Lý do tại sao tình hình Trung Đông là không thể đảo ngược

Fareed Zakaria, Time, 17-2-2011

imageNăm của các cuộc cách mạng bắt đầu vào tháng Giêng, tại một đất nước nhỏ bé không mấy quan trọng. Rồi các cuộc biểu tình lan qua một quốc gia rộng lớn nhất và quan trọng nhất trong vùng, lật đổ một chế độ trước đó trông có vẻ vững chắc. Hiệu ứng của phong trào lan ra xa rộng. Đâu đâu cũng nô nức những bàn luận về quyền lợi và tự do của người dân. Những cuộc biểu tình trên đường phố nổi lên khắp nơi, thách thức quyền thống trị của các nhà độc tài và vua chúa, những người này đứng quan sát các diễn biến từ cung điện của mình với nỗi sợ hãi.

Đó có thể là một cách mô tả những biến cố tại Tunisia và Ai Cập khi những cuộc cách mạng ôn hòa của những quốc gia này đã khuyến khích và kích động dân chúng khắp Trung Đông. Thật ra, đoạn trên nói đến các cuộc nổi dậy của dân chúng châu Âu 162 năm về trước, bắt đầu từ Sicily và Pháp. Các cuộc cách mạng năm 1848, nhưng người ta thường gọi, là cực kỳ gần gũi với tinh thần của những gì đang diễn ra tại Trung Đông. (Các sử gia đương thời đã gọi những cuộc cách mạng châu Âu này là mùa xuân của các dân tộc). Bối cảnh thời đó, cũng như bây giờ, là một cuộc suy thoái kinh tế và giá thực phẩm tăng cao. Các chế độ quân chủ thì bảo thủ và xơ cứng. Giới trẻ là đội ngũ tiên phong của các cuộc xuống đường. Công nghệ thông tin mới mẻ – các nhật báo lưu hành trong đại chúng (mass newspapers)! – đã nối kết những đám đông lại với nhau.

Ngoại trừ là, câu chuyện [về các cuộc cách mạng năm 1848] đã không kết thúc có hậu. Những thành phần chống đối đã giành được quyền lực nhưng sau đó lại chia năm xẻ bảy, quay ra kình chống lẫn nhau và vì thế làm cho nhau trở nên yếu kém. Trong khi đó, quân đội vẫn trung thành với tôn ti trật tự cũ và ra tay đàn áp các cuộc chống đối. Các vua chúa chỉ đợi cho qua cơn biến động, và chỉ trong vài năm sau, các chế độ cũ đã được tái lập. “Lịch sử đã đến được điểm rẽ của nó, nhưng đã không chuyển được hướng đi”, A.J.P. Taylor, một sử gia Anh đã viết như vậy.

Liệu bước ngoặt lịch sử có bị chặn đứng tại Trung Đông hay không? Liệu những cuộc chống đối chính phủ tại Yemen, Bahrain, Jordan và những nơi khác có đi đến chỗ suy tàn hay không, và chỉ trong vài năm nữa, khi ngoái nhìn lại năm 2011, liệu chúng ta có thấy là gần như chẳng có gì thay đổi ở Trung Đông hay không? Hẳn nhiên điều này có thể xảy ra, nhưng có hai lý do cơ bản cho thấy rằng những căng thẳng đã bùng ra tại Trung Đông trong vài tuần qua sẽ không dễ gì biến mất, đó là hai trong những lực tác động mạnh mẽ nhất đang làm thay đổi thế giới ngày nay: giới trẻ và công nghệ thông tin.

Đặc điểm trung tâm và cơ bản của cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông là đại khối dân số trong lứa tuổi thanh niên (a massive youth bulge). Khoảng 60% dân số trong vùng có tuổi dưới 30. Hàng triệu người trẻ này có nhiều nguyện vọng cần được đáp ứng, nhưng các chế độ cầm quyền hiện nay chứng tỏ thiếu khả năng thỏa mãn họ. Những đòi hỏi của người biểu tình thường bị chế độ gạt qua một bên, cho là phục vụ lợi ích của phong trào Hồi giáo chính thống (Islamic fundamentalism) hay chỉ là một sản phẩm của sự can thiệp từ phương Tây. Nhưng hiển nhiên, đây là những cuộc phản kháng phát xuất từ trong nước, một phong trào lắm lúc đã làm cho phương Tây áy náy vì chúng làm lung lay các khối liên minh đã có từ lâu. Và cái điều mà những người biểu tình đòi hỏi trước hết là được nhà nước coi mình như công dân (citizens), chứ không phải thần dân (subjects). Trong một cuộc thăm dò gần đây về giới trẻ Trung Đông, nguyện vọng số 1 của thanh niên trong chín quốc gia là được sống trong một đất nước tự do, mặc dù, hẳn nhiên, công ăn việc làm và khát vọng được sống trong những xã hội hiện đại, được quản lý tốt cũng chiếm ưu tiên rất cao.

Giới trẻ không luôn luôn là một nguồn tạo ra bạo loạn. Phương Tây đã kinh qua một cuộc gia tăng rất nhanh của một khối dân số – đó là hiện tượng baby boom (cuộc bùng nổ dân số trẻ em) khá nổi tiếng trong vài thập niên sau Thế chiến II – khối dân số này về sau được biết đến chủ yếu là đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Tương tự, Trung Quốc và Ấn Độ cũng có một lực lượng lao động to lớn gồm những công nhân trẻ, và sự kiện này đã đóng góp cho đà tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia này. Nhưng nếu thiếu phát triển kinh tế, thiếu cơ hội để kiếm công ăn việc làm và thiếu một cảm thức về nhân phẩm, rất nhiều người trẻ – đặc biệt là nam thanh niên – có thể đi đến tình trạng bất mãn tập thể. Đó là những gì đã và đang diễn ra tại Trung Đông, nơi mà kích cỡ của đại khối người trẻ (the youth bulge) là cực kỳ lớn – có lẽ là lớn nhất thế giới hiện nay. Từ năm 1970 đến năm 2007, 80% của tất cả các cuộc xung đột xã hội đã nổ ra tại những quốc gia có trên 60% dân số ở dưới tuổi 30. Và thậm chí cả những nơi mà đại khối người trẻ thuộc thế hệ baby boom, thế hệ đã thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, cũng không phải là không có vấn đề. Những năm cao điểm của đại khối người trẻ phương Tây đã đến vào cuối thập niên 1960, một thời kỳ gắn liền với những cuộc nổi loạn và những cuộc biểu tình đông đảo của giới trẻ.

Các ký giả, chính trị gia và học giả đều nhận thấy vấn đề tuổi trẻ Trung Đông. Nhưng các chính phủ trong vùng đã chẳng làm gì đáng kể để giải quyết vấn đề – nạn thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức cao chóng mặt, theo một số thống kê, là xấp xỉ 25%. Sự phồn vinh do dầu lửa mang lại chắc chắn đã giúp các quốc gia Vùng Vịnh mua chuộc người dân bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hơn nửa dân số Trung Đông lại ở trong các quốc gia không sản xuất dầu lửa. Ngoài ra, thực tế đã cho thấy dầu lửa đã trở thành một nguyền rủa (a curse) tại những nước giàu, nơi đó nền kinh tế không cung ứng gì hơn ngoài việc rút hợp chất hydrôcácbon từ lòng đất, nơi đó những đội ngũ người nước ngoài làm hết mọi việc và nơi đó các chế độ cai trị tiếp tục cuộc đổi chác cơ bản với dân chúng: chúng tôi sẽ trợ cấp cho đồng bào bao lâu mà đồng bào còn chấp nhận quyền cai trị của chúng tôi. Khá dao động vì những diễn biến gần đây, cả Kuwait lẫn Bahrain đã quyết định cho mọi người dân tiền thưởng (bonuses) năm nay (3.000 đôla cho mỗi người dân Kuwait, 2.700 đôla cho mỗi người dân Bahrain).

Những chi trả này nhắc nhở rằng tại Trung Đông, có hai phương cách để kiểm soát người dân: đàn áp dân chúng và hối hộ dân chúng. Có lẽ phương cách sau, được sử dụng tại các quốc gia Vùng Vịnh, chứng tỏ có hiệu quả hơn – mặc dù tại Bahrain, chế độ hiện tại đang đối đầu với những thách thức riêng biệt, vì một thiểu số theo Hồi giáo Sunni đang cai trị một đa số theo Hồi giáo Shi’ite. Nhưng, tình trạng khó xử của cả hai chế độ này là một dân số ngày càng có ý thức, được thông tin và được kết nối qua mạng lưới Internet. Nếu nói sở dĩ những gì xảy ra tại Tunisia và Ai Cập đã xảy ra được là nhờ Facebook thì quá đơn giản. Nhưng công nghệ thông tin – truyền hình qua vệ tinh, máy vi tính, điện thoại di động, và Internet – đã đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc thông tin, giáo dục và nối kết người dân trong vùng. Những tiến bộ kỹ thuật như thế đã tăng cường sức mạnh cho cá nhân và làm giảm quyền lực nhà nước. Ngày trước, công nghệ thông tin đã tạo lợi thế cho những kẻ cầm quyền, vì đây là thông tin từ một người đến với nhiều người (one to many). Đó là lý do các người làm cách mạng cố chiếm cho bằng được các đài phát thanh trong thập niên 1930 – để họ có thể phát thanh tin tức đến với quần chúng. Tất cả công nghệ thông tin ngày nay là nhiều-đến-nhiều (many to many), những mạng lưới trong đó mọi người được nối kết nhưng không có ai kiểm soát. Điều này rất bất lợi cho bất cứ ai muốn dập tắt thông tin.

Tất nhiên, nhà nước có thể chống trả. Chính phủ Ai Cập đã chặn đứng việc người dân Ai Cập tiếp cận Internet trong 5 ngày. Chính phủ Iran đã đóng cửa dịch vụ điện thoại di động vào thời kỳ cao điểm của những cuộc biểu tình của phong trào xanh (the green movement) [đòi hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử gian lận] năm 2009. Nhưng ta hãy nghĩ đến những thiệt hại gây ra do những động thái này. Liệu nhà băng có thể hoạt động được không khi Internet bị gián đoạn? Liệu thương mại có bành trướng được không khi điện thoại di động bị ngưng dịch vụ? Syria vừa mới cho phép tiếp cận Facebook, nhưng đường lối cơ bản của quốc gia này vẫn cố giữ khoảng cách với thế giới bên ngoài – đây là một trở ngại chính cho việc tăng trưởng kinh tế và cho việc đối phó với vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng của giới trẻ. Bắc Triều Tiên có thể giữ ổn định bao lâu mà nó vẫn còn hoàn toàn cô lập. (Và sự ổn định này chỉ là ngắn hạn mà thôi). Đối với các chế độ cần và muốn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, việc mở cửa với thế giới bên ngoài trở thành một tất yếu chính trị và kinh tế.

Đòi hỏi hiện đại hóa – tức là, các xã hội cần phải chấp nhận cởi mở hơn nữa để tiến bộ – là lý do tại sao tôi đang cho phép mình lạc quan về sự tiến bộ của các cuộc cách mạng của giới trẻ. Thật dễ thất vọng khi nhìn vào lịch sử cận đại đáng buồn của Trung Đông. Tuy vậy, có một điều gì ở trong vùng này khiến người ta cảm thấy như nó đang thay đổi. [Nhà đầu tư] Warren Buffett có lần đã nói rằng khi có ai bảo ông “Lần này thì khác”, ông liền vói tay đặt lên chiếc ví vì ông sợ mình sắp bị gạt. Quái lạ, tôi có cảm tưởng lần này tình hình Trung Đông khác với bao lần trước. Nhưng tôi vẫn phải đưa tay đặt lên chiếc ví của mình.

F. Z.

Trần Ngọc Cư dịch từ Time.com

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn