Về nợ nước ngoài của Việt Nam

Vũ Quang Việt

imageBài phân tích về nợ của tôi là dựa trên Bản tin số 5 về nợ nước ngoài  đã công bố trên mạng của Bộ Tài chính http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1857109   Điều này tôi không biết cho đến khi anh Nguyễn Vạn Phú, Thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn thông báo cho tôi sau khi đọc bài viết của tôi trên Diễn Đàn. Vậy xin nói lại và xin lỗi bạn đọc bỏ qua nếu bạn đọc đã đọc lời những lời nói đầu trong bản báo đã lên mạng trước đây, cho rằng bản tin số 5 là dùng trong nội bộ và không được công bố rộng rãi.

Phải nói ngay rằng tài liệu của Bộ Tài chính cho thấy nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay là chưa có vấn đề, mặc dù có thể nhanh chóng trở thành vấn đề trong tương lai nếu vay mượn nước ngoài của doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục phát triển nhanh như hiện nay.

Kết luận này cho thấy những tài liệu như Bản tin số 5 cần được công bố thường xuyên theo định kỳ, để mọi người không bị hoang mang về những suy luận không có căn cứ, nhất là khi không ít lần, tuyên bố của quan chức cao cấp về những vấn đề kinh tế không đáng tin cậy. Ở một đất nước bình thường thì những thông tin này đều được công bố. Nó giúp nhà kinh doanh nắm bắt vấn đề để hành xử hợp lý trên thị trường, đồng thời cũng giúp những người phân tích nhìn nhận vấn đề để khuyến nghị người làm chính sách.

Những thông tin như thế này cũng không thể giấu diếm, nhưng khi làm thế nó lại tạo ra nghi ngờ không đáng có, ảnh hưởng đến sự tin cậy vào thị trường Việt Nam. Cũng cần nói thêm là, các tổ chức quốc tế theo dõi nợ đều có thể thu thập những thông tin như bản tin số 5 dựa vào báo cáo của các chính phủ, Ngân hàng Kết toán Quốc tế và các cơ sở theo dõi thị trường tài chính. Tuy nhiên, để có các thông tin này, người dùng phải trả tiền, do đó phổ biến thông tin bị hạn chế. Hơn nữa khi nhu cầu thông tin về một nền kinh tế chưa quan trọng như Việt Nam còn rất nhỏ, không xứng đáng với việc tiêu tiền thu thập tài liệu, số liệu ngay từ các cơ quan quốc tế hay các cơ sở thu thập thông tin tư nhân có nhiều hạn chế, kể cả sai lạc. Đã sai sót thì chỉ có hại hơn là có lợi, nhất là khi tình hình vĩ mô ở Việt Nam biến động không tốt như những tháng cuối năm 2010.

Về ý niệm nợ và phạm vi của bản tin số 5

Xin nói ngay là phạm vi bản tin nợ này có một số giới hạn vì chưa thật thật đầy đủ do đó làm hạn chế việc phân tích, nhưng hạn chế này không làm mất giá trị những kết luận rút ra trong bài này.

Nợ nước ngoài

Bản tin chỉ giới hạn vào nợ nước ngoài của chính phủ (bao gồm cả nợ do chính phủ bảo lãnh) với nhiều chi tiết.

Muốn nắm rõ khả năng trả nợ nước ngoài của nền kinh tế, ta cần có tổng nợ nước ngoài của nền kinh tế, tức là gồm nợ của chính phủ cộng thêm nợ của doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh dù được nhà nước bảo lãnh hay không. Bản tin tuy thế cho phép ước lượng tổng số nợ nước ngoài của nền kinh tế.

Nợ công

Để phân tích khả năng trả nợ của nhà nước ta phải dùng ý niệm nợ công. Phạm vi của nó rộng hơn là nợ nước ngoài. Nó bao gồm nợ của chính phủ và toàn bộ nợ của doanh nghiệp quốc doanh, gồm cả nợ nước ngoài lẫn nợ trong nước, cũng như nợ của doanh nghiệp tư nhân mà nhà nước bảo lãnh. Việc bao gồm nợ của doanh nghiệp quốc doanh vào nợ công là dựa trên tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận rộng rãi với lý do là nhà nước không thể hay khó lòng về mặt chính trị xóa trách nhiệm đối với nợ của các doanh nghiệp do chính chính phủ dựng lên. Nợ công là thước đo hành xử về chính sách của nhà nước.

Chính phủ mất khả năng trả nợ khi việc trả nợ đòi hỏi tỷ lệ thu thuế vượt ngoài khả năng chịu đựng của dân chúng và doanh nghiệp, và do đó nhà nước thường dùng các biện pháp thu thuế ngầm (không qua biểu quyết của quốc hộ) là phát hành tiền để tiêu, tạo ra lạm phát, và làm mất ổn định nền kinh tế về mọi phương diện.

Tiêu chuẩn đánh giá nợ

Thường các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ nợ công so với GDP vào khoảng 60% là ở ngưỡng an toàn. Ít nhất đây là ngưỡng mà các nước thành viên trong Liên hiệp châu Âu ký kết với nhau trong Hiệp ước Maastricht vào năm 1992. Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP ở mức 30% là thuộc ngưỡng an toàn.

Phân tích nợ công có thể nói là ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện quốc gia hơn là nợ nước ngoài. Nợ công phải trả từ thuế và do đó khả năng chi trả dựa vào tỷ lệ thuế và tốc độ phát triển kinh tế. Tỷ lệ thuế cao quá có thể làm đình đốn kinh tế vì không tạo ra động lực phát triển do đó dân tìm cách trốn thuế. Kinh tế lụn bại cũng đưa đến mất khả năng trả nợ vì thuế thu được giảm trong khi khó cắt giảm chi tiêu và do đó đưa đến khủng hoảng tài chính toàn diện như đang xảy ra ở Hy Lạp và Ireland.

Còn về nợ nước ngoài, ngưỡng được coi là an toàn chỉ là dựa vào kinh nghiệm của quá khứ và không thể áp dụng nó một cách cứng nhắc để phân tích kinh tế mọi nước. Một nước có đồng tiền chuyển đổi, được chấp nhận rộng rãi và được dùng làm tiền dự trữ như đồng Mỹ, đồng Euro hay đồng Yen thì các nhà nước này có thể có tỷ lệ nợ rất cao mà không ảnh hưởng gì đến khả năng trả nợ vì họ có thể bán trái phiếu dễ dàng trên thị trường thế giới, thay vì phải in tiền, hay phải tăng thuế ngay để trả nợ. Những nước như Việt Nam hay cả Hy Lạp hay Ireland thì không thể làm thế vì nếu mất khả năng trả nợ thì kinh tế sẽ khủng hoảng ngay. Kiều hối cũng là nguồn quan trọng có thể thu hút để trả nợ nước ngoài: và đây là lợi thế của Việt Nam. Ngoài ra dù tỷ lệ nợ có cao giống nhau, một nước có nợ chủ yếu là nợ chính thức từ các tổ chức quốc tế hay chính quyền các nước phát triển cao sẽ không gặp khó khăn như nước phải mượn chủ yếu trên thị trường thương mại vì lãi suất đối với nợ chính thức thấp hơn nhiều.

Dựa trên cơ sở trên chúng ta có thể xem xét nợ của Việt Nam.

Đánh giá nợ của Việt Nam

Nợ công

Theo Ngân hàng Thế giới (tài liệu dùng cho cuộc họp Hội nghị các nhà tài trợ ngày 7 tháng 12 năm 2010), tỷ lệ nợ công trên GDP vào năm 2010 là 51.3%, so với 49% năm 2009. Nợ nước ngoài chiếm chiếm 60% tổng số nợ công trên, tức là 31% GDP tăng thêm 2% so với năm 2009. Như vậy nợ công theo cách tính của Việt Nam nằm vào ranh giới của ngưỡng an toàn 50%.

Tuy nhiên theo nguyên tắc tính nợ công, phần nợ trong nước cần phải tính cả nợ phải trả những người đã và sẽ về hưu, điều này Việt Nam chưa làm. Số nợ sẽ cao hơn nhiều, nhất là khi lương được trả ở mức đúng đắn hơn. Hiện nay nhà nước phải chi trả cho 3 triệu người về hưu và có công với cách mạng, ngoài ra sẽ phải chi trả trong tương lai cho những người đang làm việc cho nhà nước hiện nay với tổng số là 3.1 triệu người. Thật khó hiểu khi mà số người làm việc cho nhà nước tăng một cách kinh khủng như con số ở biểu 1, đặc biệt là khu vực quản lý hành chính, quốc phòng và an ninh từ 300 ngàn lên đến 1.5 triệu trong vòng 10 năm (tăng hơn 300%, gấp 3 lần mức tăng GDP). Nếu số lao động tăng gấp đôi như tốc độ tăng GDP thì không thể nào tăng lương. Hiện nay (2009), lương trung bình năm của những người này là 2.6 triệu đồng một tháng tương đương với 150 USD.[1] Tổng số chi trả cho số lao động đang làm việc này vào năm 2009 rất thấp, khoảng dưới 100 ngàn tỷ đồng, tương đương với 5.7 tỷ USD và bằng 6% GDP. Ít thấy có nước nào có tỷ lệ GDP dùng để trả lương thấp như ở Việt Nam, do đó việc tham nhũng, ăn cắp của công, dùng giờ hành chính làm việc riêng tư là điều khó tránh khỏi. Đáng lẽ nếu số lao động trong khu vực quản lý hành chính, quốc phòng và an ninh không tăng quá nhiều như thời gian 10 năm qua, đưa tổng số lao động ăn lương ngân sách tăng gấp đôi thì lương đã có thể tăng gấp đôi.

Biểu 1. Lao động hành chính, anh ninh và sự nghiệp ăn lương và hưởng hưu trí của nhà nước

 

1999

2009

Tốc độ tăng

Tổng lao động trong hoạt động nhà nước

1539.3

3163.3

106%

Sự nghiệp (giáo dục, y tế, …)

1190.2

1672.2

40%

Quản lý ,quốc phòng, an ninh

349.1

1491.1

327%

GDP (ngàn tỷ theo giá năm 1994)

256272

516568

102%

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Và tất nhiên số lao động mà nhà nước phải trả lương hưu, khi lương được tăng đúng mức, chắc chắn sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia, vì thế không thể không tính nó vào nợ công.

Như vậy có thể nói ta chưa có số liệu về nợ công để đánh giá vì phần nợ trong nước chưa đầy đủ.

Nợ nước ngoài

Nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của chính phủ, nợ của doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh. Bản tin chỉ tập trung vào nợ của chính phủ và nợ của doanh nghiệp được nhà nước bảo lãnh, do đó chỉ đưa tỷ lệ về nợ nước ngoài mà không nói rõ phạm vi cũng như không đưa ra chi tiết. Tuy thế, có thể ước lượng số nợ của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh (gồm cả nợ của doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh) dựa vào tỷ lệ nợ nước ngoài (coi ghi chú ở Biểu 2). Phân tích về nợ nước ngoài trong bài này do đó có thể coi là tương đối hoàn chỉnh.

Tổng số nợ nước ngoài năm 2009 là 37 tỷ USD, trong đó 27.8 tỷ là nợ của chính phủ (gồm cả nợ do nhà nước bảo lãnh) và 9.2 tỷ là nợ doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân không được nhà nước bảo lãnh. Như vậy nợ của Vinashin, 700 triệu US bán trái phiếu là nằm trong nợ chính phủ và 600 triệu nợ ngân hàng Thụy Sĩ không nằm trong nợ chính phủ theo định nghĩa của VN không theo đúng với chuẩn quốc tế. Cần để ý là số nợ 9.2 tỷ không được bảo lãnh có lãi suất rất cao so với phần nợ của chính phủ, tuy nhiên bản tin không có thông tin về số nợ này.

Tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của nền kinh tế là 39.0%, còn tỷ lệ nợ của chính phủ là 29.3% vào năm 2009. Nói chung như thế là nó đã vượt qua ngưỡng an toàn.

Biểu 2. Nợ nước ngoài của chính phủ (kể cả được chính phủ bảo lãnh)

Tỷ đồng US

 

2005

2006

2007

2008

2009

Tổng nợ nước ngoài (tỷ US)

16.4

18.3

22.1

25.9

37.0

Nợ doanh nghiệp không có bảo lãnh

2.2

2.7

2.9

4.1

9.2

Nợ của chính phủ (tỷ US)

14.2

15.6

19.2

21.8

27.8

Nợ chính thức

12.6

13.9

16.6

18.8

24.0

Song phương

7.1

7.8

9.0

10.7

13.2

Đa phương

5.5

6.1

7.6

8.1

10.8

Nợ tư nhân

1.6

1.7

2.6

3.0

3.8

Tổng nợ nước ngoài của chính phủ/GDP

27.8%

26.7%

28.2%

25.1%

29.3%

Tổng nợ nước ngoài của nền kinh tế/GDP

32.2%

31.4%

32.5%

29.8%

39.0%

           

Nợ phải trả hàng năm (tỷ US)

0.698

0.764

0.886

1.104

1.291

 
Nguồn: Bản tin số 5.

Ghi chú: Nợ không có bảo lãnh là do tác giả tự tính trên cơ sở tính từ tổng số nợ nước ngoài dựa trên tỷ lệ nợ trên GDP ở bản tin (coi biểu số 4).

Nhưng điều này chưa đáng lo ngại vì thường thì nợ của chính phủ từ các nguồn vay chính thức, như từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước phát triển cao đều có lãi suất rất thấp và thời gian chưa phải trả nợ có thể kéo dài đến 10 năm hay dài hơn nhiều. Tỷ lệ nợ này cao thì áp lực chi trả thấp và nước vay mượn có thể tính toán trước về khả năng trả vì lãi suất cố định. Trường hợp Việt Nam là rất thuận lợi. Vào năm 2009, tỷ lệ vay chính thức lên tới 86% và phần vay tư nhân là 14%. Hơn nữa, 72% tổng số nợ này chịu lãi suất thấp dưới 6%, trong đó 60% số nợ có lãi suất dưới 3%.

Với lãi suất thấp như thế, năm 2009, tổng số lãi và vốn gốc phải trả là 1.3 tỷ USD. Và như thế, vào năm 2009 khi nhà nước vay thêm được 5.1 tỷ US thì sau khi trả nợ và phí còn đem về được 3.3 tỷ US. Trong việc trả nợ số nợ hiện nay trong thời gian sau này thì năm phải trả cao nhất là 2.1 tỷ USD vào năm 2016. Như vậy, việc trả nợ sẽ không phải là mối quan ngại nếu như nợ không tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, và nếu như thiếu hụt thương mại với nước ngoài lớn như hiện nay được giải quyết.

Phân tích khả năng chi trả vài năm trước mắt

Khả năng chi trả nằm chung trong việc phân tích cán cân thanh toán, tức là cung cầu ngoại tệ. Cung gồm nguồn ngoại tệ từ kiều hối và viện trợ không hoàn lại, đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài, còn cầu là để nhập siêu và trả nợ nước ngoài. Các chi tiêu nhỏ bé khác được bỏ qua.

Biểu 3. Cầu và cung ngoại tệ năm 2009

Nhu cầu ngoại tệ

Cung ngoại tệ

Nhập siêu hàng hóa và dịch vụ

-14.0

Kiều hối và viện trợ

6.5

Trả nợ nước ngoài

-1.3

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài

6.9

 

 

Đầu tư gián tiếp

0.1

Tổng cầu

-15.3

Tổng cung

13.5

 

Nguồn: Ngân hàng Á châu (ADB). http://www.adb.org/Documents/Books/Key_Indicators/2010/pdf/VIE.pdf

Như vậy vào năm 2009, Việt Nam có thiếu hụt ngoại tệ để chi trả nước ngoài ít nhất là 1.8 tỷ USD (13.5-15.3; coi biểu 3). Nói là ít nhất vì bản tin không có thông tin về phần phải trả của doanh nghiệp không được bảo lãnh cho 9.2 tỷ USD nợ nước ngoài.

Theo Ngân hàng Á châu số dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào năm 2009 là 16.8 tỷ USD. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có khả năng chi trả. Nếu như năm 2010 số dự trữ có thể giảm xuống dưới 15 tỷ USD thì Việt Nam vẫn có khả năng chi trả nợ nếu như tình hình cung ngoại tệ và nhập siêu không thay đổi so với năm 2009.

Tuy vậy, dù có đủ dự trữ ngoại tệ, do nhu cầu nhập siêu siêu lớn và việc điều hành kinh tế không hợp lý, đặc biệt là khi có lạm phát cao, vẫn có thể gây ra khủng hoảng thiếu ngoại tệ. Số dự trữ có thể nhanh chóng không còn nếu doanh nghiệp không mua nổi ngoại tệ trên thị trường. Lạm phát cao có tác dụng khuyến khích dân chúng và doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ và vàng. Hạn chế mua ngoại tệ và phát lệnh kiểm soát giá ngoại tệ chính thức, càng làm việc găm giữ này tăng; không mua được ngoại tệ dân sẽ đổ xô mua vàng, nhập vàng để làm lời sẽ làm tăng thêm số ngoại tệ sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Đây chính là nguyên nhân của tình hình rối loạn tài chính những tháng cuối năm 2010. Giữ cố định hối suất, ra lệnh giữ giá trong khi lạm phát tăng vọt sẽ không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là giải quyết nguyên nhân gây ra lạm phát hiện nay. Nguyên nhân là chi tiêu và đầu tư quá mức của khu vực nhà nước và do đó đưa đến việc tăng tín dụng và phát hành tiền quá mức.

Phân tích khả năng chi trả trong tương lai

Rõ ràng là Việt Nam nếu tiếp tục với cách điều hành kinh tế như hiện nay thì có thể sẽ nhanh chóng mất khả năng chi trả nợ nước ngoài. Ta có thể suy ra điều này khi thấy là tổng số nợ nước ngoài tăng rất nhanh (trung bình 22% một năm), cao hơn nhiều so với mức tăng danh nghĩa của GDP (trung bình 16% một năm). Nhưng quan trọng hơn là nợ nước ngoài đang tăng tốc, vào năm 2009 tăng ở mức khủng 49% (coi biểu 4). Và đặc biệt quan trọng là nợ doanh nghiệp không có bảo lãnh là nợ có lãi suất thị trường còn tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 125%.

Chính việc tăng loại nợ của doanh nghiệp kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh, có bảo lãnh hay không bảo lãnh của chính phủ hiện nay đã tới mức 12 tỷ (9.2+3.8, coi biểu 2) và đang tăng nhanh là điều đáng lo ngại. Số nợ này có thể nói gần như toàn bộ là nợ của doanh nghiệp quốc doanh vì chỉ có doanh nghiệp quốc doanh mới có thể vay mượn được, dù chính phủ chính thức đứng ra bảo lãnh hay không; lý do là các nhà ngân hàng và các đầu tư nước ngoài cho vay hay mua trái khoán doanh nghiệp chỉ vì họ biết rằng chúng là doanh nghiệp nhà nước do đó chính phủ Việt Nam có trách nhiệm chi trả.

Biểu 4. Tốc độ tăng nợ nước ngoài của chính phủ (kể cả được chính phủ bảo lãnh)

 

2006

2007

2008

2009

Trung bình năm

Tổng nợ nước ngoài

12%

21%

17%

43%

22%

Nợ doanh nghiệp không có bảo lãnh

22%

7%

39%

125%

42%

Nợ của chính phủ

10%

23%

14%

28%

18%

Nợ chính thức

10%

19%

13%

28%

17%

Song phương

10%

15%

19%

23%

17%

Đa phương

11%

25%

7%

33%

18%

Nợ tư nhân

6%

53%

15%

27%

24%

GDP (theo giá hiện hành)

16%

17%

30%

12%

16%

Nợ phải trả của chính phủ

9%

16%

25%

17%

 

Việc chính phủ ký tuyên bố một số tập đoàn nhà nước như than và khoáng sản và Vinashin là công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ xảy ra vào ngày 25 tháng 6 năm 2010 khi ông Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Thủ tướng ký quyết định QD-TTg 984 và 989. Có lẽ quyết định này ký sau khi Vinashin vay mượn ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng trong nước.

Vì lý do trên, tuyên bố của chính phủ Việt Nam là không có trách nhiệm với việc trả nợ Vinashin sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỗ đứng của Việt Nam trên thị trường tài chính. Nó có thể cắt đứt dòng chảy này. Chính phủ chỉ có thể quyết định phủi tay như hiện nay khi đã làm rõ việc thay đổi trước quốc tế và trong nước về luật lệ liên quan đến doanh nghiệp quốc doanh và tập đoàn quốc doanh, xác nhận chúng là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn và nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có trách nhiệm gì về nợ của chúng, và tất nhiên là chỉ có thể áp dụng cho các khoản mới vay sau khi luật ra đời.

Phân tích về nợ của Việt Nam với Trung Quốc

Bản tin cho thấy nợ của Việt Nam với Trung Quốc hiện chỉ bằng 5% tổng số nợ nước ngoài, nhưng đang tăng cực nhanh trong thời gian mấy năm qua. Nợ tăng từ 135 triệu USD năm 2005 lên 1398 triệu năm 2009, tức là gấp hơn 10 lần trong 4 năm. Có lẽ đây là số nợ nhằm phát triển các công trình mà Trung Quốc thắng thầu. Số nợ chính thức từ nhà nước có thể có lãi suất thấp nhưng số nợ của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp quốc doanh, vì được bảo lãnh, có thể có lãi suất cao. Thông tin cơ sở từ bản tin không cho phép đánh giá sâu hơn về nợ với Trung Quốc, nhưng tất nhiên tăng trưởnng nợ nhanh như thế để có được các công trình thường có chất lượng không bảo đảm tất nhiên phải là mối lo chính đáng của người dân.

Biểu 5. Nợ của Việt Nam với Trung Quốc, triệu USD

 

2005

2006

2007

2008

2009

Nợ Trung Quốc

135

171

357

967

1398

Nợ từ chính phủ TQ

7

29

187

781

1039

Nợ doanh nghiệp được bảo lãnh

128

142

170

186

359

Nguồn: Bản tin số 5.

Kết luận

Thông tin từ Bản tin cho thấy là hiện nay và trong vài năm tới nợ công và nợ nước ngoài không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tiếp tục với chính sách kinh tế như hiện nay thì nợ công và nợ nước ngoài sẽ là điều thật đáng lo ngại. Điều này cho thấy là Việt Nam cần chỉnh đốn lại chính sách hiện nay. Đầu tư quá trớn vào tập đoàn và doanh nghiệp quốc doanh hay ngay cả vào hạ tầng cơ sở, mà những đầu tư này đòi hỏi nhập khẩu máy móc, kể cả nguyên liệu sản xuất mà không tăng nhanh sản xuất có thể xuất khẩu thì không thể giải quyết được nhập siêu rất lớn hiện nay. Đáng lo ngại nhất có lẽ là số nợ với lãi suất thị trường của doanh nghiệp quốc doanh đang tăng rất nhanh. Họ vay mượn dễ dàng chỉ vì cái tên quốc doanh. Không vay mượn được ở thị trường phương tây, họ sẽ quay sang Trung Quốc. Bản tin đã cho thấy dấu hiệu rõ rệt của khuynh hướng này.

Biểu 3 cho thấy nhập siêu là 14 tỷ USD, đóng góp thêm vào số nợ ngày càng tăng trưởng rất nhanh. Đáng lẽ đầu tư phải tạo ra xuất siêu để có thể trả nợ nước ngoài.

Giải quyết được vấn đề nhập siêu, thì mới có hy vọng có nền kinh tế ổn định và phát triển mới bền vững. Hình như càng đầu tư, hiện nay đã hơn 40% GDP là mức cao nhất thế giới, thì nhập siêu và lạm phát càng lớn. Do đó, các biện pháp vĩ mô như chính sách lãi suất, chính sách tiền tệ và cả chính sách tài khóa cũng không thể giải quyết được vấn đề tiêu cực mà nhập siêu tạo ra. Chính phủ cần xem xét các kế hoạch đầu tư từ ngân sách và từ vay mược dựa trên cơ sở là nó có tạo ra xuất khẩu không và có quá dựa vào nhập khẩu không. Nên đưa ra phương pháp chỉ số để tính điểm các dự án mới của nhà nước như thế. Đồng thời cũng không có lý do gì chính phủ không khuyến cáo tất cả các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện phương hướng đã đề ra và có hệ thống đánh giá chúng và đặt ưu tiên đầu tư trên cơ sở tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

V. Q. V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phụ lục


[1] Những số liệu này là tính dựa vào thống kê lao động và thống kê thu nhập bình quân trong khu vực nhà nước của Tổng cục Thống kê. Tỷ giá hối suất dùng cho năm 2009 là 17,171 đồng một USD. Phụ lục về nợ nước ngoài

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn