Bài toán môi trường dự án bô-xít: Còn nhiều ẩn số

Bình An (tổng hợp)

clip_image001

 

Nhà máy Nhân Cơ đang trong quá trình chuẩn bị khởi công (ảnh thongluan)

 

(VNR500) - Sau buổi tranh luận trực tuyến về khai thác bô-xít Tây Nguyên, nhiều chất vấn vẫn được gửi tới Bộ TN&MT. Để độc giả hiểu hơn về kiến thức và thuật ngữ liên quan, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VNR500) Báo VietNamNet lược trích phần giải đáp của Bộ.

Quan tâm đến cách thoát nước

1. Lượng mưa ở Tây Nguyên có tương tự lượng mưa ở vùng Bắc Brazil không?

Trả lời: Tại Brazil, theo thông tin từ lãnh đạo mỏ Juruti cung cấp thì lượng mưa trung bình năm ở Juruti là 2.600 mm. Lượng mưa trung bình năm ở thành phố São Luis (cách vùng mỏ Juruti 1.313 km) là  2.325 mm.

Tại Việt Nam, theo tài liệu của Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ TN&MT), lượng mưa trung bình 55 năm (1955-2010) ở Bảo Lộc là 2.781 mm, lượng mưa trung bình 31 năm (1979-2010) ở Đăk Nông là 2.572 mm.

Ở Đăk Nông, trong thời gian 31 năm, thống kê cho thấy trong 18 lần của tháng 8, có 3 năm 1978, 1984 và 2006 lượng mưa lớn hơn 700 mm (17%). Có 15 năm lượng mưa biến động trong khoảng hơn 400 mm đến hơn 600 mm (83%).

Ở Bảo Lộc, trong thời gian 55 năm, thống kê cho trong 31 lần của tháng 8, có 6 năm lớn hơn 700 mm (20%). Có 25 năm lượng mưa biến động trong khoảng hơn 300 đến hơn 600 mm (80%).

2. Tổ kỹ thuật và Hội đồng thẩm định có khoảng 80% là các nhà khoa học, họ thuộc những cơ quan khoa học nào, cách làm việc ra sao?

Trả lời: Bộ TNMT đã thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật thẩm định và Hội đồng thẩm định đặc biệt (với số lượng gấp 3 lần Hội đồng bình thường, có sự góp mặt của các nhà khoa học đầu ngành, uy tín, trách nhiệm, bao trùm hầu hết các lĩnh vực liên quan tới các vấn đề môi trường của Dự án).

Tổ kỹ thuật đi khảo sát thực địa, xem xét, đánh giá trước nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và tham gia đóng góp ý kiến, giúp Hội đồng nhận diện các nguồn gây ô nhiễm, tính đặc thù của dự án, đánh giá toàn diện tác động và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, khả thi.

Tổ hỗ trợ kỹ thuật còn có trách nhiệm giám sát các nội dung mà chủ đầu tư phải bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

3. Hoàn thổ lớp đất 2-3m có đủ độ dày để trồng trọt tiếp hay không?

Trả lời: Vùng khai thác bô-xít thường là đồi bát úp. Chiều dày lớp quặng bauxít trung bình khoảng 2-4m (dày ở  phần đỉnh đồi và giảm dần ở phần sườn đồi).

Chiều dày lớp phủ trung bình khoảng 1,5-2m (mỏng ở đỉnh đồi và tăng dần ở phần sườn đồi). Phần lớp đất dưới đáy thân quặng thường là lớp sét litoma (rất thuận lợi cho công tác hoàn thổ phục hồi môi trường). Các khu vực khe hoặc các thung lũng hầu như không có quặng.

Công nghệ khai thác áp dụng là công nghệ khai thác lộ thiên và khai thác theo dạng cuốn chiếu (tương tự như công nghệ khai thác bô-xít ở các nước Úc, Brazil...).

Khu mỏ được chia làm nhiều khu vực khai thác và khai thác dứt điểm khu này mới chuyển sang khai thác khu khác.

Trình tự khai thác ở từng khu cụ thể như sau: Đầu tiên tiến hành bóc lớp đất mặt và chuyển sang các bãi thải tạm thời trong khu mỏ. Tiếp theo là tiến hành khai thác quặng bô-xít ở khu vực đã bóc lớp đất mặt.

Sau đó chuyển lớp đất mặt ở bãi chứa tạm thời vào khu vực khai trường đã kết thúc khai thác với chiều dày khoảng 2-3m để phục vụ cho công tác hoàn thổ phục hồi môi trường.

Lớp đất hoàn thổ khoảng 2m ở Tây Nguyên là đủ dày để trồng được nhiều loại cây.

Hiện nay, Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) đã thành lập Trung tâm Lâm sinh để nghiên cứu cụ thể loại cây phù hợp với đặc điểm khu vực và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Tây Nguyên.

4. Khi hoàn thổ thì sự thay đổi địa hình diễn ra thế nào?

Trả lời: Quặng bô-xít dày ở phần đỉnh đồi và giảm dần khi thấp dần xuống phần sườn đồi.

Khi tiến hành khai thác và hoàn thổ thỉ chủ yếu là hạ thấp phần đỉnh đồi là chính, tạo ra địa hình mới bằng phẳng hơn, và do có độ cao nên không tạo ra các vùng ngập nước, vấn đề là có kế hoạch làm mặt bằng phù hợp thì việc trồng cây gây rừng hoặc canh tác vẫn diễn ra bình thường.

Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT đã yêu cầu TKV phải thực hiện đầy đủ quy trình đóng cửa hồ bùn đỏ, hồ quặng đuôi, bãi thải xỉ than và phục hồi môi trường từng phần theo tiến độ vận hành dự án; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giống cây phù hợp cho việc cải tạo, phục hồi môi trường của dự án;

Ngoài ra, theo QĐ số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, TKV phải lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác mỏ của Dự án và thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Bộ TN&MT sẽ thẩm định rất kỹ dự án này.

5. Khu vực hứng nước chảy vào vị trí làm hồ chứa bùn đỏ rộng bao nhiêu?

Trả lời: - Khu vực xây dựng hồ bùn đỏ nằm trong thung lũng, xung quanh có đồi bát úp bao bọc và chỉ có một hướng thoát nước.

- Thung lũng này chỉ tiếp nhận nước mưa chảy tràn từ phần sườn đồi nằm trong phạm vi giữa các đường phân thủy của những ngọn đồi bao bọc xung quanh bao xung quanh (diện tích khoảng 300-400 ha). Thung lũng không tiếp nhận nước từ các lưu vực khác đổ tới.

Trong quá trình thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu Chủ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bao quanh sườn đồi, đảm bảo nước mưa không chảy tràn vào hồ. Hồ bùn đỏ chỉ tiếp nhận nước mưa rơi trực tiếp xuống diện tích mặt hồ.

Vẫn còn nhiều ẩn số

Mặc dù vậy, gửi thư đến Diễn đàn VNR500, độc giả vẫn phản hồi về việc Bộ TN&MT cho rằng, các hồ chứa bùn đỏ trong dự án bô-xít Tây Nguyên đã được thiết kế chống động đất ở mức độ 7 độ Richter.

Sau đó, khi Chính phủ yêu cầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng tuyên bố đã nâng thiết kế từ 7 độ lên 9 độ Richter.

Về thông tin này, ông Trần Đình Thu, một chuyên viên ngành địa chất, cho rằng, thiết kế chống động đất cấp lớn, không phải muốn nâng là được, như nâng nền nhà từ 7 tấc lên 9 tấc.

clip_image002

Khởi công nhà máy khai thác bô-xít Tân Rai (ảnh halongcoal)

Điều này đòi hỏi một sự tính toán cẩn thận, tỷ mỉ, với sự cộng tác của nhiều chuyên gia về địa chất công trình, xây dựng, kiến trúc, sức bền vật liệu... và đặc biệt phải đỏi hỏi thời gian khá dài mới làm xong.

Khi lãnh đạo Bộ Công Thương tuyên bố đã nâng lên cấp độ 9, thì theo ông Thu, đây là cấp kinh hoàng, mức độ của nó là gây ra thảm họa trên một vùng rộng lớn hàng trăm ki lô mét vuông (cấp 10 dẫn đến ngày tận thế, hủy diệt toàn cầu). Nó có thể làm sụp núi, biến dạng địa hình, mặt đất nứt toác ra. Với cấp này, hầu như không có công trình nhân tạo nào tồn tại nổi.

Như vậy, làm sao thiết kế kháng động đất cấp 9 chỉ trong mấy ngày?

Chẳng hạn, trận động đất mạnh 9,2 độ Richter ngày 26/12/2004, làm rung chuyển đáy biển Ấn Độ Dương, tạo ra sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử. Nó tạo ra với những con sóng khổng lồ cao 15m, tràn vào bờ biển của 11 nước trong đó Thái Lan bị thiệt hại nặng nề.

Con số thiệt mạng chính thức được báo cáo là gần 227.900 người. Đây là do xảy ra ở dưới đáy sâu đại dương, nếu xảy ra trên cạn thì không thể tưởng tượng nổi.

Hay trận động đất mạnh chỉ mới 7,8 độ Richter năm 1920 tại Haiyuan, Ninh Hạ, Trung Quốc mà đã làm các con sông đổi dòng chảy và một loạt núi sụp đổ. Sự tàn phá xảy ra đồng loạt trên 7 tỉnh Trung Quốc. Ước tính 200.000 người thiệt mạng.

Ông Thu nhận xét, thật ra ở Tây Nguyên khó lòng xảy ra động đất 9 độ Richter. Các nghiên cứu địa chất đã chỉ ra có thể chỉ từ 7 độ Richter trở lại.

Nhưng qua các ví dụ trên để thấy rằng, khó có thể tin hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên kháng được động đất 7 độ Richter. Đó là chưa kể, động đất khoảng 7 độ Richter, có thể gây sụt lún, nứt nẻ đáy hồ, xử lý thế nào?  Còn động đất nhỏ hơn 7 độ, sự rung chuyển có thể làm đứt các lớp vải kỹ thuật chống thấm lót đáy hồ, xử lý ra sao?

Nước mưa, nước thải nhiễm độc chảy đi đâu?

Trong các công trình xử lý chất thải, vấn đề nan giải nhất là xử lý nước mưa. Với một công trình khổng lồ đến 250 ha thì không thể làm mái che. Ngay một bãi rác của thành phố vài ha đã không làm nổi mái che rồi.

Mặt khác, các hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên hiện nay do nằm trong vùng trũng nên nó còn nhận nước mưa ở nơi khác tràn về. Lượng nước sẽ rất lớn. Ông Thu không thấy công bố lượng nước tràn vào các hồ chứa mỗi năm là bao nhiêu.

Nước này sẽ "chiết" các hóa chất độc hại trong bùn đỏ mà nhiều nhất là xút tàn dư, sẽ chảy đi đâu?

Theo ông Thu, nhiều khả năng nó sẽ chảy tràn ra sông suối, hòa vào 2 hệ thống sông Đồng Nai và Mê Kông để xuống phía hạ lưu, hủy diệt hàng loạt vùng đất phía Nam.

Ngoài nước mưa, thì lượng nước sản xuất khổng lồ cũng chứa đầy xút và các hóa chất độc hại khác chảy đi đâu hay cũng đổ vào sông suối?

Do vậy, độc giả Phạm Viết Đào nhìn nhận: thực tế đã xảy ra điều này trên phạm vi toàn cầu nên đã dẫn đến hậu quả: môi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các bộ phận phanh hãm sự tán phá môi trường không có hiệu quả; điều này đã xảy ra ngay ở tại các quốc gia kinh tế đang tăng trưởng hay luật pháp nghiêm như Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc.

B. A.

Nguồn: Vnr500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn