Trung Quốc không chọn lãnh đạo theo miền

clip_image002  

Trung Quốc ngày càng trẻ hóa nhân sự cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

 

Nhân kỳ Đại hội XI của đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những câu hỏi được đặt ra là quá trình lựa chọn các nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì từ cách làm của Trung Quốc hay không.

BBC Tiếng Việt phỏng vấn biên tập viên Trần Thời Vinh (Chen Shirong) của BBC Tiếng Trung để có cái nhìn so sánh giữa cách họp đại hội và quyết định nhân sự cao cấp của hai đảng cộng sản châu Á này.


Trước hết, BBC Tiếng Việt hỏi ông Trần Thời Vinh về những vị trí chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc như vị trí Tổng bí thư, Thủ tướng thường được quyết định bao lâu trước khi có Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà lần tới dự kiến vào năm 2012.

Biên tập viên Trần Thời Vinh: Trước hết, tôi xin nói một chút về trật tự quyền lực của Bộ Chính trị Trung Quốc. Trật tự này quy định ai giữ những vị trí chủ chốt từ số 1 tới số 9 trong hàng ngũ lãnh đạo. Thông thường, những vị trí này được quyết định rất gần với thời điểm tổ chức Đại hội Đảng, thường là vào mùa hè, trước khi khai mạc đại hội vào tháng 10.

Theo thông lệ, chứ dĩ nhiên là không theo luật rồi, các vị trí Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ giữ hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Thế nên, ta có thể suy ra, hai vị trí hiện thời đã tại chức được 8 năm, năm nay nữa là 9 năm. Điều đó có nghĩa là trong lần đại hội Đảng tới, vào năm 2012, sẽ có 2 nhân sự mới vào thay cho 2 vị trí này. Từ nay tới tháng Ba năm 2012 là lúc nội bộ đảng Trung Quốc sàng lọc những vị trí đương quyền để quyết định danh sách hàng ngũ lãnh đạo mới.

Nói tóm lại, những vị trí chủ chốt như Chủ tịch nước và Thủ tướng coi như đã được quyết định rồi, chẳng có gì ngạc nhiên cả. Nếu có ngạc nhiên thì chỉ xảy ra ở những vị trí thứ yếu hơn trong trật tự hàng ngũ lãnh đạo, ví dụ như ai sẽ là Chủ tịch quốc hội, vân vân.

Trên cơ sở nào những vị trí mới này sẽ được họ chọn? Tuổi tác, học vị, hay tiêu chí nào khác?

clip_image003

Ông Trần Thời Vinh là biên tập viên chuyên viết về Trung Quốc của BBC World Service

Nói chung, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang cố gắng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo của mình. Hồi xưa, ông Mao Trạch Đông qua đời trong lúc còn đương vị. Bắt đầu từ ông Đặng Tiểu Bình, ông này quyết định trao quyền lực cho thế hệ trẻ hơn, cho ông Giang Trạch Dân. Ông Giang Trạch Dân giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương vài năm, trước khi chuyển giao quyền lực của mình cho ông Hồ Cẩm Đào. Do đó, độ tuổi của hàng ngũ lãnh đạo đang ngày càng được trẻ dần.

Người dân Trung Quốc thường tin rằng chính sách của lãnh đạo cấp cao là nhằm ích nước lợi nhà

Tuy nhiên, có một chi tiết thú vị về sự dao động của nguyên tắc hạn chế tuổi tác này. Chẳng hạn, nếu một nhân vật chủ chốt số 1 nào đó mới cầm quyền được 5 năm, và theo lệ thì ông ấy có quyền giữ 2 nhiệm kỳ. Và thế là, Bộ Chính trị sẽ nâng độ tuổi tuyển chọn lên. Ví dụ ông Tập Cận Bình, hiện giờ mới 57 tuổi, và sắp 58 tuổi, mới được bầu làm Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương và được cơ cấu để thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào Đại hội tới thì trong 10 năm nữa, sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ, ông ấy sẽ 68 tuổi. Vậy thì lúc đó, Bộ Chính trị sẽ hạn chế tuổi tác ở số 67 hoặc 68 và lấy đó làm mốc không được đề bạt chức vụ lãnh đạo nữa.

Ở Trung Quốc có cái gọi là chia ghế chóp bu theo vùng miền như ở Việt Nam hay không thưa ông?

Tôi không nghĩ ở Trung Quốc có khuynh hướng phân chia quyền lực theo vùng miền rõ như ở Việt Nam. Nhưng tại Trung Quốc, ở cấp lãnh đạo cơ sở, nhân sự được xoay chuyển rất thường xuyên. Ví dụ như ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, hồi ở cấp Bộ trưởng ông ấy đã làm việc ở Tây Nam Trung Quốc, ở cả ở Tây Tạng nữa. Nguyên tắc lựa chọn ở đây là những người có nhiều kinh nghiệm cấp cơ sở, các tỉnh thành địa phương.

Đoàn Đảng và 'con quan'

Như vậy có nghĩa là, kinh nghiệm điều hành khi còn ở cấp địa phương sẽ là một tiêu chí để được tuyển chọn, đúng không thưa ông?

clip_image004

Trung Quốc 'lên lịch' về chuyển giao các thế hệ lãnh đạo khá rõ

Đó là một trong các tiêu chí được xem xét. Tuy nhiên, trong cách vận hành chính trị Trung Quốc hiện nay, còn một nguyên tắc cân bằng quyền lực nữa, cân bằng lợi ích giữa các bên. Có hai bên chính ở Trung Quốc. Một bên là các nhân vật trưởng thành từ phong trào thanh niên đoàn thể. Một bên là các "công tử, công nương", nghĩa là con ông cháu cha của các nhân vật cách mạng lão thành của Trung Quốc. Danh sách ứng viên của các bên sẽ được vấn ý bên trong nội bộ Đảng, để chọn ra người được sự đồng thuận cao nhất. Suy cho cùng, cũng có một chút dân chủ trong quá trình lựa chọn đó.

Mức độ quan tâm của dân thường đối với việc ai, hoặc những ai là lãnh đạo đất nước thế nào thưa ông?

Người dân Trung Quốc thường tin rằng chính sách của lãnh đạo cấp cao là nhằm ích nước lợi nhà. Họ đổ lỗi cho những người thừa hành tuyến dưới thực hiện sai những chính sách "đúng đắn" ấy. Có lẽ do thói quen ăn sâu từ ngàn đời, người dân thường vẫn thường có đầu óc quen nghĩ về mối quan hệ giữa thần dân và hoàng đế. Đối với họ, bổn phận của dân đen là tin tưởng và nể phục "Đấng minh quân".

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn