“Thách thức nằm trong nội tại nền kinh tế”

Đức Quân

clip_image001

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.

Bốn năm sau khi Việt Nam gia nhậpTổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những hồ hởi và kỳ vọng ban đầu nay đã phần nào nhường chỗ cho những lo ngại.

Nhìn nhận về những điều được, mất, hồi tưởng lại quan điểm lúc đàm phán và nhìn nhận tại thời điểm hiện nay, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ:

- Có thể thấy tình hình đất nước sau khi gia nhập WTO đã có những biểu hiện tích cực. Biểu hiện thứ nhất là xuất khẩu của chúng ta tiếp tục tăng với tốc độ trên 20%/năm, với thị trường ngày càng được mở rộng. Cái thứ hai cũng có thể cảm nhận một cách đặc biệt rõ nét là đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam bùng nổ các năm 2007 và nhất là 2008, với tốc độ chúng tôi cũng không ngờ tới.

Điều đó nói lên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam càng mạnh hơn nữa sau khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới. Từ đó, các dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam, kể cả qua đầu tư, xuất khẩu, rồi kiều hối, lao động… Tất cả những cái đó làm cho dự trữ ngoại tệ của chúng ta tăng lên đáng kể.

Cái thứ ba, tôi cho rằng nó vô hình thôi nhưng lại cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, là các doanh nghiệp của chúng ta đã bước đầu học được cách hội nhập với thế giới và cũng đã phát huy được mình, đồng thời cũng ứng phó được với những tác động không thuận của nền kinh tế thế giới. Tất nhiên còn nhiều vấn đề, nhưng mà ra trận lần đầu như thế được thì rất là đáng ghi nhận.

Cái thứ tư là hệ thống pháp lý của chúng ta, cơ chế chính sách của ta về lĩnh vực kinh tế được cải thiện lên rất nhiều so với trước khi chúng ta gia nhập WTO. Nó cởi trói cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm cho cơ chế kinh tế của chúng ta thông thoáng, minh bạch hơn rất nhiều. Đấy cũng là một kết quả mà chúng ta tuy là không cân, đong, đếm được nhưng lại rất quan trọng.

Kết quả thứ năm là với việc gia nhập WTO, vị thế quốc tế của chúng ta tăng hơn hẳn. Chúng ta được bầu vào ủy viên không thường trực hội đồng bảo an liên hợp quốc hai năm liền; chúng ta cũng là nước chủ tịch của ASEAN và lần đầu tiên Việt Nam đại diện cho ASEAN dự diễn đàn G20; hay vừa mới đây là diễn đàn kinh tế ở Tp.HCM về Đông Á... 

Có thể kể ra rất nhiều, rất nhiều sự kiện nói nên vị thế quốc tế của Việt Nam đã khác hẳn. Nếu nhìn tổng thể, có thể ghi nhận việc chúng ta gia nhập WTO là một trong những biện pháp để phát triển kinh tế, nhưng mà có ý nghĩa quan trọng và đem lại những tác dụng rất cụ thể.

Bệnh cũ tái phát

Thế còn những điểm chưa được, thưa ông?

Nói một chiều những cái thuận đó thôi thì nó không đúng, còn có những trái chiều nữa. Phải nói thách thức mà chúng ta đang gặp phải không chỉ do gia nhập WTO, nó nằm trong nội tại nền kinh tế của chúng ta và bộc lộ rất rõ nét khi chúng ta hội nhập với thế giới, khi chúng ta gia nhập WTO.

Ví dụ như vấn đề kết cấu hạ tầng của chúng ta rất yếu kém. Chúng ta biết rất rõ, trước đây cũng có rất nhiều cố gắng, nhưng chưa giải tỏa được. Và khi bùng nổ quan hệ xuất nhập khẩu, bùng nổ quan hệ đầu tư thì cái yếu kém nó bộc lộ ra càng rõ.

Hay là điện của chúng ta thiếu. Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mà mọi người rất lo lắng, bức xúc là thiếu điện, nhưng chẳng có liên quan gì đến WTO đâu. Thế nhưng, rõ ràng nó bộc lộ yếu kém của nền kinh tế, chúng ta chưa sẵn sàng ứng phó với sự phát triển mạnh mẽ như vậy.

Hoặc là vấn đề nhập siêu, năm vừa qua nhập siêu của chúng ta rất lớn. Chúng ta cũng đẩy mạnh xuất khẩu nhưng do cơ hội phát triển xuất khẩu, phát triển kinh tế tăng lên thì nhập siêu lại tăng theo. Tức là, bệnh cũ của nền kinh tế bộc lộ ra một cách rất rõ ràng.

Tất cả những cái tôi kể trên là những yếu kém của khả năng cạnh tranh. Thế nhưng, ý tôi muốn nói ở đây là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thì chúng ta cũng trụ vững được, cũng vẫn phát triển, không đến nỗi thua trên sân nhà như nhiều người nói đâu.

Nhưng rõ ràng là chúng ta có thể lợi dụng được cơ hội đó nhiều hơn nếu có khả năng cạnh tranh nhiều hơn. Tức là, về năng lực nắm bắt, dự báo tình hình, rồi tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu… Tất cả những cái đó, nếu chúng ta làm tốt hơn thì chắc chắn cơ hội sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.

Ông có thể nói rõ bệnh cũ tái phát thì cụ thể là thể hiện trong mấy năm vừa qua như thế nào, trên phương diện thương mại quốc tế?

Ở đây, yếu kém trong xuất khẩu của chúng ta đã tồn tại từ lâu rồi và nó bộc lộ ra rõ hơn nữa trong những năm chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới. Nhưng mà, nếu chỉ bó hẹp trong xuất khẩu thì chưa đủ, vì nó liên quan đến toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, mô hình phát triển của chúng ta.

Ở đây nó có mấy khía cạnh về mô hình phát triển, là vấn đề rất lớn và bây giờ người ta cũng nói rất nhiều, một là chúng ta phát triển theo chiều rộng rất nhiều, đổ rất nhiều đầu tư, rất nhiều vốn, rất nhiều nhân công vào sự phát triển. Vốn chúng ta đã huy động đến 42% GDP là mức cao nhất. Thế nhưng, hiệu quả đem lại không nhiều.

Tất nhiên hệ số ICOR của chúng ta kém cũng có nhiều nhân tố chứ đổ hết cho nền kinh tế không hiệu quả cũng không công bằng. Dù rõ ràng đây cũng là một biểu hiện của nền kinh tế không có hiệu quả.

Cái thứ hai nữa là cơ cấu kinh tế. Ví dụ như trong công nghiệp, công nghiệp khai thác chiếm tỷ trọng rất cao. Hay là kể cả nông nghiệp của chúng ta cũng đều là nguyên liệu thô cả. Vậy thì cái đó nó dội vào yếu tố xuất khẩu thôi. Đấy là do bản thân cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chưa phù hợp.

Cái thứ ba là mối quan hệ giữa phân bổ thị trường trong nước và ngoài nước thế nào cho hợp lý. Chúng ta hướng mạnh đến xuất khẩu là đúng rồi, vì thu nhập của dân ta còn hạn chế thế. Nhưng tỷ lệ đó là bao nhiêu cho nó phải cũng là một câu chuyện.

Thế nhưng, chúng ta càng xuất thì lại càng phải nhập nhiều. Chúng ta không có nhiều loại nguyên liệu. Ngay như hàng dệt may, bông cũng chẳng có, rồi vải cũng chẳng có thậm chí cái cúc cũng không có, chỉ cũng không có, chỉ có một ít lao động thôi thì làm sao mà có giá trị gia tăng cao được.

Thế rồi còn cơ cấu giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển rất cao, doanh nghiệp của nhà nước thì lớn, chiếm những lĩnh vực rất lớn nhưng đóng góp của mỗi lĩnh vực đó như thế nào để cơ cấu kinh tế có lợi hơn?

Đây không phải là câu chuyện cơ cấu xuất nhập khẩu đâu mà nó là toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế, nếu không có điều chỉnh lại thì chúng ta sẽ tắc tịt, tốc độ có thể vẫn tăng lên nhưng hiệu quả đem lại không tăng hoặc thậm chí tụt đi.

Thì đấy là câu chuyện lớn mà tôi nghĩ khi chúng ta đang hướng tới Đại hội 11 của Đảng, chắc chắn đây là một trong những đề tài sống còn.

Đến lúc chỉnh sửa lại cơ cấu

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, cũng còn nhiều quan điểm cho rằng FDI vào bất động sản lớn và không có lợi cho cải tiến công nghệ, năng suất, trình độ quản lý… Quan điểm của ông?

Trước tiên tôi phải khẳng định là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhìn chung có hiệu quả. Nếu nhìn lại sự phát triển kinh tế của chúng ta trong những năm đổi mới từ 1986 đến nay, không có FDI thì chắc là chúng ta không có những thành tựu như đã có được.

Tính đến ngày hôm nay, FDI cũng đóng góp hơn 30% giá trị sản xuất công nghiệp của chúng ta, thu ngân sách cũng chiếm tỷ trọng trên dưới 10%, đóng góp cho GDP cũng 15-17%, đóng góp cho xuất khẩu hơn 50%... Nếu không có cái này thì có những con số đó không? Chắc chắn là không có.

Chúng ta trước hết phải ghi nhận đây là nguồn lực chúng ta không thể bỏ qua, không thể bỏ phí. Vấn đề là chúng ta sử dụng nguồn lực đó như thế nào thôi.

Cũng không thể trách ai được những năm tháng ban đầu, kinh nghiệm không có, thế hệ chúng tôi là thế hệ được tiếp cận đổi mới ngay từ đầu. Có biết gì đâu. Tôi cũng làm kinh tế đối ngoại ở Bộ Ngoại giao rồi sau làm Bộ trưởng Bộ Thương mại rồi làm ở Chính phủ. Nhưng mà, cái hiểu biết về cơ chế trên thế giới này như tài chính, tiền tệ, đầu tư nó vô cùng phức tạp, mình thì đang thiếu thốn đủ mọi bề.

Mình mở ra như thế, được như thế thôi cũng hài lòng. Nhưng mà, có biết bao nhiêu cái khi mình lớn dần lên mới tỉnh ngộ ra.

Thế nên, không thể đòi hỏi một sớm một chiều mọi thứ đều ổn thỏa cả được. Nhưng bây giờ đã đến giai đoạn phát triển mới rồi, và mình đã có kinh nghiệm phát triển hơn 20 năm rồi, đã đến lúc phải chỉnh sửa lại ở cơ cấu.

Tôi hoàn toàn đồng ý, vấn đề là cơ cấu đầu từ và cơ cấu đầu tư ấy nó cho công nghệ chế tạo chế biến và nó đã thỏa đáng chưa hay là phần khai thác còn nhiều…

Ví dụ như trong đầu tư đó thì kể cả xuất khẩu, kể cả sản xuất chúng ta phải loại trừ dầu lửa ra và dầu lửa đó là liên doanh với nước ngoài, thành thử ra nó cũng đóng góp một phần rất quan trọng. Cái đó tốt thôi, thế nhưng nó cũng không phải là cái mà chúng ta mong muốn đâu.

Hay là bất động sản, đó cũng là một hình thức kinh doanh, đừng có thành kiến gì với nó. Các nước cũng vậy và ta cũng vậy, kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực bình thường thôi. Vấn đề là cơ chế ta như thế nào đó để cho kinh doanh bất động sản đó nó có lợi cho đất nước ta, hỗ trợ các doanh nghiệp của ta và chúng ta vẫn tuân thủ luật quốc tế.

Nhưng mà nói rất đúng là đầu tư này đã đem lại công nghệ cao chưa thì nó còn hạn chế, chủ yếu mới là gia công. Rất nhiều doanh nghiệp của ta chủ yếu là gia công như đóng giày, chế biến, lắp ráp… chứ còn chế tạo, kể cả công nghiệp phụ trợ cũng rất ít.

Thế thì bây giờ, trong giai đoạn mới này chúng ta muốn thành nước công nghiệp, muốn thành nước hiện đại thì rõ ràng phải chỉnh sửa cơ cấu này đi bằng những cơ chế chính sách chứ không phải bằng mệnh lệnh được.

Những cơ chế chính sách về thuế, về lãi suất, rồi tất cả những vấn đề kinh tế đó để lái cơ cấu đầu tư của nước ngoài đúng hướng, hỗ trợ công nghiệp chế tạo, chế biến, mang lại công nghệ cao cho đất nước, mang lại giá trị gia tăng cao.

Còn những cái lĩnh vực mà nó ngược lại cái đó thì hạn chế bớt lại. Tôi nhắc lại bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải bằng các giải pháp hành chính.

Không có cạnh tranh, không lớn được

Khi mà gia nhập WTO, các doanh nghiệp của chúng ta như những chiếc thuyền thúng vượt bão. Muốn hội nhập với thế giới cần một sự liên kết nhưng hiện nay xemra liên kết doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Quan điểm của ông?

Không có cạnh tranh thì không lớn được. Cái đó phải là nguyên tắc. Nếu mà đóng cửa không giao tiếp gì với bên ngoài thì như đứa trẻ nó luôn xanh xao vàng vọt, rồi chẳng biết làm gì. Thế nên chúng ta hội nhập với thế giới sẽ tạo một môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải vận động.

Thực tế họ đã vận động. Nếu mà không thì làm sao họ lại xoay sở được trước khủng hoảng như thế. Cả thế giới người ta đều đánh giá Việt Nam vượt qua suy thoái thành công. Việt Nam là ai? Là các doanh nghiệp, là nhân dân ta, là người lao động… chứ ai. Đấy là chúng ta đã chứng tỏ cái khả năng xoay sở của các doanh nghiệp Việt Nam không đến nỗi tồi như là người ta hay chê trách đâu.

Nhưng mà có thể khác hơn. Kỳ vọng của chúng ta là khả năng cạnh tranh khá hơn nếu mà chúng ta liên kết. Thì đây là một điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam mà chúng ta phải khắc phục và học tập các nước. Tôi thấy ví dụ như là các doanh nghiệp Trung Quốc, liên kết của người ta rất là chặt chẽ. Chúng ta thì lại không có được cái đó, dù chỉ đạo của ta rất là sắc sảo, rất là sát sao.

Giả sử cái thuyền thúng nó thủng thì rồi sẽ biết cách bịt nó vào để vận chuyển. Chứ còn nếu mà cứ ngồi khư khư ở trong bờ thì chả biết đường nào. Ở đây phải có niềm tin. Thực tế nó cũng chứng minh là không đến nỗi nào đâu.

Thế còn lĩnh vực nông nghiệp, một trong những lĩnh vực chúng ta lo ngại sẽ bị tác động mạnh nhất. Tại thời điểm hiện nay, ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực này?

Khi đàm phán chuyện này, chúng tôi luôn lo là nông nghiệp sẽ bị tác động mạnh, chỉ đạo rất cứng về những cam kết liên quan đến nông nghiệp, nhưng mà thực tế bây giờ tôi tỉnh ngộ ra.

Chính nước ta là nước có thế  mạnh về nông nghiệp, không phải là thế yếu. Tự mình đang ở thế mạnh đặt mình vào thế yếu, đâm ra co cụm. Trong khủng hoảng vừa rồi, chúng ta thoát ra được một phần rất quan trọng là có một nền nông nghiệp tương đối tốt. Và trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta phải bắt đầu bằng chăm lo đến nông nghiệp.

WTO cho phép chúng ta sử dụng 10% tổng số vốn cho nông nghiệp, nhưng chúng ta có dùng hết đâu. Chúng ta cam kết thế, phần đầu tư cho nông nghiệp đáng ra phải được nhiều hơn, nhưng đó là cái lỗi của mình thôi. Phần đầu tư cho nông nghiệp là câu chuyện cần phải bàn.

Chúng ta đang hướng đến công nghiệp hóa để hội nhập quốc tế. Nói đến nông nghiệp ở đây nên hiểu như thế nào?

Chúng ta có một sự hiểu lầm công nghiệp hóa nghĩa là tỉnh nào cũng trở thành công nghiệp, mà không hiểu rằng đất nước ta là một không gian kinh tế thống nhất, là một cơ thể thống nhất không có nghĩa là ở chỗ nào của nó cũng có công nghiệp hết.

Những nơi nào có lợi thế về công nghiệp thì tập trung cho nó, còn những nơi nào không có lợi thế ấy thì đừng có gồng mình lên đổ hết vốn vào đấy mà quên đi cái cơ bản là nông nghiệp.

Cái đó rất là nguy hiểm. Vùng mà được công nghiệp hóa cao, có giá trị gia tăng cao nhà nước sẽ điều hòa bằng các chính sách thuế, chính sách hỗ trợ, chính sách xóa đói giảm nghèo... Tất cả lao vào làm công nghiệp mà không kể đến hiệu quả, thì đó là một sai lầm.

Khi mở cửa có một tác động mà nhiều quốc gia đang gặp phải đó là chênh lệch giàu nghèo giữa các tần lớp trong xã hội. Đối với nước ta, ông có lo ngại về điều này hay không?

Lo ngại quá đi chứ. Nếu mà để cho phân hóa giàu nghèo mạnh quá thì sẽ gây ra bất ổn xã hội. Nếu thả lỏng và mặc kệ sự phân hóa đó thì xã hội sẽ bất ổn. Vấn đề là phải tìm ra điểm cân bằng giữa phát triển và công băng. Nghệ thuật của lãnh đạo là tìm được điểm cân bằng ấy.

Đ. Q.

Nguồn: Vneconomy

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn