Thuế ăn vào bữa cơm

Ánh Hồng – Hải Đăng

clip_image001

Giá nhiều mặt hàng tăng khiến đời sống của nhiều người dân gặp khó khăn - Ảnh: M.Đức

TT - Không chỉ người thu nhập thấp, hiện nhiều người có thu nhập khá cũng phải vật lộn vì khoản lương hằng tháng đang “teo” lại trước tốc độ tăng giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ hằng ngày.

Trong khi đó mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các khoản giảm trừ vẫn giữ nguyên khiến người nộp thuế cảm thấy việc đóng thuế thu nhập đang trở thành áp lực.

Lỗi thời so với giá cả

Theo nhiều người nộp thuế, mức 500.000 đồng không chỉ lỗi thời so với giá cả tiêu dùng mà còn lỗi thời ngay cả với chuẩn nghèo hiện nay của TP.HCM là 1 triệu đồng/tháng. Nhiều trường hợp người có con cái đi làm thêm, thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không được xem là người phụ thuộc. Như vậy là bất hợp lý.

Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang, với mức khởi điểm chịu thuế thấp như hiện nay cộng thêm khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế quá ngắn nên nhiều trường hợp thu nhập chỉ nhích lên một chút là đã rơi vào bậc thuế khác khiến số thuế phải nộp tăng lên đáng kể.

Áp lực khi phải đóng thuế

Sau nhiều ngày bàn bạc, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Minh (quận 9, TP. HCM) vừa đưa con gái thứ hai chưa đầy 2 tuổi về gửi ở nhà ông bà ngoại tận Quảng Ngãi nhờ chăm sóc một thời gian. Đây là quyết định khá khó khăn với vợ chồng anh Minh do cháu vẫn còn nhỏ. Nhưng bà xã anh Minh cũng muốn kiếm việc làm để có thêm thu nhập, trong khi gửi cháu ở nhà trẻ thì chi phí hằng tháng lên tới cả triệu đồng, một khoản tiền khá lớn so với thu nhập ít ỏi của anh.

Là nhân viên kinh doanh tại một công ty tư nhân ở quận 3, TP.HCM với mức lương 9 triệu đồng/tháng, anh Minh cho biết dù vợ chồng anh sống rất tằn tiện nhưng tháng nào cũng thiếu trước hụt sau do vẫn đang ở nhà thuê. “Tháng nào tôi cũng phải xin “viện trợ” từ bên nội mới đủ trang trải các chi phí, vậy mà hằng tháng tôi vẫn bị trừ thuế TNCN không thiếu một đồng...” - anh Minh bức xúc.

Tương tự, chị Ngọc Lan, nhân viên một công ty truyền thông tại quận 1, TP.HCM, cho biết thu nhập hằng tháng khoảng 9-10 triệu đồng, không có người phụ thuộc nên nộp thuế 250.000-350.000 đồng/tháng. Trước đây số tiền thuế này không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của chị, nhưng gần đây sinh hoạt phí đua nhau tăng: tiền thuê nhà từ 2 triệu đồng tăng lên 2,5 triệu đồng, tính luôn cả điện, nước, Internet khoảng 3 triệu đồng.

Trước đây chị Lan chi 1,5 triệu đồng/tháng cho việc ăn uống, nhưng bây giờ tiết kiệm lắm cũng hết hơn 2 triệu đồng. Chưa kể tiền xăng xe, điện thoại, mua sắm cho các nhu cầu cần thiết của cuộc sống, sinh nhật, đám cưới... cũng phải tăng theo thời giá. “Thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng nhiều người nghĩ là cao nhưng quay đi quay lại chỉ đủ lo cho bản thân. Đồng lương ngày càng teo tóp trong khi thuế thu nhập vẫn cố định”, chị nói.

Mức giảm trừ không đủ học phí

Cũng thuộc diện đang còn phải “ăn bám” cha mẹ nhưng hằng tháng vẫn bị trừ thuế TNCN là trường hợp anh Đặng Mậu Tùng - nhân viên phụ trách công việc chạy giấy tờ tại một văn phòng luật ở quận 1, TP. HCM. “Với mức lương chỉ 6 triệu đồng/tháng, khoản thuế TNCN tôi nộp không nhiều với chỉ 100.000 đồng/tháng, nhưng điều bất hợp lý là thu nhập còn không đủ sống nhưng vẫn phải nộp thuế...” - anh Tùng nói.

Theo anh Tùng, thời gian gần đây cái gì cũng tăng giá chóng mặt, trước đây đổ đầy bình xăng xe máy chỉ hơn 50.000 đồng thì nay lên tới 70.000 đồng, ngay cả ổ bánh mì thường ngày vẫn mua với giá 12.000 đồng/ổ nay tăng lên 15.000 đồng/ổ... Trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân anh vẫn duy trì 4 triệu đồng/tháng từ mấy năm nay! “Chuyện điều chỉnh giá xăng, giá điện... cho phù hợp với giá thị trường phải chịu, vì Nhà nước không thể bao cấp mãi, nhưng cũng phải tính toán lại khoản thu nhập được giảm trừ sao cho phù hợp với mức sống của người lao động” - anh Tùng cho hay.

Còn theo anh Nguyễn Thanh Minh, điều bất hợp lý nhất của thuế TNCN là khoản giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc chỉ có 1,6 triệu đồng/người/tháng. Anh Minh tính toán chỉ riêng học phí và chi phí ăn ở nội trú của đứa con đang học lớp 2 đã xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng, tiền sữa mỗi ngày một hộp cho cháu cũng hết 200.000 đồng/tháng, rồi tiền ăn uống hằng ngày của cháu, chưa kể tiền sách vở, giấy bút, quần áo, giày dép và thuốc men khi cháu đau ốm...

“Ngay cả đối tượng phụ thuộc là cháu nhỏ còn học tiểu học thì chi phí các khoản cũng đã vượt xa con số giảm trừ gia cảnh. Với những trường hợp các cháu đang học phổ thông hoặc đại học, như hai đứa con chúng tôi, số tiền giảm trừ gia cảnh thậm chí không đủ đóng học phí và mua sách vở...” - chị Dương Thu Thanh, một phụ huynh tại phường 5, Bình Thạnh, TP.HCM, nói.

Theo chị Thanh, chỉ riêng chuyện lạm phát mấy năm qua cũng đã làm cho thu nhập của người làm công ăn lương bị teo lại trong thực tế, nhất là trường hợp không được tăng lương, trong khi các khoản giảm trừ cho người đóng thuế vẫn giẫm chân tại chỗ là điều quá bất hợp lý, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.

A. H. – H. Đ.

Nguồn: Tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn