Mùa xuân nhiễu nhương

Hà Văn Thịnh

image Mùng 4 Tết, ngồi trông cổng để đón khách nên mở mạng đọc ngay giữa phòng khách. Đùng một cái, một đoàn học trò kéo vào thăm thầy cô, lịch sự đi vào phòng trong, để lại cái máy tính giữa bàn. Khi mấy lượt khách vào ra (không phải khách của tôi) đi hết, trở lại phòng khách, máy tính đã không cánh mà bay… Buồn và xót xa vì tư liệu gom góp bao nhiêu năm trời nay không còn nữa – chưa kể cái chuyện viết: Những bài “lề trái” thường viết lúc đêm khuya, gần sáng, có quán net nào mở cho mình viết đâu? Thôi thì của đi thay người, chỉ buồn là đành phải im lặng với dự cảm rằng có lẽ, mùa xuân này, năm này, sẽ là một mùa xuân nhiễu nhương...

Sau cái vụ giá điện tăng 15,23%, bức xúc lắm nhưng vẫn im. Đến sáng hôm qua (24.2), giá xăng tăng thêm 2.900 đồng thì chịu không nổi nữa khi nghe “lề phải” nói mặc dù điện tăng giá nhưng đời sống nhân dân vẫn ổn định, không ảnh hưởng gì đến lạm phát… (?), đọc mà tin chắc rằng “ai ai trông thấy” cũng “hồn kinh phách rời” (!). Lướt qua Sài Gòn tiếp thị còn choáng váng hơn nữa mặc dù đã biết sự thực nhãn tiền: Cầm 100 ngàn đồng đi chợ không biết mua gì. Ông Phó Thủ tướng thì nói rằng tăng giá đồng thời với hỗ trợ người nghèo nhưng ai nghèo, bao giờ hỗ trợ, lại chẳng hề đả động đến cho dù ông biết đói đầu gối đã bò, không đợi nổi hàng tháng trời đâu.

Ông Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên mặc dù thừa nhận rằng vợ cũng kêu ca về lạm phát, khó khăn năm nay bằng hoặc hơn năm 2008 nhưng vẫn nghênh ngang an ủi người dân ngu si (trong đó có tôi) rằng hãy chịu khó chờ 6 tháng nữa để biết kết quả chống lạm phát có “thành công” hay không?! Những điều tương tự như thế làm tôi hết chịu nổi, đành phải đi mượn tạm cái laptop để viết những dòng này – mục đích là chỉ hỏi các vị có trách nhiệm trả lời cho người dân vài câu hỏi thôi.

1. Ai chẳng biết giá xăng dầu chưa bằng giá chung của thế giới, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá thì đúng ra phải tăng giá xăng dầu 40% mới hợp lý. Vậy xin hỏi ông, theo ông, tiền lương của người lao động Việt Nam nên tăng bao nhiêu phần trăm để ngang bằng với thế giới? Ví dụ, một giảng viên mới tuyển của Khoa tôi công tác hiện đang nhận lương 1.290.000đ/tháng, theo ông có đủ sống để nâng cao chất lượng giáo dục hay không? Có phải vì chi phí cho bộ máy quá tốn kém, tham nhũng quá nhiều nên lương của người lao động phải thấp xuống (bị bóc lột thông qua sự tinh vi của lạm phát) cho giá cả lên hay không?

2. Ngành điện nếu tính toán đủ thì đến hết năm 2011 sẽ lỗ khoảng 57.000 tỷ đồng là do giá điện thấp nên phải tăng; thế nhưng có thực đúng là chỉ do giá bất hợp lý hay còn nhiều nguyên nhân khác? Tại sao ngành điện lương cao, có dư tiền đi xây resort nhưng không hề phải chịu trách nhiệm gì khi khẳng định rằng năm nay sẽ cúp điện thường xuyên?

3. Năm 2008 chúng ta đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế thế giới (quá đúng, khỏi cãi); vậy, năm nay chúng ta đổ cho cái gì khi ông Kiên vẫn ngang nhiên nói rằng “nguyên nhân là do khách quan; ngoài ra còn do những yếu kém trong nội tại” (Info.vn, 24.2.2011)? Ở đây, người dân không hiểu khách quan là cái loại khách quan gì, phải chỉ cho ra chứ không thể nói đại, nói xằng coi người dân như cỏ rác như thế. Nếu khách quan là nguyên nhân đầu tiên sao trong gói chống lạm phát của Chính phủ gồm 7 điểm không hề nhắc đến?

4. Một khi một trăm ngàn không “đi” nổi một ngày chợ thì hàng triệu người thu nhập thấp sẽ đi được mấy lần chợ nếu lương của họ chỉ có khoảng từ 1-1,5 triệu đồng/tháng? Hàng triệu sinh viên nghèo lấy gì để sống và học tập tốt, lao động tốt nếu họ không thuộc diện nghèo được hỗ trợ?

5. Đời sống người dân không chỉ đang bị thách thức mà là đang bị đe dọa nghiêm trọng nên không thể ngồi chờ sung rụng từ cái gói cứu trợ vì chắc chắn khi tiền đến (cỏ mọc xanh) thì ngựa đã ngắc ngoải rồi, giải pháp tức thời ở đâu?

6. Bộ máy điều hành kinh tế yếu kém, tham nhũng trầm trọng, gánh nặng của bộ máy cồng kềnh bắt người dân phải gánh chịu nhọc nhằn… là những thực tế không thể chối cãi. Tại sao các giải pháp không hề có con số cụ thể như cắt giảm bao nhiêu biên chế, cắt giảm chi tiêu bao nhiều tỷ đồng? Có đất nước nào giải quyết các vấn đề kinh tế (nguyên tắc là phải cụ thể, kê để tính được) bằng những lời tuyên bố được mênh mông hóa, uyển ngữ hóa một cách vô lý như thế không?

Thế giới đã gần như hết khủng hoảng kinh tế nhưng Việt Nam lại khó khăn, bùng nhùng một cách trầm trọng hơn. Vậy mà vẫn đổ cho khách quan thì có thể nói sự coi thường thực tiễn đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được. Đến bây giờ vẫn cho rằng lạm phát chỉ 12%, rằng tăng giá điện 15,23% nhưng chỉ số giá (CPI) chỉ tăng 0,76% là một sự mỵ dân không còn gì để nói. Mai mốt giá nước, giá vận chuyển tăng, phí dịch vụ đều tăng là tất yếu. Điện và xăng dầu là máu của cả nền kinh tế, chẳng lẽ giá máu thì cao mà giá để duy trì mạng sống của những con người lại rẻ hơn ư?

Nếu tất cả những câu hỏi trên đây của một công dân không được trả lời một cách thỏa đáng thì đích thị mùa xuân này là mùa xuân nhiễu nhương.

Huế, 25.2.2011

H.V.T

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phụ lục 1:

Điện, xăng có thể làm tăng chỉ số giá thêm 2%

Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, giá xăng dầu đã bị kìm nén quá lâu, ngành điện đã lỗ tới 28.000 tỷ đồng do đó buộc phải tăng giá. Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu và tỷ giá có thể làm chỉ số CPI cả năm tăng 2%.

Hoàng Lan thực hiện

Ông Vũ Văn Ninh quá bi quan!  Thủ tướng nên kêu ông Lê Đức Thúy ra khẳng định vài câu "lạc quan" để trấn an đồng bào (Nếu ông Thúy không nghe lời, Thủ tướng quơ quơ vài tờ tiền polymer trước mặt ổng cho ổng nhớ) - Cục Quản lý của Bộ ông Ninh lại nói: Giá xăng tăng, khiến chỉ số CPI lên thêm 0,65% (Thanhnien.com.vn).

Trần Hữu Dũng

 

- Điều chỉnh giá điện tăng tới 15,28% tuy thấp hơn các phương án của EVN đề xuất nhưng lại là mức kỷ lục từ trước đến nay. Vì sao năm nay lại điều chỉnh giá điện cao đến vậy thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta đã kiềm chế giá điện lâu quá rồi. Tăng giá điện lên 165 đồng mỗi kWh mới chỉ là một bước điều chỉnh rất nhỏ. Theo tính toán, đáng ra phải điều chỉnh tới 62%, tương ứng với tăng hơn 650 đồng một kWh. Tuy nhiên Chính phủ đã tính toán, nếu điều chỉnh như thế sẽ gây sốc cho nền kinh tế và tác động tới đời sống của nhân dân. Do đó, lần này mới chỉ điều chỉnh một bước dựa trên nguyên tắc Nhà nước lùi khấu hao tới 90%, tức là cơ cấu vào giá chỉ có 10%. Đồng thời dừng một số khoản thu như phí môi trường cũng như các khoản nợ cũ vẫn chưa tính vào mức tăng giá này. Tính đến 31/12/2010, ngành điện lỗ 28.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2011, con số này có thể lên tới 57.000 tỷ đồng. Do đó, ngay cả khi tăng giá thì ngành điện vẫn chưa hòa vốn.

Ảnh: Nhật Minh

Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: Nhật Minh.

- Vừa điều chỉnh giá điện, Chính phủ lại tiếp tục tăng giá xăng tới 2.900 đồng, vượt xa cả năm 2008. Việc đồng loạt tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI cả năm thưa ông?

- Cuối năm 2010, tình hình lạm phát trong nước tăng nên Chính phủ chủ trương chưa điều chỉnh giá xăng dầu. Chính việc kìm nén đó khiến ngành xăng dầu hết sức khó khăn. Đáng lẽ ra phải tăng giá xăng lên 6.400 đồng mỗi lít nhưng để tránh gây sốc cho nền kinh tế, Chính phủ điều chỉnh dần dần. Ngay cả khi tăng giá xăng dầu, chúng ta vẫn thấp hơn Lào 5.000 đồng mỗi lít.

Nếu tính cả điện, xăng dầu và tỷ giá thì cả năm nay, chỉ số CPI có thể tăng thêm 2%.

- 2% không phải là con số nhỏ. Vậy vì sao Chính phủ lại tăng giá dồn dập nhiều mặt hàng cơ bản vào thời điểm này thưa ông?

- Cho đến giờ phút này, chúng ta không thể lùi được nữa. Ngành điện đã lỗ quá lớn rồi. Giá xăng dầu chúng ta đã kìm nén quá lâu. Trong bối cảnh giá thế giới còn tăng, nếu chúng ta giữ giá thì nền kinh tế sẽ méo mó. Cũng phải thẳng thắn rằng, nguồn lực của Nhà nước không thể bù lỗ được mức cao như thế nữa. Chúng ta buộc phải lựa chọn phương án để nền kinh tế có thể hạch toán một cách đầy đủ, đồng thời hạn tối đa tác động xấu nhất tới nền kinh tế. Tôi cho rằng, lựa chọn bước đi như thế là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

- Để kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đưa ra thông điệp tăng thu, giảm chi. Trong khi giá cả đang leo thang như hiện nay thì Bộ Tài chính sẽ giải quyết bài toán này thế nào thưa ông?

- Câu chuyện này đúng là một bài toán phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường biện pháp chống thất thu, chống nợ đọng thuế, chống trượt giá, đồng thời kiểm soát tình hình buôn lậu qua biên giới... Tôi tin rằng, với những giải pháp đó thì khả năng thu ngân sách năm nay sẽ tăng khoảng 7-8% như Chính phủ giao. Trên cơ sở đó sẽ giảm được mức bội chi từ 5,3 xuống dưới 5%.

- Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nhiệm vụ khó khăn nhất của Bộ Tài chính trong năm nay?

- Năm nay tập trung vào kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả chung của thị trường trong nước. Bối cảnh của Việt Nam năm nay rất đặc biệt, giá thế giới tăng nhanh, các nước cũng đang có lạm phát. Chúng ta nhập khẩu 70% nguyên nhiên liệu đầu vào của cả nước. Bộ Tài chính xác định kiểm soát giá là phức tạp và khó khăn. Song tôi cho rằng, năm 2008 khó khăn là vậy mà chúng ta vẫn vượt qua thì năm nay, cùng với sự phối hợp của các bộ ngành cũng như chính sách đồng bộ của Chính phủ, chúng ta sẽ vượt qua được.

HL

Nguồn: Vnexpress.net

Phụ lục 2:

3 "cú sốc" từ việc tăng giá xăng

Nhưng có một "cú không sốc": Những việc này chỉ xảy ra sau khi Đại hội XI đã xong.

Trần Hữu Dũng

- "Quyết định điều chỉnh giá xăng lên 2.900 đồng/lít vào 10h sáng nay là một cú sốc lớn đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận.

"Cú sốc" đầu tiên mà ông Long nói đến là mức điều chỉnh lần này là khá lớn, lớn nhất trong vòng mấy năm trở lại đây. Những lần điều chỉnh trước, giá xăng thường chỉ tăng từ 500 - 1.000 đồng/lít.

"Cú sốc" thứ hai là thời điểm điều chỉnh. Đây là thời gian được cho là khá "nóng" vì tình hình lạm phát đang diễn biến theo chiều hướng tăng cao, theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm nay đã tăng 3,87%, trong khi chỉ tiêu lạm phát cả năm mà Quốc hội đặt ra dưới 7%.

Nhiều người dân bon chen mua xăng trước 10h sáng nay. Ảnh: N.Y

Nhiều người dân bon chen mua xăng trước 10h sáng nay. Ảnh: N.Y

Bên cạnh đó, mới đây, ngày 11/2, tỷ giá VND/USD cũng được điều chỉnh lên mức cao nhất từ trước đến nay: tăng 9,3%. Việc điều chỉnh này đã khiến cho nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng nhập khẩu, trong đó có xăng dầu (70% lượng xăng dầu của VN phải nhập khẩu, 30% do nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp) chịu sức ép tăng giá lớn.

Bên cạnh đó, mới chiều qua (23/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt giá bán điện bình quân 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân năm 2010.

"Tăng quá nhiều thứ cùng một lúc sẽ làm tăng lạm phát và gây tâm lý không tốt cho người dân", ông Long nhấn mạnh.

"Cú sốc" cuối cùng là việc tăng giá này hoàn toàn gây bất ngờ cho người dân. Cho đến đầu giờ chiều nay, nhiều người dân vẫn hết sức bàng hoàng về việc giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 3.000 đồng/lít.

Trước đó, mới cách đây đúng 2 tuần, 5h chiều ngày 10/2 lãnh đạo Bộ Tài chính đã quyết định cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá bán lẻ xăng dầu. Vì thế, rất nhiều người dân yên tâm giá xăng sẽ chưa tăng ngay, ít nhất là là khi quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/2. Thế nhưng, sáng nay giá xăng đã tăng mà người dân chưa có sự chuẩn bị tinh thần trước.

"Tăng giá xăng là bất khả kháng, vì giá xăng thế giới tăng, giá xăng trong nước vận hành theo cơ chế thị trường thì cũng phải tăng theo. Nhưng lẽ ra tăng sớm hơn thì sẽ tốt hơn, chứ không nên dồn nén quá mức để tăng với biên độ quá lớn vào thời điểm này", ông Long bày tỏ quan điểm.

Đồng thời, ông Long cũng cho biết, việc điều chỉnh lần này quá lớn, lại tiếp tục trích một khoản tiền từ giá xăng dầu bán ra vào quỹ bình ổn sẽ càng tạo ra một cú sốc hơn nữa đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Quỹ bình ổn chỉ nên sử dụng khi giá thế giới thấp hơn giá trong nước để lấy phần đó ra dự trữ khi nào giá thế giới tăng quá cao thì bù vào", ông Long nói.

Trong khi đó, bình luận về lần tăng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời trên báo chí cho rằng, ngành xăng dầu cho đến nay đã lỗ 16,4 nghìn tỷ đồng, nếu điều chỉnh đủ thì giá xăng phải tăng khoảng 34-45%, tức là tăng 6.500 đồng/lít so với mức giá hiện nay.

Tuy nhiên, do Nhà nước tiếp tục không thu thuế, doanh nghiệp tạm thời không tính lãi, lỗ cũ tạm thời khoanh lại, giá xăng tại đợt điều chỉnh lần này sẽ tăng lên 19.300 đồng/lít, tức là tăng 2.900 đồng/lít so với trước.

“Mức điều chỉnh lần này chỉ bằng 44% so với mức phải điều chỉnh”, ông Ninh lưu ý.

Đối với dầu diezen, mức điều chỉnh lần này là 18.300 đồng/lít, tăng thêm khoảng 3.600 đồng/lít và bằng khoảng 56% mức đáng ra phải điều chỉnh, dầu hỏa lên 18.200 đồng/lít, tăng thêm 3.100 đồng/lít và bằng 46,3% mức cần điều chỉnh; dầu mazút lên 14.800 đồng/lít, tăng thêm khoảng 2.110 đồng/lít, bằng 48,7% mức cần điều chỉnh.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn