Hungary bắt đầu áp dụng công nghệ thải bùn khô trong khai thác bauxite

Trọng Nghĩa

clip_image001

Làng Konlontar nhìn từ trên không sau khi bị bùn đỏ tràn ngập vào tháng 10/2010.

REUTERS/Peter Somogyi-Tth/Greenpeace

Năm tháng sau thảm họa sinh thái do vỡ hồ chứa bùn đỏ, kể từ thứ hai 28/02/2011, nhà máy chế biến alumin trực thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) ở thành phố Ajka, đã chuyển sang công nghệ thải bùn khô, hiện đại và an toàn hơn. Như vậy là Hungary đã từ bỏ công nghệ thải ướt, không những lạc hậu mà lại còn nguy hiểm, mà biểu hiện là những tác hại do bùn đỏ gây ra sau vụ tràn bùn năm ngoái.

Theo thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest, khi quyết định chuyển đổi công nghệ, chính quyền cũng như Tập đoàn Nhôm Hungary muốn trấn an cư dân trong vùng và công luận trên toàn quốc.

Thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử

Hồi 12 giờ 10 phút ngày thứ hai 04/10/2010, một trong 10 bể chứa bùn đỏ khổng lồ của nhà máy sản xuất alumin ở thành phố Ajka (trực thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary) đã đột ngột bị vỡ, khiến hơn 1 triệu m3 bùn đỏ tràn ra ngoài.

Cơn lũ bùn tạo nên những đợt sóng rất mạnh, có chỗ cao tới 2 m, cuốn trôi cả nhà cửa, cầu cống, xe cộ, gia súc..., tiêu hủy một phần đáng kể làng Kolontár và thành phố nhỏ Devecser cùng các thị trấn lân cận. 10 người đã bị thiệt mạng, hơn 150 người phải vào viện vì bỏng và một diện tích lớn đất canh tác, hệ sinh thái bị hủy hoại.

Chính phủ Hungary, ngay từ khi tai nạn xảy ra, đã coi Tập đoàn Nhôm Hungary là bên phải chịu trách nhiệm về thảm họa sinh thái này. Lãnh đạo của MAL Ztrt. bị tạm giam (sau đó được thả), doanh nghiệp bị đặt dưới sự quản lý và giám sát của nhà nước chừng nào tình trạng khẩn cấp còn chưa được gỡ bỏ trong vùng Ajka.

Tuy nhiên, MAL Zrt. trước sau như một, vẫn coi là họ không có lỗi trong sự cố tràn bùn, và khẳng định rằng tập đoàn đã làm tất cả những gì có thể, đã tuân thủ mọi quy định của chính quyền trong sự điều hành nhà máy alumin ở TP Ajka - thảm họa xảy ra được họ coi là một sự cố bất hạnh không thể lường trước.

Đại diện pháp luật của MAL Zrt. còn cho rằng, nhà nước Hungary cũng phải chịu một phần trách nhiệm do sự liên đới trong các biện pháp kỹ thuật mà MAL Zrt. phải thực hiện khi mua lại nhà máy alumin ở TP Ajka, trong quá trình tư hữu hóa thập niên 90 thế kỷ trước.

Hiện tại, sự truy cứu trách nhiệm hình sự và pháp luật trong vụ tràn bùn vẫn được tiến hành và chưa phán quyết nào được đưa ra. Nhà máy chế biến alumin ở thành phố Ajka đã được tái hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của một ủy ban nhà nước, sau vài tuần gián đoạn.

Vai trò của công nghệ thải bùn "ướt" trong thảm họa sinh thái

Trong những phân tích được giới khoa học đưa ra sau tai nạn, thì yếu tố công nghệ đã được mổ xẻ. Kể từ năm 1942, Hungary áp dụng công nghệ “ướt” khi thải bùn đỏ tại nhà máy alumin ở thành phố Ajka: chất thải chủ yếu được lưu giữ ở dạng lỏng (hàm lượng chất lỏng lớn hơn 54,4%), chi phí rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ bất trắc cao.

Đây là công nghệ rất phổ biến trên thế giới, nhưng đã được coi là lạc hậu vì bùn đỏ được thải theo cách này chứa lượng xút lớn, có độ kiềm hóa rất cao (chỉ số pH ở Ajka là 13, gấp 1 triệu lần [pH của] dung dịch trung hòa là nước tinh khiết).

Trong thảm họa bùn đỏ xảy ra hôm 04/10/2010, 96-98% lượng bùn đỏ đặc, đã lắng xuống vẫn đọng lại trong bể chứa. Yếu tố độc hại và gây họa là lượng nước thải kèm theo bùn đỏ, xuất phát từ cách xử lý và lưu trữ bùn đỏ theo kiểu hiện tại. Thải bùn đỏ theo kiểu “ướt” khiến một tấn bùn đỏ đi kèm với 2-3 m3 nước thải có nồng độ kiềm rất mạnh ngay cả sau quá trình rửa nhiều lần nhằm tận thu kiềm.

Những năm gần đây, một số nước có nền công nghệ phát triển hơn bắt đầu chuyển sang công nghệ “khô”, chủ yếu là tại các địa điểm khô ráo, nhiều nắng và ít mưa. Bùn đỏ được bơm vào bể chứa với hàm lượng chất rắn cao, ít chất lỏng chứa kiềm, không gây lực ép lên các đập chắn của bể chứa và ít gây nguy hiểm khi bị trôi.

An toàn hơn, nhưng nhưng giải pháp thải khô này vẫn chưa thật thông dụng trên thế giới vì nó quá đắt đỏ, phức tạp và khó ứng dụng hơn. Đối với đa số các quốc gia chưa thật giàu có, công nghệ “ướt” vẫn thông dụng và để bù lại, bể chứa bùn thường được củng cố vững chắc như một pháo đài.

Điển hình là ví dụ ở Hungary: đập chắn của bể chứa số 10 bị vỡ có chiều dài 500 m, rộng 300 m, bề dày 40-50 m (nơi dày nhất ở bệ vách là 65 m), không khác gì một thành lũy bất khả xâm phạm! Dầu vậy, tai nạn vẫn xảy ra cho thấy: ngoài yếu tố lơ là hoặc bất cẩn khó loại trừ của con người, vấn đề ở đây là do công nghệ thải ướt vẫn hàm chứa nhiều hiểm họa khôn lường!

Vai trò của Nhà nước Hungary thiết yếu trong việc buộc MAL Zrt áp dụng công nghệ thải khô

Ngay sau khi MAL Zrt. bị đặt dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước Hungary, việc chuyển đổi công nghệ đã được đặt ra như một trong những điều kiện tiên quyết để nhà máy alumin ở thành phố Ajka có thể tiếp tục được cấp phép hoạt động vào đầu năm nay. Khi đó, các chuyên gia cho rằng cần ít nhất 6-8 tháng để MAL Zrt. chuyển từ công nghệ thải bùn ướt hiện tại sang thải khô.

Sự chuyển đổi đã hoàn tất ngày thứ hai 28/02, trong vòng 6 tiếng - cuối cùng, hệ thống đường ống dẫn bùn đỏ lỏng đã được cắt đi và hàn lại để tránh việc công nghệ cũ có thể được tái sử dụng ở nhà máy. “Đất ướt” phát sinh trong quá trình áp dụng công nghệ mới sẽ được MAL Zrt. chứa tạm thời tại nhà máy, rồi họ sẽ chở bằng xe tải tới bể chứa số 10, củng cố vách đê chung giữa các bể chứa số 9 và 10.

Tại hiện trường, ông Kossa György - người đứng đầu Ủy ban Giám sát Nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý MAL Zrt. - cho hay: một bước tiến trọng đại đã được đi vào thực hiện mà không phải ngừng sản xuất. Theo ông, tại các bể chứa đang hoạt động, vẫn còn đủ chỗ cho một lượng bùn đỏ phát sinh trong vòng 4 tuần bởi công nghệ cũ, nhưng để trấn an cư dân và công luận trong nước, Nhà nước Hungary đã giục MAL Zrt. nhanh chóng chuyển đổi.

Kể từ nay, trở đi, sản phẩm phụ trong quá trình chế biến alumin tại Ajka sẽ là loại “đất ướt”, có tỉ lệ chất rắn trên 50% (so với 15% trước kia) và tỉ lệ này sẽ còn được gia tăng (trên 65%) sau khi hệ thống lọc được hoàn thiện trong tương lai.

Ông Bakonyi Zoltán, Tổng giám đốc Tập đoàn Nhôm Hungary Zrt., khẳng định rằng quá trình chuyển đổi công nghệ không khiến MAL Zrt. phải thuyên giảm nhân công, thậm chí, đã có thêm 15 người lao động được tuyển thêm để phục vụ dây chuyền sản xuất được tiến hành liên tục.

Từng bị tạm giam trên cương vị nghi can một tuần sau thảm họa bùn đỏ ở Ajka, vị Tổng giám đốc cho rằng sau khi bị đặt dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước, tập đoàn tư nhân của ông đã có sự phối hợp mẫu mực với chính quyền, và kết quả của sự đồng thuận xã hội là nhà máy alumin tại TP Ajka không bị đóng cửa, mà vẫn tiếp tục hoạt động có hiệu quả.

Trái với những ý kiến ban đầu của Ban lãnh đạo MAL Zrt., ông Bakonyi Zoltán nhấn mạnh: sự hiện diện của Nhà nước tại tập đoàn Nhôm Hungary không ảnh hưởng tới sản xuất alumin. Được biết, chi phí để chuyển đổi công nghệ là chừng 550 triệu Ft (2,75 triệu USD).

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn