Đừng xóa sổ chùa của tổ tiên

Minh Anh (Thực hiện)

clip_image002

Giá trị của ngôi chùa cổ truyền thống thực sự không nằm ở vật chất mà ở chỗ khác.

Tôi đồng ý với quan điểm của [Phó] Giáo sư Trần Lâm Biền. Những năm gần đây, xu hướng sính hình thức cộng với sự thiếu hiểu biết đã làm tổn hại tới những giá trị tâm linh và truyền thống dân tộc ta. Ở một đất nước có truyền thống suy tôn cái thật, cái bản chất, cái tâm của vấn đề "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" như Việt Nam, lại đang mọc lên những "quả chuông to nhất", "bánh dày to nhất", "chai rượu to nhất", "tượng Phật to nhất"... Những giá trị tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc đang bị xuyên tạc và lợi dụng. Cảm ơn Tòa soạn đã dũng cảm dám đưa những ý kiến "trái chiều" với số đông, cảm ơn [Phó] Giáo sư Trần Lâm Biền.

Hà Minh

[P]GS TS Trần Lâm Biền là nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống. Ông đã dành cho KH&ĐS một cuộc trò chuyện đầy thú vị xung quanh câu chuyện xây mới những ngôi chùa.

Nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật
Theo ông, đạo Phật và những ngôi chùa có vị trí như thế nào trong đời sống người Việt?
Đối với người Việt, đạo Phật rất được tôn trọng. Trong tôn giáo tín ngưỡng người Việt, chính đạo Mẫu bắt nguồn từ thời nguyên thuỷ. Chỉ cách đây 2.000 năm đạo Phật mới tới từ phương Nam và nhanh chóng được tiếp nhận vì nó phù hợp với tinh thần của người Việt lúc đó. Sự xâm lược, quấy nhiễu của phương Bắc đã đi kèm theo việc người phương Bắc đưa đạo Nho, đạo Lão vào để dùng hệ tư tưởng ấy thống trị người Việt. Người Việt đã dùng đạo Phật như một sự đối trọng.
Đó là quá khứ. Còn hiện tại thì sao?
Gần đây, một số kẻ đã lợi dụng và biến đổi đạo Phật đi nhiều. Do vậy mà ứng xử với đạo Phật của một bộ phận người không đi vào bản chất tốt đẹp sâu xa của đạo. Bộ phận này vì không hiểu đến nơi đến chốn đạo Phật đã nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật. Nhiều khi những thứ đó còn gắn với mê tín dị đoan. Người ta đang sống phần nào vội vã, tùy tiện xây dựng lại nhiều ngôi chùa không theo truyền thống. Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất.
Bái Đính - Sự khoe mẽ một cách thái quá

Nghe ông nói tôi mới nhớ, gần đây chùa Bái Đính nằm trong một quần thể du lịch ở Ninh Bình dù chưa hoàn thành nhưng đã giữ nhiều kỷ lục lớn nhất Đông Nam á: tượng Phật bằng đồng; chuông, 500 bức tượng La Hán...

Không nên gọi cái chùa mới xây đó là chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính là ngôi chùa cũ. Nếu gọi cái mới xây đó là chùa Bái Đính là hoàn toàn xóa sổ chùa của tổ tiên đấy.
Ngôi chùa mới đó có một thứ lố bịch. Trong kiến trúc ba tầng mái, như chúng ta thấy kiến trúc ba tầng mái của chùa Bút Tháp có tháp Cửu phẩm liên hoa - là nơi thế  giới của người chết. Nhưng chùa Bái Đính mới  ấy lại có cái gọi là tam quan - ba tầng mái ở ngoài, khiến người ta đến với cái chết trước khi đến với Phật. Điều đó không chấp nhận được. Tòa nhà ba tầng mái có nhiều ý nghĩa lắm, thường nó phải nằm ở phía sau như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Sổ (Thanh Oai). Cái chùa Bái Đính mới ấy là phi văn hóa Phật giáo truyền thống và mặt nào đó nó có tính khoe mẽ.

Phi văn hóa phật giáo truyền thống và có tính khoe mẽ! Ông có thể mở mang kiến thức cho tôi về điều này không?

Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi nó có tính áp chế khiến con người khi bước vào ngôi chùa tâm hồn của mình bị “ngợp” bởi sự hoành tráng, hình thức làm người ta nhẹ cái tâm đi. Đứng trước ngôi chùa quá to lớn như Bái Đính mới thì con người cảm thấy tâm hồn của mình bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó.

Người ta không thấy được bản chất hòa vào thiên nhiên, hòa vào vũ trụ, hòa với thế gian của bản thân họ nữa mà chỉ còn tính quy phục mà thôi. Tính chất ấy không đúng với tinh thần của người Việt. Xu hướng xây dựng những ngôi chùa to lớn là khó có thể chấp nhận được trên dòng chảy truyền thống.

Chùa Bái Đính mới dù chưa hoàn thành nhưng khách tham quan đã đến rất đông trong một hai năm gần đây. Phải chăng vì ngôi chùa đó phù hợp với "văn hóa hiện đại"?

Khách tham quan thì cứ tham quan. Chúng ta không thể trách họ được. Chiến tranh đi qua đã tạo ra sự hụt hẫng về mặt tinh thần. Do vậy có nơi nào đó để giải tỏa tâm hồn là người ta sẽ đến. Người ta đến Bái Đính mới là "để xem", "để ngợi ca" sự to lớn về cái gì đó rất đời thường chứ không phải thờ đạo. Khi nào sự hiểu biết về đạo trong du khách được nâng cao thì vai trò của chùa Bái Đính mới sẽ tàn phai.

Người Việt Nam không chấp nhận sự to lớn, sự khoe mẽ một cách thái quá đâu! Người Việt đi sâu vào cái tâm. Sự vĩ đại của nó là ở cái tâm thánh thiện chứ không phải hình thức. Có thể hiện tại cái hình thức đang làm mờ cái tâm nhưng khi cái trí của mỗi người phát triển cao hơn thì họ sẽ nhận ra đó là sai lầm.

Khi biết thì sự đã rồi

Nhưng hiện nay không phải chỉ ở Ninh Bình xây chùa mới Bái Đính mà đã có rất nhiều nơi, nhiều địa phương tổ chức xây chùa mới?

GS Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hoá  của dân tộc. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như: Phật giáo và văn hoá dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử, Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt.

Không ai cấm xây dựng những ngôi chùa mới nhưng đừng đem những ngôi chùa lớn vào  đất của chùa cũ. Bởi chùa cũ là tiếng nói của tổ tiên. Đi vào tín ngưỡng chúng ta phải đi theo truyền thống, phải Việt Nam. Đừng để những ngôi chùa kiến trúc mới Tây không phải Tây, Tàu không Tàu. Một số ngôi chùa hiện đại đã được làm một cách tùy ý không theo kiến trúc truyền thống.

Một ngôi chùa hay đền, đình phải đạt chuẩn thông tam giới. Mái tượng trưng cho tầng trời. Đất - thân của nó là nơi thần và người tiếp cận, cần được thông nhau. Vì thế nền đất phải để mộc. Nếu có lát phải để những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước để thông âm dương.

Những nơi đặt ban thờ thì gầm ban thờ lộ đất... để âm dương không bị cách trở. Nhưng nay thì người ta lát hết, thậm chí lát cả gạch men hoa. Họ tưởng là sang trọng nhưng họ không hiểu việc đó đã tạo nên sự ngăn cách âm dương không đi theo dòng truyền thống.
Vậy vì sao lại nhất định phải giữ lại những ngôi chùa cũ bé nhỏ và xuống cấp?
Giá trị của ngôi chùa cổ truyền thống thực sự không nằm ở vật chất mà ở chỗ khác. Đó là những di sản văn hốa cho chúng ta thấy tộc người chủ thể đi đến đâu để dấu tích lại tới đó. Điều đó quan trọng như thế nào? Chính những di sản văn hoá của tổ tiên để lại cho biết bước phát triển của cộng đồng dân tộc đi dần tới thống nhất như ngày nay một cách cực kỳ rõ ràng.

Thế mà nay cứ phá cái cũ đi để xây những cái mới lên thì còn gì để chúng ta chứng minh những điều ấy. Dù nó tàn phai thì vẫn để đấy vì nó vẫn đang nói với chúng ta những thì thầm của tổ tiên.

Nhưng thực tế xu hướng xây chùa mới to lớn, khang trang đang khá phổ biến?

Đó là một cảnh báo về hiện tượng phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc. Đúng hơn là phá hoại bản sắc làm méo mó tâm hồn dân tộc. Một dân tộc có thiện tâm vô cùng cao nay lại chỉ quan tâm đến hình thức. Tôi xin nhắc lại là xây dựng chùa cao to mấy cũng được nhưng hãy để ra ngoài không gian kiến trúc của tổ tiên đã làm.

Phải chăng việc xây dựng những ngôi chùa mới nằm ngoài sự quản lý của ngành văn hóa?

Có thể ngành văn hóa cũng không biết đến điều ấy. Đến khi biết thì sự đã rồi.

Vâng. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị mà ông đã dành cho độc giả của KH&ĐS.

Người dân đi lễ chùa  để công đức nhà chùa. Nhưng không ít nhiều tiền dùng sự công đức để thao túng việc xây dựng. Xã hội chỉ có thể tốt đẹp khi đạt trình độ "phú quý sinh lễ nghĩa" chứ hiện nay mới chỉ đạt mức "no hơi ấm cật dậm dật chân tay"; vì kiến thức chưa đạt được đến mức hiểu biết lễ nghĩa…nên nó đã đẻ ra những kiến trúc trọc phú vô học, nhìn vào sự vô học lại tưởng là sự đẹp đẽ vì không có kiến thức.

MA

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn