Ai đứng ra tái cơ cấu Vinashin?

Nguyễn Vạn Phú

clip_image001

 

Nhà máy đóng tàu của Vinashin ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ.

 

(TBKTSG) - Vinashin lại trở thành tâm điểm của các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đầu tuần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trước Quốc hội: “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém [tại Vinashin]. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. Tuy nhiên, quan trọng hơn, người dân rất quan tâm muốn biết đề án tái cơ cấu tập đoàn này sẽ được triển khai như thế nào, hiệu quả đến đâu.

Đề án tái cơ cấu Vinashin là một bước đi đúng hướng để giải quyết triệt để gánh nặng nợ nần ở tập đoàn này. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, thẩm quyền tái cơ cấu Vinashin nên giao cho ai? Bởi nếu nói như Thủ tướng “nội dung trả nợ như thế nào, hội đồng quản trị [Vinashin] sẽ trình bày rõ ràng để [đại biểu Quốc hội] hiểu” thì rất có thể việc tái cơ cấu sẽ rơi vào cách làm cũ.

Sở dĩ có vấn đề này là vì, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Vinashin đã chủ trì một cuộc họp báo, tại đó, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, đã có những phát biểu chưa chính xác so với tinh thần đề án tái cơ cấu này.

Lấy ví dụ, ông Sự nói: “Dự kiến mô hình tổ chức của tập đoàn sau tái cơ cấu (đợt 2) được sắp xếp như sau: Số doanh nghiệp còn lại là 43 công ty; tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người; tổng tài sản: 68.234 tỉ đồng; tổng số nợ phải trả là: 53.054 tỉ đồng” (nguồn: website Chính phủ). Điều đó có nghĩa khi tái cơ cấu, Vinashin sẽ cắt giảm hơn 200 công ty, nhờ đó cắt giảm được khoản nợ trên 23.000 tỉ đồng, tài sản cũng giảm đi tương ứng. Hơn 200 công ty này, vẫn mang khoản nợ 23.000 tỉ đồng, sau đó dù được “cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản” như đề án yêu cầu thì số tiền thu được phải dành để trả nợ cho chính họ. Vì theo Bộ GTVT, tổng vốn của 216 doanh nghiệp này chỉ là 192 tỉ đồng.

 

Vinashin trước tái cơ cấu

• Tổng tài sản: 104.649 tỉ đồng

• Tổng nợ phải trả: 86.565 tỉ đồng

• Vốn chủ sở hữu: 8.034 tỉ đồng

Vậy mà tại buổi họp báo ông Sự lại lý giải: “Cứ cho rằng chỉ bán được bằng giá đầu tư thì chúng tôi sẽ thu được 23.000 tỉ đồng, như vậy tổng số nợ xuống còn hơn 40.000 tỉ đồng”! Nói như vậy là tính trùng lắp thành hai lần.Quan trọng hơn, 200 công ty này chỉ có thể cổ phần hóa, bán, chuyển nợ thành vốn nếu chúng hoàn toàn được tách rời Vinashin và do một cơ quan khác quản lý. Chúng phải được làm minh bạch sổ sách, xốc lại công nợ, vạch được con đường phát triển mới - tức từng công ty cũng phải trải qua quá trình tái cấu trúc - lúc đó mới hy vọng việc cổ phần hóa hay bán chúng thành công. Quá trình này chắc chắn không thể giao cho Vinashin.

Đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định rõ ràng: “Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp”, cũng như: “Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn”. Như vậy đề án đã làm đúng theo quy định pháp luật hiện nay, tập đoàn chỉ là một tổ hợp các doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, chỉ có công ty mẹ (cùng tên) và các đơn vị thành viên là có tư cách pháp nhân.

 

Vinashin sau tái cơ cấu

• Tổng tài sản: 68.243 tỉ đồng

• Tổng nợ phải trả: 53.054 tỉ đồng

• Vốn chủ sở hữu thực có: 9.615 tỉ đồng (theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỉ đồng).

Vì lẽ đó, cũng nên xác định rõ, ví dụ, ông Nguyễn Ngọc Sự là chủ tịch hội đồng thành viên công ty mẹ Vinashin chứ không phải là chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Vinashin chung chung. Dĩ nhiên, công ty mẹ có đầy đủ quyền hạn đối với công ty con theo luật định nhưng cần phải xác định rõ mối quan hệ này chỉ là “quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác”.

Thứ ba, đề án tái cơ cấu nhấn mạnh Vinashin chỉ còn hoạt động trong ba lĩnh vực: đóng tàu, sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ hỗ trợ lĩnh vực trước và đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu. Vậy thì phải đăng ký lại Vinashin vì trong quyết định chuyển Vinashin thành công ty TNHH một thành viên vẫn còn ghi những ngành nghề như sản xuất rượu bia, xi măng, ô tô, đủ cả. Có ý kiến cho rằng việc đăng ký lại này sẽ kéo dài đến năm 2013 theo kế hoạch tái cơ cấu. Thật ra, không cần phải chờ một thời gian dài như thế vì việc đăng ký lại doanh nghiệp là dành riêng cho công ty mẹ (là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân) để từ đó định hướng phát triển đúng đắn cho Vinashin. Từng công ty con mà giấy đăng ký kinh doanh có những ngành nghề vượt ngoài ba lĩnh vực chính vẫn phải giữ nguyên để còn cổ phần hóa, bán, khoán hay cho thuê theo luật định.

Vì vậy, việc tái cơ cấu Vinashin phải giao hẳn cho một đầu mối với những cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm chứ không thể giao từng phần việc cho các bộ, ngành hay hội đồng thành viên Vinashin như ghi trong đề án. Chính việc giao cho nhiều nơi chịu trách nhiệm như thế là một trong những nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ Vinashin mà cuối cùng chưa có ai chịu trách nhiệm cụ thể cả.

Vẫn còn đó những câu hỏi

Sau khi tái cơ cấu đợt 1, Bộ GTVT cho biết, tổng tài sản của Vinashin là 95.672 tỉ đồng; tổng nợ: 76.241 tỉ đồng + vốn chủ sở hữu: 9.615 tỉ đồng. Theo nguyên tắc, tài sản bằng nợ cộng với vốn. Nhưng trong trường hợp này nợ cộng với vốn mới bằng 85.856 tỉ đồng, không biết còn gần 10.000 tỉ đồng biến đâu mất? Thứ hai, theo Vinashin, sau khi tái cơ cấu đợt 1 (tức là sau khi điều chuyển một số doanh nghiệp cho PVN và Vinalines), tổng nợ của Vinashin còn xuống hơn 63.000 tỉ đồng. Giữa hai con số 76.241 tỉ đồng và 63.000 tỉ đồng, con số nào là chính xác?

Trong thông báo gửi báo chí, Bộ GTVT khẳng định nợ của Vinashin tại thời điểm 30-6-2010 là 86.565 tỉ đồng. Tuy nhiên nếu so với tài sản của Vinashin cũng vào thời điểm đó là 104.649 tỉ đồng thì vốn chủ sở hữu của Vinashin lẽ ra phải lên đến 18.084 tỉ đồng. Thực tế Bộ GTVT cho biết vốn Vinashin lúc đó chỉ là 8.034 tỉ đồng. Điều này có nghĩa số nợ thật của Vinashin phải cao hơn con số 86.565 tỉ đồng, thêm khoảng 10.000 tỉ đồng nữa.

N. V. P.

Nguồn: Thesaigontimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn