Quốc hội, vụ Vinashin và việc phân bổ nguồn lực

Tư Giang

clip_image001

Dù thua lỗ, nhưng Vinashin mới đây vẫn được hỗ trợ nguồn ngoại tệ từ trái phiếu quốc tế để trả nợ cho ngân hàng Natixis. Ảnh: TL SGTT

 

SGTT.VN - “Người này những năm gần đây trở nên độc đoán, gia trưởng”, “báo cáo không trung thực” – bản báo cáo dài 18 trang về vụ Vinashin của Chính phủ gửi Quốc hội đã quy tội ông Phạm Thanh Bình, người nắm trọn các chức danh quan trọng tại tập đoàn này: bí thư Đảng uỷ, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, nay đã bị bắt giam và coi như phải chịu trách nhiệm chính về sự thua lỗ ước tính lên tới 86 ngàn tỉ đồng của tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận: “Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ… Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm”.

Liệu có điều gì đó không ổn về quả bóng trách nhiệm trong vụ Vinashin? Là một trong những người chịu trách nhiệm giám sát chính về các vấn đề kinh tế, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền giải thích: “Không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính” trong vụ phá sản đặc biệt nghiêm trọng này. Sự thật là những cảnh báo về Vinashin đã được Quốc hội đưa ra sau khi giám sát các tập đoàn nhà nước năm 2008. Nhưng người ta đã phớt lờ những khuyến nghị đó của Quốc hội. Có tới 11 lần thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chính phủ khác nhau với Vinashin trong những năm gần đây mà có phát hiện ra sai phạm nào đâu!

Vụ Vinashin, tuy vậy, đã giúp làm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn luôn được tập trung rất nhiều nguồn lực của đất nước mà hiệu quả làm ăn thì không tương xứng. Thủ tướng nói về kế hoạch của chính phủ năm 2011: “Xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Xoá bỏ bao cấp và ưu đãi dưới mọi hình thức đối với doanh nghiệp nhà nước; tính đúng, tính đủ giá trị sản phẩm, từ đó đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Liệu các doanh nghiệp tư nhân có thể hy vọng vào sự hứa hẹn này?

Bởi, thông điệp đó lại đang bị thách thức bởi chính những cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Họ tiếp tục tư vấn Chính phủ rót tiếp ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch chi tiêu năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty đang được đề xuất rót tới 5.180 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Số tiền rót cho các tập đoàn trong năm tới cao hơn 235 tỉ đồng so với mức ngân sách cấp cho họ trong năm 2010, năm mà hầu hết doanh nghiệp và người dân phải lao đao do lãi suất tăng cao để chống lạm phát.

 

Các vị đại biểu quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát như thế nào đối với việc phân bổ nguồn lực quốc gia, trước sự kỳ vọng của nhân dân? Mà đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện lớn hơn về việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực khác, từ chính sách, tài chính, ngân sách, đất đai…

Hưởng lợi từ gói tài chính trong năm 2010 là năm tập đoàn, tổng công ty: Petro Vietnam, EVN, VNPT, VNR (Đường sắt) và Vinalines.

Bên cạnh đó, việc cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước nay lại được chính nhà tài trợ quốc tế lớn là ADB thực hiện, bất chấp những kêu gọi cải cách khu vực kinh tế này của chính họ. ADB đã ký với Ngân hàng Nhà nước gói tài chính lên tới 630 triệu USD chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước là tập đoàn Sông Đà, tổng công ty Đường sông miền Nam và công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Cho dù gói tài chính đó được gói trong những cụm từ “hỗ trợ chuyển đổi”, “lành mạnh hoá bảng cân đối kế toán”, “nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”, thì nó cũng chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Những động thái cấp vốn như trên, thêm một lần nữa cho thấy từ tuyên bố đến thực hiện trong thực tế việc “xoá bỏ phân biệt đối xử” giữa các thành phần kinh tế là một khoảng cách đôi khi khá xa .

Quốc hội, với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho nhân dân, nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Thực tế, tiếng nói của họ đã trở nên thẳng thắn hơn. Ông Hiền, thay mặt uỷ ban Kinh tế nói với các đại biểu: “Việc Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình tập đoàn đã đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường và do công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo tập đoàn”.

Cùng lúc đó, các đại biểu lại tỏ ra phân tán, chẳng hạn về việc cấp ngân sách cho các tập đoàn kinh tế mà các cơ quan tham mưu của chính phủ đề nghị. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc Chính phủ ghi vốn đầu tư phát triển cho các tập đoàn chỉ là nguồn vốn để các doanh nghiệp này thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao. Ông Hiển phản ánh thêm, có ý kiến chưa đồng tình với việc Chính phủ bố trí vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng trở lại cho Petro Vietnam vì đây là nguồn thu đặc thù của ngân sách, song các ý kiến này là nhỏ nhoi so với “nhiều ý kiến đồng tình” của các vị đại biểu.

Chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nói với các đại biểu Quốc hội: “Cử tri và nhân dân cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với tập đoàn Vinashin có nhiều bất cập, yếu kém… Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ làm rõ những sai phạm của lãnh đạo tập đoàn Vinashin và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ”. Bên cạnh đó, ông Đảm cho biết thêm, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ kiểm tra đúng thực trạng tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác.

Những lời phát biểu, dù thế nào, cũng chỉ có giá trị khi được hiện thực hoá bằng hành động. Trong câu chuyện này, các vị đại biểu quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát như thế nào đối với việc phân bổ nguồn lực quốc gia, trước sự kỳ vọng của nhân dân? Mà đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện lớn hơn về việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực khác, từ chính sách, tài chính, ngân sách, đất đai… vốn đã bộc lộ rõ những bất cập nghiêm trọng và làm cho người dân ngày càng lo lắng.

T. G.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn