Lòng tin và cách ứng xử bất nhất

Nguyễn Quang A

imageSGTT.VN - Lòng tin là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển đất nước, để cho cơ chế thị trường hoạt động suôn sẻ, để cho các chính sách của Nhà nước phát huy hiệu lực.

Lạm phát, cách ứng xử của các nhà chức trách với việc tăng giá (cũng như nhiều chuyện khác) có thể củng cố hay hủy hoại lòng tin.

Ngày 25.4.2006, ông Vụ trưởng thị trường trong nước của Bộ Thương mại tuyên bố chắc nịch với báo giới, “chưa tăng giá xăng”. Hai hôm sau, ngày 27.4.2006 Bộ có quyết định tăng giá xăng thêm 1.500 đồng/lít.

Ngày 7.8.2006 cũng ông vụ trưởng ấy nói “chưa tăng giá xăng”, rồi cũng hai ngày sau, Bộ quyết định tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít lên mức 12.000 đồng/lít. Giá xăng dầu thế giới lúc đó là 75 – 76 USD/thùng. Báo Sài Gòn giải phóng khi đó đã có bài với cái tít “Dối dân – tội gì?”. Khi đó TS Lê Đăng Doanh bình luận rằng chẳng có gì phải bí mật “đánh úp” người dân với quyết định bất ngờ cả.

Giá xăng biến động lúc lên lúc xuống, đỉnh điểm là ngày 21.7.2008 giá lên đến 19.000 đồng/lít (khi giá dầu thô thế giới ở mức 130 USD/thùng) rồi giảm dần về mức 12.000 đồng/lít vào cuối năm 2008. Giá xăng biến động theo giá thế giới, không ai thắc mắc chuyện đó cả mà người ta mất lòng tin bởi sự bất nhất của nhà chức trách.

Giá xăng, giá điện, tỷ giá khá căng thẳng ngay từ đầu năm 2011. Sau những thời kỳ nhạy cảm khó điều chỉnh, chỉ hơn một tuần sau tết, ngày 11.2.2011, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD với mức 9,3%. Từ ngày 18 – 22.2.2011, Bộ Công thương liên tục chỉ đạo bình ổn thị trường xăng dầu. Ngày 24.2.2011, có quyết định giá xăng tăng từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít (giá dầu thô lên mức 100 USD/thùng). Giá điện tăng 15,3% từ ngày 1.3.2011. Giá cả đã tăng cao trong tháng 1 và tháng 2. Sang tháng 3, sau tết, thông thường giá giảm. Đáng tiếc, năm nay ba đợt tăng giá ồ ạt ở mức cao của USD, xăng dầu, điện, như vừa nêu, đã đẩy giá cả tăng ở mức khó kiểm soát.

Giữ vững sức mua của đồng tiền quốc gia, kiến tạo và giữ lòng tin của người dân, doanh nghiệp với nhau và với Nhà nước là hai trong không nhiều nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 so với tháng trước là 2,17% khiến cho CPI của ba tháng đầu năm đã lên đến 6,12% (so với tháng 12.2010). CPI quý 1 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 12,79%. Nếu muốn đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là CPI cả năm không quá 7% thì mức tăng CPI của cả ba quý còn lại chỉ còn 0,82%.

Quốc hội khoá 12 họp phiên cuối cùng và phiên họp kết thúc vào chiều tối 29.3.2011. Bốn tiếng đồng hồ sau giá xăng dầu tăng từ 10,3% đến 15,3%. Báo chí lại nói đến chuyện “đánh úp” như năm năm về trước. Với quyết định này giá cả tháng 4 sẽ còn tăng và chắc là CPI của tháng 4 sẽ không dừng ở mức 0,82%, cho nên CPI của bốn tháng đầu năm hẳn nhiều khả năng sẽ vượt mức 7% mà Quốc hội đề ra cho cả năm!

Giữ vững sức mua của đồng tiền quốc gia, kiến tạo và giữ lòng tin của người dân, doanh nghiệp với nhau và với Nhà nước là hai trong không nhiều nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước.

Đồng tiền quốc gia mất giá, lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người, khiến cho những người có thu nhập thấp và người nghèo khốn đốn đến mức khiến Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp an sinh xã hội với hàng ngàn tỉ đồng. Ngay cả khi được thông tin chính xác, kịp thời, thì lạm phát gia tăng vẫn hủy hoại nghiêm trọng lòng tin của người dân và của doanh nghiệp vào đồng tiền quốc gia, vào sự điều hành của các cơ quan nhà nước.

Hơn thế nữa, cách can thiệp “giật cục”, ứng xử bất nhất của các nhà chức trách với các đợt tăng giá vừa rồi cũng như nhiều đợt tăng giá xăng dầu từ nhiều năm nay, cùng với lạm phát gây ra cơn bão giá đã và đang góp phần hủy hoại lòng tin nơi người dân. Lòng tin bị hủy hoại chính là tác hại rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.

N.Q.A.

Nguồn: news.yahoo.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn