Bầu cử Quốc hội – một cơ hội cho Việt Nam

Nguyễn Thành Long

imageTheo như Hiến pháp hiện hành, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Điều 83). Do đó, bầu cử Quốc hội cũng là một trong những chế định pháp luật vô cùng quan trọng, nó là cơ sở pháp lí cho việc hình thành cơ quan quyền lực số một của nhà nước ta. Chính vì những điều trên mà trước thềm bầu cử Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước như đang đứng trước thời khắc quá đỗi thiêng liêng – thời khắc quyết định sự đổi thay tiến bộ hay tiếp tục đánh mất những cơ hội phát triển cho toàn dân tộc.

Sẽ là mất thiêng nếu bầu cử Quốc hội mà vi Hiến và vi phạm pháp luật

Ngày 10/2 vừa qua, phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 016, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Cần làm tốt công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử, làm cho nhân dân, cử tri hiểu rõ yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử thật sự là ngày hội, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội”.

Đúng như bậc lão thành cách mạng Trung Ngôn nói, đây quả là một tín hiệu đáng mừng (1). Nhân dân và cử tri cả nước có quyền hi vọng và tin tưởng vào kết quả bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới đây bởi “dân chủ, bình đẳng và đúng pháp luật”.

Điều 1 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2001 ghi rõ: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”

Nguyên tắc bầu cử phổ thông là nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức các cuộc bầu cử. Đây là nguyên tắc mà nhân loại đã từng phải trả giá đắt trong cuộc đấu tranh đòi tham gia bầu cử cho tất cả mọi người không hạn chế về chủng tộc, màu da, của cải, giới tính, cũng như thời hạn cư trú… Nói chung, đây là tiêu chuẩn cốt lõi để đánh giá mức độ dân chủ của bầu cử. Cuộc bầu cử càng được mở rộng cho nhiều người tham gia thì càng thể hiện được mức độ dân chủ. Cuộc bầu cử phổ thông là cuộc bầu cử được tổ chức cho nhiều người tham gia, tức là hoạt động phổ cập, không hạn chế đối với bất kỳ một đối tượng công dân nào, nếu người đó đạt được mức độ trưởng thành hoàn chỉnh về mặt nhận thức mà nhiều nước trên thế giới công nhận (18 tuổi).

Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Tương tự như trên, Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2001 cũng ghi rõ: “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.”

Thế mà, theo ông Nguyễn Văn Quynh, Phó ban Tổ chức trung ương, đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, trên 50% số người trúng cử phải đủ tuổi tham gia 2 nhiệm kỳ trở lên. Số còn lại phải đủ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ (sinh từ tháng 5 năm 1956 trở về sau). Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử phải đủ tuổi tham gia ít nhất nửa nhiệm kỳ, tức là sinh từ tháng 11/1953 trở về sau. Những trường hợp đặc biệt thì phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương thì phải đủ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ.

Lão thành Trung Ngôn không hiểu được những lời nói ngược kỳ quái này so với lời nói đúng đạo lý của ông Nguyễn Phú Trọng và nhiều người như chúng tôi cũng vô cùng sửng sốt. Nếu như những gì ông Quynh nêu trên được áp dụng trong bầu cử Quốc hội lần này, thì không hiểu do vô tình hay cố ý đã không tôn trọng Hiến pháp và Luật bầu cử Quốc hội hiện hành với những nỗ lực nhằm loại bỏ một số trường hợp như sinh trước tháng 5 năm 1956 và sinh trước tháng 11/1953. Pháp luật hiện nay, chỉ quy định công dân đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, chứ chưa hề quy định giới hạn đến tuổi nào thì không được tham gia nữa. Những trường hợp đặc biệt không được ứng cử đại biểu Quốc hội đã đươc nêu rõ trong Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2001 như sau:

“Những người sau đây không được ứng cử đại biểu Quốc hội:


1 – Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này;


2 – Người đang bị khởi tố về hình sự;


3 – Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;


4 – Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án;


5 – Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính. Những người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bầu cử bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang hoặc đánh mất năng lực hành vi dân sự thì Hội đồng bầu cử xóa tên trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội”.


Khoản 1 Điều 23 như sau: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

 

Như vậy, việc quy định những đối tượng không được ứng cử như ông Nguyễn Văn Quynh, Phó ban Tổ chức trung ương nêu ra thực chất là triệt tiêu cơ hội ứng cử của họ. Không lẽ ông Quynh muốn giải thích với nhân dân và cử tri cả nước rằng, họ vẫn có quyền ứng cử như luật định, chỉ có điều họ không được trúng cử?

Quốc hội không nên để bị hiểu nhầm là Đảng hội mở rộng

Theo như tin từ các phương tiện thông tin đại chúng mới đưa, sáng 23/2, tại trụ sở Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để tiến hành hiệp thương thóa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Trung ương ra ứng cử đại biểu Quốc hội XIII.

Dự kiến Quốc hội khoá mới có 500 đại biểu, đại biểu ngoài Đảng 10 – 15%. Ngay lập tức, dư luận xã hội tiếp tục đặt câu hỏi: đây là bầu cử Quốc hội hay bầu cử Đảng hội mở rộng?  Ai cũng biết Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Mục tiêu của Nhà nước là bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân… Những điều này đã được ghi nhận rất rõ trong bản Hiến pháp hiện hành của nước ta. Vậy tại sao lại cố ý cơ cấu đại biểu ngoài Đảng chỉ vẻn vẹn 10 -15% ? Số đại biểu trong Đảng từ 85 – 90% là con số quá lớn để cho thấy bầu không khí dân chủ vẫn chưa thực sự được khởi động.

Bản thân Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng đã từng thừa nhận “phải chấp hành ý chí của Đảng”. Mà ý chí của Đảng thể hiện trong câu nói súc tích của ông thì lần bầu cử này phải phản ánh được tinh thần dân chủ, thật sự dân chủ. Vậy, với cơ cấu 85 – 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên thì thực chất đây là Đảng hội mở rộng chứ làm sao phát huy hết được trí tuệ của toàn dân. Sẽ có tới 85 – 90% đại biểu Quốc hội gật theo ý Đảng mà không có được bao nhiêu ý kiến phản biện hoặc phát kiến, sáng tạo là điều đã được thực tiễn cho thấy có vai trò quyết định đối với cho ại đây.

Đành rằng Điều 4 Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều hành đất nước, nhưng để đảm bảo tính chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân; quyền lực Nhà nước là quyền lực của nhân dân; mục tiêu của Nhà nước là bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân thì Đảng nên lựa chọn cơ cấu 51% số ghế trong Quốc hội và 49% số ghế còn lại sẽ dành cho những người ngoài Đảng. Làm được như vậy, tức là phát huy được tối đa trí tuệ của toàn dân, đất nước sẽ chuyển biến đến thịnh cường trong an lành mà vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn được đảm bảo. Đảng vẫn luôn là lực lượng lãnh đạo chính danh trong điều kiện Điều 4 của Hiến pháp chưa được sửa đổi. Với cơ cấu tỉ lệ 51 – 49 như tôi vừa nêu, Đảng sẽ làm hài lòng có thể nói là gần như tất cả các nhân sỹ trí thức và quần chúng ngoài Đảng, tức là Đảng sẽ được sự tin yêu của nếu không là 81 triệu công dân trong cả nước thì cũng là trên 40 triệu công dân (đủ tuổi ứng cử) thay bằng tiếp tục vỗ về cho hơn 3 triệu Đảng viên của mình. Đảng làm được như thế chẳng những không đánh mất vai trò lãnh đạo vốn có mà còn được ghi nhận như một nghĩa cử cao đẹp của trí tuệ, của đạo đức và của văn minh. Lịch sử sẽ ghi nhận những người Đảng viên chân chính, thực lòng vì nước, vì dân, thực lòng muốn canh tân đất nước, hòa nhập vào xu hướng dân chủ đang được cho là xu hướng tất yếu của thời đại.

Trước khi kết thúc bài viết này tôi xin được trích dẫn nguyên văn Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi bổ sung năm 2001 để hi vọng những nhân sỹ trí thức yêu nước, thương dân hãy tích cực tham gia tự ứng cử Đại biểu Quốc hội thay vì thụ động ngồi đợi kết quả bầu cử, để rồi lại sẽ tích tụ những mối bất bình, chán nản đối với những quyết sách của một Quốc hội mới – một thực trạng xã hội chứa đựng những tín hiệu không lành mà những ông như ông Quynh có lẽ không đủ vốn kiến thức và vốn văn hóa để nhìn cho thấu.

Điều 3

Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây:


1 – Trung thành với tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;


2 – Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;


3- Có trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;


4 – Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;


5 – Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

 


Hà Nội, ngày 25/02/2011

N. T. L.

(1) Xin xem: Boxitvn.blogspot.com

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn