Chuyện gì đã xảy ra cho chính sách ‘Vươn lên bằng Đường lối Hòa bình’ của Trung Quốc?

David Blumenthal, Foreign Policy, 21 October 2010

Túy Vân phỏng dịch

clip_image001

Làm sao ta có thể lý giải sự kiện một Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đáng lẽ ra phải biết, theo cách nói của Đặng Tiểu Bình, “chờ thời cơ và che giấu sức mạnh của mình”, nhưng trong thực tế Trung Quốc (TQ) lại đang gây hấn với hầu hết các nước láng giềng, kể cả Hoa Kỳ? Lẽ ra người TQ phải biết sử dụng các “quyền lực mềm” phong phú của mình để theo đuổi một chính sách ngoại giao tinh vi nhằm trấn an thế giới là TQ đang vươn dậy một cách hòa bình. Nhưng trong năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra khá vụng về, chứ không khôn ngoan như người ta thường biếm họa. Thực vậy, TQ đã tuyên bố toàn bộ Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] là lãnh hải của mình – vùng biển rất quan trọng vì có trữ lượng tài nguyên phong phú và là nơi nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Khỏi cần phải nói, lập trường này của TQ không làm hài lòng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Hơn nữa, khi TQ vừa muốn hòa hoãn trở lại trước sự chống đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ về vấn đề chủ quyền Biển Nam Trung Hoa, thì Bắc Kinh lại quay qua lên tiếng đe nẹt và o ép để Nhật Bản phải bỏ thủ tục pháp lý trong việc xét xử viên thuyền trưởng một tàu đánh cá TQ chủ ý đâm vào tàu tuần dương Nhật Bản tại vùng quần đảo Sankaku/Điếu Ngư mà hai nước đang tranh chấp. Tóm lại, TQ đã cứng rắn nhiều hơn là mềm dẻo.

Hình như Bắc Kinh không còn muốn “chờ thời cơ” và vươn dậy một cách hòa bình. Sách “The Mind of Empire China’s Foreign Relations” (Tư duy về đường lối ngoại giao của Đế quốc Trung Hoa) của Christopher Ford vừa xuất bản giúp ta giải thích thế giới quan của các nhà lãnh đạo TQ và những động cơ thúc đẩy họ có cách ứng xử làm chúng ta và các đồng minh phải bất bình. Ford đã lý luận khá thuyết phục là cách ứng xử của TQ là do tư duy đế quốc của Trung Hoa mà ra. Theo Ford lịch sử Trung Hoa không có một tiền lệ nào về sự sống chung ổn định giữa các vương quốc bình đẳng. Hơn thế nữa, sự tranh giành bá quyền trong lãnh thổ TQ và sau này với các lân bang khác là một đặc tính khá liên tục trong lịch sử Trung Hoa. Ford viết:

Truyền thống của TQ về liên hệ giữa các quốc gia là một hệ thống có trung tâm là nước Đại Hán được ổn định và cai trị bởi một quyền lực tối thượng chính thống, và các nước khác trên thế giới triều cống TQ.

Cũng theo Ford, TQ có một ý thức lâu đời về trật tự thế giới. Bắc Kinh cho rằng “trật tự tự nhiên” của thế giới chính trị có tính cách “tôn ti” và tư duy cho rằng các nước thực sự đứng riêng và độc lập là không chính đáng.

Nhưng một vài người có thể hỏi vặn lại, ta nghĩ sao về sự kiện TQ chấp nhận – nếu không muốn nói tôn trọng – ý niệm của phương Tây về quan hệ quốc tế: đó là, không can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia có chủ quyền? Nếu chỗ đứng đương nhiên của TQ là ở chóp bu trong cái tôn ti trật tự lấy TQ làm trung tâm, và nếu các quốc gia có chủ quyền khác chỉ là các thực thể nhỏ bé phải biết nể phục TQ, thì tại sao TQ lại dám giả nhân giả nghĩa lên tiếng bảo vệ nguyên tắc Westphalia qui định địa vị bình đẳng giữa các quốc gia? [Hiệp ước Westphalia, ký kết năm 1648, giữa một số quốc gia chính của Châu Âu, nhằm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của nhau. ND.]

Theo Ford, cũng như các học giả Jacqueline Newmyer và Michael Pillsbury, câu trả lời có thể được tìm thấy trong điều kiện văn hóa của những nhà chiến lược TQ: nhiều nhà chiến lược ưu tú của TQ đã ví giai đoạn hiện tại trong chính trường quốc tế như thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Hoa. Theo bà Newmyer, thời Chiến quốc là “một thời đại quân sự hóa, một thời đại chinh chiến, khi bảy vương quốc nhỏ tranh nhau làm bá chủ vùng lãnh thổ TQ được coi là địa bàn cốt lõi của dân tộc Hán, trước khi Tần giành được toàn thắng, thống nhất Trung Hoa và mở ra kỷ nguyên các vương triều thay nhau cai trị đất nước này cho đến đầu thế kỷ 20”.

Trong thời kỳ này của lịch sử Trung Hoa, các vị vương có thế lực ngang nhau đã tranh giành nhau làm minh chủ. Tình trạng này kéo dài cho đến khi – theo Ford – “một nhà nước Khổng giáo đơn nhất, công minh, đạo đức” cai trị nước Trung Hoa trong hai thiên niên kỷ và thiết lập ra một mô hình nghiêm chỉnh cho quan hệ có tôn ti với các nước láng giềng.

Thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Hoa không những chỉ đáng quan tâm trên quan điểm học thuật mà thôi. Theo bà Newmyer, Đặng Tiểu Bình đã làm sống dậy một phong trào nghiên cứu thời Chiến quốc trong giới tinh anh chiến lược TQ. Theo ông Pillsbury, Nhân dân Giải phóng Quân phải học tập lịch sử thời Chiến quốc để biết cách tiếp cận với giai đoạn hiện nay trong tình hình chính trị quốc tế.

Như thế, rất có thể là, hiện nay TQ chỉ sử dụng thái độ tôn trọng các chuẩn mực Westphalia [về toàn vẹn lãnh thổ, ND] trong chính sách đối ngoại của mình như một công cụ hữu ích trong phạm trù mà các nhà chiến lược TQ coi là công cuộc đấu tranh giành bá quyền chính trị đang diễn ra hiện nay. Sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền được Bắc Kinh chấp nhận như một thực tế, chí ít là trong giai đoạn hiện nay, cho đến khi TQ thiết lập được một trật tự chính trị phù hợp với quan niệm tôn ti trật tự TQ ở vào vị trí trung tâm, một thứ tôn ti thỏa mãn được tham vọng tự nhiên của TQ. Quan niệm “không can thiệp vào công việc nội bộ” và tôn trọng chủ quyền của nhau là một đường lối tiện lợi để TQ bảo vệ phần lãnh thổ TQ đã hoàn toàn kiểm soát và cả phần lãnh thổ hay lãnh hải TQ đang tranh chấp chủ quyền.

Trong tình hình cạnh tranh quốc tế hiện nay, TQ cố sức theo dõi đến cả những điều chỉnh tế nhị nhất trong việc phân bố quyền lực giữa các quốc gia. Nguyên nhân trực tiếp của việc TQ tuyên bố chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa rộng lớn có thể phát xuất từ nhận định rằng nước bá quyền hiện nay – tức Hoa Kỳ – đang choáng váng vì cuộc khủng hoảng tài chính và quẫn trí vì hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Nhược điểm này của nước hùng mạnh nhất trong hệ thống chính trị thế giới đã tạo thời cơ cho TQ công khai tuyên bố chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa và o ép các nước “chư hầu” chung quanh phải chấp nhận mệnh lệnh của Bắc Kinh.

Những phản bác mạnh mẽ của các vị bộ trưởng Hoa Kỳ từ bà Clinton đến ông Gates đã gây ngỡ ngàng cho phía TQ và khiến bộ trưởng ngoại giao TQ, ông Dương Khiết Trì, phải sững sờ và giận dữ. Nhưng chính trong cơn thịnh nộ, ngoại trưởng họ Dương đã để lộ lối suy nghĩ của giới tinh anh TQ. Trong cách nhìn của bộ trưởng Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton đã “tấn công TQ”, và họ Dương lại tuyên bố, “TQ là nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và điều đó là một sự thật.” Phản ứng này rất có ý nghĩa nếu được nhìn qua lăng kính thế giới quan của TQ như các học giả Ford, Newymer và Pillsbury đã giải thích. Một là, Bắc Kinh tự coi mình đang ở trong một cuộc tranh giành gay cấn để chiếm địa vị bá quyền tương tự như trong thời Chiến quốc. Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia và bảo vệ đồng minh của mình không được TQ nhìn theo mặt thật, mà lại coi đó là những mũi “tấn công” nhắm vào TQ. Hai là, theo trật tự tự nhiên của mọi việc trong thiên hạ, “các tiểu quốc” phải biết chấp nhận chỗ đứng ưu việt của TQ. Dưới mắt Bắc Kinh, việc anh chấp nhận vị trí tự nhiên của mình trong cái tôn ti trật tự này không những là một vấn đề chính trị dựa vào quyền lực (power politics) theo ý nghĩa hiện thực cổ điển, mà còn là việc đúng đắn, hợp với lẽ phải và là đường lối duy nhất để thiết lập một trật tự ổn định.

Khi vấn đề Sankaku/Điếu Ngư một lần nữa trở nên sôi động, TQ lại tỏ ra thô bạo trắng trợn như trước. Bắc Kinh hủy bỏ các phiên họp ngoại giao với Nhật Bản, chấm dứt việc xuất khẩu các chất liệu đất hiếm mà công nghệ Nhật đang cần, và đòi hỏi Nhật Bản phải lên tiếng xin lỗi sau khi Tokyo đã nhượng bộ trước các yêu sách của Bắc Kinh. Nhưng nếu chúng ta chịu phân tích cách ứng xử của TQ dựa vào các truyền thống chiến lược Đại Hán, chúng ta có thể hiểu được thái độ hiện nay của Bắc Kinh. Một là, dưới mắt Bắc Kinh, chuỗi đảo này là một phần lãnh thổ TQ – TQ không cảm thấy toàn vẹn lãnh thổ và hùng mạnh như xưa nếu Bắc Kinh không nắm được quyền kiểm soát tuyệt đối trên toàn bộ lãnh thổ mà TQ nắm giữ dưới các vương triều trước. Hai là, Nhật Bản – một nước qua nhiều thế kỷ đã bị TQ coi là và thực sự là một tiểu quốc dưới mắt dân tộc Đại Hán – bỗng dưng trở nên hùng mạnh hơn TQ vào cuối thế kỷ 19. Nhật Bản đã cho TQ nếm mùi chiến bại nhục nhã, đã hành hạ người dân TQ, đồng thời đưa đến việc TQ mất một phần lãnh thổ các vương triều trước để lại. TQ sẽ không bao giờ thỏa mãn được ước mơ tái lập cái trật tự tự nhiên nói trên, nếu Nhật Bản chưa chịu chấp nhận vị trí bá quyền của TQ và xin lỗi về hành vi của mình trong quá khứ. Hơn thế nữa, một chính sách xin lỗi và sám hối theo đường lối của nước Đức hiện đại cũng chưa đủ hài lòng TQ. Nhật Bản phải đến trước mặt TQ như một kẻ van xin, như một đứa con có lỗi lầm với cha mẹ.

Bản phân tích của ông Ford về “não trạng đế quốc” của TQ giải thích được phần nào cách ứng xử của TQ hiện nay. Nhưng tất nhiên, không một cuốn sách nào có thể nói hết mọi chi tiết phức tạp trong quan hệ đối ngoại của TQ. Mặc dù lãnh vực văn hóa chiến lược là quan trọng, nhưng phải kể đến những động cơ khác đã ảnh hưởng đến chính sách của TQ như nhu cầu tài nguyên, sự thiếu vắng một lý thuyết quản trị đất nước có thể mang lại tính chính đáng cho chế độ, và các tác động qua lại của chính trị quyền lực trong hệ thống quốc tế. Nhưng các nhà làm chính sách cũng phải tìm hiểu lăng kính nhận thức của phía TQ. Chính sách của Hoa Kỳ đối với TQ nhất định có vẻ kỳ quặc trong các hội trường của Trung Nam Hải. Kể từ thời tổng thống Nixon, Washington liên tục chào mời TQ vào tập thể “các quốc gia trong gia đình nhân loại” – công thức ngoại giao hiện nay là mời TQ làm “kẻ hùn vốn có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế. Nhưng hệ thống này đã không được định nghĩa rõ ràng. Mỉa mai là, đúng vào lúc phía TQ tập tễnh sử dụng một ít luật pháp quốc tế của Phương Tây, thì Phương Tây không còn mấy tôn trọng các nguyên tắc của Hiệp ước Westphalia (như trường hợp Kosovo, Darfur và Iraq).

Một vấn đề thậm chí còn sâu sắc hơn thế là, theo quan điểm của TQ, chỉ có một hệ thống quốc tế có ý nghĩa, đó chính là hệ thống mà TQ đang ra sức tái tạo: Một hệ thống lấy TQ làm trung tâm, trong đó (một khi hoàn tất dự án trở nên hùng cường và thống nhất giang sơn về một mối bằng cách đòi lại tất cả các phần lãnh thổ “đã mất”) TQ đủ sức thiết lập một trật tự Trung Hoa đơn nhất, công minh và có đạo lý. Trong hệ thống đó, các dân tộc không phải là Trung Hoa phải biết kính nhường TQ (vương quốc ngự trị ở trung tâm) thật đúng mức.

Điều khó cho Bắc Kinh là, không ai ở bên ngoài TQ chịu theo hệ thống quốc tế này. Phương Tây (các nước dân chủ trên thế giới) rất lấy làm hài lòng với trật tự của thế giới tự do hiện nay. Vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của chính sách đối ngoại Mỹ trong thế kỷ 21 là triển khai, hợp thức hóa, và bảo vệ cái trật tự ấy ở một thời điểm có nhiều sức ép nặng nề đến từ phía TQ. Một nỗ lực mạnh mẽ nhằm bảo vệ hệ thống phương Tây sẽ giúp Hoa Kỳ tránh được những căng thẳng như chúng ta đã chứng kiến trong năm qua. Các lãnh đạo TQ phải thấy rằng hệ thống quyền lực quốc tế vẫn chưa thay đổi, rằng người Mỹ muốn bảo vệ trật tự thế giới mà họ đã tạo ra, và rằng mọi toan tính thay đổi trật tự đó sẽ một lần nữa đưa TQ đến chỗ bại vong.

D. B.

Nguồn: Shadow.foreignpolicy

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn