Đảng Lao động Na Uy – một tấm gương “tự diễn biến hòa bình” thành công rực rỡ

Mai Thái Lĩnh

Đã có lần, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn chứng một cách tự hào rằng trong một lần gặp gỡ, Thủ tướng Na Uy tự nhận mình là người thuộc “thế hệ chống Mỹ”, từng tham gia phong trào phản chiến ủng hộ Việt Nam. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thêm một chút về đảng chính trị của Thủ tướng Jens Stoltenberg, chắc hẳn vị nguyên thủ quốc gia của Việt Nam sẽ phải giật mình.

Bởi vì Đảng Lao động Na Uy là một trong những đảng chính trị đầu tiên trên thế giới gia nhập vào Quốc tế Cộng sản, nhưng cũng là đảng đầu tiên từ bỏ Quốc tế Cộng sản, để rồi sau đó “tự diễn biến hòa bình” thành một đảng dân chủ - xã hội. Trong vòng 75 năm (1935 - 2010), đảng này nắm chính quyền 50 năm, hoàn toàn thông qua phương thức bầu cử dân chủ. Với ngần ấy năm giữ vai trò lãnh đạo, Đảng Lao động Na Uy đã góp phần lớn lao vào việc biến Na Uy thành một quốc gia giàu có, chất lượng cuộc sống đứng hàng đầu thế giới, của cải được phân phối một cách công bằng, có một bộ máy chính quyền trong sạch, một thể chế chính trị được đánh giá là dân chủ nhất, tự do báo chí được xếp hàng đầu thế giới.

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một vài nét khái quát về đảng chính trị độc đáo đó – một tấm gương “tự diễn biến hòa bình” mà chúng tôi nghĩ, những người cộng sản Việt Nam ngày nay rất nên tìm hiểu, học hỏi ở họ nếu muốn giữ được vai trò lãnh đạo của mình, không bị lịch sử đào thải.

*

Đảng Lao động Na Uy (Norwegian Labour Party) có tên gọi trong tiếng Na Uy là Det Norske Arbeiderparti, viết tắt là DNA. Ngoài ra, đảng còn được gọi bằng một cái tên thông dụng là Arbeiderpartiet, Đảng Lao động (viết tắt là Ap).

Đảng Lao động Na Uy được thành lập vào năm 1887 tại Arendal, một thành phố cảng nằm trên bờ biển phía Nam của Na Uy. Bảy năm sau (1894), Đảng bắt đầu tham gia các cuộc tổng tuyển cử và đến năm 1903 bắt đầu có mặt tại Nghị viện (Storting). Số phiếu cử tri dành cho các Nghị sĩ Lao động gia tăng đều đặn và đến năm 1927, DNA trở thành đảng chính trị lớn nhất ở Na Uy.

Đằng sau những mốc lịch sử ấy là cả một chuỗi dài những biến đổi: từ một đảng dân chủ - xã hội, DNA đã “cấp tiến hóa” để trở thành một đảng cộng sản để rồi sau đó, từ bỏ con đường cộng sản và dần dần chuyển hóa trở lại thành một đảng dân chủ - xã hội theo gương các đảng bạn ở Bắc Âu. Kể từ đó, Đảng Lao động đồng hành với dân tộc Na Uy và làm nên những kỳ tích khiến cho cả thế giới phải ngạc nhiên.

Từ dân chủ - xã hội đến chủ nghĩa cộng sản

Trước cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, sức mạnh của phong trào công nhân Na Uy nằm trong hai tổ chức: Đảng Lao động Na Uy (DNA) thành lập vào năm 1887, và Liên hiệp Công đoàn Na Uy (Norwegian Confederation of Trade Unions, Landsorganisasjonen i Norge, viết tắt là LO) thành lập vào năm 1899. Hai tổ chức “sinh đôi” này gắn bó chặt chẽ với nhau dựa theo quy chế: tất cả các công đoàn địa phương đều là thành viên tập thể của đảng[1].

Vào thời kỳ đầu, cũng như các đảng dân chủ - xã hội khác ở Bắc Âu, Đảng Lao động Na Uy (DNA) được tổ chức theo kiểu mẫu của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (Social Democratic Party of Germany, Sozialdemokratische Partei Deutschlands, viết tắt là SPD), nghĩa là một đảng theo xu hướng cải cách và hoạt động trong khuôn khổ của hệ thống chính trị - xã hội của Na Uy. Nhưng trong những năm đầu thập niên 1910, ngay trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, một phái đối lập có xu hướng cách mạng đã hình thành trong phong trào thanh niên cũng như trong phong trào công đoàn[2].

Tổ chức thanh niên của DNA (được thành lập vào năm 1903) do ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx đã nhanh chóng trở thành một nhánh đối lập có xu hướng cách mạng. Một nhánh thứ hai của phái đối lập cũng hình thành trong phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của Martin Tranmæl. Nhánh này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa công đoàn (syndicalism, syndicalisme)[3], một lý thuyết chính trị kêu gọi công nhân phải hành động trực tiếp để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản nhằm thiết lập một trật tự xã hội mới dựa trên giai cấp công nhân được tổ chức thành các đơn vị sản xuất.

Giai cấp công nhân Na Uy tỏ ra “cách mạng” hơn so với giai cấp công nhân ở các quốc gia Bắc Âu khác. Chính xu hướng cấp tiến mạnh mẽ này đã mở đường cho ảnh hưởng của phái Bolshevik Nga. Các nhà cách mạng Bolshevik nổi tiếng như Nicolay Bukharin và Alexandra Kollontai đã từng lưu trú tại Na Uy, quen biết trực tiếp các nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa cũng như viết nhiều bài đăng trên các tờ báo cánh tả tại đây.

Khi Chiến tranh Thế giới lần I nổ ra, những khó khăn trong đời sống hàng ngày của giai cấp công nhân càng làm gia tăng xu thế cách mạng. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra vào cuối năm 1917 đã thu phục được cảm tình lớn lao của các nhà xã hội chủ nghĩa Na Uy. Trong năm 1918, nhiều xô-viết của công nhân và binh lính đã được thành lập. Cũng trong năm đó, tại Đại hội thường niên của DNA, hai nhánh của phái đối lập (trong thanh niên và trong công đoàn) đã hợp tác với nhau để giành vị trí lãnh đạo trong Đảng. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu thế phát triển của các đảng dân chủ - xã hội ở Đan Mạch và Thụy Điển vì ở các nước này ban lãnh đạo theo xu hướng cải cách vẫn nắm vững được quyền lực, phái cách mạng chỉ là thiểu số.

Vào lúc này DNA đã đạt được gần 100 ngàn đảng viên, phần lớn được kết nạp thông qua các thành viên tập thể - tức là các công đoàn địa phương. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1918, Đảng đạt được 31,6 % số phiếu bầu, chiếm 18 trong tổng số 126 ghế tại Nghị viện.

Vào tháng 3 năm 1919, Đảng Lao động Na Uy trở thành một thành viên của Quốc tế Cộng sản (Comintern)[4]. Đại biểu của DNA tại Đại hội thành lập tổ chức quốc tế này là Emil Stang – lúc đó là Phó Chủ tịch Đảng. Tuy nhiên, 21 điều khoản gia nhập được Đại hội lần II của Quốc tế cộng sản thông qua (năm 1920) đã gây ra sự phân hóa trong Đảng Na Uy. Sau những cuộc tranh cãi gay gắt, khối đa số trong Đảng đã chấp nhận các điều kiện nói trên để tiếp tục là thành viên của Quốc tế Cộng sản, trong khi một bộ phận ly khai tách ra để thành lập một đảng mới vào năm 1921 mang tên là Đảng Lao động Dân chủ - Xã hội Na Uy (Social Democratic Labour Party of Norway). Tuy nhiên, phái này chỉ là một thiểu số, do đó không có ảnh hưởng chính trị nào đáng kể so với DNA.

Rời bỏ Quốc tế Cộng sản trở về với dân tộc

Trong suốt thời gian tham gia Quốc tế Cộng sản (1919 - 1923), giữa DNA và Ủy ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản (Executive Committee of the Communist International, tên viết tắt là ECCI) thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Xung đột chủ yếu xoay quanh mức độ độc lập của Đảng Lao động Na Uy đối với Quốc tế Cộng sản. Cách nhìn nhận vấn đề này đã làm cho nội bộ Đảng chia thành hai phái, được gọi là “phái liên bang” (federalists) và “phái tập trung” (centralists). Phái tập trung chủ trương phục tùng quyền lực của ECCI, trong khi phái liên bang đòi hỏi tính tự chủ, độc lập của Đảng Na Uy như: quyền kiểm soát các vấn đề nội bộ, quyền cử các đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản và tự lựa chọn người đại diện của DNA tại ECCI, yêu cầu phải được hỏi ý kiến trước khi ECCI cử đại biểu đến Na Uy, v.v.

Từ đầu năm 1922, cuộc tranh chấp ngày càng gay gắt. Sự xung đột giữa DNA với Quốc tế Cộng sản trở nên trầm trọng khi ECCI gửi một lá thư cho Ủy ban Trung ương của DNA để bày tỏ lập trường ủng hộ phái tập trung. Mặc dù DNA là Đảng Cộng sản trong một quốc gia nhỏ, nhưng lại là đảng đa số duy nhất có mặt tại Quốc tế Cộng sản, cho nên ECCI đã tỏ ra rất kiên nhẫn trong mối quan hệ với DNA, với hy vọng thuyết phục phái liên bang đừng ly khai. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của ECCI như Karl Radek, Nikolay Bukharin đã được cử đến Na Uy. “Vấn đề Na Uy” đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể mở rộng lần 2 của ECCI (1922), chiếm một vị trí quan trọng tại Đại hội IV của Quốc tế Cộng sản (tháng 6/1922) và là chủ đề chính của Hội nghị toàn thể mở rộng lần 3 của ECCI (tháng 6/1923).

Bất chấp những nỗ lực của lãnh đạo ECCI trong việc thuyết phục phái liên bang, tại Hội nghị toàn quốc vào tháng 11 năm 1923, DNA đã quyết định rời bỏ Quốc tế Cộng sản. Một thiểu số đã rời bỏ DNA để thành lập một đảng mới có tên là Đảng cộng sản Na Uy (Communist Party of Norway, Norges Kommunistiske Parti, viết tắt là NKP).

Tự diễn biến hòa bình thành một đảng dân chủ - xã hội

Mặc dù tách khỏi Quốc tế Cộng sản, Đảng Lao động vẫn chưa rời bỏ ngay lập trường cách mạng. Điều này có liên quan đến ảnh hưởng của Martin Tranmæl (1879-1967) – người lãnh đạo của phái cách mạng trong DNA.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, vào năm 1896, Tranmæl gia nhập vào một công đoàn có liên hệ với Đảng Lao động. Ông là một trong những người sáng lập tờ Ny Tid (New Time, Thời mới) – phát hành ở Trondheim; vào năm 1900 tờ báo này trở thành tiếng nói chính thức của Đảng Lao động. Tranmæl đã hai lần sang Hoa Kỳ (1900 - 1902 và 1903 - 1905) và trong thời gian làm thợ sơn ở đây, ông đã có dịp tìm hiểu về tổ chức, lý thuyết và các phương pháp hoạt động của phong trào công nhân Mỹ. Trong giai đoạn 1907 - 1911, Tranmæl du hành khắp châu Âu, dành phần lớn thời gian để làm việc cho tờ Ny Tid. Ông đã bị cầm tù vì tội xách động chính trị vào năm 1915.

Khi phái cách mạng chinh phục được khối đa số trong Đại hội Đảng năm 1918, Tranmæl được bầu vào Ủy ban Trung ương của DNA và từ 1918 đến 1921, đảm nhiệm chức vụ Bí thư của Đảng. Trong thời gian sau đó, mặc dù không giữ các chức vụ chủ chốt, Tranmæl vẫn tiếp tục là thành viên của Ủy ban Trung ương của DNA mãi cho đến năm 1963. Từ 1921 đến 1949, ông tham gia biên tập tờ báo đảng Social-Demokraten (sau đổi tên thành Arbeiderblade). Ông cũng là thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy (Norwegian Nobel Committee) trong một thời gian khá dài (1938 - 1963).

Mặc dù không tham gia vào bất cứ Chính phủ Na Uy nào, Tranmæl có ảnh hưởng rất lớn đối với Đảng DNA. Như trên đã trình bày, chính do ảnh hưởng của ông mà DNA đã chấp nhận một đường lối chính trị cấp tiến, mang tính cách mạng và gia nhập vào Quốc tế Cộng sản.

Kể từ cuối 1923, mặc dù rời bỏ Quốc tế Cộng sản, Tranmæl vẫn giữ lập trường triệt để cách mạng. Đảng Lao động Na Uy đã nhiều lần phê phán Đảng Bolshevik Nga, chê đảng này là “hữu khuynh”, “thiếu tính cách mạng”. Chính lập trường cách mạng triệt để của Tranmæl và DNA đã khiến cho phái Stalin gặp khó khăn trong việc tuyên truyền nói xấu những người dân chủ - xã hội Na Uy. Những luận điệu quen thuộc mà Đảng Cộng sản Liên Xô thường dùng để phỉ báng những người dân chủ - xã hội như: “phái dân chủ - xã hội là tay sai của giai cấp tư sản, “dân chủ - xã hội là chủ nghĩa phát xít – xã hội (social fascism)”, tỏ ra không có tác dụng gì khi áp dụng vào trường hợp của Tranmæl và Đảng DNA. Đó là chưa kế đến cuộc sống mẫu mực của nhà cách mạng này. Ngay cả Leon Trotsky, mặc dù không ưa thích Tranmæl, vẫn phải thừa nhận ông là một con người chính trực, sống rất gương mẫu: không uống rượu, không hút thuốc, sống đạm bạc và vào mùa đông tắm trong một hố băng[5].

Sau khi tách ra khỏi Quốc tế Cộng sản, DNA vẫn tiếp tục là một đảng mạnh nhất của cánh tả ở Na Uy. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi chia tách (năm 1924) cho thấy Đảng Cộng sản chỉ đạt được 6,1% số phiếu trong khi Đảng Lao động đạt 18,3% và Đảng Lao động Dân chủ - Xã hội đạt 8,8%.

Vào năm 1927, Đảng Lao động Dân chủ - Xã hội (tức là bộ phận tách khỏi Đảng vào năm 1921) đã tái hợp với Đảng Lao động (DNA). Việc hợp nhất hai đảng dân chủ - xã hội đã đem lại sức mạnh cho DNA. Trong cuộc tuyển cử năm 1927, DNA đạt 36,8% số phiếu bầu, chiếm 59 trong tổng số 150 ghế tại Nghị viện. Christopher Hornsrud thành lập Chính phủ Lao động đầu tiên, được chính thức bổ nhiệm ngày 28/1/1928. Nhưng chính phủ này chỉ tồn tại được có 18 ngày, do một nghị quyết bất tín nhiệm được tiến hành theo đề xuất của Đảng Tự do (Liberal Party). Đảng này phê phán việc Chính phủ Lao động từ chối bảo đảm cho các ngân hàng trong tình trạng bất ổn về kinh tế gây ra bởi việc chuyển đổi chính phủ.

Sau thất bại trong kỳ bầu cử năm 1930, Đảng Lao động quyết định thay đổi đường lối chính trị. Từ chỗ nuôi tham vọng “cách mạng hóa” xã hội, giờ đây Đảng quyết định đấu tranh với nạn suy thoái kinh tế và nạn thất nghiệp trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ đại nghị. Johan Nygaardsvold trở thành gương mặt hàng đầu của Đảng, và trong cuộc tổng tuyển cử năm 1933, Đảng Lao động đạt 40,1% số phiếu bầu và chiếm 69 trên tổng số 150 ghế tại Nghị viện. Mặc dù vậy, DNA vẫn chưa thể đứng ra thành lập chính phủ vì thiếu hậu thuẫn của các đảng khác. Johan Ludwig Mowinckel, lãnh tụ của Đảng Tự do, người đã hai lần làm Thủ tướng (1924 - 1926 và 1928 - 1931), đứng ra thành lập chính phủ thứ ba (1933 - 1935).

Năm 1935, Johan Nygaardsvold, lãnh tụ của DNA, đạt được một thỏa thuận với Đảng Nông nghiệp (Agrarian Party, Bondepartiet)[6] về chính sách nâng giá các sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân, qua đó hình thành được một liên minh với đảng này. Nhờ vậy, DNA đánh bại được Chính phủ của Mowinckel và đứng ra thành lập chính phủ mới vào ngày 20/3/1935. Đây là chính phủ thứ hai của DNA kể từ ngày thành lập đảng đến nay. Liên minh với đảng của nông dân cũng là điều kiện để DNA trở thành đảng cầm quyền liên tục trong ba thập niên sau đó.

Cũng chính vào lúc này, sau một quá trình “tự diễn biến hòa bình”, DNA đã thật sự từ bỏ “nhiệm vụ quốc tế” của một đảng cách mạng. Sự kiện “Leon Trotsky ở Na Uy” là một ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi lập trường này.

Năm 1935, sau khi nước Pháp từ chối gia hạn visa, Trotsky đã xin lưu trú tại Na Uy theo lời mời của Konrad Knudsen, lúc đó là một nhà báo và là đảng viên của DNA. Do sự can thiệp của các Nghị sĩ DNA, Trotsky được phép nhập cảnh Na Uy vào tháng 6 năm 1935. Việc Leon Trotsky có mặt ở Na Uy đã gây ra phản ứng từ nhiều phía. Trước hết là sự phản đối từ phía cánh hữu, nhất là Đảng Tự do (Liberal Party)[7] – chính đảng quan trọng nhất ở Na Uy lúc đó. Phản ứng gay gắt hơn nữa đến từ phía một tổ chức cực hữu có tên là Nasjonal Samling (National Union, Liên hiệp Quốc dân) đề cao chủ nghĩa dân tộc và có xu hướng phát-xít. Áp lực bên ngoài đến từ nước Đức của Hitler và từ phía Liên Xô của Stalin.

Đầu tháng 8 năm 1936, một số thành viên của Nasjonal Samling đã đột nhập vào nhà riêng của Knudsen – nơi Trotsky đang cư trú. Không tìm thấy Trotsky (vì lúc đó ông đi câu cá), nhóm người này đã đánh cắp một số tài liệu. Giữa tháng 8, tại Liên Xô, Stalin bắt đầu tiến hành chiến dịch Đại Thanh Trừng (Great Purge) để loại bỏ những phần tử chống đối trong nội bộ Đảng Cộng sản. Khởi đầu là vụ án Moscow thứ I. Trong vụ án này, 16 thành viên của cái gọi là “Trung tâm khủng bố Trotsky-Zinoviev” bị đem ra xét xử. Trong số các bị cáo có hai nhân vật cao cấp từng là Ủy viên Bộ Chính trị dưới thời Lenin: Grigory Zinoviev và Lev Kamenev. Tất cả đều bị kết án tử hình và xử bắn. Trotsky cũng bị kết án tử hình vắng mặt.

Trước những áp lực đó, ngày 25/8/1935, Bộ trưởng Tư pháp của Na Uy là Trygve Lie[8] đã áp dụng biện pháp quản thúc tại gia để ngăn tất cả các hoạt động chính trị của Trotsky. Sau khi Tổng thống Lázaro Cárdenas của Mexixo chấp nhận cho Leon Trotsky được hưởng quyền tị nạn, qua sự dàn xếp giữa hai chính phủ, vào cuối tháng 12/1936 một chiếc tàu chở dầu đã bí mật đưa hai vợ chồng nhà lãnh tụ cách mạng này rời Na Uy qua Mexico.

Cách giải quyết vấn đề “quyền tị nạn của Trotsky” cho thấy DNA không đứng về phía Stalin nhưng cũng không bênh vực Trotsky để tránh đối đầu với Liên Xô, và cả với nước Đức phát-xít. Từ vị trí của một đảng đối lập nay trở thành một đảng cầm quyền, họ phải xử lý vấn đề dựa trên quyền lợi của một quốc gia chứ không phải dựa trên quyền lợi của một đảng phái. Như vậy, trong thực tế, DNA đã không còn là một đảng cách mạng, và cũng không còn quan tâm đến lập trường “quốc tế vô sản”.

Đảng Lao động Na Uy đồng hành cùng với dân tộc

Những thành công trong việc giảm bớt nạn thất nghiệp cũng như trong các chính sách xã hội và giáo dục đã đem lại kết quả tốt trong cuộc tổng tuyển cử năm 1936: Đảng Lao động đạt được 70 trong tổng số 150 ghế tại Nghị viện. Nhưng chính phủ của Johan Nygaardsvold chỉ hoạt động được cho đến năm 1940. Ngày 9/4/1940, quân phát-xít Đức tấn công Na Uy. Sau một cuộc kháng cự kéo dài hai tháng, Chính phủ phải cùng với Hoàng gia Na Uy lưu vong sang nước Anh. Tại nội địa, Vidkun Quisling - lãnh tụ của đảng phát-xít Nasjonal Samling, tuyên bố thành lập một chính quyền quốc gia vào ngày 9/4. Nhưng chính quyền này vấp phải sự phản đối của người dân mạnh đến mức quân Đức phải dẹp bỏ nó vào ngày 15/4. Thay vào đó là một Hội đồng Hành chính bao gồm một số công chức cao cấp được thành lập để quản lý các vùng bị chiếm đóng – nhất là vùng xung quanh thủ đô. Hội đồng này được Tòa án Tối cao Na Uy – cơ quan có thẩm quyền duy nhất còn lại trong nước bổ nhiệm. Nhưng quyền hành thực tế lại nằm trong tay của Josef Terboven – Ủy viên của Đế chế Đức (German commissioner, Reichskommissar) tại Na Uy. Đến tháng 9 năm 1940, Hội đồng Hành chính bị giải tán và thay thế bằng một chính quyền bù nhìn do quân Đức bổ nhiệm dưới sự lãnh đạo của Quisling. Một số ủy viên của Hội đồng bí mật tham gia vào các hoạt động kháng chiến.

Do vị trí chiến lược quan trọng của Na Uy, Hitler đã bố trí một lực lượng rất lớn tại đây. Vào thời điểm quân Đức đầu hàng (1945), có không dưới 400 ngàn quân Đức đóng tại Na Uy. Đó là một lực lượng khổng lồ so với dân số Na Uy vào lúc đó chỉ có khoảng 4 triệu người.

Khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc, vai trò lãnh đạo DNA được chuyển giao cho Einar Gerhardsen (1897 - 1987).

Xuất thân từ một gia đình công nhân, vào năm 18 tuổi Gerhardsen trở thành một công nhân sửa chữa đường phố ở Kristiania (Oslo), và đến năm 1920 được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của ngành này tại thủ đô. Ông cũng sớm tham gia vào Đoàn Thanh niên của Đảng Lao động. Là một người tích cực ủng hộ Martin Tranmæl, qua hoạt động công đoàn, đến giữa thập niên 1920 Gerhardsen trở thành thành viên của Ủy ban Trung ương của DNA và là Bí thư đảng bộ Oslo.

Trong thập niên 1920, Gerhardsen vẫn chưa dứt khoát giữa hai lập trường “cách mạng hay cải cách”, thậm chí đã có lúc nghiêng về xu hướng đấu tranh bạo động. Ông đã vài lần bị tù vì các hoạt động phá rối trị an. Mãi đến Đại hội Đảng năm 1933, Gerhardsen mới chuyển sang phía cải cách. Mặc dù vậy, trong thời gian đầu, ông vẫn còn xem đấu tranh nghị trường chỉ là phương tiện hoạt động chứ chưa thật sự là mục tiêu chủ yếu.

Từ 1936 đến 1939 Gerhardsen là Bí thư toàn quốc kiêm Phó Chủ tịch của Đảng bộ Oslo. Năm 1939 ông được bầu làm Phó Chủ tịch của DNA. Là Phó Thị trưởng của Oslo từ năm 1938, đến tháng 4 năm 1940, ông nắm quyền Thị trưởng Oslo chỉ vài giờ trước khi quân Đức tấn công Na Uy. Sau khi Quân Đức chiếm Na Uy, Gerhardsen trốn khỏi thành phố và tị nạn ở Thụy Điển. Nhưng đến tháng 6 năm 1940, ông quyết định rời bỏ nơi ẩn náu an toàn ở Thụy Điển để trở về nước hoạt động trong vùng bị chiếm đóng.

Vì Chủ tịch Đảng lúc đó là Oscar Torp đã qua London, Gerhardsen được chỉ định làm quyền Chủ tịch DNA. Ngày 11/9/1941, ông bị quân Đức bắt, lúc đầu chuyển đến trại tập trung Grini ở phía tây của Oslo. Mùa xuân năm 1942, ông bị chuyển sang trại tập trung Sachsenhausen ở Đức, tại đây ông đóng vai trò một nhà lãnh đạo của các tù nhân người Na Uy. Phía quân Đức đã thông qua một bản án tử hình bí mật nhằm thủ tiêu ông, nhưng nhờ sự giúp đỡ của một sĩ quan cảnh sát mật của Đức có liên hệ với Phong trào Kháng chiến Na Uy, Gerhardsen đã được đưa trở lại Grini vào mùa thu năm 1944, tại đây ông lãnh đạo các hoạt động chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến. Một giả thuyết khác về lý do ông không bị thủ tiêu là: quân Đức muốn giữ ông lại như một tù binh cao cấp để khi cần, sử dụng ông như một con bài để đàm phán[9].

Sau khi quân Đức đầu hàng (đầu tháng 5 năm 1945), Gerhardsen trở lại với vai trò Thị trưởng của Oslo và quyền Chủ tịch của Đảng Lao động. Khi Chánh án Tòa án Tối cao Paal Berg từ chối vai trò điều hành chính phủ tạm quyền, Gerhardsen được Vua Haakon VII giao trách nhiệm đó. Chính phủ đầu tiên của Gerhardsen - được bổ nhiệm vào ngày 25/6/1945, là một chính phủ liên minh giữa Đảng Lao động và Phong trào Kháng chiến, với thành phần đại diện cho tất cả các đảng phái.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên sau chiến tranh, Đảng Lao động giành thắng lợi lớn với 41% số phiếu và chiếm 76 ghế trên tống số 150 ghế tại Nghị viện. Einar Gerhardsen chính thức đứng ra thành lập Chính phủ thứ hai (5/11/1945 – 19/11/1951). Cuối năm 1951, Gerhardsen nhường chức Thủ tướng cho Oscar Torp – Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của ông, chuyển sang vai trò lãnh đạo nhóm Nghị sĩ của DNA tại Nghị viện và sau đó được bầu làm Chủ tịch Nghị viện. Đầu năm 1955, khi Oscar Torp rút lui khỏi chức Thủ tướng vì sự chống đối trong nội bộ Đảng đối với chính sách ngoại giao và an ninh của ban lãnh đạo DNA, Gerhardsen trở lại với chức vụ Thủ tướng. Mặc dù đã điều chỉnh đường lối ngoại giao và an ninh, Gerhardsen vẫn không ngăn cản được sự phân hóa trong Đảng. Năm 1961, một bộ phận đảng viên không bằng lòng với chính sách đối ngoại “thân - NATO, thân Cộng đồng Kinh tế Châu Âu” của DNA, đã tách ra thành lập Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhân dân (Socialist Peoples’ Party, Sosialistisk Folkeparti, SF)[10] khiến cho Đảng Lao động không còn giữ được đa số tại Nghị viện. Chính phủ thứ ba của Gerhardsen (1955-1963) trở thành chính phủ thiểu số và đến 28/8/1963, phải từ chức vì một tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại mỏ Kings Bay ở Ny-Ålesund. Nhưng Chính phủ liên minh của phái hữu do John Lyng thành lập chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn ngủi (1 tháng), sau đó Gerhardsen lại trở lại thành lập một Chính phủ thứ tư vào ngày 25/9/1963. Cuộc tổng tuyển cử hai năm sau đó đã dẫn đến kết quả một liên minh trung hữu (center-right) gồm 4 đảng giành được đa số ghế tại Nghị viện, Per Boten (Đảng Trung tâm) trở thành Thủ tướng. Ngày 12/10/1965, Gerhardsen từ chức Thủ tướng và cũng rời bỏ chức Chủ tịch Đảng Lao động, vào lúc ông được 68 tuổi. Ông trở lại với vai trò Nghị sĩ cho đến năm 1969 mới rút lui khỏi hoạt động chính trị. Trong những năm cuối đời, ông viết hồi ký và thường xuyên đi diễn thuyết. Ông mất năm 1987, thọ 90 tuổi.

Gerhardsen giữ gìn một nếp sống giản dị của một công nhân và duy trì những tiếp xúc thường xuyên với những người lao động cho đến cuối đời. Với 17 năm làm Thủ tướng và 20 năm làm Chủ tịch đảng, Einar Gerhardsen là người giữ chức vụ Thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử của Na Uy kể từ khi thiết lập chế độ Nghị viện. Được coi như một trong những kiến trúc sư của công cuộc tái thiết Na Uy sau Chiến tranh Thế giới II, ông thường được ví như “Landsfaderen” (Cha già dân tộc, Father of Nation).

Giai đoạn 1945 - 1965 thường được coi là “thời hoàng kim” của Đảng Lao động Na Uy. Cũng chính trong giai đoạn này, một sự kiện quan trọng đã diễn ra: đó là việc Na Uy chuyển hướng về chiến lược ngoại giao và an ninh quốc phòng.

Kể từ khi giành lại được độc lập (1905) cho đến hết cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, Na Uy là một nước trung lập. Năm 1939, khi nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần II, Na Uy cũng tuyên bố trung lập, nhưng không giữ vững được chủ quyền khi bị quân phát-xít Đức xâm lược vào tháng 4 năm 1940. Sau Chiến tranh Thế giới II, cuộc đối đầu quốc tế giữa một bên là khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và bên kia là khối phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã buộc Na Uy phải chọn lựa thế đứng về ngoại giao và an ninh quốc phòng. Chính phủ Gerhardsen đã nhận sự giúp đỡ về quân sự của Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch Marshall vào năm 1947 và đến năm 1949, Na Uy chính thức trở thành thành viên của NATO. Quyết định quan trọng này đã được sự ủng hộ của Martin Tranmæl.

Như vậy là chỉ trong vòng 30 năm, từ chỗ là một đảng cộng sản chủ trương đồng minh với Liên Xô, Đảng Lao động đã lãnh đạo đất nước Na Uy gia nhập vào khối NATO, trở thành “đồng minh” với Hoa Kỳ.

Tổng kết lại, trong 30 năm (1935 - 1965), chỉ trừ giai đoạn của Chính phủ lưu vong trong Chiến tranh Thế giới II (1940 - 1945) và một tháng vào năm 1963, Đảng Lao động liên tục đóng vai trò của một đảng cầm quyền. Sau năm 1965, DNA không còn giữ được địa vị độc tôn như trước mà phải luân phiên cầm quyền cùng với các đảng cánh hữu khác. Các giai đoạn mà Đảng Lao động đóng vai trò lãnh đạo chính phủ là 1971 - 1972, 1973 - 1981, 1986 - 1989, 1990 - 1997, 2000 - 2001 và từ 2005 đến nay. Như vậy, nếu tính từ 1971 đến 2010, đảng này đã nắm quyền 25/39 năm. Uy tín của đảng phần lớn nhờ vào nỗ lực xây dựng “Nhà nước phúc lợi” (welfare state) ở Na Uy.

Bước sang thế kỷ XXI, do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa kinh tế, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị ngày càng trở nên gay go hơn trước. Nhưng trong khi Đảng Dân chủ - Xã hội Thụy Điển (SAP) thất bại trong các cuộc bầu cử năm 2006, thì tại Na Uy, Đảng Lao động lại giành thắng lợi liên tiếp trong hai kỳ tổng tuyển cử 2005 và 2009. Thành tích này có liên quan đến vị Thủ tướng Na Uy hiện nay: Jens Stoltenberg.

Đọc tiểu sử của ông, chúng ta được biết Jens Stoltenberg có một người chị lớn hơn ông một tuổi tên là Camilla; cô này ngay từ năm 13 tuổi đã tham gia vào một nhóm thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao có tên là Tuổi trẻ Đỏ (Red Youth)[11]. Do ảnh hưởng của người chị này, Jens đã tích cực tham gia vào phong trào phản chiến chống lại cuộc Chiến tranh Việt Nam. Đầu thập niên 1970, sau một đợt ném bom của không quân Mỹ vào thành phố cảng Hải Phòng, Jens đã tham gia biểu tình trước Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Oslo. Cậu bé đã ném đá làm vỡ một số cửa sổ nhưng may mắn thoát được, trong khi một vài người bạn bị cảnh sát bắt giam.

Thế nhưng, tiểu sử của Jens Stoltenberg không chỉ dừng lại ở đó. Ông sinh ngày 16/3/1959, xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm chính trị. Cha ông - Thorvald Stoltenberg, là một trong những nhà chính trị nổi tiếng ở Na Uy, đã từng hai lần làm Bộ trưởng Ngoại giao, mẹ ông - Karin Stoltenberg, đã từng giữ chức Thứ trưởng. Cả hai người đều là những đảng viên kỳ cựu của DNA.

Tốt nghiệp về kinh tế học tại Đại học Oslo, Jens Stoltenberg tham gia vào các hoạt động của DNA từ rất sớm. Từ 1979 đến 1981, ông là nhà báo không chuyên của tờ Arbeiderbladet (tờ báo của đảng DNA); từ 1985 đến 1989 là thủ lãnh của Liên đoàn Thanh niên Lao động (Labour Youth League, Arbeidernes Ungdomsfylking, viết tắt là AUF) và từ giữa 1990 đến 1992, là Chủ tịch đảng bộ Oslo.

Năm 1993 (34 tuổi), Stoltenberg đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng trong Nội các của nữ Thủ tướng Gro Harlem Brundtland. Ba năm sau, ông nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ của Thorbjørn Jagland. Vào ngày 29/9/1997, Jagland từ chức vì ông đã tuyên bố trước cuộc tổng tuyển cử rằng nếu Đảng DNA không đạt được 36,9% số phiếu của cử tri, nội các của ông sẽ từ chức. Trong kỳ bầu cử đó, Đảng Lao động chỉ đạt được 35% số phiếu, vì vậy Jagland phải giữ lời hứa; quyền lực được chuyển cho một liên minh cánh hữu dưới sự lãnh đạo của Kjell Magne Bondevik (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo)[12].

Tháng 3 năm 2000, chính phủ của Bondevik phải từ chức sau một cuộc biểu quyết tín nhiệm (không đạt đủ số phiếu để thực hiện dự án xây dựng nhà máy khí đốt đầu tiên của Na Uy). Stoltenberg đảm nhiệm việc thành lập Chính phủ và trở thành Thủ tướng vào năm 41 tuổi – Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử của Na Uy. Lúc này, Stoltenberg là Phó Chủ tịch Đảng, trong khi Chủ tịch Đảng vẫn là Thorbjørn Jagland. Chính phủ của DNA chỉ tồn tại được chưa đầy 1 năm (17/3/2000 – 19/10/2001) vì trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001, đảng chỉ đạt 24,3% số phiếu bầu (thấp nhất kể từ năm 1927). Nguyên nhân thất bại là do cử tri bất bình trước việc thiếu các trường mẫu giáo, các nhà dưỡng lão cũng như sự sa sút về tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống giáo dục công lập.

Mặc dù vẫn còn là đảng lớn nhất tại Nghị viện, DNA phải nhường địa vị lãnh đạo cho một liên minh của cánh hữu. Năm 2002, Jagland rút lui, nhường vai trò lãnh đạo Đảng cho Stoltenberg. Trong cuộc bầu cử năm 2005, DNA đã giành thắng lợi, đạt được 32% số phiếu bầu. Nhưng để có thể thành lập được chính phủ, DNA phải liên minh với hai đảng nhỏ khác là Đảng Xã hội chủ nghĩa Cánh tả (Socialist Left Party, Sosialistisk Venstreparti - viết tắt là SV) và Đảng Trung tâm (Centre Party, Senterpartiet, viết tắt là Sp). Đó là chính phủ liên minh đầu tiên trong lịch sử của Đảng Lao động. Để có thể thành lập liên minh, ba đảng đã thương thảo một giải pháp chung, thể hiện trong bản Tuyên bố Soria Moria thứ nhất (First Declaration of Soria Moria).

Liên minh này được gọi là Liên minh “Đỏ-Xanh” (Red-Green Coalition) bởi vì Đảng Xã hội chủ nghĩa Cánh tả (SV) có lập trường cấp tiến nhất (xã hội chủ nghĩa), tượng trưng bằng màu đỏ. Đảng Trung Tâm (Centre Party) đóng vai trò của các Đảng Xanh (Green Party) ở các nước khác, vì vậy được tượng trưng bằng màu xanh lá. DNA là đảng cánh tả lớn nhất, có lập trường trung - tả (center-left). Jens Stoltenberg (lúc này đã 46 tuổi) trở thành Thủ tướng lần thứ hai vào ngày 17/10/2005. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2009, Liên minh Đỏ - Xanh vẫn tiếp tục giữ được đa số trong Nghị viện, vì vậy Jens Stoltenberg tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Ba đảng trong liên minh đã công bố một bản Tuyên bố Soria Maria thứ hai (Second Declaration of Soria Moria) – cương lĩnh chính trị của giai đoạn 2009 - 2013.

*

* *

Kinh nghiệm của Đảng Lao động Na Uy cho thấy không phải bất cứ quá trình “tự diễn biến hòa bình” nào cũng là hiện tượng xấu, đáng lên án. Nếu “tự diễn biến hòa bình” để rũ bỏ một hệ tư tưởng lạc hậu, lỗi thời, đi ngược lại với xu thế phát triển của nhân loại thì quá trình chuyển hóa đó là một quá trình lột xác mang tính chất tiến bộ. Một đảng chính trị nhạy bén, quả cảm phải biết sớm phát hiện hướng phát triển đúng đắn để kịp thời điều chỉnh đường lối và phương thức tổ chức cho phù hợp, tránh bị tụt hậu hay đào thải.

Như vậy là ngay từ năm 1923, những người cộng sản Na Uy do sự thôi thúc của lòng yêu nước, của ý thức độc lập, tự cường, đã mạnh dạn từ bỏ Quốc tế Cộng sản để trở về với dân tộc. Họ đã mất một thời gian để nhìn lại chính mình và sau đó thừa nhận sự sai lầm về hệ tư tưởng, kiên quyết từ bỏ con đường cách mạng để trở thành một đảng cải cách. Việc từ bỏ quan niệm chuyên chính vô sản, kiên quyết chọn con đường dân chủ tự do của Đảng Lao động Na Uy đã không dẫn đảng này đến chỗ “tự sát”, mà ngược lại, đã mở ra một tương lai đầy triển vọng.

Chính việc chấp nhận các giá trị dân chủ, tự do đã đưa đến những thay đổi lớn về đường lối, chính sách kinh tế. Từ chỗ coi việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng “chủ nghĩa xã hội” là mục tiêu, kể từ thập niên 1930 Đảng Lao động Na Uy đã từ bỏ ý tưởng quốc hữu hóa bằng bất cứ giá nào để đưa ra lời cam kết “công ăn việc làm cho mọi người” và dồn mọi nỗ lực vào việc xây dựng một “Nhà nước phúc lợi” được tài trợ bằng thuế và nghĩa vụ. Mặt khác, nếu như dưới thời Einar Gerhardsen, DNA đã đưa Na Uy từ cơ chế thị trường sang một nền kinh tế có điều chỉnh, kiểm soát thì bước sang thập niên 1980, dưới thời của Nữ Thủ tướng Gro Harlem Brundtland, đảng đã bổ sung các nguyên tắc của kinh tế thị trường: cho phép tư hữu hóa các tài sản và dịch vụ của Nhà nước, giảm bớt thuế thu nhập lũy tiến… Chính sự uyển chuyển, linh hoạt trong đường lối, chính sách đã tạo nên sức mạnh của DNA, hoàn toàn khác với cách tư duy bảo thủ, giáo điều của các đảng cộng sản trên thế giới.

Ngày nay, đất nước Na Uy nhỏ bé với 4,9 triệu dân đã và đang tiếp tục giành được những thành tích đáng kinh ngạc. Với GDP tính trên đầu người trong năm 2010 ước tính 52.964 USD[13], Na Uy có thể được coi là quốc gia giàu thứ nhì trên thế giới, chỉ xếp sau Luxembourg. Nhưng sự phân phối thu nhập trong các tầng lớp dân cư cũng thể hiện rõ rệt tính bình đẳng. Theo đánh giá của UNDP, trong thập niên 2000 - 2010 chỉ số Gini (Gini Index) của Na Uy là 25,8 - thuộc loại thấp, được xếp thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Đan Mạch, Nhật Bản và Thụy Điển (đồng hạng với Cộng hòa Tiệp)[14]. Mặt khác, chỉ số HDI (Human Development Index, chỉ số phát triển con người) của Na Uy năm 2010 đạt 0,938 điểm - xếp hạng 1 toàn thế giới. Đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, bởi vì Na Uy đã từng được xếp thứ nhất về chỉ số HDI trong 6 năm liền (2001 - 2006) và trong hai năm gần đây (2009; 2010), lại trở về với vị trí dẫn đầu thế giới.

Về Chỉ số dân chủ (Democracy Index), năm 2010 tờ báo Economist xếp Na Uy đứng thứ 1 trong số 167 nước, với 9,80 điểm. Trước đó, vào năm 2007, tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) đã đánh giá Chỉ số Tự do báo chí Toàn cầu (Worldwide Press Freedom Index) của 169 quốc gia trên thế giới và xếp Na Uy (cùng với Iceland) vào hàng số một trên thế giới. Tại Na Uy, án tử hình đã bị bãi bỏ vào năm 1902, và án tử hình dành cho tội phản bội trong chiến tranh và các tội ác chiến tranh cũng bị bãi bỏ vào năm 1979. Hiện nay, Na Uy là quốc gia có tỷ lệ thấp nhất trên thế giới về tội giết người.

Điều mà Đảng Lao động Na Uy có thể tự hào là trong những thành tích tốt đẹp mà đất nước Na Uy đạt được, bao giờ cũng có sự góp phần lớn lao của họ. Đáng lưu ý hơn nữa là: DNA thành công không phải bằng phương thức “giành và giữ chính quyền” với bất cứ giá nào mà bằng con đường cạnh tranh lành mạnh, tìm kiếm các lá phiếu của cử tri trong một hệ thống chính trị nổi tiếng là trong sạch và công bằng nhất trên thế giới.

Có thể nói: từ một đảng cộng sản tự chuyển hóa thành một đảng dân chủ - xã hội, Đảng Lao động Na Uy đã chứng tỏ một bản lĩnh đáng khâm phục. Họ đã sớm rút ra được một chân lý: sức mạnh của một đảng chính trị không thể là sức mạnh vay mượn từ bên ngoài, mà phải bắt nguồn từ sức mạnh của toàn dân. Chỉ bằng cách đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ quyền lực với nhân dân trong một chế độ chính trị dân chủ, một đảng chính trị mới có thể làm nên những kỳ tích.

“Tự diễn biến hòa bình” để trở thành một đảng tôn trọng tự do, dân chủ không phải là chọn con đường tự sát. Chỉ khi nào một đảng chính trị đứng trên Hiến pháp và pháp luật, coi Nhà nước chỉ là phương tiện bảo vệ quyền lợi của đảng mình, kiên trì độc chiếm quyền hành, đứng trên dân tộc, coi thường nhân dân; đó mới thật sự là con đường tự sát.

Đà Lạt, 9/1/2011

M.T.L

Nguồn tham khảo:

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bản tiếng Anh;

- Bách khoa toàn thư Britannica 2010, bản điện tử (Encyclopaedia Britannica Ultimate Reference Suite, Chicago, 2010);

- Website của Chính phủ Na Uy: http://www.regjeringen.no (phần tiếng Anh),

- Egge, Åsmund, “The Communist Movement in Norway, 1917 – 1970”, Conference Paper, “People of a Special Mould?”, International Conference on Comparative Communist Biography and Prosopography, University of Manchester, 6th to 8th of April 2001,

- “Leon Trotsky in Norway”: http://www.marxists.org/archive/trotsky/1936/12/nor.htm

- Nils Dahl, “With Trotsky in Norway”, Revolutionary History, Vol.2, No.2, Summer 1989:

http://www.marxists.org/history/etol/document/norway/nor01.htm

- "Bio - Martin Tranmæl", Nobelprize.org 17 Dec 2010: http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/articles/committee/nnclist/bios/tranmael.html

- “The Norwegian Labour Party - a brief presentation”:

http://arbeiderpartiet.no/Kontakt/Information-in-English

- UNDP, Human Development Report 2010, 20th Anniversary Edition:

http://hdr.undp.org/en/media/HDR_2010_EN_Complete_reprint.pdf

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HO biên tập.


[1] Quy chế này vẫn được duy trì mãi đến 1997; kể từ đó, DNA chỉ còn có thành viên cá nhân.

[2] Từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân ở châu Âu chia thành hai phái. Phái cải cách chủ trương đấu tranh ôn hòa để cải thiện từng bước xã hội cũ trong khi phái cách mạng chủ trương dùng bạo lực cách mạng để lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản.

[3] Chủ nghĩa công đoàn: còn gọi là chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ (Anarcho-syndicalism) hay chủ nghĩa công đoàn cách mạng (Revolutionary Syndicalism, syndicalisme révolutionnaire). Chủ nghĩa công đoàn nở rộ ở Pháp trong khoảng thời gian 1900 đến 1914 và sau đó lan sang một số nước khác ở châu Âu và châu Mỹ la-tinh, coi đình công và nhất là tổng đình công là vũ khí quan trọng nhất để đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.

[4] Còn được gọi là Quốc tế III - do Lenin thành lập. Tổ chức này được gọi là Quốc tế cộng sản nhằm phân biệt với Quốc tế II (còn được gọi là Quốc tế xã hội chủ nghĩa).

[5] Leon Trotsky, “Their Morals and Ours”, The New International, Vol. IV, No. 6, June 1936; Socialist Viewpoint, vol.2, No. 1, January 2002:

http://socialistviewpoint.org/jan_02/jan_02_17.html

[6] Còn gọi là Farmers’ Party (Đảng Nông dân), ngày nay là Đảng Trung tâm (Centre Party).

[7] Tên trong tiếng Na Uy là Venstre (phía tả), viết tắt là V. Đảng này thành lập vào năm 1884. Vào cuối thế kỷ XIX, tả không có nghĩa là xã hội chủ nghĩa, mà có nghĩa là ủng hộ chế độ đại nghị. Đối lập với đảng này vào thời đó là Đảng Bảo thủ (Conservative Party) - tên trong tiếng Na Uy là Høyre (phía hữu), chủ trương chống chế độ đại nghị.

[8] Về sau trở thành Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hiệp Quốc (1946-1952).

[9] Biography for Einar Gerhardsen, The Internet Movie Database:

http://www.imdb.com/name/nm0314288/bio

[10] Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhân dân chính là tiền thân của Đảng Xã hội chủ nghĩa Cánh tả (SV) – một trong ba đảng của liên minh cầm quyền hiện nay.

[11] Camilla Stoltenberg hiện nay là một Bác sĩ, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y học.

[12] Liên minh cánh hữu này gồm 3 đảng: Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democratic Party) , Đảng Trung tâm (Centre Party) và Đảng Tự do (Liberal Party).

[13] Đây là con số của GDP(PPP), tức là GDP (tổng sản lượng quốc nội) tính theo sức mua (purchasing power parity).

[14] Chỉ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Chỉ số này càng thấp (gần 0) thì kinh tế càng bình đẳng giữa người giàu và người nghèo; còn ngược lại, chỉ số này càng cao (gần 100) thì xã hội càng thiếu công bằng.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn