Ngư – Tiều hỏi đáp

về kết quả của công cuộc “Cải cách hành chánh” hiện nay của Chánh phủ và tương lai của cuộc cải cách ấy

Bình Tâm

Để không lầm lẫn với tác phẩm Ngư-Tiều vấn đáp sẵn có trong văn học, chúng tôi gọi bài phỏng vấn của mình là Ngư-Tiều hỏi đáp.

Ngư phủ là ông câu sống hàng ngày với sông biển mênh mang nên thường cũng đặt những câu hỏi đậm hơi hướng mênh mang.

Tiều phu là người đốn củi mà cuộc sống hàng ngày gắn liền với rừng rú nên câu trả lời cũng phảng phất sắc màu rừng rú.

Sau đây là câu chuyện hỏi đáp giữa chúng tôi:

Ngư phủ: Bác Tiều có hiểu gì về công cuộc cải cách hành chánh quốc gia mà Chánh phủ ta đã khởi động trong 10 năm qua?

Tiều phu: Rất hoành tráng và đầy hoa mỹ. Người sống với rừng như tôi không thể hiểu hết được!

Ngư phủ: Vậy bác đánh giá thế nào?

Tiều phu: Ừ thì Chánh phủ đã làm thì thế nào mà chẳng có cái được và có cái chưa được. Song cái được thì vẫn là cơ bản, còn thiếu sót thì vẫn là thứ yếu và sẽ được nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Ngư phủ: Đúng bác là nhà tiên tri! Ngày mai Chánh phủ mới tổng kết mà sao bác đã biết trước?

Tiều phu: Ừ, hội nghị nào và cuộc tổng kết nào mà chẳng nói thế! Nghe mãi đâm ra thuộc lòng chứ tiên tri cái quái gì!

Hơn nữa, như một chuyên viên cao cấp của CP đã nêu, nếu đánh giá không dựa trên chất lượng, tức kết quả hữu ích của công việc được cuộc sống chấp nhận mà [...] đánh giá dựa trên số lượng những công việc đã làm, như cách đánh giá mà các cơ quan hành chính của chúng ta thường làm. Theo cách này thì có thể "kể công" cho CCHC không ít“. (Bài 'Bỏ kiểu mẹ hát con khen hay' của tiến sĩ Đặng Đức Đạm - nguyên Phó trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng - đăng trên VNN)

Ngư phủ: Vậy theo bác thì được là cái gì và chưa được là cái gì?

Tiều phu: Được là nhà nước không phải thất nghiệp mà có cái để làm và có cớ để chi tiền từ NSNN. Không được là càng cải tiến thì tình hình càng tệ hơn, dân càng bị “hành” nhiều hơn và tinh vi hơn, tham nhũng ngày càng lộng hành hơn, văn bản ngày càng lắm thứ hơn, thủ tục ngày càng rườm rà hơn, bộ máy ngày càng phình to hơn…

Ngư phủ: Vậy theo bác là tại sao?

Tiều phu: Thứ nhất là tại chương trình cải cách này do chuyên gia đề xuất, mà người đề xuất lại không phải phải là người thực hiện; còn người thực hiện thì không biết chuyên gia đề xuất những gì!

Ngư phủ: Ví dụ?

Tiều phu: Bài 'Bỏ kiểu mẹ hát con khen hay' của tiến sĩ Đặng Đức Đạm (nguyên Phó trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng) đăng trên VNN một ngày trước hội nghị tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 2001 - 2010 và thảo luận chương trình 10 năm tới (2011 - 2020) có nói:

Rường cột của bất cứ nền hành chính nhà nước nào cũng phải là bộ máy và công chức, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn cải cách có kết quả thực sự thì phải đột phá vào chính những khâu quan trọng nhất này. Tất nhiên đây là việc khó, nhưng vì thấy khó mà không tập trung sức để làm, lại chọn khâu đột phá ở đâu đâu thì không giải quyết được vấn đề‘‘.

Lời phát biểu này chứng tỏ không phải giới chuyên gia chân chính không nhìn thấy bản chất của vấn đề, còn người điều hành lẫn người thực hiện thì làm theo kiểu “không chuyên và vụ lợi“, cái cần làm thì không làm, chọn dễ bỏ khó, chọn số lượng hơn chất lượng, đánh đá “lộn sân“, chỉ huy điều hành và thực hành thiếu đồng bộ v.v., vì vậy làm sao tránh khỏi tiêu cực trỗi dậy như "Cỏ dại sau mưa"?

Ví dụ : Đảng & Nhà nước bảo không được hành dân mà họ lại cứ hành dân, bảo không được tham nhũng thì họ lại cứ tham nhũng, bảo tinh giản biên chế thì họ lại cứ đẻ thêm phòng – ban….

Ngư phủ: Tại sao vậy?

Tiều phu: Trên tổng thể là tại làm theo qui trình ngược, nên kết quả hặt hái làm sao mà không ngược?

Ngư phủ: Thế nào là qui trình ngược?

Tiều phu: Thế này nhé! Cải cách hành chánh được đặt trọng tâm và bắt đầu từ khâu cải cách thể chế, mà thể chế là do cơ chế đẻ ra, mà cơ chế thì do guồng máy đẻ ra, guồng máy là do cấu trúc đẻ ra, cấu trúc là do mua sẵn hàng cũ “quá đát” nhập ngoại, hàng cũ nhập lại là do ông chủ muốn vậy.

Cái gốc đẻ ra sự yếu kém của Nhà nước ta là con người và bộ máy ở từng cấp, từng lĩnh vực thì ở đó không được cải cách mà lại đặt trọng tâm và bắt đầu cải cách từ thể chế, từ cái ngọn thì kết quả hặt hái mà không ngược thì mới là lạ (hay đặt trọng tâm và bắt đầu từ cái gì đi nữa, nếu không từ con người và bộ máy, cũng đều là cái ngọn).

Ngư phủ: Thế cái sai bắt đầu từ cách xác định khâu đột phá?

Tiều phu: Đúng vậy! Các nước tư sản thì họ cải cách trên cơ sở guồng máy đã được kiện toàn qua nhiều thế kỷ, cơ chế đã được ổn định trên cơ sở nhận thức của con người đã được nâng cao cả về nhà cầm quyền lẫn người dân ở trình độ được đánh giá là một nước “phát triển’ thì ở một hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu cụ thể nào đó họ chọn khâu đột phá là khâu thể chế là đúng, hoặc từ khâu tổ chức cũng là đúng, hoặc từ khâu con người cũng là đúng; còn ở ta là từ một guồng máy với cấu trúc và cơ chế nhằm phục vụ cho chế độ quan liêu độc quyền về mặt nhà nước lẫn về mặt kinh tế với mặt bằng nhận thức cả về phía nhà cầm quyền lẫn về phía công chúng còn ở trình độ “đang phát triển”, chưa quan niệm đầy đủ về công việc của đang làm và sắp làm, khái niệm về nhà nước, về kinh tế còn chưa thống nhất thì lấy khâu đột phá từ cải cách thể chế là không tưởng, là một bắt đầu sai qui trình; làm sao có thể trở thành động lực mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền, để thúc đẩy tăng trường kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội cho được?

Ngư phủ: À ra vậy! Vậy thì cuộc cải cách này là gì và rồi sẽ ra sao?

Tiều phu: Cái cốt lõi thì không làm, và không dám làm thì đó đích thị là quan điểm của trường phái “Cải lương” và cung cách của những người đang mò mẫm vì không chuyên nghiệp.

Còn bác hỏi việc này rồi sẽ ra sao hả? Thì lại tiếp tục nữa chớ sao! Chánh phủ lại có việc làm dài dài, lại có dịp trình diễn những đề án vô bổ(*) và tốn kém hàng ba bốn ngàn tỉ đồng(**) để rồi lại thất bại, để rồi lại có hậu đề án cũng tốn kém không ít để khắc phục đề án trước, để rồi cuộc đời lại phải chịu đựng dài dài, cái vòng luẩn quẩn lại luẩn quẩn dài dài & cứ thế mà dài mãi ra cho đến khi không dài được nữa, bác có biết không? Đầu không xuôi thì đuôi không lọt. Bắt đầu sai là thể hiện của một nhận thức sai về công việc đang làm, đồng thời cũng là thể hiện của một phương pháp sai đang được tiến hành. Biết trước hết rồi, thôi bác đừng hỏi nữa!

NGƯ TIỀU (Cùng lập biên bản cuộc mạn đàm & cùng ký tên)

(*) “Đề án 30” là Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 – 2010, nhưng kết quả thực tế thì hoàn toàn ngược lại: … càng cải tiến thì tình hình càng tệ hơn, dân càng bị “hành ” nhiều hơn và tinh vi hơn, tham nhũng ngày càng lộng hành hơn, văn bản ngày càng lắm thứ hơn, thủ tục ngày càng rườm rà hơn, bộ máy ngày càng phình to hơn…).

(**) Chỉ riêng “Đề án 112” về ”Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2007 – 2010” của Chính phủ đã có giá trị từ 3.800 - 4.000 tỷ đồng đã thất bại do tham nhũng, rồi chương trình mới thay thế Đề án 112 (gọi tắt là chương trình 64) sau đó lại ra đời, đến nay cũng chưa biết „ chương trình 64 - đề án hậu 112“ này lại ngốn thêm bao nhiêu tiền của nhân dân nữa và đã thành công hay thất bại.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn