu rõ tôi đang làm gì,” ông nói. “Họ bí mật giúp tôi.”

Ở tỉnh Cam Túc miền Tây Trung Hoa, một người trước đây đứng đầu phân xã Tân Hoa nổi tiếng vì quan điểm tả khuynh đã ủng hộ Dương Nhật Thắng và cho ông đủ thứ tư liệu. Ở tỉnh Tứ Xuyên, cái thúng đựng bánh mì đông dân nhất Trung Hoa, một nhà báo có tuổi khác cũng giúp Dương Nhật Thắng theo cách đó.

Đương nhiên là mưu mẹo của ông chẳng phải khi nào cũng trót lọt. Ở Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Hoa, Dương Nhật Thắng hầu như không làm ăn gì nổi. Các bạn ông lôi ông tới trụ sở cơ quan Đảng để xin phép vào kho lưu trữ. Ông thủ trưởng bộ phận tính tính nóng nảy xin ý kiến ông thủ trưởng kho lưu trữ, ông này lại kính chuyển lên ông Phó bí thư Tỉnh ủy. Ông này lại đòi xin ý kiến cấp cao hơn nữa cho tới khi ông thủ trưởng này quyết định hỏi ý kiến Bắc Kinh. Xin ý kiến lên đến tận cấp trung ương như vậy thì rất dễ làm lộ dự án của Dương Nhật Thắng. “Công việc có lẽ tới đó phải dừng lại thôi”, Dương Nhật Thắng nói khi nghe người ta bảo là phải xin ý kiến Bắc Kinh, và hẹn sẽ trở lại khi khác vậy. Kết quả là, tác phẩm Bia mộ hụt mất một chương nói tỉ mỉ về tỉnh Quý Châu.

Dương Nhật Thắng không khi nào hết lo sợ mình bị tóm và các bạn ông sẽ bị trừng trị. “Tôi cảm thấy mình như là người đi sâu vào lòng núi tìm kho báu mà ba bề bốn bên toàn là hổ dữ cùng các loài thú dữ khác”, ông nói. “Thật vô cùng nguy hiểm, vì việc sử dụng các loại tư liệu đó là hoàn toàn bị cấm”.

Ngay cả con số người chết đói trong cả nước, một con số hơn hai chục năm sau các nước phương Tây cũng mới biết, hoàn toàn là một cuộc khám phá. Để tính toán con số, Dương Nhật Thắng dùng các con số được giữ bí mật mà ông lấy được từ kho lưu trữ hàng tỉnh. Nhưng ông vẫn nhờ một người khác là một nhà dân số học Trung Hoa giúp – ông này trong nhiều năm đã thu thập các con số về tác động của nạn đói.

Đó là ông Hoàng Duy Trị người được đi học về dân số học ở Liên Xô từ năm 1959, là năm đầu tiên xảy ra nạn đói, và trong ba chục năm sau đó, ông làm việc cho Phòng An ninh Công cộng, cũng tức là ngành Công an vậy. Công việc của ông đem lại cho ông thuận lợi duy nhất để theo dõi tác động của nạn đói. Trung Hoa chỉ tiến hành ba cuộc điều tra dân số dưới thời Cộng sản – năm 1953, 1964 và 1982. Cùng công việc đó, cơ quan Công an lên thống kê các hộ dân trong cả nước và cập nhật hai lần một năm. Về lý thuyết, vậy là ông Hoàng được đi vào kho con số dân số mới toe được tất cả các vùng trong cả nước gửi thẳng lên trung tâm.

Ông Hoàng có một ý niệm mơ hồ về tác động của nạn đói năm 1962 khi ông được cử đến Phong Dương thuộc tỉnh An Huy, một vùng có số người chết đói ngang với Tân Dương. Đội của ông không có nhiệm vụ tới đó để điều tra nghiên cứu những báo cáo về số người chết đói đã được gửi tới Bắc Kinh hai năm trước đó. Điều tra về vụ việc như thế thì quá nhạy cảm về chính trị. Họ chỉ được cử về đó để điều tra xem vì sao năm đó ở địa phương đó lại có tỷ lệ sinh đẻ cao. Dân làng trả lời một cách nhạo báng những vị khách từ Bắc Kinh tới rằng đến năm 1963 họ sẽ còn đẻ một trận nữa mạnh như thế. Lý do thì chả có gì khó đoán ra. Người già và trẻ nhỏ đã bị nạn đói quét sạch khỏi vùng này rồi. “Người nhiểu tuổi nhất vùng này bây giờ 43 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới 7 tuổi,” ông Hoàng nói.

Ông Hoàng trong nhiều năm ròng đã vật lộn để có được đầy đủ số liệu thống kê của nhà nước ngay trong lòng cơ quan ông làm việc. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, người ta rất hạn chế việc cho người mò vào những số liệu thống kê liên quan đến nạn đói. Trước năm 1958 thì dễ. Sau đó thì gì cũng khó. “Khi đó, các con số rất là nhạy cảm, và hiếm có ai được phép có các con số đó”, ông Hoàng nói. “Chỉ có 5 người đứng đầu tỉnh Thiểm Đông chẳng hạn là có quyền xem các con số của cơ quan An ninh Công cộng, đó là: Bí thư đảng và Tỉnh trưởng cùng các cấp phó của hai vị đó và thủ trưởng cơ quan Công an”. Khi vào những năm 1970 không khí chính trị đã được cải thiện, ông Hoàng lặng lẽ bắt đầu thu thập tư liệu. Nhưng chỉ tới khi vào những năm 1990 ông Dương Nhật Thắng đến gõ cửa phòng làm việc của ông, thì khi đó ông mới đưa ra những ước lượng của mình và cho công bố số người chết đói: 35 triệu.

Con người ông Hoàng hoàn toàn là một viên chức èo uột nghiên cứu tấn bi kịch nạn đói như một nhà dân số học chuyên nghiệp chứ chẳng có gì là một cái máy nghiền chính trị. Ông hoàn toàn bám chặt vào con số, ông kể chuyện thông qua các bảng những con số ghi trong sổ dân số cũ kỹ phủ đầy bụi cất ở một góc phòng làm việc tại nhà riêng. Ông nói, đây này, và phủi bụi và đặt ngón tay vào một dãy con số chỉ ra dân số của một tỉnh bị sụt mất ba triệu. Ông nhún vai khi tôi hỏi phản ứng ở Trung Hoa như thế nào khi vào những năm 1980 con số người chết đói bắt đầu tuồn ra ngoài. “Biết bao lâu rồi, dân chúng dửng dưng vô cảm với những chuyện đó”, ông đáp lại. Chính cái tính chất chuyên nghiệp của ông Hoàng khiến ông trở thành vô giá đối với Dương Nhật Thắng. Ở một đất nước nơi đó chẳng có cái gì là không bị coi là “chính trị”, ông Hoàng chỉ bám vào các sự việc có thực thôi. Ông nói ông rất vui được trợ giúp cho ông Dương Nhật Thắng. “Với tôi, đây là những sự việc có thực, ai muốn điều tra nghiên cứu thì tôi đều cung cấp”.

***

Cho tới hôm nay, Chính phủ Trung Hoa vẫn chưa hề nói xem có bao nhiêu người dân được họ cho là đã chết đói, dù đó chỉ là con số lưu hành nội bộ có từ giữa những năm 1980. Một nhà khoa học nào muốn nghiên cứu chuyện đó phải bỏ ra vô khối thời giờ của đời mình trong tư cách một giảng viên đại học của cái hệ thống sản xuất tự động ở Tây An trước khi chỉ cần một năm để nghiên cứu dân số học ở Ấn Độ. Nhà khoa học đó sẽ quay về với con số 17 trẻ em chết yểu. Công trình nghiên cứu này bị khước từ vì nó có vẻ như chỉ gồm có những lưu trữ các đăng ký về số người chết. “Vào thời đó, một nửa số chết nhiều hơn con số đăng ký đã không được lưu giữ. Người ta tập trung mọi sức lực vào việc cố mà sống, nghĩ gì tới thống kê”, nhà dân số học Hoa Kỳ Judith Banister nói. Thế mà, tác giả công trình nghiên cứu, ông Giang Trọng Hoa, lại được khen thưởng đủ kiểu về công trình của mình, và cuối cùng trở thành Phó chủ tịch Quốc hội.

Dương Nhật Thắng đã đứng được là nhờ những kẽ hở trong bộ máy quyền lực sau khi tung ra quyển Bia mộ. Hiển nhiên là ông vẫn rất dễ bị tai vạ. Ông vẫn đang sống cùng vợ trong một căn hộ ở Bắc Kinh do hãng Tân Hoa cấp cho khi ông về hưu và tháng nào hãng đó cũng chuyển tiền hưu trí cho ông vào tài khoản. Cho tới nay chưa thấy có chuyện gì với ông. Những người cộng tác với ông cũng thế, vẻ như họ vẫn chưa bị Đảng đụng tới. “Nhà cầm quyền chẳng ngu như trước nữa, ông Dương nói. “Nếu họ làm như xưa, thì tôi chết rồi, và cả gia đình tôi cũng tiêu rồi. Nhưng tôi vẫn còn đây, đang viết lách và trò chuyện với mọi người. Nguyên một việc tôi chưa bị tống vào tù cũng đủ thấy đã có đôi ba điều đổi mới”.

Lần cuối cùng tôi trò chuyện với ông Dương Nhật Thắng về cuốn Bia mộ, ông đã tổng kết mọi chuyện về Trung Hoa và Đảng Cộng sản bằng những lời lẽ làm tôi nhớ mãi. “Cả hệ thống đang suy tàn, và cả hệ thống cũng đang tiến triển”, ông nói. “Nó suy tàn trong khi đang tiến triển. Chưa rõ được cuối cùng thì phương diện nào sẽ thắng thế”.

PT

Dịch từ: FT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn