“Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Lê Thịnh

image Đã bao năm nay, những tấm băng rôn sặc sỡ đủ màu sắc với khẩu hiệu: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xuất hiện khắp nơi, từ nông thôn ra thành phố, từ đường lộ đến hẻm hóc, đâu đâu người ta cũng thấy.

Sau bao nhiêu năm phong trào đươc phát động, hiệu quả của nó ra sao? Và bản sắc dân tộc “đậm đà” chúng ta đang sở hữu là gì? Thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa trên từ những vấn đề rất nhỏ trong cuộc sống.

Văn hóa xếp hàng

Cách đây không lâu, tôi nghe một anh bạn người Mã Lai đang sống và làm việc tại Sài Gòn than phiền là lúc anh đi siêu thị FIVI Mart, một trong những siêu thị lớn tại khu đô thị văn minh và sang trọng bật nhất tại Việt Nam. Đang lúc đến lượt anh tính tiền sau một thời gian xếp hàng đợi đến phiên, thì bỗng dưng có một đôi bạn trẻ người Việt vượt lên cắt ngang tính tiền hai hộp sữa trước rồi bỏ đi một cách ngon lành, bực mình anh đã thốt lên: “So crazy!”. Anh lại nói thêm là đã đi nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam là nước đầu tiên người ta không chịu xếp hàng chờ đến phiên. Tôi cũng chữa cháy một câu là không phải tất cả mọi người Việt Nam đều như vậy đâu.

Câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng đáng để cho những nhà làm công tác văn hóa phải suy nghĩ.

Chúng ta đã làm được gì để giáo dục ý thức người dân thay vì là những câu hô khẩu hiệu trống rỗng? Chúng ta đã bao giờ tự giác thực hiện trước những câu khẩu hiệu đó, để người dân bắt chước noi theo? Hay thay vì làm những điều đó chúng ta lại cố gắng nhồi nhét, áp đặt tư tưởng? Thậm chí chúng ta còn làm gương xấu bằng cách cổ súy cho phong trào “đi tắt”. Thử hỏi một cô người mẫu vô danh cho ra đời một tác phẩm “thiếu dung thừa tục” làm sao được cấp phép thông hành mà không qua hội đồng xét duyệt nếu như cô ta không “đi tắt”? Rồi đến những cánh cửa công quyền như Tòa án, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường… nếu như không “đi tắt” thì liệu hồ sơ có được giải quyết kịp thời hay sẽ hóa đá rêu phong?

Quả là “đi tắt” nhiều khi giúp người ta rút ngắn quãng đường, nhưng cũng lắm khi nó dắt người ta tới cái vực thẳm sâu hoắm. Hệ lụy của nó là người ta không còn nhường nhịn nhau, sống và làm việc theo triết lý “phái mạnh”. Điều này cũng lý giải cho nguyên nhân tại sao người Việt trong nước chúng ta không chịu xếp hàng.

Văn minh giao tiếp

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật là sự giả dối”. Trong cuộc sống, nhan nhản đâu đó ta vẫn bắt gặp những hình ảnh “nửa sự thật”. Từ một em học sinh lớp 4A bị bắt chuyển qua lớp 4B học nhờ một buổi, vì hôm đó có thanh tra dự khán, khảo sát lớp 4A; đến một cán bộ tai to mặt lớn đã bao năm yên vị trên chiếc ghế quan quyền với một tấm bằng giả mà không ai hề hay biết. Cán bộ nói không tăng giá xăng là mấy ngày sau giá xăng tăng vọt. Cán bộ nói tự do ngôn luận, tự do thông tin trong khi bắt người đưa tin phải đi theo một lề đã được vạch sẵn…

Nguồn cội của vấn đề này cũng khá đơn giản để nhận ra. Chúng ta có một hệ thống tuyên truyền quá hoàn hảo, quá sắc bén đến nỗi đôi khi nó lại làm đứt tay của chính người sử dụng. Vì chạy theo lý tưởng của riêng mình mà ta lại bác đi những lý tưởng khác hay thậm chí chúng ta còn đặt điều, nói dối nhằm đánh bóng chân lý của mình và làm lu mờ những chân lý khác. Ngoài ra căn bệnh thành tích cũng góp phần làm ngày càng thêm trầm trọng tình trạng này.

Là một người trẻ tuổi, tự hào mang trong người dòng máu Lạc Hồng, tôi thiết tha kêu gọi những người có trách nhiệm đừng vì mưu lợi cá nhân hay vì mục tiêu của lý tưởng mà bán đứng cái cốt lõi nhân bản làm nên giá trị Việt Nam.

L. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn