Nghị định Kinh doanh Xuất khẩu gạo số 109/2010/NĐ-CP: Sự quan liêu, vô trách nhiệm đối với quyền lợi nông dân

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Ngay khi Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo số 109/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 109) còn là Dự thảo, Bộ Công thương đã thể hiện sự quan liêu khi không hề hỏi ý kiến của nông dân và Hội Nông dân.

Ông Huỳnh Quốc Cường – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – cho biết trên báo Tuổi trẻ Online: “Vừa rồi qua bốn lần dự thảo nghị định này, toàn là doanh nghiệp, buôn bán bàn với nhau chứ không bàn trực tiếp với nông dân”.

Rồi ông Chủ tịch Hội Nông dân than thở: “Tôi rất băn khoăn nông dân làm ra lúa gạo, vậy mà khi bàn chính sách để điều hành việc xuất khẩu gạo, Bộ Công thương lại không hỏi gì đến tâm tư, đề nghị của nông dân” [1].

Bản thân tôi cũng đã gởi e-mail góp ý cho trang tin điện tử của Chính phủ, ở địa chỉ cchc@chinhphu.vn, và được trả lời như sau:

Ban Bạn đọc - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhận được thư của ông góp ý về Dự thảo Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo. Ban Bạn đọc đã chuyển góp ý của ông đến cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu. Chúng tôi sẽ thông tin cho ông khi có kết quả.
Trân trọng thông báo để ông được biết!
”.

Góp ý này, sau đó tôi viết thành bài: “Dự thảo Nghị định XK gạo: Tưởng kín mà… hở” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam Online.

Góp ý của tôi cũng không được Bộ Công thương lưu ý.

Nông dân làm ra lúa gạo. Xuất khẩu gạo là xuất khẩu sản phẩm của nông dân. Vậy mà Hội Nông dân không được mời góp ý; các góp ý của nông dân không được quan tâm. Vậy nói Nghị định xuất khẩu gạo quan tâm đến quyền lợi của nông dân là quan tâm cái gì?

Toàn là doanh nghiệp, buôn bán bàn với nhau” thì biết quyền lợi của nông dân ở đâu trong xuất khẩu gạo mà quan tâm cho đúng? Có chăng chỉ quan tâm đến quyền lợi của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Trong Nghị định 109 có hai lần “nhân tiện” nhắc đến quyền lợi của nông dân. Lần 1 trong Điều 10 khoản 1: “Góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và bảo đảm lợi ích của người trồng lúa theo chính sách hiện hành”. Lần 2 trong Điều 14 khoản 1: “[] Điều này góp phần bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành”.

Xin hỏi Bộ Công thương: Hiện nay chúng ta có chính sách nào bảo đảm lợi ích của người trồng lúa mà Nghị định 109 căn cứ vào? Tại sao Nghị định 109 không qui định cụ thể quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo? Mà lợi ích của nông dân phải tùy thuộc vào những chính sách ở đâu đâu chẳng biết?

Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo mà không hề quan tâm đến quyền lợi của nông dân – chủ nhân của lúa gạo – có nghĩa là Bộ Công thương vô trách nhiệm đối với quyền lợi của nông dân, có nghĩa là đối với nông dân Nghị định 109 có cũng như không.

Quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo nằm ở giá bán gạo xuất khẩu, nằm ở giá thu mua lúa trong nước, nằm ở việc có đủ kho chứa để điều tiết quá trình xuất khẩu gạo - nhằm ấn định và gửi giá lúa gạo, nằm ở việc minh bạch giá thu mua lúa tương ứng từ giá bán gạo xuất khẩu, không hề được nói tới trong nghị định 109.

Điều 19. Giá sàn gạo xuất khẩu: Đầy mâu thuẩn và không khả thi

Điều 19 khoản 1 của Nghị định chỉ khác với dự thảo Nghị Định xuất khẩu gạo lần 4 là có thêm sự tham gia của UBND các tỉnh. Tôi đã phản biện trong bài “Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo tưởng kín mà… hở”. Tôi xin được nhắc lại.

Giá sàn giao cho Bộ Tài chính ấn định theo công thức "3 Bộ + VFA + UBND các tỉnh" - mô hình này sẽ rất khó hoạt động trong thực tế, vì Bộ Tài chính được giao định giá sàn, nhưng không có thực quyền để buộc VFA thực hiện giá sàn mình định ra.

Tôi xin lấy thí dụ: giá sàn XK gạo 5% tấm đang là 400 USD/tấn, giả sử do giá gạo thế giới tăng nên ba Bộ và UBND các tỉnh ấn định giá sàn gạo 5% tấm là 450 USD/tấn, thế nhưng nếu thực hiện giá sàn mới này VFA bị lỗ do đã ký bán gạo theo giá sàn trước là 400 USD/tấn, nên VFA lấy cớ giá sàn này quá cao và đề nghị giữ nguyên giá sàn 400 USD/tấn. Vậy ba Bộ và UBND các tỉnh sẽ quyết định như thế nào?

Nếu vẫn cương quyết giữ giá sàn 450 USD/ tấn thì VFA ngừng ký hợp đồng và ngừng mua lúa nông dân, làm ách tắc lúa gạo trong nông dân, lúc này 3 Bộ và UBND các tỉnh dựa vào đâu để để ký kết hợp đồng XK gạo và mua lúa nông dân theo giá sàn mình ấn định?

Ba Bộ và UBND các tỉnh có năng lực để tiến hành XK gạo theo giá sàn của mình mà không cần sự tham gia của VFA hay không? Còn nếu chấp nhận giá sàn 400 USD/ tấn theo VFA đề nghị (điều này sẽ xảy ra trong thực tế) thì VFA định giá sàn chớ đâu phải 3 Bộ và UBND các tỉnh!

Ba Bộ và UBND các tỉnh không định được giá sàn, nhưng sẽ là tấm bình phong để VFA dựa vào mà hạ giá sàn bán gạo xuất khẩu.

Điều 19 khoản 1 mục a qui định nguyên tắc xác định giá sàn gạo xuất khẩu phải “Phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và thế giới”.

Xuất khẩu gạo thì giá gạo phải phù hợp với “diễn biến thị trường thế giới” chứ sao lại phải phù hợp với “diễn biến thị trường trong nước”?

Bắt giá sàn xuất khẩu gạo phải “phù hợp với diễn biến thị trường trong nước” tức là bắt nông dân phải dùng thu nhập trợ giá cho người ăn gạo trong nước và cả người ăn gạo của thế giới!

Điều 19 khoản 1 mục a đã vô lý, thì Điều 19 khoản 1 mục b càng vô lý đến kỳ cục: giá sàn gạo xuất khẩu phải “phù hợp với giá thóc định hướng được công bố, mặt bằng giá mua thóc, gạo hàng hóa trong nước, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo”.

Giá thóc định hướng không biết định hướng về đâu? Làm gì có mặt bằng giá mua thóc, gạo hàng hóa trong nước mà giá sàn gạo xuất khẩu phải phù hợp?

Giả sử, giá gạo trong nước và thế giới đang ở mức 500 đô la Mỹ/tấn. Bỗng nhiên, giá gạo thế giới lên 600 đô la Mỹ/tấn. Vậy để giá sàn gạo xuất khẩu “phù hợp với mặt bằng giá mua thóc, gạo hàng hóa trong nước” nên khống chế giá gạo xuất khẩu ở mức 500 đô la Mỹ/tấn chăng?

Đến việc giá sàn gạo xuất khẩu phải phù hợp với: “chi phí kinh doanh và lợi nhuận của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo” thì hết biết!!! Hình như tác giả của Nghị định 109 đưa ra kiểu “phù hợp” này trong điều kiện tâm thần không bình thường.

Tôi xin được nói rõ cho Bộ Công thương rằng: hiện nay, dù giá sàn gạo xuất khẩu là bao nhiêu cũng không ảnh hưởng đến chi phí hay lợi nhuận của VFA (hay các thương nhân xuất khẩu gạo) vì họ toàn quyền, tự ý lấy lợi nhuận đầu tấn cho mình.

Giá sàn gạo xuất khẩu là thu nhập của nông dân. Vậy mà giá sàn gạo xuất khẩu được qui định “phù hợp” với đủ thứ đâu đâu không rõ hình hài. Nhưng không hề “phù hợp” một chút nào với quyền lợi của nông dân!

Ấn định giá sàn gạo xuất khẩu như thế nào để phù hợp với quyền lợi của nông dân?

Để đảm bảo quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo, Điều 19 phải được thay đổi như sau:

“Giá sàn gạo xuất khẩu phải căn cứ vào diễn biến của thị trường gạo thế giới. Thị trường gạo thế giới phải qui chiếu về giá sàn gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan”.

Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ Online. Ông Trương Thanh Phong – Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, Chủ tịch VFA – đã cho biết:

“Chúng ta có thể thấy sự chênh lệch giá gạo giữa VN và Thái Lan hiện nay rất bất hợp lý. Cùng một chủng loại gạo 5% tấm nhưng giá gạo Thái Lan cao hơn gạo VN trên 60 USD/tấn, một mức chênh lệch không bình thường. Cũng xin nhấn mạnh rằng hiện nay chỉ có Thái Lan và VN mới có gạo 5% tấm cung cấp cho nhu cầu thị trường” [2].

Qua phát biểu của ông Trương Thanh Phong, giá sàn gạo xuất khẩu cần phải được ấn định thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan tối đa chỉ 50 USD/tấn. Vậy mà hiện nay, cũng chính ông Trương Thanh Phong đang bán gạo 5% tấm của Việt Nam với giá thấp hơn gạo 5% tấm của Thái Lan từ 100 đến 150 USD/ tấn!

Cho nên, Chính phủ và Bộ Công thương phải tìm mọi cách làm giảm biên độ chênh lệch bất hợp lý của giá gạo xuất khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan.

Để giữ vững giá sàn, chống bán phá giá gạo xuất khẩu, phải ra qui định xử phạt nặng các doanh nghiệp bán dưới giá sàn, hình phạt phải đủ mạnh để các doanh nghiệp không dám bán dưới giá sàn. Xử phạt bán phá giá gạo không được qui định cụ thể trong Nghị định 109.

Có đủ kho chứa mới ấn định được giá sàn gạo xuất khẩu và giữ được giá sàn ở mức cao.

Muốn ấn định và giữ ổn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, điều kiện tiên quyết là phải có đủ kho chứa lúa gạo.

Xuất khẩu gạo mà không có đủ kho chứa như chúng ta hiện nay, thì các nhà lãnh đạo xuất khẩu gạo nói thánh nói tướng chơi cho vui, chứ chẳng làm nên tích sự gì cả. Điều này, thực tế xuất khẩu gạo với giá rẻ nhất thế giới hằng năm là minh chứng hùng hồn.

Thế giới thiếu gạo ăn. Chính phủ các nước thiếu gạo không mua đủ gạo cho dân ăn, coi chừng mất chức. Vậy mà Việt Nam đang bán gạo ra thế giới giống như đi bán vé số kiến thiết, phải đi mời từng khách hàng, phải đi qua nước của người ta mà đấu giá. Nguyên nhân chỉ là vì không có đủ kho chứa lúa.

Nếu chúng ta xây đủ kho chứa khoảng 6 triệu tấn lúa. Đến vụ nông dân thu hoạch mua lúa đổ vào kho, đồng thời bán gạo xuất khẩu giá thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại tối đa 50 đô la Mỹ/tấn. Tôi dám chắc khách hàng sẽ vào Việt Nam để xếp hàng mua lúa.

Chính phủ Thái Lan, Chính phủ Ấn Độ, Chính phủ Pakistan đều mua lúa của nông dân bỏ vào kho rồi sau đó mới bán. Nên họ bán gạo xuất khẩu giá cao và ổn định.

Chính phủ Việt Nam không đủ kho nên phải bán tống bán tháo gạo khi nông dân thu hoạch, giá nào cũng phải bán, nên Việt Nam bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới mà lại không ổn định.

Khách hàng ép giá được chúng ta chỉ bởi vì chúng ta không có đủ kho chứa lúa.

Vấn đề kho chứa quan trọng đến vậy, thế mà trong Nghị định 109 Điều 4 khoản 1 mục c qui định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ cần: “có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc…” là đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Phen này Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng mánh. Chừa lại 5.000 tấn kho chứa cho “đủ điều kiện kinh doanh” còn bao nhiêu cho mướn hết, hoặc bán hết để lấy tiền. Vì hiện nay Tổng công ty lương thực miền Nam xuất khẩu gạo theo kiểu sang tay, đâu cần kho chứa!

Kho chứa lúa gạo phải tính toán ở tầm vĩ mô, chứ không nên dùng nó làm công cụ để triệt hạ cạnh tranh. Kho chứa lúa gạo phải được nhìn ở số lượng gạo xuất khẩu hằng năm, chứ không nên có tầm nhìn hạn hẹp vào lợi ích của các ông lớn trong VFA.

Qui định thương nhân chỉ cần có kho 5.000 tấn là đủ điều kiện xuất khẩu gạo, vậy bao giờ Việt Nam mới có đủ 6 triệu tấn kho?

Thiếu kho chứa lúa gạo là vấn nạn của việc xuất khẩu gạo hiện nay. Điều này nhắm một con mắt cũng thấy rõ ràng. Thế mà không có nhà lãnh đạo xuất khẩu gạo nào thấy cả.

Nghị định 109: không hề ấn định giá thu mua lúa cho nông dân

Lúa gạo là của nông dân. VFA được Chính phủ giao ký hợp đồng bán gạo xuất khẩu rồi từ những hợp đồng đó qui ra giá mua lúa cho nông dân, để hưởng lợi nhuận.

Bán gạo xuất khẩu là bán lúa của nông dân. Vì vậy, lẽ ra Nghị định 109 phải xác định giá thu mua lúa căn cứ từ giá bán gạo xuất khẩu.

Giá thu mua lúa = giá sàn bán gạo xuất khẩu qui ra lúa – [(lợi nhuận và chi phí) của VFA + (lợi nhuận và chi phí) của thương lái gạo + (lợi nhuận và chi phí) của thương lái lúa].

Như vậy, Nghị định 109 phải ấn định mức lợi nhuận và chi phí của VFA cùng hai thương lái để đưa ra giá thu mua lúa phù hợp cho nông dân.

Không ấn định giá thu mua lúa hợp lý cho nông dân, Nghị định 109 lại đưa ra “Điều 13. Mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu”. Điều 13 này hoàn toàn không khả thi.

Điều 13 khoản 1: dù thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo (chủ yếu là VFA) có niêm yết giá mua thóc, gạo hàng hóa, cũng chẳng tạo được điều kiện thuận lợi gì cho nông dân, vì nông dân và VFA cách nhau đến hai tầng thương lái.

Nông dân bán lúa tại ruộng cho thương lái lúa, VFA mua lúa tại kho. Giá niêm yết tại kho VFA nông dân làm sao biết được?! Mà nếu biết cũng làm sao bắt thương lái lúa thực hiện cho đúng giá niêm yết.

Điều 13 khoản 2: Hiện nay chỉ một mình VFA độc quyền lúa gạo mà nông dân bị ép giá năm này qua năm khác. VFA và các cơ sở chế biến mà liên kết với nhau sẽ tổ chức thành hệ thống độc quyền chặc chẽ hơn. Nông dân càng bị ép giá.

Điều 13 khoản 3: Quyết định số 80/QĐ-TTg về tiêu thụ nông sản theo hợp đồng đã 8 năm mà không thực hiện được. Nay biến thành điều khoản này thì làm sao thực hiện?

Điều 16. Thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung: Nguyên nhân của việc phá giá gạo xuất khẩu

Mức giá ký hợp đồng tập trung sẽ khống chế giá bán gạo xuất khẩu, không cho giá gạo xuất khẩu tăng theo giá thị trường gạo thế giới. Tôi xin lấy thí dụ:

Giả sử vào tháng đầu tháng 1/2011. Theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty lương thực miền Nam ký hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, bán 2 triệu tấn gạo cho Phillippines với giá 450 đô la Mỹ/tấn.

Vậy nếu vào đầu tháng 2/2011, giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên 550 đô la Mỹ/tấn thì sao?

Vì chưa mua lúa xay gạo giao cho hợp đồng tập trung, nên nếu để các doanh nghiệp ký bán gạo giá 550 đô la Mỹ/tấn và mua lúa theo giá này, Tổng công ty lương thực miền Nam sẽ lỗ 100 đô la Mỹ/tấn. Để khỏi lỗ, ông Trương Thanh Phong trong tư thế Chủ tịch VFA sẽ ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, để các doanh nghiệp không bán được giá gạo 550 đô la Mỹ/tấn. Sau đó sẽ bán gạo với giá bằng hoặc thấp hơn 450 đô la Mỹ/tấn.

Điều này đã xảy ra từ năm 2008 đến nay.

Vậy ngược lại, nếu vào đầu tháng 2/2010, giá gạo trên thị trường thế giới giảm còn 350 đô la Mỹ/tấn thì sao?

Vì chưa mua lúa xay gạo giao cho hợp đồng tập trung, nên VFA sẽ hạ giá mua gạo đúng với giá 350 đô la Mỹ/tấn. Tổng công ty lương thực miền Nam lời thêm 100 đô la Mỹ/tấn.

Qua đó chúng ta nhận thấy: Sau khi ký hợp đồng tập trung, giá gạo xuất khẩu bán ra càng hạ so với giá ký hợp đồng tập trung VFA càng lời. Mà chính VFA ấn định giá gạo xuất khẩu. Vì thế cho nên gạo của Việt Nam luôn giảm giá sau khi ký hợp đồng tập trung, bất chấp giá gạo trên thị trường thế giới.

Điển hình trong năm 2010 này, bắt đầu từ đầu tháng 3 VFA đã bỏ giá sàn xuất khẩu gạo để bán phá giá gạo xuất khẩu.

Điều 14. Điều tiết giá thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu: Công cụ để VFA tước đoạt lợi nhuận của nông dân

Xuất khẩu gạo phải ngẩng cao đầu, để ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cho khách hàng thế giới. Thế nhưng Bộ Công thương lại rúc đầu vào giá thành của nông dân như đà điểu rúc đầu vào cát.

Trong dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo lần thứ 4 Điều 19 khoản 3 qui định: “thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu 30% so với giá thành bình quân chung”. Điều khoản này tôi đã phản đối trong bài: “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành?” đăng trên Bauxite Việt Nam.

Nay Nghị định 109 bỏ Điều 19 khoản 3 của dự thảo Nghị định, nhưng lại thay thế bằng “giá thóc định hướng”.

Giá thóc định hướng” được xác định trên cơ sở “giá thành sản xuất bình quân dự tính”.

Giá thành sản xuất bình quân dự tính” không biết được xác định từ cơ sở nào? Năng suất lúa mỗi năm mỗi khác, lấy giá thành của năm trước để “dự tính” cho năm sau thì làm sao đạt được sự chính xác?

Từ “giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính” Bộ Tài chính chắc phải úm ba la thành “giá thóc định hướng” vì trong Nghị định không đưa ra phương pháp để tính “giá thóc định hướng” từ “giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính”.

Trong xuất khẩu gạo có giá sàn bán gạo xuất khẩu. Giá sàn này căn cứ vào giá gạo trên thị trường thế giới. Giá thu mua lúa qui ra từ giá bán gạo xuất khẩu. Vậy tại sao lại Điều tiết giá thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu?

Khi giá lúa qui ra từ giá sàn bán gạo xuất khẩu cao thì VFA mua bán lúa gạo bình thường. Khi giá lúa quy từ giá sàn bán gạo xuất khẩu thấp hơn 30% so với giá thành thì đã có Nghị quyết đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó quy định “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”. Vậy Bộ Công thương “sáng chế” ra “giá thóc định hướng” để làm gì?

Vì “giá thóc định hướng” căn cứ vào “giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính” nên “giá thóc định hướng” sẽ rất thấp so với giá gạo thế giới.

Vậy mục đích của việc “sáng chế” ra “giá thóc định hướng” là nhằm để tạo kẻ hở cho VFA tước đoạt lợi nhuận của nông dân một cách hợp pháp. Bằng cách mua lúa giá thấp theo “giá thóc định hướng” bất chấp giá bán gạo xuất khẩu cao.

Điều 15. Bình ổn giá thóc, gạo trong nước: không được bắt nông dân trợ giá cho người ăn gạo

Giá lúa gạo trong nước và giá gạo trên thị trường thế giới liên thông với nhau. Giá gạo trong nước chỉ gia tăng đột biết khi giá gạo trên thế giới gia tăng đột biến.

Vì vậy bình ổn giá thóc, gạo trong nước cho người ăn gạo là cần thiết. Nhưng phải có chính sách thích hợp với những qui định cụ thể.

Việc bình ổn giá lúa gạo trong nước, không được phép kềm hảm và khống chế giá bán gạo xuất khẩu. Không được phép làm hại đến quyền lợi của nông dân.

Lúa gạo của nông dân chia làm 2 phần: một phần tiêu thụ trong nước và một phần khoảng 5 – 6 triệu tấn gạo dùng để XK.

Phải có chính sách thích hợp tách bạch hai phần này ra, phần trong nước thì áp dụng chính sách trợ giá cho người ăn gạo, hoặc áp dụng các qui định bình ổn giá cho người ăn gạo, còn phần gạo dành cho XK phải được bán theo giá thị trường thế giới, không bị ràng buộc bởi các qui định bình ổn giá lúa gạo trong nước.

Chính phủ phải dùng ngân sách để trợ giá cho người ăn gạo trong nước. Còn giá bán gạo xuất khẩu vẫn theo giá thị trường thế giới. Chứ không được hạ giá lúa gạo trong nước bằng cách hạ giá bán gạo xuất khẩu.

Tóm lại:

Nghị định 109 xuất phát từ sự quan liêu và coi thường nông dân nên không thực tế, không khả thi.

Nghị định 109 thể hiện một tầm nhìn thiển cận, chỉ thấy được lợi ích của VFA mà không thấy được quyền lợi của nông dân.

Nghị định 109 không giải quyết được những vấn nạn trong việc xuất khẩu gạo là thiếu kho chứa lúa và không tìm cách ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa.

Đối với nông dân, Nghị định 109 là cả một sự thất vọng.

Đối với nông dân, Nghị định 109 có cũng như không.

Ngày 24/11/2010

H. K.

Tài liệu tham khảo:

1. Bài “ Người trồng lúa hưởng lợi quá ít”

http://tuoitre.vn/Kinh-te/348678/Nguoi-trong-lua-huong-qua-it.html

2. Bài “ Bất thường trong xuất khẩu gạo: gạo ngon, bán rẻ”

Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn