Mạn đàm về cái ghế

Tô Văn Trường

clip_image001

Cái ghế là vật vô tri, vô giác, nhưng vì nó sinh ra để cho người ta ngồi tức là thân phận của nó liên quan đến con người nên xung quanh nó cũng xảy ra lắm chuyện. Vì chiếc ghế luôn phải có 4 chân nên nếu đặt ghế không phẳng thì ghế cũng không vững được. Về điều này thì ghế kém cái kiềng (vững như kiềng 3 chân mà!).

Ngày nay, nói đến cái ghế là người ta thường nói đến địa vị xã hội, vị trí công tác của ai đó. Vậy thì đối với người thận trọng, trước khi ngồi lên cái ghế dành cho mình hãy chú ý xem “trọng lượng” bản thân và nơi đặt cái ghế có bằng phẳng không. Tức là cái nơi mình sẽ làm việc có ổn định lâu dài không. Khéo rồi ngã gãy xương có ngày! Lại nữa, phải xem cái ghế làm bằng vật liệu gì, có bền chắc không. Nhiều cái ghế trông bề ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng nhưng làm bằng gỗ mọt dễ làm người vô ý ngã dập mặt. Còn có những chiếc ghế mùa đông ngồi thì lạnh, mùa hè ngồi thì nóng gây cảm giác rất khó chịu. Rồi còn cái cách ngồi ghế nữa cũng ảnh hưởng đến độ bền của nó. Nếu anh biết lựa cách ngồi cho khéo thì cái ghế sẽ bền, sẽ vững. Còn đối với anh thô lỗ, cẩu thả thì ghế gì cũng mau hỏng mà thôi!

Chuyện cái ghế cũng là chuyện con người, chuyện cuộc đời. Mỗi người thích một kiểu ghế, mỗi người có một kiểu ngồi xem ra ít giống nhau. Nhưng để được ngồi ghế trên, ghế đẹp, ghế bền thì đều là khát vọng của mỗi người hay cũng là của nhiều người. Bởi vì cái ghế thường được coi là biểu tượng, là sự bảo đảm cho danh vọng và quyền lực của con người. Thế là mới xảy ra chuyện tranh ghế, chiếm ghế với đủ mọi toan tính, thủ đoạn, kể cả việc dùng chiếc ghế làm mồi nhử, làm cái bẫy đối với đồng loại, đồng bào, đồng đội và đồng chí. Có nhiều cái ghế gọi là “ghế nóng” đó thôi! Ai định ngồi vào đây hãy liệu chừng! Đã có biết bao chuyện bi hài, và đau lòng xảy ra xung quanh cái ghế. Có anh vồ trượt ghế ngã biêu đầu, có anh ngồi chưa ấm chỗ đã bị kẻ khác hất ngã hoặc ghế bị gẫy mà ngã. Chiếc ghế, cái vật vô tri, vô giác ấy không hề biết khóc, biết cười. Chỉ có những con người vì nó mà khóc, mà cười mà hả hê sung sướng hoặc nhăn nhó đau khổ thôi.

Nhân nói đến Đại hội Đảng lần thứ XI, trên mạng đang lưu truyền một số văn thư của một số vị cựu ủy viên Bộ chính trị (có người đã từng là nguyên thủ quốc gia), của một số tướng lãnh nhận xét phê phán về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XI. Văn thư có chữ ký của từng người, thậm chí đóng cả dấu “Hỏa tốc”, đúng sai chưa rõ nhưng đó là quyền phát biểu của mỗi người để Đại hội tham khảo. Tuy nhiên, có bức thư ngày 12/12/2010 của hai vị cựu lãnh đạo cao cấp của Đảng trong một số nhiệm kỳ trước đây, lên án bài viết của đồng chí Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội (đã đăng công khai trên VNN và Tuần VN) về các khuyết điểm là đi ngược đường lối chính trị của Đảng, đòi từ bỏ Cương lĩnh 1991, và Chủ nghĩa Mác, cho rằng chủ nghĩa xã hội là lỗi hệ thống, cán bộ Đảng viên rất phẫn uất về tài liệu của đồng chí Nguyễn Văn An… Thế giới xưa nay hay sử dụng từ đối thoại “Dialog”, gốc từ Hy Lạp có nghĩa là biện chứng, cần có lý lẽ, tranh luận không phải thắng thua mà để đi đến sự đồng thuận. Ở Việt Nam, xưa nay công tác lý luận thường đi vào ngõ cụt, không thuyết phục vì tư duy giáo điều, “chụp mũ” làm thui chột những ý tưởng đổi mới.

Không biết người ta thăm dò ý kiến ở đâu, khi nào để kết luận cán bộ, đảng viên rất phẫn uất về tài liệu của đồng chí Nguyễn Văn An. Để minh chứng một cách khách quan khoa học, tôi đã đọc toàn bộ 85 trang báo cáo ngày 7/10/2010 “Hội thảo khoa học của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam” đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng XI. Tất cả có hơn 80 đại biểu tham dự cuộc họp, trong đó có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà kinh tế lâu năm như GS Trần Phương Chủ tịch hội, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Vũ Khoan nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, Hồng Hà nguyên Bí thư Trung ương Đảng, GS.TSKH Phan Văn Tiệm nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng v.v. Phân tích, lập luận, dẫn chứng đánh giá, so sánh của 23 ý kiến tại cuộc họp rất thẳng thắn, xây dựng có thể nói đây là “bồn trí tuệ” – Think Tank – rất thuyết phục người đọc. Chúng tôi tin rằng, anh Nguyễn Văn An sau khi đọc toàn bộ tài liệu của Hội thảo sẽ thấy nhẹ lòng, thanh thản và vững tin hơn về những chính kiến của mình. Người dân đủ trí tuệ để hiểu và đánh gía những ý kiến vì dân, vì nước của những vị trưởng thượng, chuyên gia gạo cội của nước nhà. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và luôn đòi hỏi đánh giá sự thật và chỉ có sự thật.

Nói về Đại hội Đảng XI, về nguyên tắc thì dân không được dự Đại hội Đảng, dân cũng không được bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là bầu Tổng Bí thư! Tuy nhiên, cuộc sống đòi hỏi người dân phải quan tâm đến các chiếc ghế đại diện cho cho quyền lực và trách nhiệm của Đảng. Ý dân, lòng dân được thể hiện qua việc đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Đảng. Hàng loạt các tờ báo công khai đăng tiêu đề nổi bật: “Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 15 quyết định nhân sự” đọc, ngẫm suy thấy rất phản cảm vì Điều lệ, Nghị quyết đều khẳng định Đại hội mới thực sự là cơ quan cao nhất của Đảng.

Trong chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo, người dân chỉ mong sao những người đảng viên được lựa chọn bầu vào Ban Chấp hành Trung ương phải là người yêu nước, tử tế, có trí tuệ, năng lực bản lãnh, khí phách cùng dân tộc đi tới trong thế giới đầy biến động, khó lường. Đất nước ta còn nghèo, các yếu kém trong quản lý nhà nước về lỗi hệ thống ngày càng thấy rõ, khát vọng của nhân dân mong Đảng cần phải “nói và làm”, là sửa ngay một số việc “không giống ai” như sau:

Thứ nhất là đừng tái diễn hình ảnh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mỗi khi đón nguyên thủ quốc gia nước ngoài khi duyệt binh vẫn phải có hai người đi hai bên (Tổng bí thư và Chủ tịch nước). Ngay các nước Trung Quốc, Cu Ba, Lào, Triều Tiên, đã nhất thể hóa hai vị trí nói trên thành nguyên thủ quốc gia từ rất lâu rồi. Phải chăng mô hình quản trị của chúng ta sáng tạo, mang bản sắc dân tộc, thông minh hơn tất cả các nước trên thế giới hay thực chất là do hậu quả của tư duy vùng miền và vì “cái ghế”!?

Thứ hai là đất nước có tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là do luật pháp đã thiếu lại yếu. Viện trưởng Viện Kiểm sát không thể đặt ngang hàng với Chánh án Tòa án tối cao, có nghĩa là Chánh án Tòa án tối cao phải là nhân vật trọng yếu nằm trong Bộ Chính trị. Tòa án tối cao có quyền xử các hành vi, vi hiến của bất kỳ ai kể cả Chủ tịch nước và Thủ tướng, thu hồi quyết định vi hiến. Sau đó xét nếu thấy vi phạm luật nghiêm trọng thì do tòa án thường xét xử.

Thứ ba là Viện Kiểm sát phải đổi thành Viện Công tố có chức năng của cơ quan luận tội, ra trước tòa phải bình đẳng với luật sư (gỡ tội). Chánh án căn cứ kết quả tranh luận giữa luật sư và công tố viên, đối chiếu với án lệ (những sự việc không ghi đầy đủ rõ ràng trong luật phải dựa trên những vụ đã xử bởi lương tâm, nghề nghiệp của chánh tòa), v.v.

Nếu cứ tỷ mẩn ngồi liệt kê, không biết đến lúc nào mới hết các vấn đề còn bất cập liên quan đến chuyện nhân sự, “cái ghế”, luật chơi hay thể chế! Người dân chỉ biết nhắn nhủ đến các vị có trách nhiệm được ủy nhiệm của dân quản trị đất nước hãy biết nhìn lại mình vì cái đầu, cái lưỡi, tấm lòng chân thực và việc làm thiết thực của người ngồi lên ghế sẽ quyết định màu sắc và độ vững chắc của cái ghế!

T. V. T.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Văn bản do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Nguồn: Nguyenxuandien Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn