Phát biểu của GS Tương Lai tại Hội nghị Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam

Bài phát biểu sau đây của giáo sư Tương Lai được đọc trong một hội nghị của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cách đây hơn hai năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Vì thế chúng tôi trân trọng đăng lại để chúng ta cùng ngẫm nghĩ về hiện tình đất nước.

Bauxite Việt Nam

Cũng như mọi năm, tại Hội nghị Ủy ban trung ương MTTQVN lần này, tôi xin được phát biểu ý kiến, và lần này tôi xin nêu ý kiến về hai vấn đề.

Vấn đề thứ nhất: Diễn đàn của Mặt trận là một diễn đàn rộng rãi nhất, cởi mở nhất của nước ta hiện nay. Tại đây, làm sao qui tụ được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, thiết tha với vận mệnh dân tộc, không phân biệt quá khứ, tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, là đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn lịch sử mới. Những ý kiến đó có thể trái tai với những cá nhân nào đó, cho dù đang ở cương vị nào, nhưng miễn là ý kiến ấy xuất phát từ một động cơ trong sáng vì nước, vì dân thì rất cần khuyến khích phát biểu. Có như vậy thì Mặt trận mới thực hiện chức năng cao cả của nó là một tổ chức chính trị rộng lớn nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, chứ không chỉ là một tổ chức hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, mặc dầu hoạt động này trong thời gian qua đã có đóng góp rất lớn và thiết thực, cần được tiếp tục phát huy.

Văn kiện Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam đã ghi rõ: "Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận và phát triển" ( tr.344). Tạo điều kiện, tạo môi trường để phát huy dân chủ thực sự phải là một chức năng chủ yếu của Mặt trận, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, đòi hỏi phải quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, trước hết là sức mạnh trí tuệ của người Việt nam, tạo nên được một sự đồng thuận mới, là một nhu cầu của chính sự phát triển và hội nhập ấy. Muốn quy tụ được hiền tài để cùng nhau gánh vác sự nghiệp của đất nước thì phải thật lòng đoàn kết. Có thật lòng đoàn kết mới có dân chủ thực sự. Chất lượng của khối đại đoàn kết dân tộc được nâng cao đến đâu thì việc thực hành dân chủ tiến triển được đến đó. Sức nam châm có lực hút hiền tài là thái độ chân thành thật lòng đoàn kết được thể hiện rõ ràng gắn liền với độ rộng mở của dân chủ thực sự trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để cho những tài năng thật sự có thể phát huy. Đúng là "phải thật sự công tâm, khách quan và đặc biệt là phải thực sự dân chủ; vì không dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài" như sự khẳng định của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc đối thoại trực tuyến đầu năm ngoái.

Khi vị thế của Việt Nam đang được nâng cao, thì năng lực và kinh nghiệm để đảm trách những hoạt động quốc tế, trên thương trường cũng như trên chính trường, là những đòi hỏi bức xúc. Để đáp ứng đòi hỏi đó thì việc thật lòng đoàn kết và thực sự dân chủ là điều kiện tiên quyết để mời gọi những hiền tài, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, tự nguyện tham gia cùng gánh vác công việc khó khăn đó. Người làm công tác Mặt trận phải thấu triệt vai trò lớn lao quy tụ hiền tài của tổ chức chính trị lớn nhất trong hệ thống chính trị của cả nước. Để làm được điều đó, người làm công tác Mặt trận phải có chính tâm và có hiểu biết.

Về chính tâm, xin dẫn lời người xưa. Sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên có chép chuyện Quý Khang tử hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp: "Chính trị là chính đính. Ông cai trị dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính". Trả lời Ai Công về cách cai trị để dân nghe theo, Khổng Tử chỉ nói một điều: "Đề cử người ngay thẳng lên trên người cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân bất phục". Mà để làm được điều đó thì ngoài sự chính tâm, cần phải có hiếu biết.

Câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về sự hiểu biết và cách học để có sự hiểu biết đó là một đúc kết có giá trị vĩnh cữu. Giá trị vĩnh cửu ấy càng tăng thêm trong điều kiện của thời đại kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ của thế kỷ XXI: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận không biết, như vậy chính là biết.

Trong nhận thức của tôi, qua mấy nhiệm kỳ tham gia vào UBTƯMTTQ từ năm 1983 đến nay, tôi nghiệm ra rằng, làm công tác Mặt trận vừa rất dễ, vừa rất khó. Dễ thì như loại tôi, mỗi năm cố gắng suy nghĩ để có được một bài phát biểu và rồi xuân thu nhị kỳ có đôi lần họp Hội đồng tư vấn. Hoặc như một số cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ như các cán bộ, viên chức của bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Nhưng khó, cực khó là làm sao để cho công tác Mặt trận thực sự là công tác vận động tri thức, nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân kết thành khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết thật lòng để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Người cán bộ Mặt trận phải có sức thu hút và thuyết phục mọi người, trước hết là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Và đấy cũng là kỳ vọng của chúng tôi đối với Mặt trận.

Vấn đề thứ hai: Mặt trận phải là nơi khơi động và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định đó là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Cụ Hồ chỉ rõ: "Tinh thần yêu nước, cũng như các thứ của quý, có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày…"

"Chúng ta" đây là ai? Là Đảng, là Mặt trận. Đặc biệt là Mặt trận. Chính vì thế, tôi rất băn khoăn thắc mắc và hôm nay, trên diễn đàn rộng lớn và hợp pháp này, muốn nói to lên thắc mắc băn khoăn đó để mong được giải đáp.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ theo dõi được qua báo chí và mạng internet, tôi hết sức lạ là tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt nam chúng ta không có bất cứ một tiếng nói, một động thái nào trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa." Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng", như lời cụ Hồ vừa dẫn ra ở trên, đáng lý Mặt trận Tổ quốc, kế tục truyền thống của Hội nghị Diên Hồng đời Trần, truyền thống của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng,…, phải làm sống lại tinh thần bất khuất, quật cường khắc trên cánh tay hai chữ "sát thát", làm cho tinh thần yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Đằng này Mặt trận tuyệt đối im lặng. Thật là lạ. Một chuyện xảy ra tận Cuba bên kia bán cầu, Mặt trận đã có ngay lời tuyên bố đanh thép. Thế mà, Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt của Tổ quốc bị người ta mưu toan lấn chiếm, biến thành quận huyện của của họ, thì Mặt trận lại im thin thít. Vì sao? Mặt trận Tổ quốc có còn kế thừa truyền thống của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng nữa không?

Trong một bài báo viết nhân dịp này, tôi dẫn ra chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông nhắn nhủ "bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy": "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di", chép rõ ràng trong Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Kỷ Nhà Lê, bị tòa soạn cắt mất. Thậm chí cắt cả câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi dẫn ra ở trên. Tôi hỏi, Tòa soạn trả lời là có sự chỉ đạo buộc họ phải làm như vậy mặc dầu họ không muốn.

Ai mà chỉ đạo lạ vậy. Họ có còn là con cháu của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung. Hồ Chí Minh nữa không? Sao lại ngăn chặn tinh thần yêu nước của nhân dân, của thanh niên, sinh viên? Liệu Mặt trận có tham gia vào sự chỉ đạo này không? Người của tòa báo nọ giải thích với tôi, đây là sự tế nhị ngoại giao. Có thể có chuyện đó. Hoạt động ngoại giao đòi hỏi sự tế nhị, chuyện đó tôi không dám bàn. Nhưng để cho nhà ngoại giao tế nhị, thì nhân dân lại phải biểu tỏ ý chí của mình để làm hậu thuẫn cho nhà ngoại giao.

Từng tấc đất của Tổ quốc thẫm đẫm máu Việt nam không thể nào để bị cướp mất, trong đó có những tấc đất Hoàng Sa, Trường Sa. Một bà bán rau ngoài chợ hỏi một cách hồn nhiên khiến người đang cầm mớ rau ngỡ ngàng đến sững sờ: "Làm cách nào để biểu tỏ lòng yêu nước đây hở ông, con tôi nó hỏi tôi thế, liệu yêu nước có bị nhắc nhở không". Bác lái taxi hỏi một câu bâng quơ mà khiến người ngồi trên xe hiểu rằng ông ta hỏi mình, cổ cứ tắc nghẹn, lúng túng không nói được ra lời, cho dù là một lời tạ lỗi "thế là mình đành để mất hở ông, làm sao có chuyện đó được, phải dấn mạnh lên thì chúng nó mới chịu lùi chứ". Một ông già dừng xe cạnh tấm biển chỉ tên đường Lê Duẩn, con đường chạy thẳng vào dinh Thống Nhất, nói nhỏ nhẹ với những người đứng cạnh, "thế mới biết ông cha mình giỏi thật, bao nhiêu năm kiên cường giữ nước trong cái thế cái lực kém xa bây giờ". Ông già am hiểu lịch sử ấy nhắc đến việc ông vừa đọc được trên một tờ báo tuần trước câu chuyện một người nước ngoài miêu tả rất thú vị về nước Việt Nam mình: trên bản đồ thế giới hình thể đất nước trông giống như một người nông dân đội nón ở trên đầu, oằn mình dưới sức nặng của cả khối lục địa Trung Hoa từ trên nén xuống khiến cái lưng của Việt nam phải uốn cong để đủ sức chịu đựng lâu dài, và cũng nhằm dồn lực để bật dậy khi cần thiết. Đó là dáng uốn cong của cánh cung để tạo ra sức bật. Và trước khi đạp xe đi tiếp, ông buông một câu: ý dân là ý trời!

Để có Hiệp định Genève 1954, phải có 09 năm kháng chiến và chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954. Để có Hiệp định Paris 1973, lại phải có "Điện Biên Phủ trên không" từ ngày 18 đến ngày 29.12.1972. Trước đó 5 năm, cũng vào tháng 12 năm 1967, sau khi nghe báo cáo của Tư lệnh Phòng không-Không quân, Bác nói: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà nội, rồi có thua mới chịu thua… Nó chỉ chịu thua sau khi thua trên vùng trời Hà nội. Vì vậy nhiệm vụ của các chú rất nặng nề". Và rồi hiện thực lịch sử đã minh chứng cho lời "tiên tri" Bác Hồ. Trong lời "tiên tri" đó, ẩn chứa một nhận định mang tính qui luật: "Chỉ có thể đàm phán khi có thực lực được hậu thuẫn bởi ý chí và sức mạnh được khởi động từ nhân dân”. Và điều này đâu phải là sự khám phá của thế kỷ XX.

Lần mở lịch sử, thấy có sự trùng hợp rất thú vị về "Hội thề Đông Quan" cũng diễn ra vào tháng 12, ngày 10.12.1427, cách nay đúng 580 năm. Hội thề Đông Quan bên bờ sông Nhị đó đã mở đường cho Vương Thông rút quân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lời Lê Lợi: "Không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng…chi bằng tha mạng sống cho ức vạn, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao". Những lời tâm huyết đó chỉ có thể trên cái nền của những chiến công chói lọi mà Nguyễn Trãi đã viết trong "Cáo bình Ngô": "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay…Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi. Đánh một trận sạch không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông…Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước".

"Là bản tâm của bậc nhân đức", đồng thời cũng là những ứng xử phù hợp với thực tế lịch sử, xuất phát từ vị thế địa-chính trị của đất nước mà cách diễn tả của người bạn nước ngoài về hình dáng của đất nước này trên bản đồ thế giới nêu trên đã giải thích điều ấy. Trong vị thế địa-chính trị ấy, bản lĩnh để tồn tại và phát triển đòi hỏi phải biết học bài học của ông cha, cùng với cái đó, phải biết khai thác những nhân tố mới, rất mới mà thời ông cha ta chưa có.

Lịch sử tồn tại và phát triển của một Việt Nam đất không rộng, người không đông, song với ý chí quật cường, dân tộc này vẫn kiên cường tồn tại. Mà vào buổi ấy, Việt Nam đơn thương, độc mã. Còn ngày nay, Việt Nam là một bộ phận của thế giới, là thành viên của khối ASEAN năng động và ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế, là thành viên của WTO, là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam không hề đơn độc. Chúng ta hiểu mình cần làm gì và phải làm như thế nào để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tích cực gìn giữ hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, thực lực của ta không đơn thuần chỉ là sức mạnh kinh tế, quân sự, mà là cái thế chiến lược ta phải khéo vận dụng. Từ thế kỷ XIII, rồi thế kỷ XV, thế kỷ XVII, đơn thương độc mã, ông cha ta đã đánh tan tác thế lực ngoại xâm, không để mất một thước núi, một tấc sông, để lại giang sơn gấm vóc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào, trong thế giới của thế kỷ XXI này, chúng ta lại không biết tận dụng sức mạnh của thời đại để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu ông cha. Máu Việt nam cũng đã đổ ở Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi người Việt nam hôm nay không quên điều đó.

May mắn thay, báo Thanh Niên, báo Người đại biểu Nhân dân, tiếng nói đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đăng, tạp chí Tia Sáng đăng. Và rồi gần đây, đọc báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, tạp chí Xưa và Nay, báo Đại đoàn kết, tôi thấy đã có rất nhiều bài nói về Hoàng Sa, Trường Sa. Chắc là đã có sự chỉ đạo mới. Tuy vậy, là người của Mặt trận, tôi vẫn nghĩ là tờ báo của Mặt trận ta chưa có tiếng nói đúng tầm về chủ đề quan trọng và nhạy cảm này. Liệu có phải vì điều mà tôi tạm diễn đạt là "hội chứng kiểm điểm để kỷ luật" TBT báo do đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các nhà lãnh đạo về quyết định đập bỏ Hội trường Ba Đình lịch sử, nơi ghi đậm dấu ấn những sự kiện lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác, nơi thể hiện ý chí và sức mạnh của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước không?

Kể cũng lạ, tiếng nói tâm huyết của một vị "khai quốc công thần" mà tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử, không chỉ của Việt Nam còn là của thế giới, mà còn bị bưng bít đến như thế thì liệu làm sao để kêu gọi, động viên nhân dân phát huy tinh thần làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến với đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt lần thứ X ghi rõ "không những là quyền mà còn là trách nhiệm" của mỗi công dân yêu nước.

Tờ báo của Mặt trận, vì đạo lý dân tộc, vì sứ mệnh của người làm báo mà đến xin phép Đại tướng để đăng bức thư đó lại được chỉ đạo, phải kiểm điểm và kỷ luật. Rất may là Đảng đoàn Mặt trận đã xử lý việc này một cách đúng đắn. Tại diễn đàn này, với tư cách là một ủy viên UBTƯMTTQVN, tôi xin chân thành bày tỏ lời hoan nghênh Báo Đại Đoàn Kết, điều tôi đã có dịp viết trong bài "Một việc đáng trân trọng" đăng trên tờ báo Pháp luật TP HCM ngày 6.12.2007. Xin chân thành cám ơn và hoan nghênh đồng chí Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận đã có sự xử lý thỏa đáng việc này.

Xin chân thành cám ơn đã cho tôi phát biểu ý kiến thẳng thắn mà không bị cắt giữa chừng, xin cám ơn các cụ và các vị đã chịu khó nghe.

T. L.

Nguồn: Viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn