Chính sách trong ngành lúa gạo: Lợi ích của nông dân vẫn nằm cuối bảng

Việt Anh

clip_image001[10]

Người nông dân làm ra hạt gạo xuất khẩu, nhưng lợi ích của họ lại đứng cuối chuỗi xuất khẩu gạo. Ảnh: TL SGTT

 

SGTT.VN - Theo báo cáo “Phân tích hệ quả can thiệp chính sách với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo và tôm tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ưng (CIEM) công bố sáng 14.1, lợi ích của nông dân vẫn thuộc hàng cuối bảng.

Giá gạo và thời điểm xuất khẩu gạo thực sự có vấn đề

Đại diện của nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Đức Nhật nêu rõ, qua khảo sát ở An Giang, một vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long, nông dân cho biết, mỗi khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngừng xuất khẩu là họ bị thua lỗ, bởi VFA là người quyết định giá sản phẩm.

Trong chính sách điều tiết cơ chế xuất khẩu gạo, thực tế phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo phụ thuộc vào VFA, nếu không có dấu của VFA trên hợp đồng, gạo sẽ không được thông quan xuất đi. Theo nhóm nghiên cứu, chính sách này đang tạo ra biến dạng thị trường rất rõ nét thông qua việc hình thành độc quyền xuất khẩu.

Cụ thể, quy chế quản lý xuất khẩu gạo đang tạo ra lợi ích độc quyền rất lớn cho các doanh nghiệp thành viên của VFA (chủ yếu là các doanh nghiệp quốc doanh) và một số doanh nghiệp tư nhân xin được hạn ngạch xuất khẩu gạo. Trong khi về tổng thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhóm còn lại trong chuỗi xuất khẩu, đặc biệt là nông dân.

Ông Nhật nhấn mạnh, giá gạo và thời điểm xuất khẩu gạo thực sự có vấn đề. Nguyên nhân là việc hạn chế xuất khẩu (làm nông dân bị ép giá) và thông tin giá cả trên thị trường thế giới nói chung trên website của VFA chậm được cập nhật, hầu như là số liệu cũ.

Nếu như so sánh tôn chỉ mục tiêu và bảng giá của VFA và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ thấy khác biệt lớn (theo hướng tiêu cực về phía VFA). Chẳng hạn như VFA “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên” thì bên Thái Lan lại vì “quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong ngành công nghiệp gạo”…, ông Nhật cho hay.

Nông dân lạ lẫm với chính sách hỗ trợ

Trong khi đó, nông dân cũng “hết sức khó khăn” trong tiếp cận hệ thống tín dụng của Nhà nước. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết nông dân không có vốn, tiền mua giống lúa và nguyên vật liệu khác đều trả vào cuối vụ khi bán lúa. Nhiều người nói, họ phải mua chịu hay trả chậm cho các đại lý, bởi muốn vay tiền ngân hàng, nông dân phải thế chấp sổ đỏ, thậm chí khi có sổ đỏ, ngân hàng cũng thoái thác. Đặc biệt, khi được hỏi về chính sách đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân, đa số đều thấy… lạ lẫm.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu kết luận, chính sách phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp ở miền Bắc “không có gì”. Còn ở An Giang, nông dân đã có một số sáng kiến nhưng không được Nhà nước tài trợ, nhân rộng, chủ yếu vẫn là mời đến dự hội thảo. Đối với các loại giống lúa mới, khi nông dân trồng thử nghiệm thì không có đầu ra, vì doanh nghiệp vẫn quen mua các loại gạo truyền thống.

Đất trồng lúa giảm 0,3 triệu ha

Dưới góc độ đảm bảo nguồn cung lúa gạo bền vững cho xuất khẩu, nhóm Nghiên cứu cho rằng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp sẽ làm giảm nghiêm trọng đất canh tác.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã mất hơn 0,3 triệu ha đất lúa, trong đó đồng bằng sông Cửu Long giảm 175.000 ha. Hiện cả nước còn 4,13 triệu ha đất trồng lúa, Chính phủ đặt mục tiêu “khiêm tốn” duy trì diện tích đất trồng lúa tối thiểu từ 3,7 – 3,9 triệu ha vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là sẽ mất đi tiếp 0,4 triệu ha trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, Việt Nam cần xem xét lại chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong khi các nước lân cận đều có chính sách hạn chế hoặc cấm đánh bắt hải sản mùa sinh sản, Việt Nam vẫn chưa có chính sách và tầm nhìn cụ thể về vấn đề này. Điều này dẫn đến cạn kiệt nguồn nguyên liệu nghiêm trọng, có doanh nghiệp trước đây khai thác được hàng trăm tấn thủy sản giờ chỉ còn một vài tấn. Bên cạnh đó, người nuôi trồng tôm cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng của nhà nước.

Nghiên cứu nói trên được thực hiện tại 3 tỉnh Thái Bình, An Giang và Cần Thơ trong thời gian từ tháng 8-12.2010. Đây là nghiên cứu định tính, với khoảng 50 người tham gia, là nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu, cán bộ của Sở Nông nghiệp, Bộ Công thương…

V. A.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn