Tin tặc và các thông tin nhạy cảm

Tô Văn Trường

clip_image001

Trước đây, blog Oshin của nhà báo Huy Đức "ăn khách" vào loại nhất cả nước bị hack, ngay cả e-mail cũng phải thay đổi địa chỉ mới, từ đó ngán ngẩm nhân tình thế thái "nghỉ chơi" luôn để lại nhiều "dấu lặng" trong lòng bạn đọc. Mới đây hai trang mạng của Anh Ba Sàm (bí danh của Anh Nguyễn Hữu Vinh nguyên sỹ quan an ninh, xin ra khỏi ngành làm doanh nghiệp) có nhiều người truy cập cũng bị hack. Gần đây, tôi được thông báo địa chỉ e-mail của GSTSKH Mai Thanh Tân bị hack, rồi đến máy tính của GS Tương Lai nguyên Viện trưởng [Viện Xã hội học – BVN] Viện KHXHVN, thành viên cũ của IDS cũng bị hack tấn công không còn khởi động được nữa.

Hàng ngày GS Tương Lai bỏ công vào buổi sáng làm nhiệm vụ "điểm tin trên mạng" thường có nhiều bài nói về bô xít, hồ bùn đỏ, Vinashin, tình hình biển đông, và các bài báo của nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc vv…Địa chỉ nhận điểm tin hàng ngày của GS Tương Lai rất hạn chế, đều là những người có tên tuổi như GS Hoàng Tụy, GS Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh, TS Dương Quang Trung, v.v. thế mà máy tính của GS Tương Lai cũng bị tin tặc!?

Hơn một tuần lễ vắng bóng "Mục đọc tin buổi sáng" của GS Tương Lai. Không hiểu những người có trách nhiệm với quyền lực và sức mạnh trong tay, liệu có biện pháp hữu hiệu nào để truy tìm, cảnh cáo những kẻ giấu mặt, người lạ trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân. Quyết không chịu thua tin tặc, GS Tương Lai đã nhờ người có tay nghề khôi phục lại máy tính nhưng các dữ liệu ở ổ C để điểm tin hàng ngày không còn nữa. Trong “cái khó, ló cái khôn”, GS đã thay điểm tin hàng ngày bằng điểm tin vài ngày để tái ngộ với người đọc. Theo chúng tôi hiểu, sở dĩ GS Tương Lai không chịu thua tin tặc vì ông không chịu rơi vào tình cảnh phải ngâm câu thơ của Đặng Dung thế kỷ XIV: "Thế sự du du nại lão hà" để luận rằng "Thời lai đồ điếu (người bán thịt và kẻ đi câu) thành công dị. Vận khứ anh hùng ẩm hận đa". "Thời " và "vVận" đều do ta chủ động tạo ra thôi. Vận nước đang suy, mỗi một người đều phải tìm cách dấn thân tìm cách góp phần nhỏ bé của mình vào thúc đẩy để tạo nên "thời" nhằm chấn hưng lại "vận". Thiền sư Vạn Hạnh, người thầy của Lý Thái Tổ đã dựng nên triều đại Nhà Lý, đã từng dạy Lý Công Uẩn " Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô" (ngẫm và hiểu cái lẽ của thịnh suy, lòng không sợ hãi, vì thịnh suy nối tiếp nhau chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ).

Tôi là dân làm công tác khoa học kỹ thuật, thực sự bước vào lĩnh vực phản biện xã hội là nhờ được Ông Sáu Dân chỉ dẫn, dìu dắt và học tập kinh nghiệm của các lớp đàn anh. Thực tế cuộc sống dạy cho tôi hiểu rằng phản biện xã hội là nghệ thuật, đòi hỏi trí tuệ, dày công "tu luyện", bản lãnh và phải có chính kiến xây dựng trên nền tảng tất cả vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đất nước quá nhiều đời rác, cần "quét rác" thay cho "bới rác" để cho người bị phản biện dù có phật lòng nhưng vẫn quan tâm, xem xét, suy ngẫm. Nếu chỉ "bới rác" để sướng tai cho một số người đọc nhưng người có thẩm quyền lại bực mình không thèm đọc, vứt vào "sọt rác" thì lại hỏng.

Tôi nhớ một câu chuyện cách đây khá lâu, khi còn ở cương vị Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, trong một lần đi công tác cùng Anh Trương Tấn Sang khảo sát hệ thống công trình thủy lợi ở bán đảo Cà Mau (cống Tắc Thủ), Anh Tư Sang nói với tôi và GS Phạm Hồng Giang Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đại ý như sau: "Tôi nhận được bài viết góp ý về chiến lược phát triển kinh tế đất nước của ông Trường, đọc mấy trang đầu thấy nóng cả người nhưng đọc xong 14 trang, tôi cho thư ký photocopy gửi đến các Anh có trách nhiệm cả bên Đảng và Chính phủ để tham khảo”. Bài viết ấy mặc dù khá “đụng chạm” nhưng người ta vẫn còn muốn đọc vì nó không thuộc trường phái “bới rác”!

Sau khi Vietnamnet đăng bài “Lỗ hổng thiết kế hồ bùn đỏ và bài toán dự án bô xít Tây Nguyên”, trong đó, đã phân tích về những khiếm khuyết của thiết kế, và sự nhầm lẫn về tính toán kinh tế qua các chỉ tiêu IRR và NPV, tôi được thông tin người có trách nhiệm ở Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ có phản hồi bài viết này. Vui mừng vì TKV đã quan tâm và chấp nhận tranh luận công khai những vấn đề nhạy cảm của dự án, tôi nhờ ban biên tập VNN chuyển tiếp đến TKV một số câu hỏi cụ thể như sau: (1) Phải minh bạch toàn bộ các giả định về bài toán kinh tế mà Bộ Công Thương sử dụng. Thí dụ, cần xác định cho rõ là chi phí có tính đến phí thương nghiệp và vận chuyển cho đến lúc đưa hàng lên tầu chưa? (2) Cách tính kinh tế tài chính là dựa vào đồng USD tương đối ổn định hay đồng VN rất mất ổn định vì đang phải đối phó với lạm phát cao? (3) Tỷ lệ lời/lỗ của dự án khi tính sẽ so với tỷ lệ lời khi làm đất cho các mục đích sản xuất khác như trồng cà phê, cây công nghiệp, v.v. Lưu ý là khi tính, phải tính trên cơ sở hiện nay, các kịch bản với giá bô xít khác nhau trong tương lai trên thị trường thế giới. Cách tính của Bộ Công thương và TKV đối với dự án Tân Rai qua diễn đàn online vừa qua, cho thấy như sau:

- Giá thành 265 US/tấn

- Giá bán 315 US/tấn

- Thuế (20%) 63 US/tấn

- Doanh thu thuần 252 US/tấn

- Lãi/lỗ: -13 US/tấn

- Thuế (10%) 31.5 US/tấn

- Doanh thu thuần 283.5 US/tấn

- Lãi/lỗ: 18.5 US/tấn

Nếu tính thuế theo quy định của nhà nước 20% như các sản phẩm khác thì chắc chắn lỗ (chưa kể còn tính thiếu, lẫn lộn “công tư” về các hạng mục đầu tư chi phí sản xuất khác) hỏi rằng vì sao lại “cố đấm” thực hiện một dự án mà nhà nước bị thua lỗ về kinh tế, trong khi nguy cơ môi trường bị đe dọa, bất an về xã hội, v.v. Tôi chờ ý kiến chính thức của TKV để tiếp tục tranh luận một cách công khai sòng phẳng, nhưng rất tiếc sau một tuần, được thông báo lại TKV vẫn im lặng, không phản hồi như đã hẹn. Nói về hồ chứa bùn đỏ, một số vị đại biểu Quốc hội yên tâm tin tưởng đã được tính toán an toàn vượt cả cấp động đất cao nhất ở Tây Nguyên qua lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên? Tôi tin rằng Bộ trưởng cũng là người ngộ nhận vì trong tất cả các sách vở, tài liệu về Đánh giá tác động môi trường (EIA) đều không có phần đánh giá rủi ro vì đây là một lĩnh vực khoa học riêng, phụ thuộc xác suất, toán học và số liệu rất phức tạp chưa được quy định áp dụng trong EIA ở Việt Nam.

Tôi được đọc bức thư của Tiến sĩ Trần Quang Tình gửi ông Trần Xuân Hòa Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 18/3/2010 trong quá trình lập tài liệu thiết kế khai thác và luyện nhôm hiện hữu, không thấy nhắc đến việc thu hồi các nguyên tố đi kèm trong bùn đỏ, còn chứa một hàm lượng Uranium và Thorium. Lỗ khoan 21 Đắc Nông cho kết quả Thorium 6,74 ppm và Uranium 9,92 ppm (mẫu 21-2) và Thorium 6,19 ppm và Uranium 56,56 ppm (mẫu 21-1). Vấn đề này đã được ông Jean Claude SAMARA hiệu trưởng trường Đại học Địa chất ứng dụng Nancy - Cộng hòa Pháp đã thông báo với Ông Trần Đức Lương vào năm 1986 (khi đó Ông Lương là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất) nhưng cho đến nay vẫn chưa được TKV quan tâm, xem xét đến vấn đề nhạy cảm này.

Đối với các chuyên gia Trung Quốc tham gia thiết kế hồ bùn đỏ còn nhiều khiếm khuyết về tính ổn định, nhất là hồ sơ thiết kế thi công, tôi tin rằng họ sẽ biết lắng nghe những điều hay, lẽ phải bởi vì chân lý của khoa học chỉ có chung ngôn ngữ. Tôi nhớ lại câu chuyện vào năm 2000, đoàn công tác của Việt Nam sang Lào và Trung Quốc dự hội thảo và đi khảo sát thực địa đánh giá về tác động đến môi trường do 4 nước thượng lưu có kế hoạch nổ mìn phá đá dọc sông Mekong để mở rộng luồng giao thông thủy cho xà lan 150 tấn từ Trung Quốc qua Myanmar về Thái Lan và Lào. Đoàn chuyên gia Việt Nam do tiến sĩ Nguyễn Đình Thịnh thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNT) làm trưởng đoàn gồm 5 thành viên của Bộ NNPTNT, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Thủy sản, Bộ giao thông. (đại diện Bộ thủy sản hồi ấy là PGS Nguyễn Chu Hồi, hiện nay là Tổng cục phó Tổng cục biển hải đảo, Bộ TNMT). Ở hội thảo, chúng tôi tranh luận với các chuyên gia Trung Quốc về cách giải Hệ phương trình Saint-Venant một chiều mô tả dòng chảy trong kênh sông, gồm phương trình liên tục và phương trình chuyển động. Để giải số hệ phương trình Saint-Venant thường có các phương pháp phần tử hữu hạn, đường đặc trưng, sai phân hiện, chẳng hạn sơ đồ Lax hay sơ đồ cóc nhảy (leap-frog); Phương pháp phần tử hữu hạn (FEM), ra đời từ cơ học vật rắn, nhưng khi áp dụng cho bài toán dòng chảy một chiều trong sông thì không có ưu điểm gì hơn phương pháp sai phân (thậm chí còn phức tạp), cho nên hầu như không sử dụng . Phương pháp đường đặc trưng là hệ phương trình hyperbol, một chiều, trong chế độ chảy êm, có hai họ đường đặc trưng trái dấu: trên mỗi họ đường sẽ có các hệ thức đặc trưng mà khi giải số lại phải rời rạc hóa các hệ thức này bằng sai phân. Vì thế phương pháp đặc trưng thường được dùng để xem xét số lượng các điều kiện biên. Trước đây do hạn chế về tốc độ máy tính và phương pháp giải hệ phương trình đại số, nên phải dùng phương pháp sai phân hiện vì tính toán đơn giản và không phải giải các hệ phương trình đại số phức tạp. Tuy nhiên, ngày nay do tốc độ máy tính khá nhanh và phương pháp giải các hệ phương trình đại số cũng khá tốt nên người ta dùng phương pháp sai phân ẩn. Các phương pháp sai phân ẩn thường gặp như sơ đồ ẩn 4 điểm của Preissmann, sơ đồ Dronker, sơ đồ ẩn 6 điểm loại Abbott-Ionescu (tính H xen kẽ Q), sơ đồ của phòng thí nghiệm thủy lực Delft, sơ đồ Vasilev (Liên Xô).

Tranh luận ở hội thảo không ngã ngũ về kết quả tính toán thủy lực, buổi tối ngồi riêng thảo luận chi tiết với 3 giáo sư của đại học Vũ Hán đã từng du học ở Mỹ (đại diện cho tư vấn của 4 nước thượng lưu) tôi “lật bài ngửa” đại ý các bạn giải hệ phương trình Saint-Venant theo phương pháp đường đặc trưng, chúng tôi theo phương pháp sơ đồ ẩn 4 điểm của Preissmann được sử dụng phổ biến so với các sơ đồ khác, sở dĩ có sai số lớn vì số liệu đầu vào về địa hình và thủy văn khác nhau. Sau khi tranh luận, rồi hội ý, cuối cùng phía bạn đã phải cung cấp cho chúng ta các tài liệu “Mật” nói trên. Kể lại câu chuyện này, để thấy rằng nếu vì sự phát triển bền vững trong việc sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực sông, cần có thiện chí, hiểu biết, trí tuệ, kiên nhẫn và sự tin cậy lẫn nhau thì cái không thể sẽ trở thành có thể.

Nhìn rộng ra sau hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ hai kết thúc vào chiều ngày 12 tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, người dân được biết nhiều hơn về chủ đề của Hội thảo "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Các tài liệu nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đã nêu rõ Biển Đông là nơi tranh chấp rất phức tạp về chủ quyền đảo và tranh chấp vùng biển. Hoàng Sa trên thực tế là tranh chấp ba bên giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trường Sa là nơi tranh chấp của Brunei, Malaysia, Philippin, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Nhớ lại những tháng đầu tiên vấn đề Biển Đông nổi lên rất gian nan, báo chí, bloggers nói rất mạnh, phê phán cả việc gọi là tàu lạ tấn công, ngư dân bị bắt, Chính phủ không có phản ứng. Đến bây giờ, khách quan mà nói ứng xử của Chính phủ ta đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực được lòng dân hơn, đặc biệt đã khéo léo quốc tế hóa, đưa được vấn đề Biển Đông vào các chương trình hội nghị của ASEAN, kéo được Nga, Mỹ, Ấn Độ vào làm đối trọng. Trước hết, chúng ta phải chịu trách nhiệm vì không ai bảo vệ quyền lợi đất nước bằng chúng ta. Chiến thuật ngoại giao của chúng ta là không đối đầu, vận động những nước khác nói hộ ta. Chiến thuật đó đúng trong thời gian trước nhưng hiện nay các nước có thể đặt lại câu hỏi tại sao Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất của đường lưỡi bò của Trung Quốc lại không công khai lên tiếng, liệu có sự thỏa thuận đi đêm với Bắc Kinh khi đàm phán vấn đề trên biển? Hoàng Sa thì Bắc Kinh không bàn, còn Trường Sa nếu ta chỉ bàn với Bắc Kinh thì có thể hiểu chấp nhận đàm phán song phương để giải quyết một vấn đề đa phương như quan điểm chính thống vẫn tuyên truyền! Có những vấn đề tiên quyết như thềm lục địa 200 hải lý tính từ bờ biển thì phải giữ, còn các đảo chỉ nên có một vùng biển hạn chế, để các nước trong ASEAN phải có một lập trường chung, có sự công nhận chủ quyền lẫn nhau thì mới đoàn kết được trước sức mạnh đang lên của phía Bắc. Và nếu giảm bớt đòi hỏi thì có bị kết tội là bán nước không, hay là một cách tập hợp lực lượng giữ lấy những gì mà ta đang có như một nguyên tắc của luật từ thời La Mã. Vấn đề nhạy cảm này chắc sẽ còn phải suy nghĩ rất nhiều, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, dám quyết và chịu trách nhiệm. Trung Quốc không có chứng cứ gì để nói rằng họ đã có chủ quyền ở cả Hoàng Sa và Trường Sa nhưng họ có thế của kẻ mạnh là nước lớn và thực tế đang chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó có người đề cập về thời Chiến Quốc có hai cách trong cách quan hệ giữa nước tiềm lực yếu và nước có tiềm lực mạnh. Một là “hợp tung” nghĩa là các nước yếu hợp tác chống lại nước mạnh để kiềm chế nguy cơ bị thôn tính. Hai là “liên hoành” nghĩa là các nước yếu thuần phục nước mạnh, chia sẻ lợi ích cho nước mạnh để đổi lấy không bị chiến tranh (mà nguy cơ thiệt hại là nhiều hơn do nước tiềm lực yếu). Điển hình cho tư tưởng “hợp tung” là Tô Tần, người mang ấn tể tướng 6 nước, trong 15 năm không cho Tần xâm phạm đến 6 nước này. Điển hình cho tư tưởng “liên hoành” là Trương Nghi, thừa tướng của Tần, giúp Tần lần lượt thôn tính tất cả các nước. Chính sách “hợp tung” có điểm yếu là khi không còn mối đe dọa từ nước Tần mạnh trong ngắn hạn và các nước nhỏ không kiểm soát được các lợi ích cục bộ, các nước trong “hợp tung” sẽ tấn công lẫn nhau và đấy là cơ hội để nước Tần diệt các nước này thông qua thuyết “liên hoành”. Cách tiếp cận này dựa trên một tiên đề là “các nước chắc chắn muốn thôn tính lẫn nhau, dù là yếu hay mạnh”. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không thể có nếu không tự chủ về chính trị và kinh tế. Không nên gói gọn trong vấn đề địa lý thuần túy. Điều căn bản là xây dựng thực lực. Có thực lực sẽ có tất cả, mất thực lực thì sẽ bị phụ thuộc và mất tự chủ. Nhưng trước khi có thực lực thì cần phải tin vào khả năng và có kế hoạch thực hiện. Nếu không tin và biết cách làm thì chắc chắn sẽ không xây dựng được thực lực, điều này có thể thấy rõ ở người Nhật hay sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan và cả Singapore.

Vậy giải pháp đầu tiên ta phải là ta có bản lĩnh và triệu người như một. Cái nghèo trước mắt không phải là mối nguy lớn, mà lo là thiếu bản lĩnh, thiếu triệu người như một tử trên xuống dưới. Những vấn đề đang tranh chấp ở Biển Đông, nên có cách thức và công sức thích hợp để có thể đổi tên thành Biển Đông Nam Á và quan điểm, chính sách, phương thức của Việt Nam ta để giải quyết, từ toàn Biển Đông đến các quần đảo ở Biển Đông.

T. V. T.

Nguồn: Xuân Diện blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn