"Đòi nợ" luật biển

Lan Anh

image Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội, ông Lê Quang Bình cho rằng, để bảo vệ an toàn cho ngư dân, Quốc hội không thể trù trừ mãi việc thông qua luật biển, không thể cứ vin lí do tế nhị mà gác lại.

ĐBQH cần được thông tin chính xác về tình hình Biển Đông

Thưa ông, vì sao những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến đời sống  người dân, an ninh quốc gia như chủ quyền biển đảo, an toàn cho mạng sống ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ... vẫn chưa được đưa vào nghị trình chính thức tại kỳ họp QH lần này?

Vấn đề này nhạy cảm vì liên quan đến an ninh quốc gia và đối ngoại. Dân ta cũng hiểu biết và được sự đồng thuận nhưng vì tôn trọng ý kiến lãnh đạo và tập thể nên thôi.

Còn tôi vẫn nói Quốc hội nên có quy định họp công khai, khi cần thiết thì hội nghị kín. Kín tức là họp nội bộ (Quốc hội nước nào cũng làm như vậy cả). Việc này cần thiết để thông tin cho đại biểu nắm được tình hình biển Đông thực tế hiện nay thế nào.

Theo quan sát thì mấy kỳ họp gần đây, một số vị ĐBQH cũng đã chất vấn khá gay gắt xung quanh chuyện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân Việt Nam  trên biển?

Nói cho công bằng, chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ ngư dân. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã họp liên tục, họp hàng ngày để tìm cách xử lí các sự cố. Các cấp, ngành cũng có những cuộc công du chính thức, lãnh đạo các bên đã có rất nhiều cuộc trao đổi về vấn đề ngư dân trên biển.

clip_image001

Ảnh Lê Anh Dũng

Theo dõi Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng thấy rõ điều này.

Tôi cho rằng, về việc này phải rất kiên trì. Trước nhất làm thế nào để thống nhất với nhau thực hiện tốt nguyên tắc ứng xử biển Đông của các nước liên quan.

Nhưng có vẻ như sự an toàn của ngư dân Việt khi đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền đất nước vẫn chưa được cải thiện nhiều?

Hiện nay các nước liên quan trong khu vực đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lí cao hơn, thay thế cho Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông năm 2002.

Việt Nam là thành viên tích cực để làm việc này và được sự đồng tình cao của các nước ASEAN. Lúc này rất cần sự tham gia của Trung Quốc nữa. Xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc thì có cơ sở pháp lí để đấu tranh.

Tinh thần là làm thế nào để Biển Đông ổn định, mọi tranh chấp phải giải quyết bằng thương lượng, hòa bình tránh dùng vũ lực.

Đó là về đối ngoại. Còn về đối nội, phải làm sao tăng cường tuyên truyền giáo dục về biển đảo cho ngư dân. Đặc biệt mỗi ngư dân, mỗi người dân phải tôn trọng pháp luật trên biển, pháp luật Việt nam và pháp luật các nước.

Phải sớm thông qua luật Biển

Có ý kiến cho rằng ngư dân Việt Nam bị "bắt nạt" thường xuyên hơn ngư dân các nước lân cận, cũng đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo tại khu vực biển Đông. Trong khi đó, Luật biển Việt Nam vẫn còn là dự án luật treo, vì nhiều lí do đã mấy lần trì hoãn, không đưa vào nghị trình Quốc hội...

Những vụ bắt giữ tàu cá của ngư dân là do bên kia họ bảo ngư dân của ta xâm phạm chủ quyền của họ, bên ta cũng khẳng định đó là chủ quyền hợp pháp của ta nên cứ xảy ra những vụ bắt giữ như vậy.

Trung Quốc, Phillipine, Indonesia đã ban hành rất nhiều đạo luật về biển. Họ tuyên bố chủ quyền quốc gia trong các đạo luật đó.

Ta vẫn chưa có bộ luật nào quy định sâu sắc về chủ quyền biển trong khi đó các nước đã tuyên bố, coi đó là lãnh thổ biển của họ. Trong các đạo luật liên quan của nước ta mới có luật biên giới quốc gia là nói về chủ quyền biển, nhưng mới chỉ nói ở tầm rìa ngoài của đường lãnh hải thôi, chứ cũng chưa nói gì đến chủ quyền biển, đảo.

Bởi vậy lâu nay vẫn cứ áp dụng Công ước luật biển năm 1982 của LHQ. Tự mình vạch ra do chính phủ công bố. Quốc hội cũng chưa có công bố nào trừ việc có ra nghị quyết phê chuẩn Công ước luật biển năm 1982. Vì vậy, ngư dân cứ theo đường tuyên bố của chính phủ để đi.

Trung Quốc bây giờ tuyên bố đường lưỡi bò, hàng ngày họ cứ cho tàu hải giám, thậm chí cả máy bay định vị phát hiện nếu ngư dân ta vượt đường đó là họ bắt. Mà luật của họ quy định rồi, họ nói rằng đó là của Trung Quốc nên vi phạm là bắt.

Còn nước ta cũng nói đó là chủ quyền của ta và tuyên truyền cho ngư dân như vậy.  Ngư dân cứ đánh bắt, còn họ thì cho là ta vi phạm nên bắt bớ.

Do vậy, đã đến lúc không thể trù trừ được nữa việc ban hành Luật về biển và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý cao.

Xây dựng Luật chuyên sâu về biển đảo là nhiệm vụ của Quốc hội. Trước an toàn của các tàu cá Việt Nam liên tiếp bị đe dọa như vậy, trách nhiệm Quốc hội trong việc bảo vệ ngư dân thế nào?

Quốc hội có hai chức năng là làm luật và giám sát thực hiện pháp luật. Mà luật biển đã làm đến 3 nhiệm kì rồi mà vẫn chưa thông qua được thì sao Quốc hội giám sát. Ngay cả khi ta giám sát có thể được thì cũng thiếu căn cứ pháp lí trong nước.

Vì vậy, trước mắt Quốc hội làm sao thông qua được luật biển.

Ủy ban Quốc phòng An ninh hiện nay đang kiến nghị phải sớm thông qua luật biển càng sớm càng tốt. Chúng tôi đề nghị tốt nhất năm 2011 hoặc 2012 là cùng.

Bây giờ cứ đến hội nghị nào đó lại bảo tế nhị nên gác lại. Trong khi đó, các nước ban hành rất nhiều rồi, thậm chí ban hành quy định bảo vệ  biển, hải đảo rất cụ thể nếu ai xâm phạm thì xử lí thế nào. Trong đó, có quy định trường hợp cần thiết sử dụng những biện pháp đặc biệt bằng vũ khí, bắn cảnh cáo nếu không ra thì bắn tiêu diệt.

Trước những gì đã diễn ra, rõ ràng ranh giới trên biển là rất mong manh, vậy ông có đề xuất giải pháp gì để bà con ngư dân ta được an toàn hơn khi làm ăn trên biển?

Biển của ta nên dân ta có quyền đánh bắt cá và có quyền hoạt động trong lãnh thổ của ta. Các nước có tranh chấp đó phải làm thế nào tôn trọng nguyên tắc ứng xử biển Đông hiện nay đã kí kết. Giữ nguyên trạng thái hiện nay, cùng nhau khai thác và nếu có chỗ nào tranh chấp thì phải giải quyết với nhau bằng thương lượng hòa bình.

Tốt nhất thông báo cho nhau, giữ hòa khí. Ta đối với các nước đã thế, các nước cũng nên tôn trọng như thế.

L. A.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn