Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ: có cũng như không

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image

Trong việc mua bán lúa gạo có hai điều quan trọng: ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, và ấn định giá thu mua lúa cho nông dân. Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo đã không hề quan tâm một chút nào đến hai vấn đề quan trọng vừa nêu.

1. Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu

Lẽ ra, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo phải ấn định giá sàn xuất khẩu gạo, linh động thay đổi giá sàn theo giá gạo trên thị trường thế giới, giám sát việc Hiệp hội lương thực Việt Nam thực hiện việc bán gạo trên giá sàn, xử phạt các doanh nghiệp bán phá giá gạo.

Thế nhưng, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ lại giao hết những việc trên cho VFA.

Chúng ta biết rằng: giá sàn được định ra là để chống các doanh nghiệp bán phá giá gạo, nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, thế mà lại giao cho VFA – những doanh nghiệp bán gạo – ấn định, thì làm sao chống bán phá giá?

Năm 2010 này, kể từ tháng 3/2010, VFA xóa bỏ giá sàn để bán phá giá gạo.

Ngày 27/03/2006, khi gạo Việt Nam bán rẻ hơn gạo Thái Lan cùng loại 60 USD/tấn, Chính ông Phong đã phản đối: “Chúng ta có thể thấy sự chênh lệch giá gạo giữa VN và Thái Lan hiện nay rất bất hợp lý. Cùng một chủng loại gạo 5% tấm nhưng giá gạo Thái Lan cao hơn gạo VN trên 60 USD/tấn, một mức chênh lệch không bình thường. Cũng xin nhấn mạnh rằng hiện nay chỉ có Thái Lan và VN mới có gạo 5% tấm cung cấp cho nhu cầu thị trường, do đó càng khẳng định loại gạo này không thể rớt giá” [1].

Việc bán gạo rẻ một cách bất thường này đã được sửa sai vào năm 2007, cuối năm này, ông Trương Thanh Phong cho biết trên báo Sài Gòn giải phóng Online: “Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã ngang với giá gạo Thái Lan” [2].

Thế nhưng hai năm 2008 và 2009, VFA lại bán gạo của nông dân chúng tôi rẻ hơn giá bán gạo cùng loại của Thái lan từ 100-160 USD/tấn. Năm 2010 này, VFA bán gạo rẻ hơn gạo Thái Lan 120 USD/tấn [3]!

Vậy mà từ năm 2008 đến nay, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ không hề có ý kiến gì với VFA, không hề có bất cứ động thái nào tìm cách kéo giá gạo của Việt Nam tiệm cận với giá gạo Thái Lan theo đúng thực chất.

Kể từ năm 2008 đến nay, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo không hề có cuộc họp nào để tìm hiểu tại sao VFA lại bán gạo Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại một cách phi lý như vậy.

Chắc có lẽ, Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ muốn đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân thế giới (!?).

2. Tổ Điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm đến giá VFA mua lúa của nông dân

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, lẽ ra, phải là nơi phân chia lợi nhuận từ mua bán lúa gạo một cách hợp lý cho nông dân và VFA, thế nhưng hiện nay, hoạt động của Tổ điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm một chút nào đến quyền lợi của nông dân, mà chỉ chăm chút cho quyền lợi của VFA.

Tôi lập bảng xuất khẩu gạo năm 2010 theo số liệu thống kê xuất khẩu gạo từng tháng trong năm 2010 của Hải quan Việt Nam như sau [4]:

Thời gian

Số lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Đơn giá (USD/tấn)

Tháng 1

380.688

204.963.159

538

Tháng 2

352.527

204.905.826

581

Tháng 3

709.743

382.695.859

539

Tháng 4

725.620

361.359.655

498

Tháng 5

719.131

329.612.442

458

Tháng 6

541.749

233.252.562

430

Tháng 7

853.531

359.408.801

421

Tháng 8

614.548

229.275.138

373

Tháng 9

354.112

150.621.014

425

Tháng 10

505.863

234.357.935

463

Tháng 11

497.344

244.233.830

491

Từ 1- 15 Tháng 12

213.800

108.289.768

506

Tổng cộng

6.486.656

3.042.975.989

Trung bình: 469

Qua bảng xuất khẩu gạo, chúng ta nhận thấy từ tháng 1 đến tháng 3, VFA bán gạo xuất khẩu với giá bình quân 549 USD/tấn. Tính thành tiền Việt Nam 10.485.900 đồng/tấn gạo; quy ra giá lúa là 6.291 đồng/ kg.

Thế nhưng khi nông dân bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân vào khoảng giữa tháng 2 thì VFA nói không ký được hợp đồng bán gạo nên hạ giá mua lúa của nông dân.

Ngày 25/2, ông Phạm Văn Bảy, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tuyên bố mua lúa đông xuân với giá từ 4.300 - 4.400 đồng/kg.

Như vậy VFA bán gạo xuất khẩu qui ra giá lúa 6.291 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân chúng tôi với giá tối đa 4.400 đồng/kg.

Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo đã không hề có ý kiến gì về việc VFA bán gạo giá cao và mua lúa giá thấp này.

Từ tháng 4 đến tháng 7, VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 451,9 USD/tấn, quy ra giá bán lúa 5.178 đồng/kg.

Vậy mà, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu vào giữa tháng 6, VFA tiếp tục luận điệu không có khách hàng và giá bán gạo thấp nên không mua lúa hè thu, để lúa ách tắc trong nông dân rồi mua lúa giá tạm trữ.

Ngày 9/7, ông Trương Thanh Phong – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiêm chủ tịch VFA đưa ra sáng kiến: “Chúng ta nên... phớt lờ mức lợi nhuận 30%, phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua” [5].

Bài báo trên cho biết tiếp: ““Sáng kiến” này được Thứ trưởng Nguyễn Thanh Biên tán thành. Ông Biên nói:“Trong điều kiện thị trường đầu ra khó khăn, giá giảm xuống mức quá thấp thì việc mua 1 triệu tấn gạo hè thu sẽ không đề cập mức lợi nhuận 30% và giá sàn thu mua nữa. Nhưng thống nhất yêu cầu DN mua lúa hàng hóa không dưới 3.500 đồng/kg. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ giãn nợ quá hạn cho nông dân trong thời gian mua tạm trữ để giảm sức ép bán lúa hàng hóa trả nợ ngân hàng. Đồng thời VFA phải điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn để giữ giá”.

VFA đang bán lúa với giá 5.178 đồng/kg, thế mà lại “phớt lờ” Nghị quyết của Chính phủ cam kết cho nông dân lời trên 30% so với giá thành, đưa ra giá mua lúa chỉ có 3.500 đồng/kg; thế mà ông Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo Nguyễn Thành Biên lại “tán thành”. Không biết là cớ làm sao (!?)

Giá bán gạo bình quân của VFA từ tháng 4 đến tháng 7 là 451,9 USD/tấn. Tháng bán thấp nhất là tháng 8 cũng đã là 373 USD/tấn. Thế mà ông Biên lại phán “VFA phải điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn để giữ giá” (!?).

Thưa ông Biên, “điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn” trong khi giá gạo đang là 451,9 USD/tấn, là cách điều hành phá giá gạo xuất khẩu chớ không phải “để giữ giá”.

3. Tổ điều hành xuất khẩu gạo đang điều hành theo kiểu bất trí và bất nhân

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ để cho VFA bán gạo Việt Nam với giá rẻ nhất thế giới năm này qua năm khác, thua gạo Thái Lan cùng loại từ 100-160 USD/tấn, không hề có một động thái nâng cao giá gạo, đó là điều hành theo kiểu bất trí.

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ để cho VFA bán gạo xuất khẩu giá cao, nhưng mua lúa của nông dân với giá thấp – để cho VFA cướp đoạt hết lợi nhuận của nông dân – đó là điều hành theo kiểu bất nhân.

Với cách điều hành “bất trí” của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, trong năm 2010 này, VFA đang bán gạo với giá thấp nhất thế giới, thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 120 USD/tấn.

Với cách điều hành “bất nhân” của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, trong năm 2010 này, VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 469,4 USD/tấn nhưng mua lúa của nông dân với giá quy gạo 350 USD/tấn (quy theo giá lúa VFA bán 5.378 đồng/kg lúa nhưng mua lúa của nông dân chỉ có 4.000 đồng/kg lúa).

Với cách điều hành “bất trí và bất nhân” này thì Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ có cũng như không!

Tại sao Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ lại điều hành theo kiểu “bất trí và bất nhân” như vậy? Đó là điều nông dân chúng tôi muốn biết. Đó là điều mà Chính phủ phải thay đổi.

Một vị Giáo sư đáng kính – người Thầy, người bạn của nông dân – khi đọc bài “mua bán lúa gạo năm 2010: nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp, nông dân đang bị bóc lột thậm tệ” đã chua chát gởi mail cho tôi: “Mình nói mãi mà không thấu thượng đình vì... thượng đình cũng là tòng phạm, cùng ăn chia nhau cả. Chúng ta phải tiếp tục can thiệp cho đến khi nông dân được đem lại công bằng”.

Vâng! Thưa Thầy.

Dù thượng đình có ăn chia, em cũng sẽ tiếp tục đi tìm lương tâm của Chính phủ, để đòi hỏi công bằng cho nông dân.

Ngày 12/1/2010

H.K

(1) Tuổi trẻ Online, bài “ Bất thường trong xuất khẩu gạo: gạo ngon, bán rẻ!” http://tuoitre.vn/Kinh-te/126155/Bat-thuong-trong-xuat-khau-gao-Gao-ngon-ban-re.html

(2) SGGP Online, bài “Gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có giá” http://www.sggp.org.vn/kinhte/2007/10/123578/

(3) Tầmnhìn.net, bài “ Xuất khẩu gạo “ nhường sân” giá cao cho Thái Lan?” http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/tamnhin.net/Xuat-khau-gao-nhuong-san-gia-cao-cho-Thai-Lan/5415070.epi

(4) Hải quan Việt Nam Online http://www.customs.gov.vn/DocLib/Forms/AllItems.aspx?RootFolder=%2FDocLib%2FCac%20Bieu%20Thong%20Ke%2FNam2010

(5) Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài “ Mua lúa gạo tạm trữ: DN “ phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”

http://dddn.com.vn/2010071310081581cat101/mua-lua-gao-tam-tru-dn-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.htm

HK

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HO biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn