Mỹ-Trung: Nhìn xa trông rộng, tránh thế long hổ tương tranh

Trang Thư

clip_image001

 

GS Stephen Walt: Mỹ - Trung ở thế long hổ tương tranh. Ảnh: Linh Phạm

 

GS. Stephen Walt đã thể hiện đúng tư duy hiện thực và phong cách trực diện của mình khi phát biểu tại Lễ công bố 500 DN lớn nhất VN ngày 15/1. Vị giáo sư Harvard đã không úp mở mà đi thẳng vào những khía cạnh gai góc nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

GS Stephen Walt khẳng định ngay từ đầu rằng ông có đôi chút "bi quan" về sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc, bởi e ngại rằng "mối quan hệ cộng sinh Trung Mỹ có thể khó giữ vững và bị thay thế bởi nguy cơ xung đột".

Quan điểm này của một người theo trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế như GS Walt là điều dễ đoán trước. Những nhận định của ông vẫn mang hơi hướng của một nhà nghiên cứu luôn coi lợi ích là yếu tố chính chi phối chính sách đối ngoại quốc gia.

"Trung Quốc sẽ có xu hướng xác định lợi ích cốt lõi của mình theo cách rộng hơn khi quyền lực được củng cố, và nước này sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo các bên khác không thể đe dọa những lợi ích này. Nếu sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục dâng cao, mối quan hệ Trung - Mỹ chắc chắn sẽ ngày một cạnh tranh hơn. Trung Quốc có lẽ muốn trở thành một siêu cường khu vực, còn Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn điều này".

Tuy vậy, bàn cờ chính trị quốc tế không chỉ có hai nhân tố Mỹ Trung, thế "long hổ tương tranh" Trung-Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Châu Á. Tại khu vực này, theo Stephen Walt, một thế đối trọng giữa một bên là một số nước Châu Á và bên kia là Trung Quốc có thể sẽ định hình bởi: "với một Trung Quốc lớn mạnh, các nước Châu Á xung quanh có lý do để quan ngại."

Một Trung Quốc mạnh hơn cũng có thể dẫn tới nguy cơ đẩy Mỹ ra khỏi những ảnh hưởng của họ ở Châu Á. Điều này dẫn tới sự hậu thuẫn của Mỹ cho các nước Châu Á trong thế đối trọng với Trung Quốc.

GS Stephen Walt nhận định, mặc dù có những yếu tố khiến xung đột khó xảy ra như quan hệ kinh tế ràng buộc, trong vòng 20 đến 40 năm tới, sự cố dễ xảy ra nếu xuất hiện những nhà lãnh đạo thiếu sáng suốt.

Điều quan trọng nhất theo GS Walt là lãnh đạo hai bên cần có "tầm nhìn xa trông rộng", xung đột sẽ chỉ dẫn tới "tuột dốc" và "suy thoái kinh tế nặng nề". Chỉ có tầm nhìn mới tránh cho mối quan hệ sẽ định hình thế kỷ XXI này không rơi vào thế đối đầu.

Tầm nhìn ấy phải thấy được những cơ hội hợp tác lớn lao trong một thế giới toàn cầu hóa với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạt nhân, suy thoái kinh tế, an ninh mạng... GS Walt nhấn mạnh "khó khăn cũng chính là cơ hội".

Cách nhìn nhận có phần khốc liệt và trực diện của GS Walt về chính trị có thể sẽ khiến những ai chưa tiếp cận với các lý thuyết hiện thực về quan hệ quốc tế hơi sốc hoặc cho rằng những điều ông nói quá "nhạy cảm". Chính GS Walt cũng nói trong bài phát biểu của mình rằng "tôi nói nghe bi quan như trời sắp sập".

Nhưng, những người đã hiểu tư duy của Stephen Walt đều biết rằng ông không hề khuyến khích xung đột bằng những suy luận rất hiện thực của mình. Có chăng là điều ngược lại, nhà hiện thực chỉ muốn dự báo trước những tình huống tiêu cực để từ đó tìm ra giải pháp phòng tránh đối đầu và duy trì hòa bình.

Cơ hội chỉ đến nếu tất cả các quốc gia đều giữ vững tầm nhìn xa trông rộng rằng thế giới chỉ có thịnh vượng đích thực trong một nền hòa bình đích thực.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn